Review phim Eden – Liệu thế giới có cần sự tồn tại của loài người?

Bài Tri Duc

Tựa phim hoạt hình Eden vẽ ra một thế giới vắng bóng con người đầy bình yên và đẹp đẽ với những gam màu tươi sáng. Bộ phim thành công khi kết hợp phong cách hoạt hình 2D vẽ tay truyền thống với hoạt hình 3D, bộ phim đồng thời gợi nhớ lại những tác phẩm anime kinh điển thập niên của Ghibli trong thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước.

Tiếp tục thành công từ chuỗi dự án anime ngắn tập của Netflix, Eden với bốn tập phim được ra mắt vào 27/5 là bộ phim hoạt hình phù hợp với trẻ nhỏ trong ngày quốc tế thiếu nhi vừa qua. Đây là dự án đầu tiên của Qubic Pictures, xưởng phim hoạt hình mới thành lập vào năm 2018 của Justin Leach, được biết tới nhiều qua vai trò nhà sản xuất của anime ngắn gây tiếng vang Kick-Heart (2013). 

E92 cùng A37 nuôi dưỡng Sara.

Eden được phát triển từ ý tưởng gốc của Justin Leach với sự chỉ đạo bởi Yasuhiro Irie, nổi tiếng với vai trò đạo diễn của bộ anime đình đám Fullmetal Alchemist: Brotherhood. Bộ phim lấy bối cảnh 1,000 năm sau khi con người biến mất khỏi trái đất. 

Thế giới trong Eden được thống trị bởi những chú robot có trí thông minh nhân tạo và được đứng đầu bởi một người máy độc tài có tên là Zero với lệnh cấm mọi cuộc bàn luận và bằng chứng về sự tồn tại của loài người. Bỗng một ngày, hai chú robot A37 và E92 tình cờ phát hiện một bé gái loài người tên là Sara và cả hai đã bất chấp quy định để nuôi dưỡng đứa trẻ. 

Robot độc tài Zero
Top

Khi trái đất vắng bóng con người

Eden mở ra trong tập phim đầu tiên là một nơi bình yên với những chú robot chăm chỉ làm việc ở những cánh đồng táo bạt ngàn xanh tươi. Với việc sử dụng những gam màu tươi sáng một cách liên tục như lục đậm của lá cây và đỏ rực của trái tạo, đạo diễn Irie đã thành công trong việc mô tả một môi trường sống trong lành và sạch sẽ. 

Khung hình tươi sáng đầy sự hi vọng về một thế giới đẹp đẽ.

Bộ phim không chỉ khêu gợi một cách mường tượng mà trực tiếp vạch ra vấn nạn ô nhiễm môi trường mà con người là nguyên nhân chính. Việc tàn phá thiên nhiên và phát triển không bền vững đã dẫn đến một thế giới ngập tràn rác thải và dịch bệnh, nơi con người không thể tồn tại và đã phải nhường chỗ cho robot. 

Hành trình bỏ trốn khỏi Zero của E92 và A37

Tuy nhiên, thế giới chỉ có robot của Eden dù được khắc họa rất đẹp đẽ nhưng lại buồn chán và tẻ nhạt cho tới lúc Sara xuất hiện với những nụ cười và tiếng khóc của một đứa trẻ nhỏ. Cảm xúc của bộ phim được dâng lên theo sự trưởng thành của Sara cùng những chú robot gợi ra mâu thuẫn chính: “Liệu thế giới có cần sự tồn tại của loài người?”

Sara khi trưởng thành

 

Liệu con người có xứng đáng được tồn tại

Từ ngay tiêu đề của bộ phim, Eden khiến người xem phải liên tưởng tới Vườn địa đàng trong Kinh thánh với câu chuyện thường được dùng để giải thích về nguồn gốc tội lỗi và sai phạm của loài người. Trái ngược lại, Vườn Eden trong phim là nơi ở của những chú robot vô tri vô giác được cô bé Sara mang lại những xúc cảm. Khoảnh khắc ngọt ngào nhất của bộ phim tới từ phân cảnh Sara cùng những chú robot khiêu vũ dưới nền nhạc của loài người. 

Sara cùng các chú robot khiêu vũ.

Trong hai tập sau, nhịp phim được đẩy lên cao trào một cách gấp gáp với việc Sara khám phá ra bí mật về sự tồn tại của con người trong thế giới Eden và phải đối đầu với sự tàn độc của Zero để giải cứu họ khỏi tình trạng ngủ đông. Bộ phim kết thúc bằng màn đánh nhau hoành tráng và hấp dẫn về mặt thị giác giữa Sara và Zero nhưng lại thiếu thốn về mặt nội dung. 

Sara và Zero điều khiển hai đại robot đánh nhau.

Câu hỏi của bộ phim được Leach cùng đội ngũ sản xuất giải quyết một cách vội vàng khiến người xem hoặc không cảm nhận được câu trả lời hoặc khó lòng thỏa mãn với lời giải đáp đơn giản và không có điểm nhấn. Tuy vậy, Eden mang lại một cảm giác tràn đầy hy vọng về một tương lai tươi sáng cho con người, đặc biệt trong bối cảnh thế giới bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. 

Thế giới đầy màu sắc của Eden.

Đồ họa đẹp mắt bù đắp sự thiếu hụt của câu chuyện

Một trong những thành công lớn nhất của Eden đó là mặt đồ họa khi kết hợp thành công hoạt hình 2D vẽ tay truyền thống với hoạt hình 3D bằng đồ họa máy tính. Hình ảnh của bộ phim gợi lại phong cách của các anime cổ điện thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, đặc biệt là Castle in the Sky (1986) của studio Ghibli. 

Eden gợi nhớ lại bộ anime nổi tiếng Castle in the Sky (1986) của studio Ghibli.

Đội ngũ sản xuất liên tục sử dụng thủ thuật anime kiểu cũ để mang lại cảm xúc cho bộ phim, tiêu biểu là việc tạo hình động để làm nổi bật con ngươi trong mắt nhân vật mỗi khi máy quay đến gần. Ngoài ra, việc tạo hình với những tông màu ấm áp cùng khối hình tròn đầy của các chú robot (tiêu biểu là A37 và E92) như phong cách của họa sĩ manga nổi tiếng Akira Toriyama trong Dragon Ball cũng là một điểm đáng chú ý của đội ngũ sản xuất khi tạo dựng được cảm giác thân thiện và dễ thương. 

Review

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Grewi

No more