Lễ hội Halloween – đêm vui chơi của những vong hồn trên trần tục

Bài ELLE Team

Halloween (hay còn gọi là lễ hội Hóa Lộ Quỷ) được tổ chức vào 31/10 hằng năm, đây được coi như một trong những ngày lễ hội vui nhất trong năm ở xã hội phương Tây mà đặc biệt là đối với giới trẻ bởi những trò chơi vô cùng kỳ bí và hấp dẫn. Nhưng đằng sau các trò chơi là những câu chuyện mang đậm tính nhân văn, và chúng ta đã hiểu biết được bao nhiêu điều thú vị xoay quanh lễ hội này?

Lễ hội Halloween pha trộn giữa những nghi lễ tôn giáo và tập tục cổ xưa của nhiều nền văn hóa khác nhau, trải qua thời gian lâu dài mới trở thành một lễ hội như chúng ta biết đến ngày nay và được xem là một trong những lễ hội lâu đời nhất và phổ biến nhất thế giới. Nếu như trước đây, lễ hội Halloween chỉ diễn ra ở các nước phương Tây theo công giáo, thì nay đã trở thành một sự kiện văn hóa thường niên được người dân trên toàn thế giới mong đợi. Trong những ngày diễn ra lễ hội, nhà nhà trang trí những hình nộm phù thủy, mèo đen, bí ngô lập lòe ma quái; người người tìm cho mình những trang phục gây ấn tượng mạnh trong đêm hội hóa trang. Vậy điều thú vị gì trong lễ hội Halloween mà sức hút của nó lại lớn đến vậy? Hãy cùng khám phá về nguồn gốc và những điều thú vị của lễ hội Halloween nhé!

Nguồn gốc của lễ hội Halloween

Tên gọi Halloween hay Hallowe’en có niên đại từ khoảng năm 1745 và có nguồn gốc Kitô giáo. Từ “Halloween” có nghĩa là buổi tối linh thiêng hay thánh thiêng. Nó bắt nguồn từ một thuật từ Scotland All Hallows’ Eve (buổi tối vọng Lễ Chư Thánh). Trong tiếng Scots, từ eve có nghĩa là là even (chiều tối) trong tiếng Anh, từ này cũng được viết ngắn gọn thành e’en hay een. Theo thời gian, All Hallows’ Eve dần trở thành Halloween. Một số báo chí Việt Nam còn gọi lễ hội hóa trang này là “Hóa lộ quỷ” hay “Ma lộ hình”, mô phỏng cách phát âm tiếng Anh.

Lễ hội Halloween bắt nguồn từ dân tộc Celt, là một dân tộc sống cách đây hơn 2,000 năm trên các vùng đất bây giờ là Anh quốc, Ái Nhĩ Lan (Ireland) và miền Bắc nước Pháp. Dân tộc Celt bắt đầu năm mới vào ngày 1 tháng 11 Dương Lịch. Một lễ hội được cử hành vào đêm trước năm mới để vinh danh vị thủ lãnh đã quá cố là Samhain. Ngày lễ hội này báo hiệu sự bắt đầu của mùa lạnh, của những ngày tối tăm thường được liên kết với sự tàn tạ và cái chết. Dân tộc Celt tin rằng Samhain cho phép những linh hồn người chết được trở về nhà trên trần gian vào đêm hôm đó.

Một phần nghi lễ của dân tộc Celt. Ảnh: The Art of the Grand Gesture
Một phần nghi lễ của dân tộc Celt. Ảnh: The Art of the Grand Gesture

Vào năm 43 (Tây lịch kỷ nguyên), người La Mã chinh phục vùng đất của dân tộc Celt và cai trị khoảng 400 năm (vùng này bây giờ là Anh Quốc). Trong giai đoạn này có hai lễ hội Samhain của dân tộc Celt. Một trong hai lễ đó là FẺALIA được cử hành vào cuối tháng Mười để vinh danh những ngưòi đã chết, lễ thứ hai dành cho Pomona, nữ thần La Mã về cây và quả. Có lẽ vì nữ thần Pomona mà quả táo (apple) đã được kết hợp vào lễ hội Halloween. Sau ngày lễ Chư Thánh, tại Anh Quốc, còn có ngày “Các vong hồn” vào mồng 2 tháng 11. Tại Anh Quốc, lễ hội Halloween đôi khi được gọi là Nutcrack Night or Snap Apple Night vì mọi người trong gia đình ngồi quanh lò sưởi kể chuyện và ăn đậu phộng ran và táo. Vào ngày “Các vong hồn,” những người nghèo đi “khất thực cô hồn” (went-a-souling) và họ sẽ được bố thí bánh trái gọi là “soul cakes” (bánh vong hồn) để họ hứa là sẽ cầu nguyện cho “các vong hồn.”

Halloween đến Hoa Kỳ do những di dân đầu tiên, đa số đến từ Anh Quốc và một số từ các vùng thuộc dân tộc Celt, họ đã đem qua Mỹ khá nhiều phong tục khác nhau. Nhưng vì lý do tín ngưỡng bị giới hạn, nghĩa là lúc đầu các tôn giáo lớn đưa ra giới luật tương đối chặt chẽ, nên việc cử hành lễ Halloween chưa được phổ cập trong dân chúng. Mãi đến thập niên 1800 mới trở nên tục lệ được nhiều người hưởng ứng. Vào giữa thế kỷ 19, tục lệ “trick or treat” chưa được phổ biến ở các thành phố lớn vì ở những nơi này “hàng xóm láng giềng” hầu như không có; nhiều người ở cạnh nhau mà không quen biết nhau, cho nên Halloween đôi khi gây ra những sự việc tai hại. Ngày nay, nhiều cộng đồng, nhiều tổ chức đã đứng ra bảo trợ các tục lệ vui chơi của ngày Halloween, nên nó đã trở thành một ngày lễ hội rất vui thú của thanh thiếu niên.

Halloween ngày nay. Ảnh: 6th street
Halloween ngày nay. Ảnh: 6th street

Các ý nghĩa của lễ hội Halloween

1. Ý nghĩa giáo dục của lễ hội Halloween

Có một câu chuyện xa xưa của Ireland kể về một người đàn ông có biệt danh là “Jack hà tiện” (Stingy Jack). Theo truyền thuyết, Jack đã lừa con Quỷ nhiều lần với mánh khóe của mình và bắt Quỷ không bắt linh hồn của Jack sau khi chết. Đức Chúa Trời không cho phép một con người tinh ranh như Jack lên thiên đàng. Con Quỷ giữ lời hứa không đòi linh hồn của Jack nên không cho phép anh ta vào địa ngục. Hắn cho Jack một hòn than để thắp sáng con đường của mình trong đêm. Jack bỏ than vào một củ cải đã khắc ruột và đi lang thang khắp trái đất. Kể từ đó, người Ireland gọi hồn ma của Jack là “Jack-o’-lantern”. Không nên chơi đùa với ma quỷ. Ma quỷ hiểu theo nghĩa bóng là những trò lừa lọc, đe dọa, làm cho người khác sợ hãi, những việc làm tinh quái do trí thông minh và tưởng tượng của tuổi trẻ sáng tạo ra có khi làm hại đến người, đến xã hội… Chơi đùa, giao du với ma quỷ sẽ dễ bị cám dỗ đi vào đường tối tăm và tội lỗi. Tuy nhiên, chuyện anh chàng Jack trong đêm Halloween cũng ghi nhận một thái độ sòng phẳng của quỷ, đó là “ân đền, oán trả” và “giữ lời hứa.” Dù rằng sự “giữ lời hứa” này đã làm cho Jack rơi vào thân phận cô hồn lang thang vất vưởng. Ngày này, ở cả xã hội Âu Mỹ thì Halloween đã trở thành lễ hội vui chơi hằng năm cho trẻ em và cả người lớn. Ít người quan tâm còn quan tâm và tìm hiểu ý nghĩa nhân bản của nó.

Hành động và cuộc đời của Jack đã trở thành những kinh nghiệm để tuổi trẻ rút ra một bài học làm người, đó là:

Sống không nên tham lam, bủn xỉn, keo kiệt

Phải có lòng bác ái, từ bi, biết giúp đỡ kẻ khó khăn

Ảnh: Wiki
Ảnh: Wiki

2. Ý nghĩa nhân bản của lễ hội Halloween

Nếu đào sâu hơn, có lẽ sẽ tìm thấy tính cách nhân bản trong câu chuyện. Thử đặt câu hỏi: tại sao dưới ánh sáng khoa học và kỹ thuật mà các nước Âu, Mỹ vẫn dành một ngày lễ hội cho người của “cõi Âm” mà đại diện là chàng Jack?

Jack là nhân vật tưởng tượng nhưng đã thực sự hiện thân trong cuộc đời, trong thân phận làm người… mà lại là một người cô đơn. Khi chết, Jack trở thành cô hồn, không chỗ dung thân… Thiên Đàng và Địa Ngục đều từ chối!

Truyền thống lễ hội Âu Mỹ đã dành cho Jack một ngày. Một ngày được trở lại với cõi dương. Trong ngày đó, Jack có thể sống vui chơi thoải mái, vì người sống đã hóa trang thành ma quỷ để linh hồn Jack có chỗ trà trộn vào cho đỡ cô đơn. Đây là ý nghĩa nhân bản của lễ hội Halloween. Với ý nghĩa nhân bản này, ngày lễ Halloween và Rằm tháng Bảy Âm lịch của những nước Đông Á có thể xem như là ngày hai cõi Âm, Dương hội ngộ trong niềm thương cảm bao la…

Ảnh: Wiki
Ảnh: Wiki

Những tập tục độc đáo trong lễ hội Halloween

Trong ngày lễ Halloween, người ta đốt lửa với hi vọng mặt trời sẽ ngày lại ngày chiếu sáng và lưu lại trong thời gian lâu hơn, giúp cho mùa màng bội thu. Những đống lửa này thu hút nhiều muỗi, cú và dơi – những động vật cấu thành sự tích đêm các Thánh, và cũng là ánh sáng giúp con người tránh xa các linh hồn quỉ dữ.

Đốt lửa cũng là một cách khuyến khích các tiên nữ ra khỏi những nấm mồ và đi dạo cùng người sống. Rất nhiều người tin rằng đó là lí do tại sao người ta thích mặc theo lối giả trang trong lễ Halloween, nó khiến mỗi người được sống bằng con người khác, không còn là bản thân họ nữa. Những bộ trang phục và mặt nạ sẽ làm cho các linh hồn quỉ dữ nhầm lẫn, hoặc góp phần xua đuổi chúng.

Ảnh: smithsonianmag.com
Ảnh: smithsonianmag.com

Trang trí lồng đèn: Lễ hội đèn lồng bắt nguồn từ tập quán của người Ireland. Theo truyền thuyết kể lại, Jack là người nổi tiếng vì nghiện rượu và tư chất thông minh. Anh đã lừa quỷ Satan trèo lên ngọn cây, sau đó khắc hình một chữ thập lên gốc cây và trói con quỷ trên đó. Jack thoả thuận với con quỷ nếu nó không trêu chọc anh nữa thì anh sẽ thả nó xuống. Do “gây hấn” với nhiều thế lực siêu nhiên, cho nên khi chết, ông không được lên thiên đàng hay xuống địa ngục. Do vậy, ông phải đi lang thang nhiều nơi tìm kiếm một chỗ trú chân. Hơi ấm duy nhất sưởi ấm cho ông trong giá lạnh là ngọn nến leo lét trong củ khoai tây thối.

Trẻ em thường chơi trò đục khoét quả bí ngô, củ khoai tây hoặc bí đao; sau đó khắc hình thù những khuôn mặt lên đó, đặt nến vào bên trong để thắp sáng. Những chiếc lồng đèn này được gọi là “Jack O’Lantern”, xuất phát từ truyền thuyết về anh chàng tên Jack vì tính keo kiệt và những cú lừa với quỷ nên khi chết, anh ta không được lên thiên đường cũng như xuống địa ngục, phải làm linh hồn lang thang với chiếc đèn bí ngô.

Ảnh: Home Furniture
Ảnh: Home Furniture

Lễ hội hóa trang: Đây là phong tục phổ biến nhất vào Halloween, đặc biệt là đối với trẻ em. Trang phục thường gặp là những bộ quần áo hóa trang phù thủy, ma quỷ, các nhân vật hoạt hình nổi tiếng hoặc những sinh vật siêu nhiên khác…

Ảnh: Romper
Ảnh: Romper

Trick – or – Treat: Trong suốt lễ hội Samhain, vị thần Druids cho rằng người chết sẽ tìm đến lừa, gây hoang mang, lo sợ và phá hoại con người. Những hồn ma đi lại ăn xin và đến nhà nào, gia chủ phải cung cấp thức ăn cho chúng. Chính vì thế, trong tuần lễ Halloween, trẻ em phương Tây rất hứng thú với trò “gõ cửa xin ăn” này. Chúng mặc trang phục hóa trang và đeo mặt nạ rồi đi từ nhà này qua nhà khác, gõ cửa để gặp chủ nhà và nói câu “trick-or-treat”.

Trò chơi “Trick Or Treat”. “Trick” nguyên nghĩa là: đánh lừa, trò chơi tinh ma ngịch ngợm, “Treat” là tiếp đón, đối xử tử tế, tiếp đãi. Các em nhỏ và thiếu niên, thanh niên hóa trang với áo quần và mặt nạ hình ma quỉ, rồi cầm lồng đèn đi từ nhà này sang nhà khác trong xóm, gõ cửa và nói “trick or treat.” Câu này có nghĩa là: “Nếu muốn chúng tôi không chơi xấu thì hãy đãi chúng tôi cái gì đi”. Thông thường những người láng giềng luôn luôn muốn tránh việc “trick” nghĩa là chơi đòn đánh lừa nên thường tiếp đón (treat) chúng bằng kẹo và trái cây (theo tục lệ có nhét đồng tiền ở bên trong).

Ảnh: Romper
Ảnh: Romper

Đớp táo: Khi người Celtic bị người La Mã đánh chiếm, nhiều phong tục của người La Mã theo đó cũng du nhập vào đất Celtic, trong đó có lễ hội thờ nữ thần mùa màng Ponoma. Vị thần này thường “ẩn náu” trong giỏ hoa quả. Quả táo là một thứ hoa quả linh thiêng dùng để thờ cúng thần linh, do đó nhiều trò chơi có liên quan đến loại quả này xuất hiện trong lễ hội Samhain. Có rất nhiều hình thức chơi liên quan đến táo trong đêm Halloween, phổ biến nhất là hình thức thi nhau lấy được thật nhiều quả táo trong thau nước, hoặc thi gọt vỏ táo, vỏ táo càng dài thì càng sống lâu… Phong tục lấy táo vào đêm các Thánh không phải là trò chơi mà thực ra là một nghi lễ lấy may. Người nào càng lấy được nhiều táo, người đó càng gặp nhiều may mắn trong năm tới. Thiếu nữ nào túm được quả táo, chắc chắn cô ấy sẽ kết hôn năm đó.

Ảnh: 3rdfalkirkbb.co.uk
Ảnh: 3rdfalkirkbb.co.uk

Một trò chơi khác cũng rất phổ biến, người ta treo mật đường hoặc sirô đặc, sệt, rất dính bằng một sợi dây thừng. Người chơi sẽ phải ăn chúng mà không dùng đến hai tay, trong khi đó những người còn lại giữ cố định sợi dây, đây là một trò chơi mà chắc chắn sẽ làm mặt bạn dính bẩn, nhưng bù lại là cực kì vui. Một vài trò chơi khác trong lễ Halloween mang tính chất bói toán. Một trò chơi xuất xứ từ Ireland, người bị bịp mắt sẽ ngồi trước một cái bàn đã chuẩn bị sẵn những chiếc đĩa. Đĩa sẽ bị xáo trộn và người chơi sẽ chọn một chiếc đĩa bằng cảm giác của mình. Vật chứa trong chiếc đĩa sẽ chỉ ra tương lai của người chơi. Tuy nhiên chỉ là bói cho vui mà thôi! Thậm chí trong dịp Halloween nhiều phụ nữ cho rằng nếu họ ngồi trong phòng tối và nhìn chăm chú vào gương thì gương mặt người chồng tương lai của họ sẽ xuất hiện. Ghê rợn quá các bạn nhỉ!

Ảnh: marks-english-school.com
Ảnh: marks-english-school.com

Một mùa Halloween nữa đã đến, chúc các bạn thật vui vẻ với lễ hội lâu đời và đầy tính nhân này!

Xem Thêm

10 điểm đến du lịch rùng rợn đáng đến mùa Halloween

10 hình tượng hóa trang Halloween ấn tượng

Tham khảo: Vanielice (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man, nguồn tham khảo: Tổng hợp)

No more