The Green Knight là một trong những dự án được trông đợi nhất của hãng phim độc lập A24. Có thể xem phim như phần hậu truyện về truyền thuyết Vua Arthur khi kể lại hành trình của cháu trai nhà vua là Gawain. Từ một kẻ nhu nhược, hèn kém, anh phải vượt qua hành trình thử thách bản thân với nhiều hiểm nguy để trở thành một hiệp sĩ thực thụ.
Trước khi công chiếu, Hiệp hội Nhà phê bình Hollywood (Hollywood Critics Association) đề cử phim nằm trong danh sách Những tác phẩm điện ảnh được kỳ vọng nửa cuối năm 2021. Đến lúc ra mắt tại Mỹ ngày 30/7, phim nhận được mưa lời khen từ các nhà phê bình thế giới. Tại sao bộ phim sử thi, phiêu lưu xen lẫn kỳ bí này lại có sức hấp dẫn đến thế?
Lời nguyền của Lục Bảo Hiệp Sĩ
Kịch bản phim do đạo diễn David Lowery chấp bút, dựa trên bài thơ nổi tiếng cuối thế kỷ 14 Sir Gawain and the Green Knight. Chuyện kể rằng vào một đêm Giáng Sinh, vua Arthur Pendragon (Sean Harris) và Hội Hiệp sĩ Bàn tròn đang chuẩn bị tổ chức tiệc tùng linh đình. Bầu không khi vui vẻ bất ngờ bị phá vỡ khi một kỵ sĩ kỳ dị tên với biệt danh Green Knight – Lục Bảo Hiệp sĩ (Ralph Ineson đóng) xuất hiện.
Đứng trước nhà vua, Green Knight thách thức kẻ nào dám giáng đòn vào hắn sẽ được hưởng sự giàu sang và may mắn suốt một năm. Tuy nhiên, đến mùa Giáng Sinh năm sau người đó phải đi tìm Green Knight để hắn trả đòn. Vì muốn chứng tỏ bản thân với Vua Arthur, Gawain (Dev Patel) đã chấp nhận thử thách. Sau khi bị chém đầu, Green Knight không chết mà còn quay lại cười với mọi người như thách thức, rồi biến mất.
Green Knight chẳng hề nuốt lời. Sau một năm sống trong giàu sang và danh vọng, Gawain lại dành phần lớn thời gian để chơi bời, rượu chè. Khi mùa Giáng Sinh mới lại đến, Vua Arthur nhắc nhở cháu trai đã đến lúc dừng cuộc chơi để thực hiện lời hứa. Dù trong lòng đầy nỗi sợ hãi, Gawain không còn cách nào khác phải lên đường tìm kiếm ngôi đền của Green Knight. Anh cưỡi ngựa bắt đầu hành trình, mang theo vũ khí là một chiếc rìu xanh và thắt lưng xanh lá – bùa hộ mệnh do mẹ trao tặng.
Cốt truyện đậm chất thần thoại của The Green Knight
Bộ phim mang câu chuyện đơn giản và quen thuộc, pha trộn màu sắc cổ tích với thần thoại. Tuy nhiên lại hơi khó xem với đa số vì duy trì nhịp điệu chậm rãi suốt 130 phút, không tập trung khai thác yếu tố hành động, mà thiên về xây dựng tâm lý nhân vật để người xem được cảm nhận hành trình trưởng thành của Gawain. Điểm đặc biệt của phim chính là nhân vật Gawain không được xây dựng theo mô típ anh hùng chính trực thường thấy trong các tác phẩm sử thi Hollywood. Anh ta cũng nhiều thói hư tật xấu, ít va chạm, giống với một con người bình thường. Gawain cũng bỏ bê luyện tập, ngày đêm chè chén, miệt mài trong những cuộc truy hoan.
Chuyến đi của Gawain có thể ví như hành trình vào đời của một đứa trẻ. Anh sớm nhận ra những cuộc chiến tang thương ngoài đời thực không hề có vinh quang, mà chỉ có những cánh đồng cháy nham nhở phủ bạc xác người, cùng bọn săn trộm luôn chực chờ vơ vét như diều hoang chết đói. Những giai thoại ly kỳ, oai dũng của các bậc cha chú không giúp anh tránh khỏi bọn cướp đường, tài sản bị cướp sạch và phải lê lết trong ô nhục. Qua những lần trỗi dậy từ bùn nhơ, đứng lên từ nghịch cảnh, Gawain mới dần trưởng thành.
Đạo diễn David Lowery là người nổi tiếng với những bộ phim đậm tính ẩn dụ như Ain’t Them Bodies Saints (2013) hay A Ghost Story (2017). Trong The Green Knight, anh tiếp tục phát huy thế mạnh của mình. Từ một bài thơ không được viết bằng tiếng Anh, David Lowery đã nhào nặn thành một tác phẩm đậm dấu ấn cá nhân. Xuyên suốt hành trình của Gawain, anh liên tục lồng ghép nhiều thông điệp, ý nghĩa về thiên nhiên, trái đất – thể hiện ngay từ chữ “xanh” trong tên phim. Thế giới tạo hóa trong phim hiện lên hoang dã với đầy thử thách tâm linh, từ những mụ phù thủy ma quái cho đến bầy người khổng lồ tản bộ qua những rặng núi mù sương; tạo thành một câu chuyện ngụ ngôn thâm thúy, sâu sắc.
Kể cả gã hiệp sĩ xanh lá – nhân vật phản diện của phim – cũng đại diện cho sự hùng mạnh của thiên nhiên. Con người nhỏ bé đắc ý khi đã chém đầu gã, nhưng quên mất rằng chính gã cho phép điều đó xảy ra. Đến khi phải đối mặt với sự thịnh nộ của tự nhiên, con người đâm ra hoảng sợ. Họ quên mất rằng từ xa xưa, tổ tiên của mình đã thuần phục thiên nhiên bằng cách sống hòa hợp, thay vì đối đầu.
Với kinh phí vỏn vẹn chỉ 15 triệu USD, thật đáng ngạc nhiên khi David Lowery khoác lên bộ phim chiếc áo đẹp đến ngỡ ngàng. Tông chủ đạo của phim là những màu trầm buồn như xám, xanh lam, vàng nghệ. Từng khung hình lột tả vẻ bí ẩn, huyền ảo của xứ sở sương mù thời Trung Cổ. Bối cảnh rừng rậm, đầm lầy và những lâu đài cổ kính càng khiến không khí phim trở nên ngột ngạt, bí bách.
Sức hút từ diễn xuất của dàn sao
Đảm nhận vai chính Gawain là tài tử người Anh gốc Ấn Dev Patel. Nổi danh từ tựa phim Slumdog Millionaire (Tỷ Phú Khu Ổ Chuột – 2008), anh chứng tỏ bản lĩnh diễn xuất trong những cảnh đòi hỏi nhiều nội tâm. Qua hóa thân của Dev Patel, Gawain hiện lên như một gã thanh niên nóng nảy, thiếu kinh nghiệm, dễ bị gục ngã trước những khó khăn và cám dỗ. Cuối phim, Dev Patel xuất sắc lột xác để trở thành một người đàn ông từng trải, nhận được bài học cuộc đời.
Phim còn gây chú ý với dàn diễn viên nổi tiếng. Đặc biệt là nữ diễn viên từng thắng giải Oscar Alicia Vikander trong vai Essel, một phụ nữ trẻ làm nghề gái bán hoa có cuộc đời gắn liền với Gawain. Cô tuy xuất hiện không nhiều nhưng vẫn để lại ấn tượng khi thể hiện một nhân vật bí ẩn, khó đoán, mang nhiều lớp mặt nạ. Ngoài ra, Sean Harris cũng gây chú ý khi lần lượt vào vai Vua Arthur khi già, một hình ảnh hoàn toàn khác so với Clive Owen trong King Arthur (2004) hay Charlie Hunnam trong King Arthur: Legend of the Sword (2017).
The Green Knight được giới phê bình đánh giá cao với 88% tươi, thu về điểm số 8/10 trên Rotten Tomatoes và 85/100 trên Metacritic. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất trong năm, đồng thời là phim hay nhất trong danh sách các phim chuyển thể từ truyền thuyết Vua Arthur. Nhìn chung, đây là tác phẩm không nên bỏ qua dành cho những khán giả yêu thích dòng phim pha trộn yếu tố thần thoại như Lord Of The Rings, The Hobbit hay gần nhất là The Witcher.
—
Tạp chí Phái mạnh ELLE Man
Bài: Phúc Nguyễn