Review phim Fight Club: Đánh để tìm kiếm bản ngã

Bài ELLE Team

Lên sàn đấu, không có thắng hoặc thua, chỉ có đấm và ăn đấm, đánh nhau cho đến khi nào mềm nhũn và không còn sức để đánh, họ đánh nhau một cách tự nguyện, họ đánh nhau để đánh thức con người thật trong bản ngã.

Đối với những ai chưa xem qua Fight Club thì hãy dành chút thời gian cho bộ phim trước quay lại đọc bài review phim này. Bộ phim như lời muốn nói cho số phận của những gạ đàn ông đang loay hoay cùng mớ bòng bong của xã hội hiện đại, tìm kiếm một bản ngã và để thực sự sống.

MSDFICL EC004
Gentlemen! Welcome to Fight Club.

Fight Club là lời tự truyện của một gã đàn ông không rõ danh tính (diễn viên Edward Norton), hắn là bất cứ ai trong xã hội này, quần quật kiếm tiền, xây dựng nên một thế giới vật chất xung quanh chỉ để phù hợp với xã hội, một thế giới mà ta không thật sự cần. Tôi gọi hắn là Người dẫn truyện (narrator) đúng như nguyên tác, hắn là một gã đàn ông bình thường theo mặt thể chất và sinh lý, một giống đực khỏe mạnh, có một công việc ổn định với thu nhập kha khá – một thanh tra bảo hiểm. Một cuộc sống tẻ nhạt với một công việc vô vị khiến hắn trở nên lạnh nhạt với cảm xúc, xoay vòng trong guồng quay của công việc như một cổ máy, và hắn mắc chứng bệnh mất ngủ.

Người dẫn truyện tìm đến những hội nhóm trò chuyện của những người mắc bệnh nan y như Hội nhập Thiền, Hội bệnh Lao… và đặc biệt là Hội những người bị ung thư tinh hoàn. Tại sao tôi lại nhấn mạnh Hội ung thư tinh hoàn? Xuyên suốt mạch phim, sẽ thấy phảng phất đâu đó những biểu tượng, lời nói ẩn ý đến niềm tự hào của đàn ông như tinh hoàn hay dương vật… Và trong xã hội hiện đại, khi vai trò của một người đàn ông dần bị thay thế bởi phụ nữ, quay cuồng trong một cuộc sống đơn độc và dần cảm thấy bất lực, bị mất giá. Không còn những cuộc chiến vĩ đại để hy sinh, không còn mục đích cao cả để tranh đấu, chẳng còn những phiền muộn to lớn, vai trò họ trở nên nhạt nhòa theo dòng chảy của xã hội. Họ dần trở thành những kẻ vô danh, tuyệt vọng, thất thủ trước nữ quyền đang lên và loay hoay đi tìm mục đích sống. Hội ung thư tinh hòan chỉ là một ẩn dụ!

Tại những câu lạc bộ, cảm xúc của Người dẫn truyện dường như được chữa lành, hắn cảm thấy mình “thật” hơn, hắn có thể khóc và được giải tỏa hơn khi nghe những con người không quen biết chia sẽ về số phận đầy bệnh tật. Nhưng hỡi ôi, tại đây hắn lại gặp Marla Singer (diễn viên Helena Boman-Carter), một ả lập dị thích tìm cà phê miễn phí tại các câu lạc bộ hơn là chia sẽ bất hạnh, luôn tưởng tượng rằng mình sắp chết, hút thuốc như điên và dĩ nhiên chẳng có bệnh tật nào cả. Cô ả phá tan suối nguồn sống của hắn. Hắn ghét Marla khủng khiếp…

Và rồi, Người dẫn truyện lại gặp Tyler Durden (Brad Pitt), một tay buôn xà phòng và luôn tôn thờ Dương vật – biểu tượng của sự nam tính. Trái ngược hoàn toàn với Người dẫn truyện, Tyler phóng khoáng, lắm chiêu trò, đầy kiến thức, biết mồi chài, có khả năng xoay sở và có tài thương lượng, dĩ nhiên Tyler là một tay làm tình cực kì giỏi.

Tyler Durden - Tay buôn xà phòng.
Tyler Durden – một tay buôn xà phòng luôn tôn thờ dương vật, lắm chiêu trò, nhiều mánh khóe và có kiến thức uyên thâm.

Tyler và hắn cùng lập nên Fight Club, nơi đàn ông có thể thỏa chí đánh nhau, dùng hết sức lực giáng vào đối thủ, dùng bạo lực để tìm kiếm giải đáp mọi vấn đề. Lên sàn đấu, không có thắng hoặc thua, chỉ có đấm và ăn đấm, đánh nhau cho đến khi nào mềm nhũn và không còn sức để đánh, họ đánh nhau một cách tự nguyện, họ đánh nhau để đánh thức con người thật trong bản ngã. Những trận đấu tay đôi chính là hình ảnh ẩn dụ của Sự Khổ Dâm (Masochism), một kiểu hành xác, dùng sự đau đớn để thỏa mãn cảm xúc bản thân. Máu và từng vết sẹo là sự đề cao chủ nghĩa nam tính, đề cao sự tự do không khuôn khổ. Hình ảnh hai gã đàn ông quần nhau trên sới đấu như cảnh làm tình đầy thô lỗ; kết thúc trận đấu là những cái ôm thắm thiết, chứa đựng đầy tình cảm cho nhau thể hiện cho sự thõa mãn và cực khoái.

“Chúng ta là những đứa trẻ đứng giữa lịch sử

Không mục đích và nơi chốn

Chúng ta không có Cuộc chiến Vĩ đại

Không có sự phiền muộn to lớn

Cuộc chiến Vĩ đại của chúng ta thuộc về tinh thần

Sự phiền muộn to lớn của ta là cuộc sống của ta

Chúng ta đều được giáo dục trên TV rằng

Ngày nào đó chúng ta sẽ là triệu phú, siêu sao điện ảnh và ngôi sao nhạc rock

Nhưng không đâu, chúng ta từ từ học được sự thật

Và chúng ta rất, rất tức giận…”

– Tyler Durden.

Review

Bạn là chính mình khi trên sàn đấu, bạn là một người khác trong thế giới hiện thực. Cảm giác thõa sức đánh nhau để đi tìm câu trả lời trong những phút giây ngắn ngủi đã trở thành cơn nghiện của biết bao gã đàn ông. Fight Club dường như là lối thoát dành riêng cho họ, là một biểu tượng chống lại Chủ Nghĩa Tư Bản, chống lại sự chạy đua theo vật chất và tiền bạc, những thứ vô nghĩa và không có thật đang làm mềm yếu đi bọn đàn ông.

Chúng ta phung phí tiền bạc vào những thứ chúng ta không cần,
“Chúng ta phung phí tiền bạc vào những thứ chúng ta không cần, bằng những đồng tiền chúng ta thực sự không có, để gây ấn tượng với những kẻ chúng ta không thực sự thích” – The Narrator (Edward Norton).

Phong trào nở rộ khắp nơi trong thế giới về đêm với đỉnh điểm là Project Mayhem (Kế hoạch Mayhem). Mức độ bạo lực này càng leo thang và tồi tệ, không còn khoan nhượng, khi một người đã thua họ vẫn đánh, máu cứ tuôn đổ. Fight Club không còn là một nơi đề cao sự giải thoát hay sự biểu tượng của nam tính, nó dần trở thành một tổ chức có phân tầng giai cấp với sự trung thành tuyệt đối trong mệnh lệnh, các thành viên trở thành những cỗ máy phục vụ và chiến đấu, không hỏi, không chất vấn mà chỉ có thực hành theo mệnh lệnh. Lệnh của Mayhem, lệnh của Tyler Durden.

Người dẫn truyện ngày càng bị ảnh hưởng nặng nề bởi Tyler, hắn làm và nói theo những gì Tyler bảo, vai trò của hắn dường như bị gạt qua một bên, Tyler biết mọi thứ và điều khiển mọi thứ. Bí mật khổng lồ đứng sau lưng có tên Mayhem, và chưa từng ai nói về nó, không đặt câu hỏi về nó ngoại trừ hắn ta.

Nhưng có thứ mà ta quên nhắc đến ở đây, đó chính là cô ả Marla Singer. Cô ấy đóng vai trò gì trong cốt truyện mà trong suốt mạch phim Tyler nhiều lần khuyến cáo Người dẫn truyện đừng bao giờ tiết lộ thân phận của anh ta cho Marla, dù chính họ đã làm tình cùng nhau? Người dẫn truyện luôn cảm thấy khó hiểu, vì ngoài những lúc ân ái, họ chưa bao giờ xuất hiện cùng lúc. Nhưng Marla chính là công cụ sẽ giúp Người dẫn truyện nhìn nhận lại lối thoát, giải thoát anh khỏi sư ảnh hưởng của Tyler.

Marla Singer - cô ả khó ưa giúp Người dẫn truyện thoát khỏi cái bóng của Tyler.
Marla Singer – cô ả khó ưa giúp Người dẫn truyện thoát khỏi cái bóng của Tyler.

Cô là mối họa của Fight Club, của kế hoạch Mayhem và của Tyler Durden. Tyler quyết định sẽ tiêu trừ Marla.

Và rồi Tyler Durden biến mất…

Và để lại cả một đội quân trung thành đang thực hiện từng bước trong kế hoạch Mayhem. Đến đây tôi có phần nghi vấn về cái “lũ người” được đào tạo từ Fight Club này, và cả tính danh của Tyler.

Người dẫn truyện đã tìm kiếm Tyler khắp các tiểu bang. Ngẫu nhiên sao, tại mỗi nơi hắn tới, các fight club đều lần lượt ngưng hoạt động, không một ai có thể cho hắn một tí thông tin về Tyler.

“Tôi đang ngủ? Tôi đã ngủ?

Tyler là giấc mơ xấu của tôi, hay tôi là giấc mơ xấu của anh ta?”

Người dẫn truyện.

Không một ai trong những nơi hắn đến biết rõ thật sự nhân dạng của Tyler Durden, chỉ biết hắn là Tyler, người thành lập những fight club ở những nơi mình đi qua.

Người dẫn truyện tìm kiếm trong vô thức, những nơi hắn đi qua đều phản chiếu một hình ảnh ngờ ngợ không dứt, như đã nhìn thấy trước đây trong tiềm thức – Dejà Vu. Như thể đang theo dấu một kẻ vô hình, mọi dấu vết dường như chỉ vừa kết thúc trước khi hắn tìm đến, những mùi máu khô còn quyện trong không khí ẩm ướt của từng tầng hầm, những dấu chân trần dơ bẩn quấn quanh nhau, mùi mồ hôi đã lâu, sàn nhà dường như vẫn còn ấm từ những trận đấu từ đêm hôm trước… Luôn luôn đến sau Tyler một bước. Mọi việc dường như có chủ ý sắp đặt để vuột khỏi tầm tay của hắn, và Tyler Durden là ai?

Và rồi Tyler lại xuất hiện:

“Tại sao mọi người lại nhầm lẫn tôi là cậu vậy Tyler?

Cậu muốn thay đổi bản thân, nhưng cậu không thể làm chuyện đó một mình. Tớ trông như cậu muốn, tớ làm tình như cậu muốn, tớ thông minh, có tài và quan trọng hơn hết, tớ tự do trong những chuyện cậu không thể.

Con người chúng ta làm như thế mỗi ngày, họ độc thoại và tự nói chuyện theo cách họ mong muốn.”

Chắc đến đây, các bạn cũng đã mường tượng ra câu chuyện đang đi đến đâu.

Tyler Durden, hắn không là ai cả. Trong vô thức, hắn đã tạo ra một bản thể hoàn hảo khác của mình, tạo nên một tổ chức khủng bố kéo dài khắp liên bang của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ với cái tên Fight Club với đỉnh điểm là kế hoạch Mayhem: Tấn công vào các tòa nhà tài chính, những công ty tín dụng.

Và nguyên bản sẽ phải chấm dứt những gì hắn đã tạo ra. Cuộc chạm trán cuối cùng giữa Người dẫn truyện và Tyler để giải cưới Marla, là cuộc chiến trong nội tại: giữa bản ngã cái tôi tiêu cực của một gã đàn ông và sự chấp nhận hiện thực xã hội.

Hắn sẽ phải chấm dứt những gì mình đã tạo ra.
Hắn sẽ phải chấm dứt những gì mình đã tạo ra.

Bộ phim Fight Club phản ảnh nỗi bức bối, thất vọng và bất lực của đàn ông trong xã hội ngày nay. Mức độ bạo lực và máu me của nó vẫn còn là đề tài gây tranh cãi cho đến tận ngày nay, nhưng bộ phim không khuyến khích bạo lực mà xem nó như một con đường để chúng ta tìm kiếm câu trả lời cho nội tại, câu trả lời bị phủ lấp bởi guồng thời gian quay nhanh như vũ bão của xã hội hiện đại, nơi những giá trị thực sự bị quên lãng. Thông điệp cuối phim là cuộc đối thoại giữa 2 thế lực trong một người đàn ông: Một bên là sự bất mãn với cuộc sống, khóc lóc âm ỉ bởi vai trò xã hội dần bị chiếm lĩnh bởi phụ nữ, không còn ở vị thế độc tôn, trở nên “ghen tị” với phái nữ; bên còn lại chính việc chấp nhận thực tế rằng họ phải trưởng thành, nhìn nhận và chấp nhận những gì đang xảy ra để thích nghi và “tiến hóa”, không oán trách hay đổ lỗi cho xã hội.

Tôi từng nghe một đứa bạn nói, đã là một thằng đàn ông thì nên xem Fight Club, tuy hơi kén người xem nhưng rất đáng để xem. Nhưng tôi không cảm thấy như vậy, nó là một bộ phim hay nhưng không hề kén người xem, ít ra là đối với những người đàn ông, tôi tin rằng nhiều người sẽ có chung suy nghĩ (đặc biệt là sau khi đọc những bài review phim). Chẳng thể mong chờ điều gì tuyệt vời hơn thế.

Bài viết: Đức Nguyễn

No more