Review Age of Samurai: Battle for Japan – Nghe người Mỹ kể sử Nhật

Bài Tri Duc

Bộ phim tài liệu - dã sử Age of Samurai: Battle for Japan của Netflix chiêu đãi người yêu thích văn hóa samurai Nhật Bản bằng những trận chiến đẫm máu, hoành tráng và ấn tượng. Nhưng thật đáng tiếc, dù quy tụ đến khá nhiều nhà sử học nhưng bộ phim tư liệu này lại không thể đưa ra bài học gì sâu sắc cho khán giả.

Series phim Age of Samurai: Battle For Japan là loạt phim tài liệu Netflix gồm sáu phần khắc họa lịch sử đẫm máu của Nhật Bản thế kỷ 16, thời kỳ Chiến Quốc (Sengoku Jidai) tranh giành quyền lực của các gia tộc và đại chiến của các lãnh chúa tỉnh. Bộ phim khiến khán giả phải rùng mình về những sự kiện rúng động, các trận chiến kinh hoàng được tái hiện công phu như một tác phẩm sử thi điện ảnh bom tấn. Tuy nhiên, với dàn ekip sản xuất đông đảo từ phương Tây, series không tránh khỏi lối kể chuyện kịch tính, thiếu chiều sâu khi xây dựng chân dung quốc gia đậm nét văn hóa châu Á như Nhật Bản.

Tác phẩm bắt đầu vào năm 1551 với cái chết của lãnh chúa vĩ đại Oda Nobuhide cùng sự trỗi dậy của người con trai lớn không được lòng mọi người, Oda Nobunaga. Lúc này, tình hình ở Nhật Bản vốn dĩ đã rối ren nên việc Nobunaga nắm quyền chỉ khiến cho những xung đột càng thêm sâu sắc. Âm mưu chính trị, sự cải cách trong nghệ thuật quân sự và những trận chiến không khoan nhượng đã làm nên một trong những thời đại bạo lực và hấp dẫn nhất trong lịch sử Nhật Bản.

Phim tài liệu nhưng công phu như điện ảnh

Ngay trong tập đầu tiên, Age of Samurai: Battle For Japan đã cho thấy sự đầu tư kỳ công vào trang phục, diễn biến, các cảnh chiến đấu… Khi xem một bộ phim tài liệu lịch sử, khán giả thường không đặt quá nhiều kỳ vọng vào phần minh họa. Đó có thể là một vài người mặc trang phục xưa, diễn lại các cảnh quan trọng đồng thời chèn thêm hiệu ứng.

Tuy nhiên với phần phim Netflix thì phần này được đặt lên một tầm cao mới. Không chỉ các diễn viên được tuyển chọn cho vai diễn cực kỳ nhập tâm, mà từ trang phục, vũ khí đến quy mô các trận chiến không thua kém gì một bộ phim dã sử. Thay vì nghĩ rằng đang nghe các nhà sử gia bình luận trong một phim tài liệu, thì khán giả có cảm giác như đang xem một loạt phim gay cấn bởi các tình tiết nghẹt thở, hoành tráng. Cảnh phim các toán quân phục kích, sau đó là màn cận chiến hỗn loạn, kinh hoàng được chăm chút đến từng chi tiết. Có thể nói về mặt hình ảnh, Age of Samurai: Battle For Japan đã xác lập một tiêu chuẩn mới cho phim tài liệu.

Sáu tập phim dài bốn mươi phút của Age of Samurai làm mọi thứ trong khả năng để tập trung khắc họa mức độ tàn bạo của các cuộc chiến thời kỳ này. Trung tâm của bộ phim là bạo lực, tàn nhẫn, hành hạ với các phân cảnh chiến đấu diễn ra dày đặc hơn nhiều so với hầu hết các phim tài liệu chiến tranh khác. Mỗi tập phim đều có ít nhất một vụ chặt đầu hoặc một người nào đó tự sát theo nghi thức.

Màu phim đẹp mắt

Một điều khán giả dễ để ý khi xem Age of the Samurai: Battle for Japan là việc sử dụng màu sắc. Tông màu phim chủ yếu là màu xám, đen, tuy nhiên đến những khoảnh khắc đặc biệt bỗng dưng xuất hiện một mảng màu nào đó rất bắt mắt. Cho dù đó là họa tiết trên bộ áo giáp tinh xảo hay vệt máu đỏ đậm trong các cảnh chiến đấu, những khoảnh khắc này không đem tới sự thỏa mãn về thị giác mà chúng còn ám chỉ đến nghệ thuật Nhật Bản.

Matthew Booi, nhà sản xuất của loạt phim chia sẻ: “Chúng tôi lấy cảm hứng từ truyện tranh và lịch sử hoạt họa ở Nhật Bản. Khi bạn nhìn vào bố cục của loạt phim, bạn sẽ có cảm giác như mình đang đọc một cuốn manga. Nó có vẻ ngoài đen trắng bàng bạc cho đến khi một vệt màu bắt mắt xuất hiện: đó có thể là vết mực, mảnh áo giáp hay dòng máu đỏ tươi.”

Nhưng tiếc thay! Cốt truyện thiếu chiều sâu

Có vẻ như khi tập trung đầu tư vào phần hình ảnh, các nhà làm phim đã quên mất linh hồn của một tác phẩm nằm ở nội dung mà nó truyền tải. Câu chuyện về samurai và thời đại bạo lực của họ không mới, vậy nên rất cần một khía cạnh khác hoặc ít nhất cung cấp cái nhìn đa chiều về giai đoạn này. Những điều đó, series phim này không làm được.

Age of Samurai tập trung quá nhiều vào khía cạnh chiến tranh mà bỏ qua mọi thứ khác. Mặc dù nhồi nhét rất nhiều sự kiện lịch sử xuyên suốt, nhưng rất hiếm khi bộ phim tập trung vào các nhân vật chủ chốt trong thời kỳ này là con người. Các nhân vật xuất hiện và hành động rập khuôn theo kịch bản sẵn có. Ví dụ, người ta chỉ biết Oda Nobunga xuất hiện đường đột trong đám tang người cha và giành lấy quyền lãnh đạo gia tộc mà không hề biết những gì xảy ra trước đó. Kiểu kể chuyện chỉ lấy những gì nổi bật, ồn ã nhất để xây dựng cái gọi là chân dung nhân vật rất thường thấy ở phong cách làm phim phương Tây.

Bên cạnh các cảnh chiến đấu, một số miêu tả về nhân vật lịch sử và các khía cạnh của văn hóa Nhật Bản khiến người xem nhất là người châu Á và đặc biệt người Nhật Bản hẳn cảm thấy rập khuôn. Các nhân vật chủ yếu là những kẻ lỗ mãng uống rượu sake và la hét trên chiến trường. Cách con người được khắc họa có cảm giác rất một chiều, giống như lấy những gì đặc trưng nhất của Nhật Bản để đắp lên và gọi đó là lịch sử.

Nhìn chung, Age of Samurai: Battle for Japan ban đầu có thể giống như một bài học lịch sử, nhưng cuối cùng thì những trận chiến đẫm máu cũng trở nên quá đà và mệt mỏi. Đây là kiểu phim tài liệu dạng giải trí xem cho vui chứ không để lại kiến thức gì sâu sắc. Nếu bạn là người ưa thích dạng phim nói ít minh họa nhiều, đây có thể là tác phẩm hợp lý cho một ngày cuối tuần không biết xem gì trên Netflix.

Du

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Như Ngọc – Hình ảnh: Netflix

No more