Theo Businessinsider, mỗi ngày, có khoảng 350 triệu bức ảnh được đưa lên Facebook, biến mạng xã hội này thành kênh chia sẻ hình ảnh lớn nhất thế giới (đấy là chưa bao gồm cả Instagram – một mạng xã hội khác cũng do Facebook sở hữu). Và trong số lượng ảnh khổng lồ ấy, luôn có những tấm ảnh được chia sẻ hơn nhiều các tấm khác, nhất là khi nó gây cười, kể một câu chuyện cảm động, một tin nóng, một sự vụ ghê rợn…
Chỉ có điều, khác với báo chí, cho đến nay vẫn chưa có những nguyên tắc chặt chẽ về chia sẻ hình ảnh trên Facebook. Những người quản lý Facebook có thể xóa đi các hình ảnh lõa thể, bạo lực thái quá, lạm dụng trẻ em… nhưng họ không thể đưa ra các nguyên tắc cụ thể với rất nhiều trường hợp. Ví dụ, người ta có thể chia sẻ hình ảnh của một em bé bị trúng đạn. Người ta cũng có thể chia sẻ những hình ảnh một con vật bị phanh thây để thể hiện… sự phẫn nộ của mình trước việc động vật bị hành hạ. Và tất cả những hành động ấy không vi phạm quy định nào về chia sẻ hình ảnh trên Facebook cả.
Báo chí điện tử hiện nay có rất nhiều cách để cảnh báo độc giả về các hình ảnh ghê rợn, cho phép họ chọn có xem hay không. Tuy nhiên, điều ấy cho đến giờ vẫn không thể áp dụng với Facebook. Newsfeed của mỗi người là một chuỗi dài bất tận các hình ảnh và chữ nghĩa, người ta chỉ cần làm một thao tác là kéo chuột.
Bất kỳ ai cũng có thể phải nhìn thấy những hình ảnh họ không muốn nhìn thấy. Người dùng mạng xã hội, vừa là thủ phạm, vừa luôn là nạn nhân của sự chia sẻ vô ý thức, chỉ để thỏa mãn một nhu cầu tâm lý tức thời nào đó (muốn gây sự chú ý, muốn bày tỏ sự phẫn nộ, ý kiến) mà quên đi tác động của hành động ấy lên nhiều người khác.
Nhà báo Brendan O’Neill của tờ Big Issue tại Anh từng viết một bài viết dài kêu gọi người dùng mạng xã hội và báo chí dừng chia sẻ hình ảnh các em bé quằn quại đau đớn trong bom đạn tại dải Gaza. Anh cho rằng điều ấy không giúp người ta hình dung rõ ràng hơn về cuộc chiến triền miên ở vùng đất khốn khổ này, mà chỉ để thỏa mãn “nhu cầu được là người có lương tâm trên thế giới ảo”. Ý kiến của anh, tất nhiên đã bị không ít người phản đối với lý do: cần phải cho nhiều người hiểu thêm về sự khốc liệt của chiến tranh.
Tuy nhiên, dù có mục đích cao đẹp đến đâu đi chăng nữa, chia sẻ hình ảnh trên Facebook là một hành động bạn cần suy nghĩ trước khi thực hiện. Tại sao?
Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng nhân chứng của các vụ việc bạo lực cũng chịu tác động tâm lý gián tiếp, một phần nào đó họ cũng được coi là nạn nhân. Những người còn ít tuổi, có bản chất nhạy cảm hoặc tiếp xúc quá gần với vụ việc thậm chí còn được trợ giúp về mặt tâm thần. Một tấm hình có tác động nhỏ hơn, nhưng phần nào đó cũng gây ra hậu quả tương tự. Việc nhìn thấy một tấm ảnh ghê rợn có thể chẳng tác động gì lên tinh thần của bạn, nhưng không có nghĩa người khác cũng như vậy, đặc biệt là trẻ em.
Ở một mặt khác, không phải ai cũng là người mang bản tính hiền hòa như bạn. Có những người sinh ra, hoặc lớn lên với xu hướng bạo lực. Khi nhìn thấy những hình ảnh bạo lực, một phần nào tính cách xấu trong họ sẽ bị kích thích. Họ không nhất thiết phải trở thành một kẻ sát nhân, nhưng hành vi của họ có thể biến dạng đi theo cách không ai tưởng tượng được. Một lần nữa, trẻ em sẽ dễ nhận phải tác động tiêu cực nhất. Hình ảnh bạo lực có thể ở lại trong tâm trí một đứa trẻ đến trọn đời. Thay vì trở thành một người bảo vệ chó mèo như bạn trông đợi, đứa trẻ ấy có thể trở nên rất hung bạo với động vật.
Về một phương diện gần gũi hơn, một tấm ảnh có thể phá tan tâm trạng tốt đẹp của bất kỳ ai. Hãy tưởng tượng hàng chục lần trong ngày, bạn phải nhìn thấy một chú chó bị phanh thây, bạn sẽ cảm thấy gì? Bạn vẫn biết chó bị ăn thịt ở Việt Nam mỗi ngày, nhưng bạn không phải là người ăn thịt chó, bạn không bao giờ muốn nhìn thấy bất kỳ tấm ảnh nào như thế cả. Thế nên, trước khi bạn chia sẻ bất cứ tấm ảnh nào, hãy suy nghĩ kỹ, bạn có muốn, và khán giả của bạn có thực sự cần hay không.
Bài: P.H – Minh họa: Left Studio