Train to Busan – Giới hạn của tình người

Bài intern intern

Điều làm nên giá trị của Train to Busan không phải là cuộc chiến giữa con người với thảm họa mà là cuộc chiến giữa đạo đức với bản năng.

Giữa một rừng phim kinh dị Mỹ, Train to Busan vẫn tìm cho mình lối đi rất riêng để chinh phục những tín đồ điện ảnh. Có thể sẽ rất rất lâu mới tìm được người thừa kế xứng đáng di sản của Train to Busan.

Spoiler: Bài viết sẽ tiết lộ trước nội dung phim. Cân nhắc kỹ trước khi đọc. 

Còn đâu người hùng?

Tên anh ta là Seok-Woo. Một người chồng đã ly hôn vợ. Một ông bố có cô con gái tầm tuổi tiểu học. Một người con trai đang nuôi mẹ già. Và sau cùng, một gã nghiện công việc. Mà gã làm việc gì? Giám đốc tài chính – Cái nghề mà khi nghe qua, những người trên tàu đã lộ thái độ coi thường.

Review

Cuộc đời của Seok-Woo trước chuyến tàu Busan là cuộc đời gắn bó với những con số rủi ro. Anh ta thực dụng, có phần ích kỷ và mờ nhạt trong chính gia đình mình. Seok-Woo nhớ sinh nhật con gái và không quên mua quà cho con nhân ngày sinh nhật, nhưng đó là điều tốt nhất anh ta có thể làm được. Bởi vì, Seok-Woo thậm chí chẳng nhớ mình đã tặng gì cho con trong lần sinh nhật trước.

train-to-busan-gioi-han-cua-tinh-nguoi-elleman
Seok-Woo trong Train to Busan không hề hoàn hảo.

Hình tượng Seok-Woo ban đầu chẳng giống mẫu người hùng trong các bộ phim hành động sinh tồn thường thấy. Thậm chí, anh ta còn dặn con gái: “Vào những lúc như thế này, con hãy chỉ lo cho chính mình thôi, hiểu chưa?”. Nhưng đó lại là kiểu người phổ biến trong xã hội Hàn Quốc hiện nay (và có lẽ cả xã hội chúng ta) khi giá trị vật chất đang có xu hướng áp đảo giá trị tinh thần. Nói cách khác, Seok-Woo xa lạ trong thế giới điện ảnh mẫu mực nhưng là một người rất thường gặp trong thế giới thực. Cũng vì thế, Seok-Woo gần gũi hơn bao giờ hết. Seok-Woo không phải dạng người chúng ta ngước nhìn ngưỡng mộ. Seok-Woo thuộc kiểu nhân vật mà chúng ta có thể cùng tiến cùng lùi – kiểu nhân vật đầy tiềm năng, dễ lấy nước mắt khán giả.

Chuyến tàu sinh tử

Soo-an, con gái Seok-Woo, đề nghị bố: Cho con đến Busan gặp mẹ, con tự đi một mình, bố không cần phải lo lắng đâu. Không, nhỡ Soo-an có mệnh hệ gì thì sao? Vậy là Seok-Woo đành tạm gác lại công việc, cùng cô con gái bước lên chuyến tàu định mệnh. Xui xẻo thay, trên con tàu đó lại có người nhiễm bệnh “thây ma” và chỉ bằng một vết cắn, căn bệnh này đã lây sang người khác. Hiệu ứng domino mở đầu cho những giây phút kinh hoàng với những kẻ sống sót trên tàu.

train-to-busan-gioi-han-cua-tinh-nguoi-elleman-4
Zombie đột kích!

Đoàn tàu là chất liệu điện ảnh quen thuộc nhưng luôn gây ấn tượng mạnh với khán giả. 5 cm/s, một bộ phim hoạt hình Nhật Bản, kể về câu chuyện tình buồn giữa hai con người yêu nhau nhưng không thể đến với nhau. Trong phim, những cánh hoa anh đào biểu trưng cho tình yêu trong sáng và đoàn tàu đi qua biểu trưng cho những biến cố trong cuộc sống khiến con người không còn là chính mình (theo cả hai nghĩa tích cực hoặc tiêu cực). Đối với Train to Busan, đoàn tàu trước hết là không gian diễn ra câu chuyện, là cái nền để nhân vật bộc lộ cái tôi giấu kín. Một không gian đủ hẹp, một cái nền không quá lớn nhằm khơi dậy bản năng sinh tồn trong mỗi người.

Bên cạnh đó, đoàn tàu là một xã hội thu nhỏ. Dường như trên tàu này đủ mặt các thành phần: người già, người vô gia cư, học sinh, công nhân viên chức và người thành đạt. Những con người khác nhau với lai lịch khác nhau sở hữu những quyền lợi khác nhau và cả quan điểm sống khác nhau. Chính sự đa dạng thành phần xã hội đã cung cấp góc nhìn đa chiều về cuộc chiến tranh sinh tồn.

train to busan gioi han cua tinh nguoi - elleman 3
Seok-Woo và Sang-hwa xứng đáng là những ông bố của năm.

Hãy nói về Sang-hwa, anh võ sư to con thương vợ. Nếu bé Soo-an níu kéo phần người còn sót lại trong Seok-woo thì Sang-hwa truyền cảm hứng để Seok-Woo nhân rộng phần người đó. Ở Sang-hwa sở hữu những phẩm chất cần thiết của mẫu anh hùng lý tưởng: mạnh mẽ, luôn tiên phong và sẵn sàng xả thân vì người khác. Nó hoàn toàn khác với tính cách Seok-Woo ban đầu. Khác biệt này khiến hai người nghi kỵ lẫn nhau. Trước lúc chết, Sang-hwa giao người vợ Sung-kyung cho Seok-Woo chăm sóc, như lời khẳng định: Giờ đây tôi hoàn toàn tin tưởng anh.

train-to-busan-gioi-han-cua-tinh-nguoi-elleman-5
Granny nổi loạn!

Cặp chị em Jong-gil và In-gil gây ấn tượng mạnh. Tuổi già từng trải khiến họ nhìn nhận cuộc sống phức tạp hơn phần còn lại. Đối với họ, cuộc sống không có tình người không còn là cuộc sống nữa. Điều này lý giải vì sao In-gil từ chối bàn tay giúp đỡ của Seok-Woo và Jong-gil thậm chí còn đi xa hơn: mở cửa toa cho thây ma tràn vào. Cũng có thể lý giải hành động của Jong-gil như một sự phản kháng đối với bất công trong xã hội. Từng đề cập ở trên, tàu đi Busan là xã hội thu nhỏ. Tầng lớp giàu có và thành đạt mà Yon-suk làm đại diện sở hữu tiếng nói trọng lượng nhất. Người già bị bỏ rơi, không thể lên tiếng, không thể đấu tranh. Sự khác biệt về quyền lợi ngấm ngầm tạo ra mâu thuẫn và đỉnh cao mâu thuẫn chính là cái chết của gần như toàn bộ thành viên trên tàu.

Bên kia bờ Thiện – Ác

Chuyến tàu đi Busan, với loại người giàu có và ích kỷ như gã CEO Yon-suk, đơn thuần chỉ là cuộc chạy trốn tử thần bằng mọi giá, kể cả đánh đổi tính mạng đồng loại. Với Seok-Woo, chuyến tàu đi Busan là hành trình đi tìm phần người bị che lấp bởi xã hội xô bồ, là đạo đức trỗi dậy.

train-to-busan-gioi-han-cua-tinh-nguoi-elleman-2
Một vai diễn xuất sắc trong Train to Busan

Seok-Woo lẫn Yon-suk đều có chung xuất phát điểm: Thực dụng tới tàn nhẫn. Chính Seok-Woo từng đóng cửa, bỏ mặc hai vợ chồng Sang-hwa chạy về phía mình. Hành động này khác gì Yon-suk huy động những người trên toa chặn cửa nhóm Seok-Woo vì lo sợ nhiễm bệnh. Nhưng may mắn cho Seok-Woo, anh có bé Soo-an bên cạnh. Soo-an là lằn ranh giữa Seok-Woo và Yon-suk, giữa cao thượng và thấp hèn. Soo-an khơi dậy tình phụ tử ngủ sâu trong Seok-Woo, và từ tình phụ tử thăng hoa thành tình thương giữa người với người.

Càng về sau, chúng ta không còn thấy anh giám đốc tài chính “làm gì cũng phải nghĩ tới mình trước”. Chỉ đọng lại hình ảnh ông bố hết lòng bảo vệ con gái. Ngày trước, Seok-Woo hy sinh gia đình để vùi đầu vào công việc thì bây giờ, Seok-Woo đánh đổi cuộc đời mình để gia đình bình an. Hành trình lột xác đầy xúc động của Seok-Woo thực sự là kết tinh từ nghệ thuật sắp đặt tình huống tài tình.

Thật bi hài khi hai người đàn ông bắt đầu như nhau, quá trình khác nhau nhưng lại cùng chết trên một toa tàu. Hai cái chết, hai sắc thái khác nhau. Ai đó từng viết: “Cái chết là một dấu chấm hết. Dấu chấm hết nào cũng muốn mang ý nghĩa của cái câu đi trước nó. Tôi muốn biết mình là ai để ngày tôi chết tôi biết rằng ai đã chết” . Dấu chấm hết của Yon-suk là một dấu chấm hết nhạt nhẽo và bất lực…

train-to-busan-gioi-han-cua-tinh-nguoi-elleman-1
Soo-an – Thiên thần của Seok-Woo

Dấu chấm hết của Seok-Woo là dấu chấm hết mở đầu cho những đoạn văn mới, những ngày mai tươi sáng hơn. Ngày mai bắt đầu bằng tiếng ca của Soo-an và sẽ nối tiếp bằng tiếng khóc của đứa bé trong bụng Sung Kyung. Cứ thế cứ thế, chúng ta không bao giờ tìm ra giới hạn sau chót của tình người.

_____

Theo Tấn Phúc / Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE

No more