Cuốn sách Điểm Đến Của Cuộc Đời, tôi gọi là "Về Đích", gai góc hơn cả, dũng cảm hơn cả, thẳng thắn hơn cả, và sâu lắng.
Tôi thích thú theo dõi những bài viết-cuốn sách của tác giả-tiến sĩ Đặng Hoàng Giang. Điểm Đến Của Cuộc Đời là cuốn sách thứ ba của ông.
Cuốn sách đầu tiên, tôi gọi là “Khởi Động”, mang tên Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can, tập hợp những bài viết nhỏ gọn súc tích về các vấn đề xã hội như rượu bia, thịt chó, trộm chó, phẫu thuật thẩm mỹ… dưới cái nhìn rất sâu, rất sáng, đầy nhân văn và bao dung của chính tác giả. Bạn có thể coi Bức Xúc là cuốn sách “răn dạy” cũng không sao. Tuy nhiên, cách tác giả dìu dắt người đọc tiếp cận với các vấn đề nhạy cảm hoàn toàn rất thân thiện, bộc trực, tự nhiên, chứ không kẻ cả bề trên, khiến toàn bộ cuốn sách trở nên duyên dáng, hấp dẫn và vô cùng giá trị.
Cuốn sách thứ hai, tôi gọi là “Tăng Tốc”, có tên Thiện-Ác & Smartphone. Tiếp tục chọn mổ xẻ những chủ đề gai góc, thậm chí là…tai tiếng, Đặng Hoàng Giang một lần nữa song hành cùng bạn đọc, kinh qua một loạt những sự kiện trấn động toàn cõi Việt. Nếu Bức Xúc chọn những hiện tượng xã hội nổi cộm là nhân vật chính, Thiện Ác & Smartphone tiếp đà, đào sâu vào những hiện tượng xã hội ấy, chọn ra những cá nhân tiêu biểu cụ thể, toàn là “phe nó”: bảo mẫu bạo hành trẻ con, nữ minh tinh (bị cho là) cướp chồng, hai anh em nhà kia đi du lịch châu Âu “táy máy” kính đồ hiệu không trả tiền… Qua những “nhân vật xấu không để đâu cho hết” này, Đặng Hoàng Giang “lật ngược tình thế”, chỉ ra những ai tự phụ coi bản thân tốt đẹp qua hành động cực lực lên án, nhiệt thành tẩy chay, tưng bừng chia sẻ những sự kiện xấu…rốt cuộc cũng không khá hơn những đối tượng (bị gán là) không thể đội trời chung kia. Bản thân cái xấu nó dễ nhận diện, vì nó không che đậy, nó…xấu sờ sờ ra rồi. Tuy nhiên, những tiểu xảo mù mờ giả danh cái tốt đẹp, nó mới đáng rùng mình.
Cuốn sách thứ ba, mới nhất, xuất hiện trên kệ sách đầu năm 2018, Điểm Đến Của Cuộc Đời, tôi gọi là “Về Đích”. Gai góc hơn cả, dũng cảm hơn cả, thẳng thắn hơn cả, và sâu lắng, Đặng Hoàng Giang chọn nhân vật chính là “Kẻ ai cũng biết đó là ai”. Nhân vật này, cụ thể đó, nhưng cũng trừu tượng đó, tưởng xa cách, hóa gần gũi, tưởng xa vời, hóa sát sườn. Nhân vật này, lâu năm lớn tuổi, nhưng lúc nào cũng như một sự kiện xã hội nóng hổi. Kiến tạo nên nhân vật này, không ai khác, chính chúng ta.
Kẻ ai cũng biết đó là ai, chính là “Cái Chết”.
Ở cuốn sách Điểm Đến Của Cuộc Đời này, người đọc thấy một Đặng Hoàng Giang không còn phong thái tự tin thong dong ung dung khéo léo định hướng người đọc nữa. Rất thật, Đặng Hoàng Giang trở nên non nớt, hoang mang, đôi lúc hỗn độn lộn xộn cảm xúc. Có sợ hãi, có bức bối, nhưng tuyệt nhiên, tác giả vẫn nhìn thẳng, bước tới, yên vị, nhẫn nại, lắng nghe, thấu hiểu người đối diện, đối diện với “Cái Chết”. Ở hai cuốn sách trước, mỗi cuốn sách là vô vàn những câu chuyện nhỏ. Tuy nhiên, ởĐiểm Đến Của Cuộc Đời, mục lục chỉ vẻn vẹn bảy mục, kể cụ thể hơn, có ba mục chính, mỗi mục chính này, chúng ta có thể coi như một câu chuyện vừa. Câu chuyện vừa nào cũng là sự thật, chung một chủ đề, và chung một kết cục. Tuy nhiên, mỗi hành trình để “Về Đích” mới là điều khiến chúng giá trị và không lụi tàn.
Tôi chọn một câu chuyện vừa trong cuốn sách thứ ba của Đặng Hoàng Giang làm ví dụ. Câu chuyện kể về hành trình “Về Đích” ngoài dự kiến của hai mẹ con. Cậu bé chín tuổi bị ung thư. Người mẹ lặng lẽ tỉnh táo kiên cường chấp nhận sự thật. Và quá trình “Về Đích” của hai mẹ con bắt đầu. Người ta có thể “Về Đích” bằng nhiều cách: than vãn, đập phá, thu mình, giận dữ, “đốt cháy giai đoạn”, đường hoàng nhẹ nhàng về đích… tùy phúc phận – lựa chọn của mỗi người. Tuy nhiên, khi bạn không thể lựa chọn hạnh phúc hay bất hạnh, bạn vẫn có thể lựa chọn thái độ đối diện với nó, mặc dù, đau khổ là điều không thể tránh khỏi. Đọc – chứng kiến cuộc hành trình đầy gian nan xong cũng tràn ngập tình yêu thương – sự kiên cường của hai mẹ con, tôi nhiều lần mỉm cười, nhưng cũng nhiều lần cay mắt. Từ trận chiến ung thư của hai mẹ con, mở toang ra trước mắt người đọc một thế giới khắc nghiệt đầy cay đắng. Một thế giới nhỏ, u uẩn, ứ đọng nỗi đau khó có thể nguôi ngoai nơi mọi thành viên trong thế giới ấy chính là những đứa trẻ bị ung thư. Người mẹ kiên cường tỉnh táo nhận ra y học chỉ là trò đùa vô thưởng vô phạt trong cuộc sống hai mẹ con.
Cô tìm đến Phật pháp như một phương tiện trấn an. Tuy nhiên, cô không trốn tránh, coi mình là con lạc đà chúi đầu cắm xuống cát là mĩ từ An Lạc để ẩn náu. Cô nhìn nhận thấu đáu nỗi đau nơi mình đang gánh chịu, rồi nhìn sang thế giới nhỏ nơi cô đang tồn tại, cô chia sẻ nỗi đau, lắng nghe nỗi đau. Hiểu hơn về nó, không giúp cô nguôi ngoai, cũng không giúp con cô khỏi bệnh. Tuy nhiên, hai mẹ con cô đã có cách “Về Đích” bớt đau đớn nhất, thêm muôn phần ấm áp. Bản thân cô cũng giúp được phần thế giới nhỏ còn lại bớt đau thương lạnh lẽo cô quạnh.
Cũng trong câu chuyện này, người đọc gặp thêm một tình cảnh khác. Một người mẹ nữa có con bị ung thư. Sau khi con mất, cô rơi vào trạng thái vô vọng kiệt quệ, cô đốt cháy giai đoạn, “Về Đích” bằng cách tự kết liễu đời mình. Đặng Hoàng Giang trầm ngâm tự hỏi, tại sao cùng cảnh ngộ, nhưng hai người mẹ lại có hai cách nhìn nhận – hành động hoàn toàn trái ngược? Và ông có câu trả lời.
Câu trả lời tác giả có được đến từ đâu?
Tôi đồ rằng, khi bắt tay vào dự án – cuốn sách Điểm Đến Của Cuộc Đời này, Đặng Hoàng Giang không thể lường được hết mức độ sâu sắc, tâm trạng của “Cái Chết”, mặc dù ông là một người chuẩn mực, kĩ lưỡng, thấu đáo, và giàu kiến thức. Tác giả đã cảnh giác “Kẻ ai cũng biết đấy là ai” bằng cách nghiên cứu, nghiền ngẫm từ lâu rất nhiều sách vở – tài liệu đủ mọi lĩnh vực như triết học, tâm lý học, lịch sử, văn học, y học… liên quan đến Cái Chết. Dường như cảm thấy chưa đủ, Đặng Hoàng Giang còn tìm đến rồi gắn kết với Phật pháp để hiểu thấu đáo và chân tình hơn về nhân vật chính của Cuộc Sống này. Từ đó, ông quán chiếu bản thân vào thực thể sống xung quanh. Quán chiếu, nghe thì to tát, chứ chúng ta vẫn thường rao giảng nhau là hãy đặt mình vào địa vị người khác, đơn giản vậy thôi.
Ông không chỉ đứng xa quan sát người hấp hối, ông chủ động tìm đến họ, đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, thấu cảm.
Tóm lại, lý do Cái Chết tồn tại? Chết có nghĩa là hết? Tại sao lại là Ta mà không phải là Người Khác? Hiểu về Cái Chết có khiến mọi thứ xung quanh ta khác đi không? Lời giải đáp nằm sẵn đó bên trong mỗi người. Và, Điểm Đến Của Cuộc Đời giúp bạn hiểu nhiều hơn về Yêu Thương, câu trả lời Duy Nhất cho mọi khúc mắc của cuộc sống này.
Xem thêm:
—
Bài: CHQCQ (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man)