Review phim Alice in Borderland: Sự sống đáng giá bao nhiêu?

Bài ELLE Man

Bên cạnh một loạt các phim kinh dị đình đám về zombie, quái vật, tận thế trong năm 2020; phim Alice in Borderland vẫn có một chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả. Âm hưởng kinh dị của phim không đến từ một thế lực siêu nhiên nào, mà tới từ sự tàn khốc trong cách con người đối xử với nhau trong tình huống ngặt nghèo.

Bộ phim Alice in Borderland xoay quanh nhân vật chính Arisu (Yamazaki Kento) – một thanh niên thất nghiệp, bị bố cho là vô dụng và luôn thiên vị người em trai. Hai người bạn của anh có cuộc sống không khá khẩm hơn. Karube (Keita Machida) làm việc tại một quán bar, quan hệ với nhân viên nữ tại quán và bị đuổi việc. Còn Chota (Yuki Morinaga) là một nhân viên văn phòng hiền lành, anh phải chịu áp lực từ công việc và người mẹ chỉ biết xin tiền. Chán chường cuộc sống, ba người bạn hẹn nhau ở ga Shibuya để uống rượu giải sầu. Thước phim lặp đi lặp lại hình ảnh dòng người qua lại tấp nập, dáng vẻ ai cũng bận rộn. Lạc khỏi dòng chảy đó, ba người bạn đứng nép một góc đường, yên lặng quan sát. Cinema Escapist nhận định rằng họ “tiêu biểu cho sự bi quan ảm đạm cản trở xã hội Nhật Bản hiện đại.”

Tuy nhiên, không khí yên lặng của nhóm bạn sớm bị phá tan bởi trò đùa vô thưởng vô phạt. Đây cũng là tình huống dẫn đến việc họ bị kẹt lại trong thế giới giả tưởng Borderland. Tờ The Japan Times gọi Arisu là “Alice” của thế giới Borderland. Nhưng thay vì anh rơi vào hố thỏ như “Alice in Wonderland” thì Arisu bước vào một buồng vệ sinh công cộng tại nhà ga Sibuya. 

Alice in Borderland được công chiếu vào tháng 12/2020 trên Netflix và hiện tại (tháng 1/2021) vẫn đang nằm trong top 10 trending.

Review

“Cái giá nào để trả cho sự sống?”

Mô típ đấu trường sinh tử không mới mẻ. Ý tưởng của bộ phim Alice in Borderland có nhiều điểm chung với As The God’s Will (2014)Tag (2015)

Tuy nhiên, điểm lôi cuốn của bộ phim nằm ở thông điệp nó đem lại. Cây bút Xingting Gong đặt câu hỏi trên trang Cinema Escapist: “Cái giá nào để trả cho sự sống?” Đó là việc đánh đổi bằng cái chết của bạn bè hay bán rẻ đạo đức của bản thân? Mỗi trò chơi tương ứng với một lá bài Tây, kí hiệu trên lá bài tương ứng với thể loại trò chơi (bích là thể lực, tép là đồng đội, rô là đấu trí, cơ đánh vào tâm lý con người). Trò cơ là trò chơi khó nhất, mục đích thực sự của nó là kéo người chơi vào một cuộc lừa đảo, đùa cợt với tinh thần.

Một phân cảnh phim gây ám ảnh đối với người xem, sau khi kết thúc trò chơi thứ hai, Arisu nhận ra kẻ thù của mình – trong lốt ác quỷ xả súng – chỉ là một bà cô trung niên, một người bình thường đang tuyệt vọng giành giật sự sống y như cậu. Liệu khi biết rằng sau lớp mặt nạ ngựa là một con người vô tội khác thì Arisu có cố gắng giành chiến thắng, đổi lại là họ phải chết hay không? Các trò chơi phơi bày dáng vẻ của con người ở trạng thái dễ bị tổn thương và cũng là nguyên thủy nhất. Bên cạnh một số người chiến thắng là vô số người đã chết. Cái giá của sự sống trở nên quá “đắt đỏ” trong thế giới Borderland. Khán giả không chỉ theo dõi hành trình nhân vật tham gia các trò chơi mà còn quan sát họ dằn vặt khi đặt phẩm chất lên cán cân với sự sống còn. Không có thiên thần hay ma quỷ trong bộ phim, chỉ có con người phải đối mặt với bản năng để tồn tại.

Bộ phim được chuyển thể từ manga cùng tên.
List

Xã hội Nhật Bản thu nhỏ trong Alice in Borberland

Mỗi nhân vật trong phim đều có vai trò đại diện cho một nhóm người trong xã hội Nhật Bản. Giữa bức tranh tối tăm của Borderland, Arisu là kiểu nhân vật “good guy” đóng vai trò quan trọng, được coi là “điểm neo” của lương tri. Không giống cách xây dựng nhân vật anh hùng điển hình, nhân vật này được xây dựng có sự phát triển tích cách từ “zero” đến “hero”. Trong thế giới thực, Arisu bị gia đình cho là vô dụng, cả ngày ở nhà chơi game. Nhưng với đầu óc yêu thích các trò chơi điện tử khiến anh trở thành tuýp người hoàn hảo để tồn tại trong thế giới Borderland. Bạn đồng hành của Arisu là Usagi (Tao Tsuchiya). Trái ngược với sự bất cần và suy sụp của Arisu sau khi mất bạn thân, Usagi là một cô gái lạnh lùng và có ý chí. Cô đại diện cho phần đông những người thành công trong xã hội Nhật Bản: cô độc, có năng lực và tự dựa vào bản thân. Trong season 1, hai nhân vật này không có nhiều tương tác lãng mạn, nhưng mối quan hệ này hứa hẹn có sự phát triển trong các mùa sau. 

Tạo hình của Arisu và Usagi trong manga.
Tạo hình của cả hai trong live-action.

Bên cạnh đó, mặc dù là quốc gia có nền kinh tế phát triển nhưng xã hội Nhật Bản luôn tạo ra áp lực quá mức đối với người trẻ. Shibuki không phải nhân vật ác, cũng không lương thiện, cô đại diện cho một nhóm người vụ lợi trong xã hội. Hé lộ nhiều hơn về quá khứ và nỗi đau khổ của Shibuki, khán giả vừa thấy thương vừa thấy ghét. Trong thế giới thực, cô sử dụng mối quan hệ thể xác để được thăng tiến trong công việc. Trong Borderland, cô sẵn sàng loại bỏ người khác để được sống sót.

Đồng thời, xã hội Nhật Bản đề cao tính tập thể, dòng chảy này bài trừ mọi xu hướng ngoại lai, không phổ biến khác. Takatora Samura (Yanagi Shuntaro) điển hình của một ẩn sĩ thời hiện đại ở Nhật Bản – những người được định nghĩa là đã trải qua sự cô lập về thể chất, trốn tránh cộng đồng và chịu đau khổ tâm lý kéo dài. Họ luôn là những người đứng bên lề xã hội. Samura sống ẩn dật trong căn phòng tối và dành toàn bộ thời gian để viết blog với 0 lượt xem. Và khi đến Borderland, anh mới khám phá ra cảm giác được giải phóng và mục đích sống. Tuy nhiên, mục đích sống này xảy ra khi anh chứng kiến sự sống của bản thân đánh đổi bằng sự chết chóc của những người xung quanh. Trong phần mở đầu phim, nhóm bạn của Arisu than thở rằng “mong muốn đi đến một nơi không xã định”. Thế giới Borderland quả thật là lời hồi đáp tàn khốc đối với họ.

Haro Aso – tác giả của bộ truyện manga cho biết các nhân vật trong bộ truyện dựa trên chính trải nghiệm cá nhân. Trong ghi chú sản xuất do Netflix phát hành, có trích dẫn lời Aso: “Tôi đã nhìn lại những gì của mình vào năm 20 tuổi và tạo ra Arisu dựa trên sự thiếu định hướng của bản thân vào thời điểm đó”. Các nhân vật trong Borderland đại diện cho một xã hội Nhật Bản thu nhỏ, khác biệt với hiện thực duy nhất ở việc: Borderland đẩy họ vào những hoàn cảnh ngặt nghèo. Nơi con người bộc lộ bản năng, họ lợi dụng, giẫm đạp, giết chóc lẫn nhau. Nhà văn nổi tiếng tại Nhật Bản – Haruki Murakami – từng chia sẻ cảm giác của mình về hiện thực: “Trong sâu thẳm thế giới hiện thực này dường như có một thế giới khác mở ra, trong đó có vô số những con bọ nhung nhúc, đục ruỗng nhân cách, phẩm chất con người”.

Các nhân vật trong Alice in Borderland đối mặt với thử thách.

Mặc dù là một bộ phim thương mại với tiết tấu nhanh, nhiều kịch tính; nhưng Alice in Borderland vẫn có nhiều phân đoạn lắng đọng cảm xúc. Sau cuộc giành giật sự sống với lương tri, các nhân vật dằn vặt về sự tồn tại của mình trong thế giới Borderland. Phân đoạn Arisu mất bạn bè sau trò chơi 7 cơ, anh suy sụp, tuyệt vọng nằm dài giữa đường phố hoang toàn. Đó là cảm xúc “rất người” hiếm hoi xuất hiện trong toàn bộ series. Sự cô độc, đau buồn vì mất người thân vốn là điều dễ hiểu. Những trong thế giới Borderland, điều này lại trở nên xa xỉ.

Rốt cuộc, “Cái giá nào để trả cho sự sống?” vẫn là một câu hỏi khó trả lời. Đó có thể là cái chết của vô số người trong trò chơi 10 cơ ở cuối season 1 hay sự trưởng thành, thay đổi của những người còn sống. Mùa 2 hứa hẹn nhiều mất mát khốc liệt hơn và có lẽ cái giá Arisu phải trả để sống sót cũng sẽ đắt đỏ hơn nữa. Tuy nhiên, khán giả vẫn có thể trông đợi vào một màn giải đố mãn nhãn của một Arisu thông minh, dũng cảm và lương thiện.

11

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Phương Thảo

Hình ảnh: Netflix

No more