Thể thao Việt Nam vươn ra thế giới

Bài Trúc Đoàn

[Tạp chí ELLE MAN - 7/2016] Thể thao Việt Nam đang có một lứa VĐV trẻ đầy tiềm năng, có thể vươn ra tầm thế giới như Ánh Viên, Phương Trâm, Anh Khôi, Cẩm Hiền... Điều quan trọng là những tài năng này có được đầu tư cẩn thận để phát triển hết khả năng, mang về vinh quang cho đất nước hay không?

Nguyễn Thị Ánh Viên – VĐV bơi lội

Ánh Viên là cái tên số một khi nói về các tài năng trẻ của thể thao Việt Nam. Kình ngư sinh năm 1996 đã “bơi” ra khỏi ao làng Đông Nam Á, điền tên bơi lội Việt Nam vào bản đồ thế giới.

Sau kỳ SEA Games 28 gây chấn động khi giành 8 HCV, phá 8 kỷ lục, Ánh Viên sang Mỹ tập huấn. Thành tích của cô ở các giải đi xuống khiến người hâm mộ lo ngại Ánh Viên đã đi đến ngưỡng. Tuy nhiên, theo giải thích của HLV Đặng Anh Tuấn, học trò của ông không thể giải nào cũng có thành tích tốt, phải tính toán điểm rơi phong độ.

guong mat the thao Việt Nam 2

Tại giải bơi diễn ra tại Indianapolis đầu tháng 6 vừa qua, Ánh Viên đã xua tan mọi nghi ngờ bằng màn trình diễn xuất sắc. Đối đầu với các kình ngư đẳng cấp thế giới nhưng cô gái Việt Nam đã giành được một HCV (400m hỗn hợp), hai HCĐ (200m tự do và 200m hỗn hợp). Đặc biệt, cô gái 20 tuổi phá 3 kỷ lục SEA Games (400m hỗn hợp, 200m tự do, 400m tự do). Ngoài ra, cô còn đạt chuẩn A cự ly 200m tự do để có thêm suất bơi tại Olympic Rio 2016. Mục tiêu của kình ngư sinh năm 1996 là lọt được vào loạt bơi chung kết ba nội dung mà cô đã giành được vé tham dự tại Olympic Rio sắp tới.

guong mat the thao Việt Nam! 1

Nguyễn Anh Khôi – VĐV cờ vua

Năm 2010, Lê Quang Liêm giao lưu thi đấu cùng lúc với 20 người yêu cờ vua. 19 người bại trận, chỉ có 1 người cầm hòa được kỳ thủ số một Việt Nam, đó là cậu nhóc 8 tuổi Nguyễn Anh Khôi. Điều đặc biệt là Quang Liêm không hề cảm thấy mất mặt, khó chịu khi bị cầm hòa bởi một chú nhóc con mà anh còn vui vẻ gọi cậu bé lại, nói chuyện động viên tiếp tục theo đuổi đam mê với những quân cờ.

Hai năm sau trận đấu giao hữu với Quang Liêm, Anh Khôi gây chấn động làng cờ vua Việt Nam khi giành chức vô địch U10 thế giới với thành tích 11 trận toàn thắng. Năm 2013, kỳ thủ sinh năm 2002 gặp trục trặc visa nên không thể dự giải trẻ thế giới nhưng năm sau, cậu đã mang chức vô địch U12 từ Nam Phi về cho thể thao Việt Nam.

guong mat the thao Việt Nam 3

Cuối năm 2015, Anh Khôi được các thầy đặc cách gọi vào tuyển cờ vua tham dự giải Đông Nam Á dù có elo thấp hơn đàn anh Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn. Tại giải đấu chuyên nghiệp đầu tiên trong đời ấy, Anh Khôi không chỉ ít tuổi hơn các đối thủ mà hệ số elo chỉ đứng thứ 9 trong 12 kỳ thủ góp mặt. Thế nhưng bất ngờ em đã đăng quang với thành tích giành 7 điểm sau 11 ván.

Anh Khôi đến với cờ vua một cách tình cờ, khi bố mẹ cho đi tập chơi để tránh xa điện tử, game online. Điều đặc biệt là dù hiện nay đã là kỳ thủ “có số má” nhưng Anh Khôi vẫn chỉ coi cờ vua là “môn giải trí”. Ở nhà, cậu chỉ bỏ một phần nhỏ thời gian để luyện cờ, phần lớn còn lại nghiên cứu sinh học và lịch sử, hai môn học mà cậu rất mê. Mơ ước của Anh Khôi là trong tương lai sẽ trở thành bác sĩ.

“Trong lớp, Anh Khôi bị bạn bè gán cho biệt danh “ông cụ non” bởi cách suy nghĩ già dặn hơn lứa tuổi. Cháu từng phản đối bạn bè quay cóp vì “học là cho mình”. Ở nhà cu cậu luôn tự lập trong việc ăn, ngủ, nghỉ, học tập, ba mẹ không bao giờ phải nhắc nhở. Có lần, em gái mè nheo với ba mẹ, muốn được tặng đồ chơi nếu giành toàn điểm 10 trong các kỳ thi. Anh Khôi nghiêm mặt trách em. Cu cậu bảo em gái học là cho bản thân, không phải cho ba mẹ, tại sao lại phải ra điều kiện trước kỳ thi”, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, mẹ Anh Khôi hạnh phúc nói.

guong mat the thao Việt Nam 4

Thế

Nguyễn Lê Cẩm Hiền – VĐV cờ vua

Giải vô địch cờ vua trẻ thế giới 2015 diễn ra tại Hy Lạp, Cẩm Hiền giành 9 điểm sau 11 ván, ẵm chức vô địch thế giới U8. Cô bé người Quảng Ninh trở thành kỳ thủ ít tuổi nhất từng vô địch thế giới của cờ vua Việt Nam.

Cẩm Hiền là “con nhà nòi”, bố là đại kiện tướng quốc tế Nguyễn Anh Dũng, mẹ là kiện tướng FIDE quốc tế Lê Thị Phương Liên, hai người đang làm công tác huấn luyện tại Trung tâm TDTT Quảng Ninh. Tuy nhiên, người sớm đưa Cẩm Hiền đến với cờ vua lại là ông nội.

Ba tuổi, khi chưa biết mặt chữ, Cẩm Hiền bắt đầu làm quen với các quân cờ. Một năm sau, cô bé bắt đầu được ông hướng dẫn các nước chơi cơ bản. Cẩm Hiền nhanh chóng bộc lộ năng khiếu với môn cờ vua khiến chính các thành viên trong gia đình cũng bất ngờ. Vì vậy khi cô bé lên 5, anh Anh Dũng quyết định đưa con vào lớp năng khiếu của Quảng Ninh, nơi anh đứng lớp để rèn luyện.

Một năm đào tạo, trình độ cờ vua của Cẩm Hiền tiến bộ chóng mặt, trong lớp hạ được hết các anh chị lớn tuổi. Vì vậy năm 2013, kỳ thủ sinh năm 2007 được đặc cách đưa sang dự giải trẻ châu Á. Ngay lần đầu tiên ra nước ngoài thi đấu, cô bé đã mang về 1 tấm HCV cờ chớp, 2 HCB cờ tiêu chuẩn và cờ nhanh cho thể thao Việt Nam. Đầu năm nay, Cẩm Hiền được tỉnh Quảng Ninh đặc cách đưa từ lớp năng khiếu lên VĐV tuyển của tỉnh. Cô bé cũng được nhà tài trợ đầu tư trong 9 năm, với kinh phí khoảng 18 tỷ đồng để phát triển sự nghiệp.

guong mat the thao Việt Nam! 5

“Ban đầu chúng tôi không có ý định cho Cẩm Hiền theo cờ vua bởi cháu còn quá nhỏ, chưa định hình được. Nhưng rồi ông nội cứ tỉ mẩn dạy, cháu bộc lộ đam mê. Giờ thì vợ chồng tôi quyết tâm cho cháu theo cờ vua bởi với những gì đã đạt được, Cẩm Hiền cho thấy cháu có tố chất đặc biệt với môn này. Mục tiêu của chúng tôi giờ là cho con tranh tài với các lứa lớn tuổi hơn để cháu phát triển”, anh Anh Dũng, bố Cẩm Hiền chia sẻ.

Cẩm Hiền thi đấu cực kỳ bản lĩnh, nhưng rời bàn cờ, kỳ thủ này lại trở về là một cô bé hồn nhiên, nhí nhảnh. Kỳ thủ nhí mê truyện Doremon, khi xem hoạt hình còn khóc vì Nobita bị bắt nạt.

“Con thích được đi thi đấu nước ngoài vì được ở khách sạn đẹp, ăn ngon. Con thích nhất là đi Mỹ và châu Âu, vì các nước này họ giàu lắm ạ”, Cẩm Hiền hồn nhiên chia sẻ.

guong mat the thao Việt Nam! 6

Nguyễn Thùy Linh – VĐV cầu lông

Cầu lông nam Việt Nam đang trong tình cảnh tre già mà măng không mọc. Tiến Minh đã đưa cầu lông nước nhà lên bản đồ thế giới nhưng sau hơn chục năm anh chinh chiến, vẫn chưa có đàn em nào nổi lên như là người kế nghiệp.

May mắn, cầu lông nữ Việt Nam không rơi vào cảnh khốn khó như vậy. Ngay khi tay vợt 24 tuổi Vũ Thị Trang giành quyền lần đầu tiên tham dự Olympic (2016 tại Rio, Brazil), cô đã nhìn thấy lớp kế cận phía sau có thể gánh vác trọng trách trong tương lai.

“Nếu nói về người kế thừa phía sau Vũ Thị Trang, đó phải là Nguyễn Thùy Linh. Vận động viên trẻ này có kỹ thuật tốt, đánh rất thông minh và đặc biệt là yêu nghề, sẵn sàng hy sinh hết cho cầu lông”, ông Lê Thanh Hà, trưởng bộ môn cầu lông Tổng cục Thể Dục Thể Thao Việt Nam chia sẻ.

guong mat the thao Việt Nam! 7

Thùy Linh sinh ra trong gia đình không có ai theo thể thao chuyên nghiệp. Cô đến với cầu lông đơn giản là nhờ thói quen “đánh cầu lông cho khỏe” của ông nội.

Ngay từ khi mới lớp hai, Thùy Linh đã được ông sắm cho bộ quần áo thể thao và cây vợt để đi đến các sân phong trào của các cụ bô lão chơi. Không ngờ, cô gái sinh năm 1997 có tố chất, nhanh chóng bộc lộ. Năm Thùy Linh lên 10, ông nội quyết định khăn gói đưa cháu xuống Hà Nội xin theo học lớp năng khiếu. Thậm chí ông còn thuê nhà ngay gần nơi tập luyện để tiện chăm cháu. Được đào tạo bài bản, tới năm 13 tuổi Thùy Linh đã có được tấm HCV giải trẻ toàn quốc đầu tiên cho thể thao Việt Nam.

Cách đây ba năm, Thùy Linh vào đầu quân cho Đà Nẵng. Được đầu tư mạnh tay, sự nghiệp của tay vợt trẻ này lên như diều gặp gió. Tại giải các tay vợt xuất sắc toàn quốc năm 2014, cô gái quê Phú Thọ đã lọt vào trận chung kết và chỉ chịu thua đàn chị Vũ Thị Trang. Tới năm 2015, tận dụng việc Vũ Thị Trang vắng mặt, Thùy Linh ẵm luôn tấm HCV.

guong mat the thao Việt Nam! 8

Nguyễn Diệp Phương Trâm – VĐV bơi lội

Trở về từ SEA Games 28, gia đình Phương Trâm nộp đơn lên Sở VHTT&DL TP.HCM xin thanh lý hợp đồng để đi du học nước ngoài. Đơn vị chủ quản không đồng ý, cho rằng có đối thủ đứng phía sau giật dây để cướp tài năng. Họ chỉ đồng ý thanh lý hợp đồng nếu được đền bù 961 triệu đồng. Sự việc trở nên căng thẳng đến độ đôi bên đã mời luật sư vào cuộc, sẵn sàng đưa nhau ra tòa.

“Em sợ lắm. Em sợ không có chỗ tập. Sợ không có đơn vị nào nhận. Sợ không được bơi nữa”, Phương Trâm lo lắng tột độ cho tương lai của mình khi vụ việc ngày càng đi xa.

May mắn thay, sau gần nửa năm căng thẳng, những ngày cuối cùng của năm 2015 mọi chuyện cũng được giải quyết êm xuôi. Phương Trâm vẫn ở lại với bơi lội TP.HCM nhưng được chuyển trung tâm tập luyện và hưởng chế độ đãi ngộ đặc biệt. Trút được nỗi lo, Phương Trâm lột xác trên đường đua xanh.

guong mat the thao Việt Nam! 10

Trong 6 tháng qua, Phương Trâm không có đối thủ ở sân chơi trong nước. Tại giải vô địch quốc gia, kình ngư sinh năm 2001 giành 21 HCV, phá 6 kỷ lục. Tới giải vô địch các nhóm tuổi, cô mang về cho đoàn TP.HCM 19 HCV, đồng thời khiến đối thủ phải thán phục khi trong bốn ngày thi cô “xuống nước là có vàng”, về nhất ở mọi nội dung đăng ký thi đấu.

“Bơi Việt Nam may mắn vô cùng khi giờ tre chưa già, măng đã mọc. Ánh Viên đang gây tiếng vang lớn ở các giải quốc tế, hứa hẹn sẽ còn tiến xa thì cô đã có truyền nhân. Chúng tôi tin tương lai Phương Trâm sẽ còn tiến xa hơn cả Ánh Viên nếu được đầu tư bài bản”, lãnh đạo bơi Việt Nam đã phải thốt lên như vậy khi chứng kiến Phương Trâm thống trị các giải bơi trong nước. Tại giải bơi VĐQG 2015, kình ngư sinh năm 2001 cũng đã hai lần đánh bại và phá kỷ lục của Ánh Viên ở cự ly 50m tự do và 50m bơi bướm.

Mới đây, Phương Trâm được nhận gói tài trợ 18 tỷ đồng và sẽ sang Mỹ tập huấn. Ở môi trường tốt như vậy, kình ngư mới 15 tuổi hứa hẹn sẽ có cú đột phá cho sự nghiệp bơi lội trong tương lai.

Điều đặc biệt là Phương Trâm không hề áp lực khi bị nhiều người đem ra so sánh với Ánh Viên. Kình ngư này hồn nhiên bảo rất thần tượng đàn chị lớn hơn 5 tuổi và vô cùng sung sướng khi được nhiều người gọi là “tiểu Ánh Viên”.

Hoàng Xuân Vinh – Xạ thủ bắn súng, người hùng Olympic đầu tiên của Việt Nam

Nhà vô địch Olympic – Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh vừa qua đã xuất sắc dành được tấm huy chương vàng lịch sử trên đất Brazil. Đây là tấm huy chương vàng đầu tiên của Thể thao Việt Nam tại đấu trường Thế vận hội. Bangkok Post bình luận: “VĐV 42 tuổi người Việt Nam giành HCV với tổng điểm là 202,5 điểm, hơn người đứng nhì là Wu Felipe (Brazil) có… 0,3 điểm. Hoàng Xuân Vinh vươn lên dẫn đầu sau phát đạn cuối cùng gần như hoàn hảo”.

Toàn thế giới đang nói về anh, niềm tự hào của Việt Nam
Toàn thế giới đang nói về anh, niềm tự hào của Việt Nam
Hoàng

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

No more