Ròm là phim điện ảnh dựa trên phim ngắn 16h30 (2012) của đạo diễn Trần Thanh Huy. Năm 2019, phim được chiếu tại LHP Busan, trở thành phim Việt Nam đầu tiên nhận giải New Currents. Phiên bản chiếu tại rạp Việt Nam lẽ ra trình làng vào ngày 31/7. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên phim Ròm phải dời đến 25/9. Hành trình của Ròm mất đến 8 năm để đến với khán giả Việt.
Nội dung phim xoay quanh nỗ lực vật vã sinh tồn cùng mơ ước tìm lại cha mẹ mãnh liệt của nhân vật chính là cậu bé “chạy đề” Ròm, do Anh Khoa thủ vai. Đối thủ “cùng nghề” của Ròm là Phúc (Anh Tú), người năm lần bảy lượt hãm hại cậu, cùng gã đại ca giang hồ tham lam (Wowy) dường như thay phiên nhau đóng vai phản diện nhằm đẩy hành trình của Ròm cùng tiết tấu phim lên cao trào. Tại sao là thay phiên nhau? Vì rõ ràng, Phúc là kẻ vốn “lật mặt” vào đúng thời điểm thích hợp, còn đại ca giang hồ thì chính xác là “ác toàn tập” nhưng lại chỉ xuất hiện với thời lượng ít ỏi.
Trung thành với lối làm phim “tả thực”, Trần Thanh Huy đem đến những thước phim chân thật đến nghiệt ngã. Trong suốt mạch phim dài hơn một tiếng không thiếu những cảnh rượt đuổi mà ngay cả tiếng thở, câu buột miệng chửi thề hay góc máy lia nghiêng và rung lắc một cách cố tình cũng đủ kích thích người xem.
Ngay từ những phút mở đầu, phim Ròm đã đẩy người xem vào một khu phố “ổ chuột” nghèo khó, xập xệ, chật hẹp đến ngột ngạt, cùng những lời tâm sự về công việc “sống còn” mà Ròm đang làm. Với những thước phim sắc sảo cùng màu sắc và âm thanh mạnh mẽ, dữ dội, tất cả đã đem đến màn dạo đầu hoàn hảo cho người xem.
Với bối cảnh chỉ gói gọn nơi những con phố hẹp cùng các tòa nhà xám xịt san sát không có kẽ hở, Ròm đem đến cảm giác bí bách, bế tắc đến ngộp thở. Quanh ta vẫn còn tồn tại những con người đang sống dưới đáy xã hội, vẫn bì bõm, vùng vẫy thoát khỏi đói nghèo. Bên cạnh đó, việc xây dựng hình ảnh các nhân vật ăn mặc luộm thuộm, bẩn thỉu như bị bóng tối nuốt chửng khiến người xem khó lòng phân biệt ra ai với ai, nhưng điều để lại nhiều băn khoăn nhất lại chính là quá trình làm cho con người ta sa sút, hèn kém đến mù quáng vì cờ bạc.
Trần Thanh Huy không giấu diếm nỗi niềm của mình về tầng lớp người nghèo và triết lý hiện sinh. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như con người bị cuốn vào thế giới của những con số đầy may rủi mà phó mặc tài sản và thậm chí là cả tính mạng?
Trong quá trình theo đuổi triết lí và bước qua ranh giới an toàn của một bộ phim hành động thông thường, đạo diễn đã cố tình hoặc vô ý ngó lơ khán giả đại chúng. Anh không đưa vào phim yếu tố tình yêu đôi lứa ngọt ngào như cổ tích, cũng chẳng có những nhân vật “đao to búa lớn” giải cứu thế giới và nói không với kỹ xảo CGI choáng ngợp.
Ròm là bộ phim với rất nhiều sự đen tối, điều đó được thể hiện rõ nét qua những chi tiết nhỏ nhất như bộ quần áo đen đúa, dơ dáy; thời gian quay thường vào lúc chập choạng chiều tối, những cú đấm tóe máu như thể “mày chết hay tao chết” giữa Ròm và Phúc; hàng tá màn lộn nhào, leo trèo parkour của Phúc để diễn tả tính cách rất láo và gian xảo của nhân vật; sau cuối là cách con người đối xử với nhau khi bị đẩy vào đường cùng. Đáng tiếc, mạch truyện tưởng chừng đẹp đẽ nhất là mối quan hệ giữa Ròm và bà Ghi (Cát Phượng) trong phim lại khá “đầu voi đuôi chuột”.
Sự tàn khốc của Ròm biến nó trở thành một cuộc phiêu lưu không có phần thưởng cũng chẳng có điểm dừng. Để rồi khi người xem ôm tim vượt qua hết các khúc ngoặt số phận của Ròm, rất nhiều trong số đó cảm thấy thương xót và ám ảnh, vì nhận ra những vòng lặp thì chẳng có kết thúc bao giờ.
Phim Ròm ra rạp trong tâm thế là một tác phẩm được dân trong nghề quan tâm. Người nổi tiếng như Mỹ Tâm hay Trấn Thành xem phim rồi bật khóc – có lẽ do hiểu được sự khổ cực của diễn viên trong mỗi cảnh quay. Giới làm phim xem hành trình đến rạp của Ròm, cũng như của Trần Thanh Huy là một tấm gương đáng ngưỡng mộ. Riêng những người yêu phim sẽ đến với phim Ròm như một trải nghiệm điện ảnh mới, một món ăn chưa chắc đã hợp vị tất cả.
__
Tạp chí Phái mạnh ELLE Man
Bài: Anna