sweet home 3
Vậy điều gì trong vũ trụ quái vật này đã duy trì được sự phổ biến của loạt phim Sweet Home cũng như thu hút khán giả đến với thế giới tuyệt vọng của những câu chuyện phản địa đàng? Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu qua bài viết sau.
1. “Sweet Home”: Sức hút từ những câu chuyện tăm tối
Sweet Home là một bộ phim truyền hình Hàn Quốc dựa trên bộ webtoon nổi tiếng. Một cậu học sinh trung học tên là Cha Hyun Soo (Song Kang) chuyển đến căn hộ tồi tàn Green Home sau cái chết của gia đình mình. Ngay sau đó, Hàn Quốc bị một đại dịch tràn ngập, nơi con người “ngẫu nhiên” bắt đầu biến thành những quái vật đáng sợ và tìm cách giết chết những người còn lại.
Phần 1 bộ phim ra mắt vào năm 2019 nhanh chóng trở thành một hiện tượng toàn cầu khi sống động hóa bộ webtoon giả tưởng được yêu thích nhất nhì Hàn Quốc. Theo đuổi phong cách vừa siêu thực, vừa chân thực và không kém tính nhân văn, Sweet Home đã tạo tiền đề cho những ngôi sao đang lên vào thời điểm đó như Song Kang, Go Min Si và Lee Do Hyun. Bộ phim thành công chinh phục người hâm mộ webtoon gốc và cả những người đam mê dòng phim kinh dị, phản địa đàng.
Thông qua loạt nhân vật với những câu chuyện riêng, ranh giới mơ hồ giữa quái vật và con người, giữa bản năng sống và đạo đức, Sweet Home đã kể một câu chuyện xã hội thực sự thú vị về những người trong một tòa nhà chung cư đang cố gắng xây dựng một xã hội mới từ đống đổ nát của ngày tận thế. Thay vì thây ma, bộ phim mang đến những phiên bản quái vật khác nhau, đủ mọi kích cỡ, hình dạng và hơn cả, không phải quái vật nào cũng xấu xa và tàn ác.
Điều đặc biệt khiến Sweet Home trở thành một trong những thương hiệu quái vật nổi tiếng nhất xứ củ sâm không chỉ là cốt truyện hay hàng loạt quái vật rùng rợn; đó là sự khám phá sâu sắc về cuộc đấu tranh nội tâm giữa con người và quái vật bên trong mỗi nhân vật. Chiều sâu chủ đề này đã tạo được sự cộng hưởng sâu sắc với người xem và đánh dấu tính cá biệt của loạt phim trong địa hạt rộng lớn của các chuỗi phim kinh dị giả tưởng khác.
2. Những câu chuyện về địa ngục hấp dẫn hơn thiên đường? sweet home 3
Thuật ngữ “dystopia” lần đầu tiên xuất hiện vào đầu thế kỷ 19. Khoảng năm 1844, “dystopia” được sử dụng trong ngành y tế, đề cập đến “sự định vị sai của các cơ quan nội tạng”, bắt nguồn từ “dys” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “xấu” và “topos” có nghĩa là “nơi chốn”. Đến năm 1868, ý nghĩa của “dystopia” đã rời xa nguồn gốc y học của nó.
“Dystopia” được chính trị gia và triết gia người Anh John Stuart Mill sử dụng trong bài phát biểu của ông trong một cuộc tranh luận về đề xuất thiết lập hệ thống phân phối đất đai tại các thuộc địa của Anh. Mill sử dụng “dystopia” trái ngược với “utopia” để mô tả một xã hội giả định không mong muốn hoặc trở nên đáng sợ.
Theo thời gian, “dystopia” đã được sử dụng rộng rãi trong văn học và diễn ngôn để mô tả các xã hội hư cấu hoặc có thật đặc trưng bởi đau khổ, sự áp bức và tệ nạn. Các bộ phim theo đuổi đề tài Dystopia lấy bối cảnh thế giới trong tương lai, một thế giới đi chệch khỏi quỹ đạo phát triển lý tưởng, nơi con người không tiến tới văn minh, bình đẳng, hòa bình mà trở thành nô lệ của văn minh, nạn nhân của phân tầng giai cấp, địa vị kinh tế, dị giáo… Dystopia cũng đi sâu vào viễn cảnh đen tối, hỗn loạn về tương lai của nhân loại, xã hội được định hình bởi tệ nạn, bất công, bất bình đẳng, bệnh tật, thiên tai…
Lấy The Hunger Games của Suzanne Collins làm ví dụ, bộ tiểu thuyết xây dựng quốc gia áp bức Panem do Tổng thống Snow cai trị. Tại đây, Hunger Games hàng năm buộc 24 vật tế trẻ tuổi phải chiến đấu đến chết. Ban đầu cuộc thi nhằm dập tắt mọi cuộc nổi loạn trong dân chúng và gìn giữ kỷ cương nhưng những giá trị này dần bị bóp méo và cuộc sinh tồn của kẻ yếu trở thành niềm vui cho kẻ mạnh.
Tương tự, Never Let Me Go của Kazuo Ishiguro tạo dựng thế giới nơi những đứa trẻ nhân bản được tạo ra, được nuôi nấng và trở thành người hiến nội tạng cho bản gốc cho đến bao giờ bản sao chết đi.
Những câu chuyện phản địa đàng đi sâu vào những nỗi sợ hãi chung về tương lai, chẳng hạn như chủ nghĩa toàn trị, mất tự do cá nhân, sự sụp đổ xã hội và các mối đe dọa hiện sinh. Nó cũng khám phá hành vi của con người với các chủ đề như lòng tham, quyền lực, khả năng chịu đựng và sự cứu chuộc. Viễn cảnh hỗn loạn trong phim được khám phá dưới nhiều nguyên nhân khác nhau: từ các chính phủ tham nhũng và chuyên quyền, sự thống trị và bóc lột của các tập đoàn hùng mạnh đến sự kiểm soát của các công nghệ tiên tiến do bàn tay con người tạo ra…
Thể loại này nổi lên một cách nhanh chóng và trở thành một địa hạt rộng lớn với những góc nhìn mới, táo bạo, riêng biệt không chỉ trong văn chương mà còn cả điện ảnh toàn cầu. Ở châu Á, những tác phẩm đáng chú ý bao gồm The Flu và Train to Busan của Hàn Quốc, Attack on Titan của Nhật Bản và ở Trung Quốc, Three Body Problem chuyển thể từ tiểu thuyết gốc của Lưu Từ Hân cũng làm dậy sóng nền tảng Netflix khi ra mắt vào đầu năm nay.
3. Điều gì làm nên sức hút của thể loại phản địa đàng? sweet home 3
Điều gì thu hút chúng ta đến với thế giới trong Sweet Home? Bởi phim sinh tồn khoa học viễn tưởng không trình diện những cuộc rượt đuổi chung chung mà còn đưa ra bình luận xã hội, phê phán các vấn đề như sự thái quá của chủ nghĩa tư bản (The Hunger Games), bóc lột những người yếu thế về nền tảng kinh tế (Squid Game) hoặc những khía cạnh đen tối của quyền lực và giai cấp (The Penthouse). Góc nhìn này cho phép người xem tìm thấy những điểm tương đồng với cuộc sống của chính họ, nuôi dưỡng sự đồng cảm và gắn kết với những câu chuyện được miêu tả.
Sức hấp dẫn cũng nằm ở khía cạnh kịch tính hóa của những loạt phim này, nơi người xem có thể đắm mình vào những tình huống giả định. Việc tham gia vào các câu chuyện hư cấu, bao gồm cả các câu chuyện phản địa đàng, có thể tăng sự đồng cảm và góc nhìn bằng cách cho phép người xem trải nghiệm và suy ngẫm về các tình huống cực đoan từ một khoảng cách an toàn. Keith Oatley trong nghiên cứu mang tên The Role of Fiction in the Study of Empathy: Implications for Psychosocial Research, chỉ ra rằng việc tham gia vào các câu chuyện hư cấu, bao gồm cả tiểu thuyết phản địa đàng, sẽ tăng cường sự đồng cảm và giúp mọi người hiểu được động lực xã hội phức tạp bằng cách đắm mình vào các tình huống giả định.
Bất chấp chủ đề đen tối, những câu chuyện phản địa đàng mang đến cảm giác thoát ly và giải trí. Thế giới giàu trí tưởng tượng, những xung đột gay cấn và các nhân vật hấp dẫn trong những câu chuyện này mang đến sự phiêu lưu và phấn khích, thu hút trí tưởng tượng của người xem cũng như người đọc.
Chúng cho phép chúng ta đối mặt trực tiếp với nỗi sợ hãi và bất an sâu sắc nhất của mình, đối mặt với vực thẳm và trải nghiệm, dù chỉ trong thời gian ngắn. Hellbound khám phá thế giới nơi niềm tin bị bóp méo thành dị giáo, The Penthouse khám phá sự phân chia giai cấp và áp lực xã hội… Hay trong Sweet Home, người xem bị cuốn hút vào việc Cha Hyun Soo sẽ làm thế nào để chiến thắng quái vật tàn ác xung quanh. Trong Concrete Utopia, chúng ta bị hấp dẫn bởi điều gì sẽ khiến “tòa chung cư địa đàng” sụp đổ… Chúng nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả trong những hoàn cảnh tăm tối nhất, tinh thần con người vẫn có thể trỗi dậy từ đống tro tàn và trường tồn.
Phim phản địa đàng được yêu thích vì dù hư cấu, dù tăm tối và cực đoan, chúng ta vẫn yêu thích và ủng hộ cái thiện, chúng ta luôn muốn biết điều gì khiến người yếu thế trở thành kẻ mạnh và muốn chứng kiến kẻ mạnh sẽ sụp đổ ra sao. Những câu chuyện này gây được tiếng vang sâu sắc vì chúng phản ánh và bình luận về thực tế xã hội đương đại, đặc biệt là các vấn đề về quyền lực và giai cấp có liên quan mật thiết đến cuộc sống của người xem.
_____
Bài: Hoàng Thúy Vân