Review “The First Slam Dunk”: Bài học quý giá từ môn bóng rổ

Bài Tuan Anh

Từng là ký ức vô cùng tươi đẹp của thế hệ 8x, 9x, thế nhưng phải sau 27 năm thì phiên bản điện ảnh của bộ truyện "The First Slam Dunk" mới được ra mắt. Không chỉ là dịp ôn lại kỷ niệm, bộ phim lần này cũng đã mang đến rất nhiều xúc cảm cho một thế hệ những người xem mới.

The First Slam Dunk theo chân Ryota Miyagi, hậu vệ của đội bóng rổ trường trung học Shohoku. Anh có một người anh trai, Sota, hơn anh ba tuổi và là người đã truyền cảm hứng cho tình yêu bóng rổ của anh. Ryota và các đồng đội của mình là Hanamichi Sakuragi, Takenori Akagi, Hisashi Mitsui và Kaede Rukawa thách đấu nhà vô địch bóng rổ liên trường, đội bóng rổ trường trung học Sannoh. Và các trận đấu gay cấn bắt đầu diễn ra.

Đội bóng của trường Shohoku. (Ảnh: Crunchyroll)
Review

Cân bằng được các yếu tố

Từng được chuyển thể thành loạt anime dài tập rất nhiều năm trước, phim điện ảnh The First Slam Dunk (tựa Việt: Cú úp rổ đầu tiên) vẫn khiến khán giả bất ngờ vì sự khác lạ, mới mẻ. Bên cạnh đó, được biên kịch, đạo diễn bởi Takehiko Inoue – “cha đẻ” của bộ truyện gốc, nên những chi tiết dù cho có khác với manga gốc thì vẫn hợp lý và có được ý đồ riêng.

Lần trở lại này, Takehiko đã chọn khai thác lại trận đấu bóng vô cùng kịch tính giữa hai ngôi trường Shohoku và Sannoh làm mạch phim chính. Song song cùng đó, ông đan xen những cú flashback hướng về quá khứ của các nhân vật, khiến bộ phim thêm thu hút mà không dàn trải hay dễ đoán trước. Có thể thấy The First Slam Dunk đã cân bằng được rất nhiều yếu tố, thu hút đa dạng khán giả, từ những “fan cứng” cho đến những ai chưa từng biết đến bộ manga gốc, khiến cho tác phẩm không hề xa lạ mà vẫn dễ hiểu.

Ảnh: Crunchyroll

Theo đó, nếu Hanamichi vẫn giữ được tính hài hước có phần hoang dại như là nhân tố kéo lên cảm xúc cho toàn bộ phim, thì ở phía ngược lại, Ryota lại là khoảng tối với những mất mát trong chuyện cá nhân. Đạo diễn Takehiko ở tác phẩm này đã nói sâu hơn về gia đình cậu, để cho người xem hiểu rằng không chỉ vì một cô gái như manga gốc, mà Ryota cũng có động cơ lớn hơn để trở thành tuyển thủ bóng rổ.

Ngoài ra, tác phẩm vẫn phân chia đều thời lượng cũng như đất diễn cho các nhân vật khác thuộc đội Shohoku. Ở đó Mitsui Hisashi, Takenori Akagi và Rukawa Kaede tuy có kiệm lời, nhưng vẫn được khắc họa đủ để các khán giả biết họ là ai và đóng vai trò gì trong tác phẩm này. Những nhân vật phụ khác như huấn luyện viên Anzai Mitsuyoshi, quản lý đội bóng Ayako… cũng được dành cho những cảnh phim đẹp và đầy nổi trội, khiến họ tuy ít xuất hiện nhưng lại để lại khá nhiều ấn tượng.

Bên cạnh đó, Takehiko cũng rất biết cách duy trì nhịp phim tăng tiến dần dần. Nếu ở phần đầu, mạch phim có phần chậm rãi khi nói về chuyện gia đình của Ryota, thì càng về phía cuối phim, nhất là những phút cuối cùng thuộc về trận đấu, không khí của toàn bộ phim hừng hực tăng lên, khiến cho khán giả không thể rời mắt khỏi những diễn biến phía trên màn hình.

Hình ảnh được hoàn thiện trong “The First Slam Dunk”

Xét riêng về mặt hình ảnh, lần trở lại này, Takehiko cùng với hãng phim Toei Animation cũng đã quyết định sử dụng công nghệ 3D-CG cùng với phong cách SD – tái hiện phương pháp vẽ chì vô cùng quen thuộc, để tạo nên nhiều điểm mới cho tác phẩm này. Do đó chuyển động của các nhân vật, quỹ đạo của những đường bóng… đã được kiểm soát cũng như triển khai vô cùng sống động, từ đó đem lại cảm giác khá chân thật cho người theo dõi sau màn ảnh rộng.

Nhạc phim của tác phẩm này cũng là yếu tố rất đáng khen ngợi. Với việc đổi mới, không sử dụng lại những bài nhạc nền đã quá quen thuộc đã từng được dùng trong anime, ở phim điện ảnh, ta sẽ được nghe những bản nhạc rock đúng chất Nhật Bản, với những tiếng riff guitar vô cùng máu lửa, góp phần khuếch đại cảm xúc. Đồng thời, những thanh âm nhỏ như tiếng sóng biển, tiếng rít trên sàn… cũng được tái hiện vô cùng chân thật, đem đến trải nghiệm vô cùng hoàn hảo.

Sử dụng công nghệ 3D-CG nên các đường bóng tạo ra cảm giác chân thật. (Ảnh: Crunchyroll)

Những bài học ấn tượng

Không chỉ mới mẻ về cách triển khai và các yếu tố bên lề, The First Slam Dunk cũng là tác phẩm vô cùng nổi bật chính bởi nội dung mà nó gửi gắm. Là một thành viên vóc dáng bé nhỏ cũng như có một số phận không hề thuận lợi, Ryota là tuýp nhân vật mà thông qua đó, đạo diễn Takehiko đã cho thấy sức mạnh của nghị lực và sự tập luyện không ngừng. Đó là vinh quang của sự khổ luyện cũng như không bỏ cuộc, dẫu cho có bất kỳ khó khăn nào có thể bủa vây.

Trận đấu và sự kết hợp của nhóm tuyển thủ vốn được đánh giá là yếu hơn của trường trung học Shohoku cũng cho ta thấy được tính hiệu quả của sự đoàn kết. Cùng chơi trong một tập thể, họ biết thế mạnh của mình là ở điểm nào, từ đó có sự kết hợp vươn đến thành công.

Bộ phim lần này cũng cho thấy thêm một Rukawa đã thay đổi một cách trưởng thành, khi đã biết cách phối hợp với các đồng đội mà không dẫn bóng chỉ một mình mình. Ở đó còn có Takenori với những cú kèm vô cùng xuýt xoát cũng như Mitsui có phần điềm tĩnh, từ đó quan sát bố cục trận đấu thêm phần bao quát và toàn diện… Trong khi đó, hầu hết mọi phân cảnh và yếu tố hài vẫn thuộc riêng về Hanamichi. Tất cả đã được tái hiện ở rất nhiều mặt, cho ta thấy được những sự tương quan giữa tinh thần thể thao và sự hy sinh của các tuyển thủ. 

Một điểm cũng rất fairplay đó là Takehiko không hề xây dựng bất cứ nhân vật thuộc phe phản diện nào trong tác phẩm này. Và những thất bại nếu có xảy ra trong trận đấu ấy, thì cũng mang đến bài học và những trải nghiệm, từ đó các vận động viên có thêm nhiệt huyết và ngày càng nhiều tinh thần chiến đấu hơn nữa.

Hanamichi vẫn là cây cười giúp cho bộ phim thêm phần hài hước. (Ảnh: Anime News)

Dù vậy, bộ phim vẫn còn khá nhiều điểm yếu có thể cải thiện. Một trong số đó là có quá nhiều những cú flashback và lần chuyển cảnh giữa hai dấu mốc thời gian, từ đó làm cho tác phẩm không giữ được mạch cảm xúc. Nếu đạo diễn Takehiko gom lại hoặc là giảm bớt số lần can thiệp vào mạch tuyến tính, bộ phim sẽ tập trung hơn và bớt manh mún.

Từ những điều trên, có thể thấy rằng The First Slam Dunk không chỉ là một tác phẩm rất được chờ đón, mà nó đồng thời chứa đựng những câu chuyện riêng, truyền nhiều cảm hứng. Thành công bởi cân bằng được yếu tố mới – cũ, truyền thống – hiện đại cũng như dành cho tất cả đối tượng… đây là tác phẩm mà bất cứ ai cũng có thể xem, từ đó nhìn về một thời tuổi trẻ vô cùng oanh liệt, cũng như được sống trong những phút giây “không bao giờ bỏ cuộc”.

Review

_________

Bài: Tuấn Anh

No more