Nếu là một tín đồ của phong cách street style thì chắc hẳn cũng đã quen thuộc với logo thương hiệu Stüssy. Stüssy được xem là “cây cổ thụ” trong làng thời trang đường phố. Mặc dù phải cạnh tranh rất khốc liệt với các hãng streetwear khác, nhưng Stüssy vẫn giữ vững vị thế cùa mình và thậm chí ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Dù chỉ có tuổi đời 38 năm nhưng bất cứ item nào có logo thương hiệu Stüssy thì chắc chắn sẽ tạo ra cơn sốt cho làng thời trang thế giới nói chung, tín đồ thời trang đường phố nói riêng. Nhưng “Stüssy” là gì mà khiến mọi người điên đảo đến vậy? Trong phần 10 của series “Ý nghĩa logo thương hiệu”, mời các bạn độc giả của ELLE Man khám phá lịch sử và ý nghĩa của logo thương hiệu Stüssy.
Ra đời vào năm 1980 bởi nhà sáng lập Shawn Stussy và tên thương hiệu đơn giản chính là họ của ông. Shawn Stussy cũng là người thiết kế nên logo thương hiệu cho hãng. Phong cách thiết kế của Shawn ảnh hưởng rất lớn bởi thủ pháp chữ ký của nghệ sĩ Jan Stussy – chú của Shawn.
Shawn Stussy lớn lên ở miền Nam California và dành cả tuổi trẻ của ông để lướt sóng, cũng chính điều này đã khiến ông tự thiết kế một ván lướt sóng cho riêng mình lúc ông vừa mới 13 tuổi. Sớm phát hiện tài năng của ông, một người chuyên chế tạo ván lướt sóng đã thuê Stussy 2 năm sau đó. Đến năm 24 tuổi, ông bắt đầu khởi nghiệp, thành lập một công ty chuyên về ván lướt sóng vào năm 1979. Ông đã nói rằng, ông muốn làm ra một ván lướt mà có thể khiến mọi người đều dễ dàng nhận diện thương hiệu, đây là động cơ thôi thúc bản thân Shawn quyết định thiết kế logo thương hiệu bằng marker (một loại bút vẽ, viết bảng chuyên dụng). Với chữ “Stüssy” được ký một cách nghệch ngoạch trên ván đã trở thành một trong logo thương hiệu nổi tiếng ngày nay.
Để thực hiện chiến dịch quảng cáo logo thương hiệu, ông quyết định in chữ ký Stüssy lên áo thun và áo sweater, bán chúng cho những dân lướt sóng trong vùng. Điều này vô tình đã làm cho thương hiệu của Stüssy trở nên nổi tiếng hơn và nhu cầu mua sắm áo thun bắt đầu tăng cao. Nhận ra được điều đó, Stussy đã nắm bắt cơ hội kinh doanh quá hời này.
Một người bạn cũ của ông, Frank Sinatra Jr. – con trai của danh ca kiêm diễn viên điện ảnh Frank Sinatra đình đám trong những năm 30,40 của thế kỷ trước, đã nhìn thấy được tiềm năng kinh doanh quần áo của Stussy. Bằng sự hiểu biết khôn khéo và kinh nghiệm trong kinh doanh của mình, thứ mà không phải là điểm mạnh của Stussy, Frank Sinatra Jr. đã đầu tư 5,000 đô vào công ty. Frank trở thành đồng sáng lập thương hiệu sau này. Năm 1984, công ty Stüssy Inc được thành lập, Stussy có nhiệm vụ thiết kế và Sinatra có trách nhiệm quản lý phần kinh doanh. Mặc dù đây chính là giai đoạn khó khăn của Stussy khi mà ông buộc phải tạm gác lại chuyện lướt sóng – môn thể thao mà ông đã nghĩ mình sẽ gắn bó cả đời, nhưng việc đó sẽ khiến ông tập trung hơn vào thương hiệu của mình và tăng lợi nhuận cho công ty. Công việc kinh doanh ván lướt sóng dần trở nên phai nhạt và thay vào đó tập trung vào mảng quần áo.
Một thương hiệu thành công cần rất nhiều yếu tố, yếu tố chính là “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa”, và Stüssy đã có đủ 3 yếu tố đó. Khi mà vào những năm đầu thập niên 80s, những thiết kế nặng nề, gò bó, lòe loẹt làm cho công chúng trở nên mệt mỏi và mọi người bắt đầu tìm cho mình những thiết kế thoải mái hơn. Phong cách thời trang của Stüssy đã được hưởng ứng mạnh mẽ trong thế giới thời trang đầy cổ hủ lúc ấy, và ảnh hưởng rất nhiều tới phong cách thời trang hiện nay. Bí quyết kinh doanh của thương hiệu Stüssy tạo nên nét riêng biệt cho mình bằng cách giới hạn số lượng sản phẩm của hãng, thấp hơn nhu cầu của mọi người. Điều này sẽ khiến cho các tin đồ thời trang quyết tâm có bằng được món hàng ấy.
Vào những năm 1990, văn hóa Hiphop dần trở nên phổ biến, logo thương hiệu Stüssy đã trở thành biểu tượng của văn hóa này. Stussy lên kế hoạch quảng cáo logo thương hiệu bằng chiến lược với các KOLs, nghĩa là sẽ tài trợ cho một nghệ sĩ nổi tiếng, khoác lên mình bộ đồ của hãng và người hâm mộ sẽ đi theo phong cách của thần tượng đó.
Khi logo thương hiệu Stüssy tiếp tục thu hút sự quan tâm và chú ý của công chúng, Shawn Stussy đã đi khắp thế giới nhằm xây dựng danh tiếng cho riêng mình và thương hiệu. Ông đã hợp tác với một vài nhà thiết kế nổi tiếng trên toàn cầu, điển hình như James Jabbia ở New York, Hiroshi Fujiwara ở Tokyo và Michael Koppelman ở London. Tất cả đều có chung sở thích và sự đồng cảm, từ đó tạo nên một nét độc đáo mới cho thương hiệu. Khởi đầu là BST “The International Stussy Tribe”, có mặt trên toàn thế giới và được đón nhận ở những thành phố lớn. BST này cũng trở thành một trong những thiết kế nổi bật của hãng.
Năm 1991 là một năm cực kỳ quan trọng đối với Stüssy. Họ đã mở cửa hàng đầu tiên ở SoHo, New York (SoHo được xem là một trong những địa điểm lý tưởng để mua sắm ở Mỹ), với sự giúp đỡ của James Jebbia. Đây được coi là bước ngoặt lớn của một công ty thời trang đang trên đà phát triển mạnh mẽ xuất phát từ một cửa hàng nhỏ chuyên bán ván lướt sóng. Bắt đầu thời gian đó, Stüssy đã lên chiến dịch quảng cáo mạnh hơn cho logo thương hiệu của mình trên toàn thế giới. Và hiện tại, Stüssy đã có 16 cửa hàng lớn trên toàn thế giới, cũng như hơn 100 cửa hàng nhỏ khác.
Shawn Stussy nhận ra rằng thời trang càng lúc càng phát triển và logo thương hiệu Stüssy cần phải có sự thay đổi nào đó. Năm 1996, ông từ chức chủ tịch công ty, bán toàn bộ cổ phần của mình cho người bạn kiêmđồng sáng lập công ty là Sinatra, người sẽ tiếp tục điều hành công ty theo cách mà từ trước tới nay công ty đã đi theo.
Mặc dù mất đi đại sứ thương hiệu và bắt đầu bị bão hòa trong giới thời trang ở Mỹ, nhưng logo thương hiệu Stüssy vẫn còn được yêu mến ở nhiều nơi trên thế giới, bất chấp sự xuất hiện của các thương hiệu đường phố mới nổi. Chiến lược kinh doanh của Stüssy chuyển dần sang tập trung vào thị trường châu Âu và quan trọng nhất là Nhật Bản, nơi mà logo thương hiệu Stüssy có một lượng fan cực kỳ lớn và phát triển rất mạnh mẽ, bền bĩ.
Sau này, khi cuộc cách mạng văn hóa Sneaker bùng nổ, Stüssy đã hợp tác ngay với Nike, đứng sau đó chính là Micheal Koppelman và Fraser Cooke, cho ra đời BST Nike x Stussy Huarache. Đây là sự hợp tác đầu tiên của 2 thương hiệu và ngay lập tức tạo ra được cơn sốt trong thế giới của những người yêu thích sneaker. Sự hợp tác thứ hai là Nike Dunk High ra mắt năm 2001, sản xuất với số lượng giới hạn và bán hết chỉ trong vòng 2 ngày sau ra mắt.
Kể từ đó, sự quan tâm của công chúng đến logo thương hiệu Stüssy ngày càng tăng. Nắm bắt được xu hướng kinh doanh mới, Stüssy đã hợp tác với nhiều nhãn hàng khác, cách kinh doanh và marketing mà hiện nay được rất nhiều hãng khác học tập theo. Việc này đã giúp cho tên tuổi của Stüssy ngày càng lớn mạnh, tạo nên một sự thành công gây tiếng vang cho toàn thế giới. Ngày nay, Stüssy vẫn tiếp tục hợp tác sản xuất với nhiều thương hiệu khác, đây là một trong những chiến lược quan trọng trong sự phát triển của công ty.
Stüssy được công nhận là một trong những hãng thời trang đường phố lớn nhất mọi thời đại, và logo thương hiệu Stüssy đã đóng góp công lao không nhỏ trong chuyện này. Không chỉ trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thương hiệu ngày nay, mà cổ vũ những người đã từng làm việc cho công ty gây dựng thương hiệu riêng cho mình. Nổi bật nhất là James Jebbia, người sáng lập nên Supreme, Eddie Crus của Undefeated và thậm chí Shawn Stussy trở lại công ty vào năm 2009 để thành lập S/Double Studio cho riêng mình.
Những hot item có in logo thương hiệu và phong cách thời trang của Stussy là những yếu tố quan trọng khiến thương hiệu này trở nên vĩ đại. Với bề dày lịch sử hơn 30 năm, Stussy vẫn có thể làm mưa làm gió trên thị trường thời trang hiện nay. Một điều quan trọng đã góp phần nên thành công của thương hiệu chính là thiết kế của nó. Hơn nữa, sự hiếu biết về chiến lược kinh doanh của Frank Sinatra Jr. và quyết định hợp tác để xây dựng thương hiệu của Shawn Stussy cũng là một điều tạo ra sự thành công của thương hiệu .
Xem thêm:
Ý nghĩa logo thương hiệu – Phần 9: Burberry
Ý nghĩa logo thương hiệu – Phần 8: Gucci
—
Tổng hợp: Hami Trần (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man. Kham khảo: GoodHood, Urban Industry, Complex)