Truy Hồn (The Soul): Tuyệt phẩm giả tưởng-tâm linh xứ Đài

Bài ELLE Man

Truy Hồn (The Soul) - tác phẩm điện ảnh chứa đựng nhiều yếu tố khác nhau như trinh thám, kinh dị, viễn tưởng và tâm linh xứ Đài - mang đến cho khán giả một trải nghiệm điện ảnh nhiều cung bậc cảm xúc và nhiều suy ngẫm về bi kịch gia đình, tình yêu và những nỗi ám ảnh, níu kéo cuộc sống.

Truy Hồn (The Soul), tựa gốc Ji Hun, là một bộ phim Đài Loan được chuyển thể từ tiểu thuyết “Kỹ thuật chuyển giao linh hồn” của tác giả Giang Ba với sự tham gia của hai minh tinh màn ảnh là Trương Chấn và Trương Quân Ninh.

Trong phim, Trương Chấn vào vai một công tố viên đang mắc bệnh ung thu, cùng vợ là cảnh sát hình sự, điều tra một vụ án giết kỳ lạ tại một gia tộc giàu có. Trong quá trình điều tra, anh cùng vợ của mình khám phá ra những bí mật huyền bí và có liên quan đến tình hình bệnh sinh tử của anh. 

Được đóng nhãn là một bộ phim trinh thám kinh dị, Truy Hồn còn kết hợp thành công các yếu tố tâm linh huyền bí, khoa học viễn tưởng và bi kịch gia đình, đem tới cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc lẫn những suy ngẫm về cuộc sống trong suốt 2 tiếng đồng hồ thời lượng phim. 

Bộ phim trinh thám kinh dị, kết hợp với tâm linh huyền bí và khoa học viễn tưởng.

Bộ phim làm tốt trong việc sử dụng các yếu tố âm thanh và ánh sáng tạo nên bầu không khí huyền ảo, cảm giác hồi hộp cho khán giả ngay từ những phút đầu tiên. Toàn bộ phim mang tông màu lạnh, u tối, kết hợp với những hiệu ứng âm thanh sống động, các tiếng hú, tiếng rít chói tai, kịch tính, bất ngờ, vì vậy mà nhịp điệu phim dù rất từ từ chậm rãi nhưng cực kì cuốn. Những cú quay long shot cũng góp phần tạo cảm giác tập trung, khiến khán giả cuốn vào các tình tiết bí ẩn của phim. 

Như bản chất là một bộ phim trinh thám, Truy Hồn đưa khán giả vào hành trình mở chiếc hộp pandora, bóc tách từng tấm màn sự thật để thấy được toàn bộ bức tranh. Tựa phim đã thực hiện đúng nguyên tắc của điện ảnh là “show, don’t tell” (hãy thể hiện, đừng kể lể). Bộ phim không hề lạm dụng các câu thoại của nhân vật để kể lể tình tiết mà tái hiện trực quan qua các cảnh quay và chi tiết, để khán giả cùng công tố viên suy luận và đưa ra giả thuyết của bản thân. 

Bộ phim tạo được bầu không khí huyền bí, với nhịp chậm rãi nhưng vẫn lôi cuốn.
Bộ phim còn có sự tham gia của Lý Minh Thuận.

Một trong những yếu tố tạo nên thành công cho Truy Hồn chính là diễn xuất của Trương Chấn. Trương Chấn đã giảm 13 kg trong vòng 3 tháng và cạo trọc đầu để vào vai một người đang bị bệnh ung thư não, có thân hình gầy yếu, nhợt nhạt, bị rụng hết tóc vì tác dụng phụ của thuốc xạ trị. Anh cũng đích thân đến văn phòng công tố của Đài Bắc để học hỏi, nghiên cứu về cách làm việc, phong thái của các công tố viên. Vì vậy mà anh đã đem tới hình ảnh công tố Lương Văn Siêu rất trọn vẹn, toát được khí chất của một công tố viên điều tra, ngay thẳng, cương trực, vẻ ngoài lạnh lùng, nhưng có nội tâm ấm áp, đầy tình người, cảm xúc. 

Nhờ vào những kỹ thuật điện ảnh như âm thanh, ánh sáng, góc quay, diễn xuất, bộ phim đã khắc hoạ và truyền tải thành công những góc khuất của con người, về tình yêu, sự ám ảnh, nuối tiếc, níu kéo cuộc sống, sự đánh đổi, khiến khán giả thấy được đồng cảm với nhân vật và chìm vào trong câu chuyện. 

Nếu hơn nửa phần đầu, phim làm rất tốt mọi thứ, thì phần cuối phim sự thật và toàn bộ bức tranh được lật ra một cách khá dễ dàng. Bộ phim đem tới những cú twist (lật), bất ngờ đến phút cuối cùng nhưng lại gây rất nhiều tranh cãi, thắc mắc từ khán giả: tại sao một nhân vật có tính cách như Lương Văn Siêu cuối cùng lại chọn giải pháp, cách xử lý như vậy. Nhưng có vẻ công thức cái kết gây tranh cãi cũng lại là  yếu tố khiến một bộ phim để lại nhiều cảm xúc hơn trong lòng khán giả. 

8

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Hoàng Oanh – Hình ảnh: Netflix

No more