Thế Vận Hội cho người tay trắng

Bài Trúc Đoàn

[Tạp chí ELLE MAN 0 7/2016] Olympic Rio 2016 ghi nhận lần đầu tiên có đoàn thể thao dành cho người tị nạn. Đoàn sẽ gồm 10 VĐV, được Ủy ban Olympic lo toàn bộ chi phí ăn, ở, đi lại.

Kình ngư trẻ & con đường sống

Yusra Mardini là kình ngư trẻ đầy triển vọng của Syria khi mới 12 tuổi đã đại diện cho quốc gia tranh tài ở giải vô địch bơi lội thế giới tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng chiến tranh khốc liệt tại Syria đã khiến kình ngư sinh năm 1997 phải vứt bỏ tương lai, liều mạng sống, trở thành người tị nạn lang thang qua nhiều quốc gia để tìm chân trời mới.

“Đất nước Syria chìm trong chiến tranh. Nhà của chúng tôi bị bom đạn phá hủy không còn gì. Gia đình tôi chuyển chỗ ở liên tục nhưng không lúc nào an toàn. Chúng tôi hiểu rằng chiến tranh ngày càng khốc liệt, thảm cảnh ở quê nhà không thể sớm kết thúc. Vì vậy, chúng tôi quyết định rời đi để tìm đường sống”, Yusra Mardini chia sẻ.

Thế Vận Hội cho người tay trắng

Yusra cùng chị gái Sarah quyết định leo lên một chiếc xuồng hơi nhỏ chứa tới 20 người để vượt biển Aegean tìm đường sang đảo Lesbos của Hy Lạp. Nhưng chỉ 30 phút sau khi bắt đầu cuộc hành trình, chiếc tàu chở quá trọng tải gấp 6-7 lần sức chứa của nó đã chết máy và bắt đầu có nước tràn vào.

Ngoài chị em Yusra, trên tàu chỉ có thêm một người nữa biết bơi. Ba người họ đã quyết định nhảy xuống làn nước lạnh, đạp liên tục để đẩy thuyền về phía trước.

“Lúc bắt đầu hành trình, chị Sarah dặn tôi dù có bất cứ chuyện gì xảy ra cũng đừng cố cứu ai. Nhưng rồi chính chị lại là người đầu tiên nhảy xuống nước gắng cứu tất cả những người trên tàu. Tôi đã mong động cơ của tàu sẽ bất ngờ hoạt động trở lại nhưng phép màu không xảy ra. Bơi liên tục, đã có những lúc chúng tôi nhìn thấy cái chết trước mắt. Thật đau đớn thay khi là vận động viên bơi lội mà lại có thể chết dưới nước”, Yusra nhớ lại.

May mắn thay, sau 3,5 tiếng lênh đênh trên biển, con tàu đã đến được đảo Lesbos thuộc Hy Lạp. Đoàn người tị nạn tiếp tục đi bộ một tuần qua Macedonia, Serbia và Hungary. Họ phải trốn cảnh sát trong những cánh đồng ngô để đến được Hungary. Cuối chặng đường, chị em nhà Mardini đến Áo rồi sang Đức.

“Bây giờ tôi có thể ngồi đây vui vẻ kế lại hành trình của mình. Còn lúc xảy ra, đó là những điều vô cùng tồi tệ mà bạn không bao giờ muốn gặp trong đời. Chúng tôi đã đối mặt với thần chết không biết bao nhiêu lần”, Yusra khẽ nở một nụ cười buồn.

Trong cuộc hành trình của mình, Yusra chỉ nghĩ tới việc được sống. Cô không bao giờ dám nghĩ tới việc có ngày mình được tiếp tục thi bơi, được tranh tài ở sân chơi Thế Vận Hội. Nhưng rồi thần may mắn một lần nữa mỉm cười với cô gái trẻ đầy nghị lực người Syria.

Không lâu sau khi chị em nhà Mardini đến Đức, họ được một phiên dịch viên người Ai Cập dẫn đến trung tâm bơi lội Wasserfreunde Spandau 04. Tại đây, họ gặp Sven Spannekrebs. Vị huấn luyện viên này rất bất ngờ trước khả năng của Yusra và quyết định nhận cô.

“Trong vòng 5 tháng, Yusra tiến bộ không ngừng, tốt hơn rất nhiều so với chính kỳ vọng của tôi. Và rồi tôi bắt đầu nghĩ tới việc cô bé có thể tham dự Olympic Tokyo 2020. Ai dè, mọi chuyện xảy ra sớm hơn 4 năm”, HLV Sven Spannekrebs chia sẻ.

Thế Vận Hội cho người tay trắng

Trong hơn một năm qua, người tị nạn đã trở thành vấn đề nóng với cả châu Âu, châu Mỹ. Hàng ngàn người đã chết trên hành trình tìm đến vùng đất mới. Thể thao là hơi thở cuộc sống và Ủy ban Olympic đã đưa ra một quyết định chưa từng có trong lịch sử. Vào tối 3/6 theo giờ Việt Nam, trong phiên họp thường kỳ ở Lausanne, Thụy Sĩ, IOC chính thức ra quyết định thành lập đoàn thể thao dành cho người tị nạn tại Thế Vận Hội Rio 2016. Đoàn này sẽ gồm 10 VĐV được chọn từ 43 ứng viên tranh tài ở 15 môn thi đấu. Họ gồm 6 VĐV nam và 4 VĐV nữ cùng 5 quan chức, thi đấu ở các môn bơi, điền kinh, Judo, dưới màu cờ Olympic và cũng được tham gia vào lễ diễu hành trong buổi khai mạc.

Các VĐV này đến từ nhiều nơi trên thế giới như Nam Sudan, Syria, những quốc gia đang gặp nhiều khó khăn nên không thể có điều kiện tập luyện và đầu tư tốt nhất tại Olympic lần này. VĐV trẻ nhất là Yursa Mardini, cô gái đã cùng chị vượt biển, trải qua hành trình khủng khiếp từ Syria tới Đức. “Được dự Olympic là vinh dự lớn với mọi VĐV. Đối với những người tị nạn như chúng tôi, điều này sẽ càng đặc biệt hơn. Chúng tôi sẽ chiến đấu với tất cả những gì mình có để cả thế giới nhìn thấy, để tiếp thêm động lực cho những người tị nạn”, Yursa Mardini chia sẻ.

“Những người tị nạn này không có nhà, không có đội, không có cờ và không có cả quốc ca. Tại buổi lễ khai mạc Olympic sắp tới đây, bài hát Olympic sẽ được cất lên, vinh danh họ và lá cờ Olympic sẽ thay quốc kỳ, dẫn đầu đoàn vận động viên này tiến vào sân khấu”, Chủ tịch Ủy ban Olympic Thomas Bach cho hay.

“Bằng cách chào đón đoàn VĐV là những người tị nạn, chúng tôi muốn gửi thông điệp hy vọng tới tất cả những người tị nạn trên thế giới. Đoàn này sẽ được đối xử công bằng như các đoàn thể thao khác tranh tài tại Olympic 2016”, ông Thomas Bach nói thêm.

Thể

Cô bé tị nạn rước đuốc Thế Vận Hội

“Em hạnh phúc vô cùng khi được rước đuốc Olympic. Em không ngờ đời mình lại có giây phút vinh dự đến thế. Em yêu Brazil. Giờ thì cảm thấy mình như là người Brazil vậy”, cô bé 12 tuổi Hanna Khaled Daqqah xúc động chia sẻ sau khi trở thành người thứ sáu rước ngọn đuốc của Thế Vận Hội.

Gia đình của Hanan Khaled Daqqah vốn sống ở Idlib, vùng Tây Bắc Syria. Cuộc sống của họ vô cùng khó khăn khi đất nước quanh năm chìm trong chiến tranh. Sau khi bố của cô bé bị bắt giam và đe dọa vì giúp những người bạn thoát khỏi đất nước loạn lạc, gia đình em quyết định vượt biên trái phép để tìm đến vùng đất mới. Sau hơn hai năm sống trong thiếu thốn tại trại tị nạn Zaatari ở Jordan, gia đình cô bé 12 tuổi được chuyển đến sống ở Sao Paulo (Brazil) vào năm 2015, theo một chương trình giúp đỡ nhân đạo của chính phủ.

Thế Vận Hội cho người tay trắng

Hanan Khaled Daqqah cho biết việc cô bé được rước đuốc Olympic là “cột mốc quan trọng” trong việc thích nghi với cuộc sống tại Brazil. Cô bé còn khoe mẹ đang mang bầu và cô sẽ sớm có một người em trai “Brazil chính hiệu”. Giống như Hanan Khaled Daqqah, VĐV bơi lội Ibrahim Al-Hussein cũng vinh dự được tham gia rước đuốc. Người đàn ông này cơ thể không lành lặn bởi đã mất một chân trong vụ đánh bom liều chết ở quê nhà Syria.

“Vinh dự này không chỉ dành cho tôi mà còn cho tất cả người dân tị nạn Syria đã vượt khó khăn để đến châu Âu. Tôi vừa là người tị nạn nhưng cũng là một vận động viên đích thực. Sau 20 năm, ước mơ của tôi đã thành sự thật. Dù không được thi đấu nhưng tôi ở đây để mang ngọn đuốc của Thế Vận Hội”, Al-Hussein chia sẻ.

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

No more