Tái hiện thành Rome đầy tương phản trong “Gladiator II”
Theo lịch sử, trong khoảng thời gian ngắn từ năm 209 đến 211 sau Công nguyên, hai anh em sinh đôi Caracalla và Geta đã cùng nhau cai trị Đế chế La Mã với tư cách là những hoàng đế đồng nhiệm, theo di chúc của người cha quá cốlà Hoàng đế Septimius Severus. Tuy nhiên, giai đoạn đương nhiệm của hai người không kéo dài lâu, cũng không phải là một giai đoạn huy hoàng trong lịch sử đế chế.
Hơn 18 thế kỷ sau, chính sự kiện này trở thành bối cảnh cho Gladiator II, phần tiếp theo của kiệt tác sử thi Gladiator (2000). Ridley Scott tiếp tục kết hợp lịch sử với yếu tố hành động, biến Gladiator II thành một câu chuyện về chính trị, quyền lực, về cả sự vinh quang của một đế chế vĩ đại.
Gladiator II đã tái hiện thành công sự hoành tráng của thành Rome cổ đại. Trong những phân cảnh mở đầu, đạo diễn Ridley Scott đã sử dụng các góc quay rộng, cho phép người xem nhìn thấy sự đồ sộ và tráng lệ của thành phố. Những khung cảnh hùng vĩ, đầy hoài niệm, kết hợp giữa ánh sáng và bóng tối trong các cảnh quay tạo ra một không khí đầy mâu thuẫn, giữa vinh quang đã mất và những tàn dư còn sót lại.
Nhưng tiếp theo đó, đạo diễn Ridley Scott khéo léo từ từ lật mở những điều ghê tởm của Rome. Những tòa nhà nguy nga, những đấu trường vĩ đại giờ đã mất đi ánh hào quang của một thời vang bóng. Trong lòng Rome là những người dân than đói, nô lệ xin ăn tràn khắp con đường, những địa điểm công cộng trở thành nơi tụ tập của những kẻ tham lam, vô cảm. Sự hào nhoáng của Rome đã bị lấn át hoàn toàn bởi sự tham nhũng và tha hóa của tầng lớp cai trị. Hình ảnh của các nhân vật như Macrinus (Denzel Washington), Geta (Joseph Quinn) và Caracalla (Fred Hechinger) đại diện cho một Rome đầy thối nát và hỗn loạn.
Có thể thấy, bằng ngôn ngữ điện ảnh điêu luyện, hình ảnh Rome với những tương phản khác nhau trong Gladiator II đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả.
Khắc họa đời sống đầy bi kịch trong thành Rome
Trong Gladiator II, Ridley Scott đã thành công trong việc đưa một Rome của quá khứ trở lại, qua những thước phim hoành tráng lẫn bi kịch riêng của mỗi nhân vật, khiến cho người xem cảm nhận được sự vĩ đại của Rome, thấy được sự sụp đổ mà một đế chế phải đối mặt khi những giá trị cốt lõi bị bỏ quên.
Trong bộ phim, Đại Hý Trường là biểu tượng quyền lực của Rome, nơi cái chết trở thành trò giải trí. Các trò chơi đẫm máu thu hút đám đông, nuôi dưỡng trái tim của đế chế. Rome vinh quang dựa trên sự bóc lột nô lệ, những người bị ném vào các trận chiến sinh tử. Khán giả hò reo khi thấy người ngã xuống, đó là cách Rome “vinh danh” những chiến binh của mình.
Với Gladiator II, nhân vật Lucius đã trải qua những năm tháng đen tối nhất, khủng hoảng nhất và vô vọng nhất trong suốt lịch sử hai trăm năm huy hoàng của nó của Rome. Đế chế La Mã đứng trên bờ vực tan vỡ, thế giới dường như đã quên mất những gì từng vĩ đại ở Rome. Rome trở thành thành phố của sự điêu tàn, của nỗi buồn mạt kỳ đế chế. Điều này tô đậm thêm những cảm xúc cho độc giả.
Vai trò của Rome trên hành trình thức tỉnh của Lucius
Với khởi đầu bi kịch, Lucius ngay từ đầu không phải là người thừa kế đầy quyền lực như những lãnh đạo khác trong lịch sử La Mã. Cậu chỉ là một chiến binh trẻ bị cuốn vào vòng xoáy của những sự kiện vượt tầm kiểm soát. Rome từ đây, ngoài là bối cảnh còn là yếu tố chủ chốt thúc đẩy sự phát triển nhân vật của Lucius.
Mười sáu năm sau cái chết của Hoàng đế Marcus Aurelius, đế chế La Mã đã trải qua hàng loạt biến động với nhiều đời vua nối tiếp nhau. Bộ phim mở màn bằng một cảnh hành động nghẹt thở, khi một hạm đội tàu chiến La Mã đổ bộ lên pháo đài Numidia. Quân La Mã nhanh chóng chiếm giữ thành phố và cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội.
Sự tàn bạo của cuộc chiến khiến Lucius mất đi tất cả – quê hương, gia đình, niềm tin vào công lý và thổi bùng trong lòng câụ ngọn lửa căm hận đối với đế chế. Lucius khao khát đốt cháy Rome, phá hủy hệ thống quyền lực đã gieo rắc đau thương lên gia đình mình. Cậu hy vọng rằng sự sụp đổ của thành Rome có thể xóa sạch mọi dấu vết của sự bạo ngược và khôi phục công lý cho những người vô tội bị ném vào những cuộc chiến vô nghĩa.
Tuy nhiên, cũng những trải nghiệm đau thương này khiến Lucius trở nên mâu thuẫn trong suy nghĩ và hành động. Một mặt, Lucius phẫn nộ trước sự thối nát từ những người cầm quyền, những kẻ đã biến Rome thành một đế chế tẩy chay tất cả những giá trị nhân văn, biến con người trở thành công cụ của quyền lực.
Mặt khác, những ký ức về Maximus – người chiến binh dũng cảm, trung thành với lý tưởng “Giấc mơ La Mã” – vẫn vang vọng trong lòng cậu. Maximus đại diện cho hình ảnh cao quý của lòng trung thành và danh dự mà Rome từng có.
Điều này khiến Lucius không thể đơn giản hóa mọi thứ thành một cuộc chiến trả thù. Cậu buộc phải đứng trước những câu hỏi lớn: Liệu có thể tiếp tục chiến đấu với Rome mà không vấy bẩn chính lý tưởng mà Maximus đã hy sinh? Hay là Rome, dù đã hủy hoại mọi thứ của cậu, vẫn có thể là một phần trong di sản mà cậu phải gìn giữ?
Sự thay đổi trong Lucius diễn ra từ những cảm xúc bức xúc ban đầu đến những suy ngẫm phức tạp về Rome và bản thân cậu. Thành phố vĩnh hằng chuyển biến từ kẻ thù mà Lucius muốn tiêu diệt, trở thành nơi cậu hiểu được sự thật về chính bản thân, sứ mệnh mà cậu phải gánh vác và quyết tâm đưa Rome đến con đường khải huyền. Đó là con đường mà cậu sẽ tạo ra, con đường sẽ biến “Giấc mơ La Mã” thành sự thật chứ không chỉ là ảo ảnh của những kẻ khờ mộng mơ nữa.
[inline_article id=
_____
Bài: Hoàng Thúy Vân