Zero Day là một trong những phim truyền hình hiếm hoi mà Robert De Niro tham gia xuyên suốt sự nghiệp diễn xuất xấp xỉ 60 năm của mình.Trong loạt phim, tài tử vào vai George Mullen, cựu Tổng thống Mỹ với tinh thần vụn vỡ vì tuổi già, cùng nỗi đau mất con.
Khi nước Mỹ bị tấn công bởi tin tặc dẫn đến cái chết thương tâm cho hàng nghìn người dân, xã hội rơi vào tình trạng hỗn loạn, Mullen được mời là lãnh đạo Ủy ban “Zero Day” – tổ chức được thành lập để giải quyết khủng hoảng và truy tìm kẻ giật dây đứng sau thảm họa này. Những tưởng đã ở độ tuổi có thể về hưu và viết tự truyện, vị cựu Tổng thống đáng kính nay phải tiếp tục đối mặt với những âm mưu chính trị, cùng những kẻ thù công nghệ cao khó lường.
Phong độ của một tượng đài điện ảnh
Ở tuổi 81, lửa nghề của Robert De Niro luôn cháy cuồng nhiệt. Mỗi năm, giới mộ điệu đều nhìn thấy sản phẩm điện ảnh có ông thủ vai ra mắt đều, mỗi phim đều được người yêu điện ảnh đón nhận nồng nhiệt. Khác với trước đây, De Niro nay thường kiêm luôn vai trò đồng sản xuất với các tác phẩm mình tham gia, và Zero Day cũng không ngoại lệ.
Phải vào vai một vị lãnh đạo có nhiều bất ổn về tâm lý, song người xem luôn có thể nhìn thấy rõ lửa nhiệt huyết trong mắt của Robert De Niro. Ngôi sao của Taxi Driver và The King of Comedy vào một vai diễn không nhiều cảnh hài hước lẫn hành động – vốn là sở trường thời trẻ của ông, mà hóa thân thành nhân vật mới nghiêm túc và khắc khổ hơn.
Đây là tuyến vai sở hữu nhiều thoại khó, có tính liên tục, song Robert De Niro vẫn thực hiện một cách “nhẹ tênh”, khắc họa rõ phong thái ung dung, đỉnh đạt trong diễn xuất của mình. Có nhiều lúc, người xem không thể phân biệt được sự mệt mỏi, nỗi đau trên gương mặt của nhân vật là diễn xuất, hay là sự đúc kết từ những thăng trầm trong chính cuộc đời của De Niro.
Điều khiến George Mullen trở nên thú vị, đồng là thách thức đối với tài tử gạo cội, nằm ở việc ông ta thuộc tuýp vai “người dẫn truyện không đáng tin” (unreliable narrator). Trong nửa đầu một tập phim, vị cựu Tổng thống khiến người xem vỡ òa qua tài hùng biện đỉnh cao, cùng sự uyên bác trong việc phân tích thảm kịch đang diễn ra.
Chỉ đến vài phút cuối cùng của tập này, ta mới “vỡ lẽ” khi nhiều sự kiện và lý luận trước đó đã bị bóp méo và thiếu chính xác, do tuổi cao cùng những chấn động tâm lý của nhân vật. Thủ pháp đánh đố lòng tin của người xem dù không mới, nhưng vẫn tạo ra các tình tiết lôi cuốn không thể rời mắt.
Kịch bản chưa xứng tầm
Biên kịch khắc họa một cuộc tấn công mạng trên diện rộng, đánh sập hàng trăm hệ thống hành chính, đẩy nước Mỹ vào “thời đồ đá” trong phút chốc. Thương vong diễn ra đồng loạt, hàng ngàn gia đình bỗng chốc mất chồng, mất con. Tuy nhiên, tấn thảm kịch này không được khắc họa rõ nét, chỉ là tiền đề cho một thảm họa mới đậm tính chính trị và khó hình dung hơn: Cuộc chiến tranh giành quyền lực từ trong nội các.
Với sự xuất hiện của nhiều nhân vật giữ các vai trò quan trọng cùng loạt lời thoại đao to búa lớn, hiển nhiên nhà làm phim đang cố biến Zero Day thành một phiên bản Trò chơi vương quyền thời hiện đại. Trong phim, ai cũng có thể ra đi, và ai cũng có thể là kẻ nội gián. Thậm chí đến nhân vật chính, qua lời thoại và các chuỗi sự việc bóc tách, cũng lộ ra nhiều mặt tối, khiến khán giả khó có thể bênh vực ông hoàn toàn. Không có trắng hay đen, không có ác nhân và người hùng, chỉ có những người sẵn sàng nhúng chàm vì đại nghĩa – đây có lẽ là thông điệp chính của Zero Day.
Xuyên suốt phim, các vấn đề nổi cộm, mang tính thời đại cũng được đề cập; như vấn đề người nhập cư, điềm báo Thế chiến thứ 3, hay độc tài hóa quốc gia cũng được đề cập. Tuy nhiên, chuỗi thông điệp này đã có thể gây sức nặng hơn nếu được hình ảnh hóa, thay vì thoại suông.
Cùng lúc, nhiều tình tiết hay kết cục của một vài nhân vật quan trọng được thể hiện “off-screen”, có thể lý do là thời lượng phim hạn chế, mang đến cảm giác hụt hẫng cho người xem. Hay như chuỗi vũ khí điện tử và sinh học ban đầu được xây dựng hầm hố, để rồi được giải quyết một cách thiếu thuyết phục. Tình tiết phim lan man, nhiều tình tiết và nút thắt bị lồng ghép vào nhau một cách tham gia.
Đi kèm với điểm trừ về đường dây kịch bản là sự thiếu đất diễn của các ngôi sao khác ngoài Robert De Niro. Nhiều diễn viên thực lực như Jesse Plemons, Angela Bassett, Dan Stevens,… hầu như không có khoảnh khắc tỏa sáng, khi vai của họ chủ yếu là “làm nền”, chưa tạo thành đối trọng xứng đáng với cựu Tổng thống George Mullen.
Nếu so sánh với các phim lấy chủ đề tương tự như The Night Agent hay House of Cards, Zero Day có sự hào nhoáng ban đầu, nhưng thiếu chiều sâu giúp kịch bản đáng tin hơn. Tác phẩm đánh dấu sự đổi mới trong việc chọn phim của Robert De Niro, tuy nhiên chưa tạo được dấu ấn trong lòng khán giả đam mê dòng phim chính trị – ly kỳ.
Phim hiện chiếu trực tuyến trên Netflix.
_____
Bài: Phúc Logic