Sài Gòn thì có nhiều chuyện để kể, lên báo thì có chuyện đụng xe, tắc đường, lên Facebook thì có chuyện người nhập cư người di cư. Thế nhưng, giữa cái ồn ào xô bồ đó lại là những con người vội vã mưu sinh nhưng luôn còn thời gian cho tình nhân ái. Đàm Hà Phú đã chọn kể về những cái đẹp ấy, để người ta thấy thương Sài Gòn hơn, để người ta dù không đi đâu xa cũng biết rằng Sài Gòn “bao nhớ”.
Hai năm trước, Đàm Hà Phú ra mắt cuốn sách Chuyện nhỏ Sài Gòn. Nhưng như anh nói, những câu chuyện có thể kể mãi không hết, nên giờ đây chúng ta lại có thêm một cuốn sách nhỏ để đọc bên ly cà phê sáng, để bỏ túi mang theo mỗi khi đi xa: Sài Gòn, bao nhớ … Và câu chuyện về Sài Gòn cũng sẽ được Đàm Hà Phú kể thêm, trong đoạn trò chuyện cùng ELLE MAN.
Có người nói, muốn biết Sài Gòn đẹp ra sao thì vào đọc Đàm Hà Phú viết. Có phải anh muốn viết về Sài Gòn để người ta thấy thành phố này đẹp hơn không?
Không, tất nhiên là không, Sài Gòn vẫn vậy, mỗi ngày mỗi đổi thay nhưng khó mà nói đẹp. Thiệt là Sài Gòn không có chỗ nào đẹp, không có danh lam thắng cảnh gì nhiều, để ngắm, để thăm, dù tôi có viết thế nào cũng không thể tả cho đẹp được.
Chỉ khi đã sống giữa lòng Sài Gòn bạn mới cảm nhận vẻ đẹp của nó, chính là tình người ở đây, tất cả mọi người, từ những người buôn thúng bán bưng đến những cư dân hẻm sâu hun hút, tất cả, tất cả họ tạo nên một thành phố ồn ào náo nhiệt nhưng lại rất tình nghĩa, hào hiệp này. Tôi muốn viết, để kể về họ, những người Sài Gòn đẹp.
Sách của anh như một bức tranh mosaic, nhưng bây giờ nếu miêu tả về Sài Gòn như một con người, đó sẽ là?
Tôi tự nhận mình là một người kể chuyện. Hơn 20 năm sống và trải nghiệm khắp hang cùng ngỏ hẻm ở Sài Gòn, tôi thu thập được rất nhiều câu chuyện đẹp, có một mẫu số chung, là tính cách của người Sài Gòn. Tuy nhiên tôi không hề khẳng định tính cách ấy, tôi chỉ đơn giản là chép lại câu chuyện, bằng cách đó, độc giả sẽ thấy mình trong đó, bắt gặp Sài Gòn của mình trong đó, và họ hiểu, họ thương Sài Gòn hơn. Cho nên, nếu để miêu tả Sài Gòn như một con người cụ thể, thì đó chính là mỗi người mà chúng ta gặp, những mảnh ghép đơn sơ và thoáng qua ấy, qua câu chuyện, sẽ bừng lên tính cách của thành phố này.
Sài Gòn của 20 năm trước của anh và Sài Gòn bây giờ cái gì còn nhiều, cái gì chỉ còn chút chút vậy anh?
Tôi nghĩ cái gì cũng còn nhiều, cái tốt còn nhiều, nhưng cái chưa tốt cũng còn nhiều. Cảm giác chung của người mới đến là thành phố hơi xô bồ, nhiều tệ nạn, nhiều hiểm nguy, nhưng khi sống lâu, quen với nhịp điệu và khí quyền của thành phố, người ta sẽ không còn nhận ra Sài Gòn của ngày xưa và bây giờ. Bề nổi của thành phố như đường sá, hàng quán có vẻ đổi thay, nhưng tính cách, lối cư xử thì vẫn như xưa, có bị chìm đi bởi muôn ngàn tin tức tiêu cực mỗi ngày, nhưng tôi tin là cái tình người Sài Gòn vẫn còn đó, như trước đây.
Lâu người ta lại đăng cái gì đó về Sài Gòn xưa, trước năm 1975 lên Facebook, để rồi so sánh với Sài Gòn bây giờ. Trong đó có nhiều người còn rất trẻ, chưa kịp nhìn thấy cái Sài Gòn xưa ấy. Anh nghĩ họ tìm kiếm và đã không thấy điều gì trong Sài Gòn hiện tại?
Thực ra hoài niệm về những điều xưa cũ thì ở đâu cũng vậy, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang đều có những hoài niệm của riêng mình. Sài Gòn rất đặc biệt, nó là một thành phố luôn sản sinh ra “tân ký ức”, mỗi ngày trôi qua sẽ là một hoài niệm mới. Những người trẻ bây giờ làm điều đó theo trào lưu thôi, chứ Sài Gòn trong họ là một Sài Gòn mới. Người ta thường nhớ về Sài Gòn ngay cả khi đang ở giữa thành phố, nhưng người ta không mô tả nỗi nhớ của mình được, nên họ mượn những hình ảnh xưa. Đó chỉ là một cách diễn đạt.
Sài Gòn có bao giờ khiến anh “giận quá”, nhưng mà vẫn “bao thương” hay không?
Có, mà lâu rồi, đến đoạn đã “bao thương” thì hết giận, dù có chuyện gì cũng không giận nữa, khi hiểu về sự hào hiệp cưu mang mười triệu con người, thì bất luận chuyện gì cũng phải thương Sài Gòn hơn hết thảy.
Cảm ơn anh rất nhiều.
—
Hình ảnh: tư liệu