Sống sao trong thời đại kỹ thuật số?

Bài Trúc Đoàn

Eric Schmidt, Chủ tịch điều hành Google, và Jared Cohen, Giám đốc Viện chính sách Google, đã viết ra cuốn “The New Digital Age: Reshaping the Future of People, Nations and Business” chỉ cho ta thấy bí quyết để tồn tại giữa một thời đại có quá nhiều tiện ích.

Tôi rất thích tựa đề tiếng Việt, không sát nghĩa lắm với tựa gốc, nhưng đã tóm tắt đầy đủ ý nghĩa của cuốn sách dày dặn với nhiều thông tin vĩ mô của ngành công nghệ. Hơn thế nữa, The New Digital Age – Sống sao trong thời đại số, đem lại rất nhiều suy nghĩ và gợi ý cho bất kỳ công dân nào đang sống trong kỷ nguyên của kỹ thuật số, về một cuộc sống tương lai với vô vàn cơ hội nhưng cũng rất nhiều rủi ro và thách thức.

ky thuat so
Ảnh: Left Studio

Bảo vệ bản thân trong thời đại kỹ thuật số

Thời gian gần đây, việc Facebook yêu cầu người dùng sử dụng tên thật của mình trên mạng xã hội này đã khiến không ít người phản ứng gay gắt. Trong điều khoản sử dụng có phần giải thích: “Facebook là một cộng đồng nơi mọi người sử dụng danh tính thật của mình. Chúng tôi yêu cầu mọi người cung cấp tên được sử dụng trong đời thực, như vậy bạn sẽ luôn biết mình đang kết nối với ai, và sẽ giúp cho cộng đồng được an toàn”.

Chuyện đúng/sai vẫn đang được cộng đồng tranh cãi, nhưng sự thay đổi này của Facebook mang một hàm ý quan trọng hơn: mạng xã hội đang trở nên kém an toàn và người ta đang tìm cách bảo vệ nó.

Trên thực tế, Facebook không phải là mạng xã hội đầu tiên yêu cầu tên thật. Cyworld, một mạng xã hội cực kỳ phổ biến tại Hàn Quốc từ đầu những năm 2000, đã yêu cầu người dùng không chỉ cung cấp tên thật mà còn cả số chứng minh nhân dân. Mạng xã hội giờ đây là chiều không gian được mở rộng hơn của thế giới thực.

Trong cuốn The New Digital Age, có một chương viết khá quan trọng là “Nhân thân, quyền công dân và việc đưa tin trong tương lai”. Trong chương này, hai tác giả đề cập đến những vấn đề liên quan đến đời tư và quyền riêng tư trong thời đại kỹ thuật số. Không ở tương lai xa xôi gì, ngay lúc này mỗi hành động, mỗi mẩu thông tin được bạn gửi qua mạng cũng có thể được tập hợp lại thành một bản hồ sơ dài của bạn trong tương lai.

Đối với trẻ em và thanh niên, động cơ muốn được khoe với người khác lấn át mối hiểm họa xa xôi và mơ hồ của việc phơi bày bản thân trên mạng, ngay cả khi đã biết được những hậu quả của việc làm này qua những ví dụ liên quan đến những nhân vật nổi bật trong công chúng.

Cho đến khi một người bước vào tuổi 40 thì anh ta hay cô ta đã tích lũy và lưu giữ một câu chuyện dài đầy đủ trên mạng về bản thân mình, tất cả những sự kiện có thật và không thật, tất cả những sai lầm và tất cả những thành công trong tất cả mọi giai đoạn cuộc đời của anh ta hay cô ta. Ngay cả những tin đồn cũng sẽ tồn tại vĩnh viễn.

Với một viễn cảnh được dự báo trước, hẳn bạn sẽ có gợi ý tốt cho những việc làm và lời nói của mình trên thế giới Internet, giờ đã không còn là ảo nữa?

Giữ

Sàng lọc thông tin

Ở một thời đại mà đời sống con người được hỗ trợ tối đa bởi công nghệ, và sẽ ngày càng được hỗ trợ nhiều hơn, các tiếng nói khác nhau cũng vì thế được tạo điều kiện để xuất hiện nhiều hơn.

Sẽ có nhiều cách thức để thể hiện sự khác biệt (sử dụng mạng xã hội, viết blog, phát tán video, thậm chí phát tán virus để phá hoại), sẽ có nhiều người tham gia vào các diễn đàn với nhiều ý kiến trái chiều (một người có thể chỉ cần ngồi tại nhà cũng có thể tham gia lên tiếng nói ủng hộ hay phản đối mà không nhất thiết phải nêu danh tính).

Mặc dù vậy, số lượng có thể không đi kèm với chất lượng. Hai tác giả đã dẫn lời Henry Kissinger, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ: “Khó có thể tưởng tượng ra hình ảnh những người như de Gaulle và Churchill kêu gọi sự ủng hộ trên Facebook. Trong thời đại siêu kết nối mạng, tôi không thấy có người sẵn sàng bảo vệ lập trường cá nhân và có đủ sự tự tin để một mình đứng dậy đương đầu với thách thức. Khả năng lãnh đạo độc lập là một phẩm chất cá nhân, và nó sẽ không được tạo ra bởi một cộng đồng đám đông”.

Bảo vệ cá nhân mình trong thời đại số, không chỉ ở những hành động hay thông tin bạn phát đi, mà còn bao gồm cả những thông tin nhận về, mỗi cá nhân sẽ luôn phải tự đánh giá và sàng lọc nguồn tin của mình.

Lại dẫn lời một nhà lãnh đạo thế giới khác, ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore, vừa là nhà lãnh đạo vừa là một người có chuyên môn về khoa học máy tính: “Internet giúp mọi người trút bỏ sự bực bội, nhưng nó cũng có thể được sử dụng để tạo ra những sự giận dữ mới. Mối nguy hiểm mà chúng ta sẽ phải đối diện trong tương lai là, phản đối lúc nào cũng sẽ dễ làm hơn là ủng hộ”.

Hình

Bình tĩnh sống với thời đại số

Trong khi phần lớn mọi người đang tiếp nhận và hưởng lợi từ những thành tựu công nghệ của thời đại số, những người xung quanh bạn, có ai đó đang hoan hỉ gửi đi những hình ảnh về buổi party đêm qua lên Facebook, ai đó khác tích cực tham gia tranh luận về chuyện con ruồi trong chai nước… Riêng bạn cảm thấy hoang mang hơn với tất cả những gì đang bày ra trước mắt, và tự tưởng tượng một ngày không có kết nối Internet, không có cái gọi là “cộng đồng mạng”, cuộc sống liệu có tốt đẹp hơn?

Bạn liệu từng không chỉ một lần hoang mang tự hỏi “Sống sao…?”. Nhưng bất chấp tất cả những mặt trái và những rủi ro tồn tại trong thời đại số, không ai có thể phủ nhận những thành tựu mà nó đem lại, đặc biệt là đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Để sống được trong thời đại số hòa bình và thịnh vượng, mỗi người dân và mỗi quốc gia phải có những “kế sách” và “nguyên tắc” riêng để bảo vệ mình. Nhưng nếu không phải ta đang sống trong thời đại số, phải chăng những kế sách và những nguyên tắc ấy sẽ được giảm bớt? Câu trả lời chắc chắn là Không. Bởi thế, ta hãy cứ bình tĩnh sống chung và tận dụng mọi cơ hội tốt đẹp nhất mà nó mang lại.

Bài: Trang Nêu – Minh họa: Left Studio

No more