Kỹ năng 03/05/2016

Sự đồng cảm dẫn tới thành công

Bài Trúc Đoàn

[Tạp chí ELLE MAN - 4/2016] Chúng ta thường nghe nói rất nhiều về việc phải có tri thức, có bằng cấp, có kinh nghiệm trong công việc và hoài bão để thành công trong sự nghiệp.

Tuy nhiên, tiến sĩ Trần Hữu Đức muốn nhắc chúng ta đến một yếu tố khác, điều khiến chúng ta thực sự thành công trong cuộc đời.

sự đồng cảm dẫn đến thành công
Đồng cảm dẫn đến thành công.

Trong buổi học cuối cùng của người thầy dạy tôi thời cấp 1 trước khi về hưu, thầy đã hỏi chúng tôi:  “Hình ảnh đọng lại trong đầu của các con về lớp học cấp 1 sẽ là gì?”. Một vài đứa giơ tay trả lời, “bảng đen,” “bụi phấn”, “tóc thầy”…  Nghe xong, thầy hỏi tiếp “Thế theo các con, hình ảnh đọng lại trong đầu của ta sẽ là gì?”. Rồi mấy cánh tay giơ lên, rồi “bụi phấn”, rồi “bảng đen”, chỉ bỏ qua “tóc thầy”.

Thầy mời một bạn đứng cạnh, nhìn xuống lớp. Thầy hỏi “Khi đứng vào vị trí của ta, con thấy gì?”. Bạn ấy đáp: “Con không thấy bảng đen hay bụi phấn, mà chỉ thấy rất nhiều cái đầu của các bạn ạ”. Cả lớp phá lên cười. “Con giỏi. Ta cảm ơn con. Cho con về chỗ”.

Thầy vẫn nhìn chúng tôi, rồi nói tiếp: “Các con thấy rồi đó, khi đứng trên bục giảng, thì với ta lớp học là những mái đầu đen, những đôi mắt sáng, những búp măng cần được uốn nắn. Và nếu các con biết ta nhìn lớp như vậy, các con sẽ cảm thông với thầy cô hơn, để học hành đàng hoàng hơn, để sau này trở thành những cây tre có ích cho đời. Được thế thì dù bụi phấn có bám vào tóc ta đi nữa, ta vẫn hạnh phúc. Hôm nay, bài cuối mà ta muốn dạy cho các con chỉ bấy nhiêu thôi, đó là sự đồng cảm, một hành trang không thể thiếu của người thành công”.

Sự đồng cảm dẫn tới thành công 3 - elle man
“Sự đồng cảm, một hành trang không thể thiếu của người thành công.”

Chỉ bấy nhiêu thôi! Học lực của tôi trong những năm tiếp theo đã tăng lên rõ nét, nhờ tôi chú tâm học hành hơn.  Rồi tôi ra trường, và bắt đầu đi tìm việc.  Trong lần phỏng vấn tuyển dụng đầu đời, sau 30 phút trò chuyện, cô trưởng phòng nhân sự người Úc phỏng vấn tôi đã cười thật nồng hậu nói rằng đã hơn một ngàn cuộc phỏng vấn tại Việt Nam, hôm nay cô mới có cảm giác có ứng viên thấu hiểu được cô.

Thế là ngoại lệ, cô đưa cho tôi danh mục gần một trăm chức danh cô đang cần tuyển và cho tôi chọn bất kỳ công việc nào trong đó.  Tôi chọn ra hai: Trợ lý Kỹ thuật, và Nhân viên Nhân sự.  Cô nhìn rồi nhanh nhảu chỉ vào chức danh Nhân viên Nhân sự và nói “Bạn sẽ rất thích và thành công với công việc này.”

Một năm sau tôi được công ty đưa sang Úc để học và tu nghiệp trong lĩnh vực tâm lý và nghiệp vụ nhân sự. Ba năm sau tôi được một công ty khác tài trợ để sang Anh quốc tu nghiệp trong lĩnh vực tâm lý và quản trị nhân sự. Bảy năm sau tôi đã cùng ba người bạn sáng lập ra công ty đào tạo và tư vấn nhân sự tại Việt Nam. Chỉ bấy nhiêu thôi, đó là đồng cảm.

Bức

Khởi đầu của đồng cảm

Sự đồng cảm khởi thủy như thế nào và sẽ đi đâu về đâu? Cách đây 160 ngàn năm, loài người nguyên thủy xuất hiện trên trái đất. Chỉ cần 160 ngàn năm trong suốt 3,8 tỷ năm có sự sống trên trái đất này mà loài người đã thống trị cả hành tinh, và là loài duy nhất có thể vượt ra khỏi trái đất.

Tại sao? Vì loài người có bản năng, nhu cầu và khả năng đồng cảm với đồng loại, với các sinh vật khác và với vạn vật chung quanh mạnh nhất so với muôn loài.  Suốt 4.000 năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt đã đánh thắng mọi giặc ngoại xâm hùng mạnh nhất bằng vũ khí, đạn dược, công nghệ chăng? Chắc chắn là không. Ta thắng là nhờ dân tộc ta đã đoàn kết đầy nhân văn.  Đó là đồng cảm.

sự đồng cảm dẫn đến thành công 5 - elle man
Tâm từ bi của Phật giáo – đó là sự đồng cảm.

Phật giáo cách đây 2.500 năm đã dạy tâm từ bi, đó là đồng cảm. Thiên chúa giáo cách đây 2.000 năm đã dạy tình huynh đệ, đó là đồng cảm.  Trong những thập niên gần đây, mọi cuốn sách viết về thành công cá nhân, tổ chức, hay quốc gia đều đề cập một cách trang trọng vai trò của sự kết nối và đồng cảm.  Giới báo chí, truyền thông, khoa học mỗi ngày cho ra hàng triệu lời kêu gọi sự đồng cảm của nhân loại nhằm tránh sự diệt vong và hướng đến sự phát triển bền vững trên trái đất.

sự đồng cảm dẫn đến thành công 6 - elle man
Tình huynh đệ của Thiên chúa, đó là đồng cảm.

 

Đặt bản thân mình vào vị trí của người khác

Mỗi khi ta có mâu thuẫn với bất kỳ ai, hãy nhớ rằng đó là vì ta chưa thật sự đặt mình vào vị trí của người ấy. Thay vì gay gắt, ta hãy hỏi. Hỏi để hiểu rõ ý của họ. Sâu hơn, hỏi để biết động cơ của họ. Và nhân văn hơn, hỏi để biết vướng mắc của họ để xem liệu ta có thể giúp được gì. Ở đỉnh cao, nếu bạn luyện được bạn sẽ trở thành người đắc nhân tâm: Làm sao lắng nghe người khác mà không bị vướng bận bởi những định kiến và sự phán xét của ta.

Trong quá trình rèn luyện khả năng đồng cảm, bạn cũng cần lưu ý tránh những cách đồng cảm sai. Có người quá nhạy cảm với những điều tiêu cực.  Khi đồng cảm, những người này sẽ cảm nhận những nỗi đau khổ của người đối diện như thể nó là của chính mình.  Nếu thuộc nhóm này, bạn cần chọn lọc đối tượng và hoàn cảnh để đồng cảm, kẻo không chính bạn sẽ bị tổn thương mà chẳng giúp gì được cho ai.

sự đồng cảm dẫn đến thành công 4 - elle man
Lắng nghe người khác, không vướng bận bởi những định kiến và sự phán xét của bản thân.

Ở chiều ngược lại, có những người có khuynh hướng đeo bám và lệ thuộc vào người có thể đồng cảm với họ. Với nhóm người này ta cần giữ một khoảng cách và khuyến khích tính chịu trách nhiệm nơi họ trong quá trình đồng cảm, kẻo không chính ta là nguyên nhân của sự bám chấp của họ vào ta.

Một trường hợp nữa, khi ta có thể đồng cảm, nhiều người sẽ thích tâm sự với ta, và sau khi tâm sự hết mọi điều, họ lại đâm ra ngại ngùng, phòng thủ với ta, chỉ vì ta biết quá nhiều về họ.

Đồng cảm không phải là đồng lõa

Thủ quỹ của bạn lấy tiền công ty mà không báo cáo. Hỏi ra mới biết vì mẹ cô ấy bệnh và gia cảnh quá khó khăn. “Nếu là em, anh cũng làm như vậy”, đó là đồng lõa. Đồng cảm, bạn sẽ nói: “Anh hiểu tại sao em làm như vậy, nhưng đó là cách làm sai”. Đồng lõa là hiện tượng đồng cảm thái quá mà đánh mất chính kiến của mình, và nên tránh.

sự đồng cảm dẫn đến thành công 2 - elle man
Nhưng đồng cảm không có nghĩa là đồng lõa.

Khi bạn đã đồng cảm được với người khác, thì mời bạn thưởng thức tiếp nghệ thuật đồng cảm với chính mình, với thiên nhiên, với vạn vật, với cuộc sống. Dành thời gian tĩnh lặng để lắng nghe và trò chuyện với chính mình. Chăm sóc bản thân, tập thể dục. Học thêm một ngoại ngữ. Bạn có biết khi ghé thăm một cô nhi viện, bạn sẽ yêu thương mẹ cha và quý trọng cuộc sống hơn? Với sự đồng cảm, bạn không những thành công hơn, mà còn hạnh phúc trên con đường thành công ấy.

Bài: Tiến sĩ Trần Hữu Đức – Minh họa: Minh Hải

xem thêm

No more