Du lịch 10/01/2020

Hành trình Trans – Siberia: Chuyến tàu mang tên giấc mơ

Bài ELLE Man

Không ai đi hành trình Trans - Siberia giống nhau và không ai từng khoe mình đã đi hết tuyến đường sắt huyền thoại này! Nó vẫn xứng là giấc mơ của những giấc mơ, là chuyến tàu qua nhiều sân ga nhất, chở nhiều cảm xúc nhất, và ghi dấu những trải nghiệm lạ lùng nhất.

Lonely Planet tóm tắt về điều kỳ diệu khi đi tàu: Đôi khi nó là sự tương tác giữa người với người, gặp nhau trên những chặng đường dài rồi từ lạ thành quen, cùng nhau ăn ngủ trong khoang và phía dưới là vó hỏa xa sầm sập băng suối vượt đèo; đôi khi là ngoạn sơn khán thủy ngắm khung cảnh từ ngày sang đêm tĩnh lặng trôi qua mỗi ô cửa tàu, là nét văn hóa thổ nhưỡng đặc trưng lướt đi không biết đến ngày nào hạnh ngộ. Trong bài tổng hợp tuyệt hay về 10 chuyến tàu phải đi ít nhất một lần trong đời, họ đã vinh danh đầu tiên chính là tuyến đường sắt Thống Nhất nối hai miền Nam Bắc tổ quốc. Ngoài ra còn có những cái tên huyền thoại khác như chặng tàu xuyên Siberia, chặng tàu cao nguyên Thanh Tạng, chặng California Zephyr trên lãnh thổ nước Mỹ, chặng Tazara Railway nối hai quốc gia châu Phi Tanzania và Zambia, chặng tàu Nam Mỹ Perurail Lake Titicaca Railway ở Peru …

hanh trinh trans-siberia - doan tau hanh trinh trans-siberia - elle man 2
Tháng 3 năm 1891, Nikolai II, người sau này trở thành Sa hoàng Nga, đã làm lễ khởi công xây dựng phân khúc Viễn Đông của tuyến đường sắt “Xuyên Sibir”. Với 9.259 km, trải rộng qua 7 múi giờ và phải mất khoảng 7 ngày liên tục để hoàn thành, Trans – Siberia là tuyến đường sắt liên tục thực sự dài thứ 3 trên thế giới, sau tuyến Moskva – Bình Nhưỡng (10.267 km) và Kiev – Vladivostok (11.085 km).

Hành trình tuyết phủ

Nhắc đến hành trình Trans -S iberia là nhắc đến chuyến tàu mang tên giấc mơ; một giấc mơ về nước Nga trong tuyết phủ và những vạt rừng Taiga thăm thẳm mà tôi đã đọc từ nhiều năm về trước, vẫn đeo đuổi tôi cho đến ngày đặt vé và lên tàu. Có hay không một tấm vé đi trọn hành trình ước mơ này? Trans – Siberia Railway là cách nói ngắn gọn của mạng lưới đường sắt khổng lồ ‘’Xuyên Sibir’’, nếu không muốn nói là lớn nhất thế giới, phần lớn chạy trên lãnh thổ nước Nga từ Đông sang Tây, một bên nối vào hệ thống đường sắt châu Âu, bên kia chạm vào đỉnh của châu Á tại Vladivostok.

Quảng trường Đỏ, trung tâm thủ đô Moscow của Nga là một kiệt tác nghệ thuật kiến trúc độc đáo
hanh trinh trans-siberia - mua dong - elle man 2
Phong cảnh hùng vĩ đẹp như tranh bên ngoài cửa sổ.

Tại Vladivostok, người ta có thể tiếp tục hành trình bằng phà đến với Hàn Quốc và Nhật Bản. Đồng thời trên địa phận châu Á, đường sắt này rẽ thêm hai nhánh nhỏ: nhánh Xuyên Mãn Châu (Trans – Manchuria) hướng đến thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc (thông qua Mãn Châu Lý); và nhánh Xuyên Mông Cổ (Trans – Mongolia) hướng đến thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ rồi vượt sa mạc Gobi vào địa phận Trung Quốc. Sau Bắc Kinh? Du khách có thể dọc theo hành lang Cam Túc đi con đường tơ lụa trên bánh hỏa xa để ra nơi quan ngoại, rồi tiếp tục vượt dãy Khả Khả Tây Lý vào đến thủ phủ Lhasa, Tây Tạng; hay chạy ngược hướng qua Thiên Kinh – Thượng Hải – Đại Liên – Đan Đông – Bình Nhưỡng đến với Bắc Triều Tiên; hoặc tuyệt vời hơn là Nam tiến về phía Quế Lâm, Nam Ninh nối vào tuyến tàu liên vận qua ga Đồng Đăng để về thủ đô Hà Nội; và từ đó xuôi chiều Việt Nam đi khắp ba nước Đông Dương trước khi dừng chân ở quốc đảo Singapore.

Nếu bạn đam mê đi tàu, hộ chiếu của bạn sẽ đóng đủ dấu visa Schengen, các nước Đông Âu, Nga, Mông Cổ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore… Có khách sẽ chọn đi từ Đông sang Tây (Westbound), có người lại chọn đi từ Tây sang Đông (Eastbound), có nhóm đi mùa Đông, có hội lại thích mùa Hè, người ta lên và xuống ở những ga khác nhau, dừng chân thưởng ngoạn ở những điểm khác nhau với khoảng thời gian cũng khác nhau, do sân ga đa dạng nên có khi lúc lên là tàu của Nga hoặc của Trung Quốc, đến khi xuống biết đâu ở Mông Cổ, thậm chí là Hà Lan.

Đường sắt hành trình Trans – Siberia là con đường huyết mạch của nước Nga.
8

Đi qua mùa Đông nước Nga

Với tôi, hành trình Eastbound trước nhất đã đưa tôi đến thủ đô thứ 3 của nước Nga – thành phố Kazan. Đây là thủ phủ của Cộng hòa Tatarstan, Nga và cũng là nơi hợp lưu của sông Volga và sông Kazanka. Với bề dày hơn 1.000 năm lịch sử, Kazan vẫn giữ được gần như nguyên vẹn nét đặc sắc của các công trình kiến trúc đồ sộ, đậm chất sử thi, đặc biệt là quần thể điện Kremlin Kazan được xây dựng dưới thời trị vì của vua Ivan bạo chúa.

Là thủ đô của Tatarstan, Kazan đón nhận hơn 1.000.000 khách du lịch đến mỗi năm, đứng thứ 3 ở châu Âu và thứ 8 trên thế giới.
Kazan được gọi là thành phố thể thao với những sân băng lớn ngoài trời.

Sau Kazan, tôi dừng chân ở Yekaterinburg – thành phố lớn thứ tư ở Nga, thủ phủ của vùng Ural. Nằm ở trung tâm lục địa Á-Âu, trên biên giới châu Âu và châu Á, Yekaterinburg rất phong phú, đa dạng về văn hóa và sắc tộc. Nơi đây cũng từng chứng kiến cung đàn sau cuối của nhà Romanov – con cháu dòng dõi Peter Đại đế và đặt dấu chấm kết thúc cho nền quân chủ chuyên chế Sa hoàng vào năm 1917.

Cuối hành trình Trans – Siberia, tàu đưa tôi đến với thành phố Irkutsk, thủ phủ của miền Đông và cũng là cửa ngõ hồ nước ngọt Baikal trứ danh. Baikal là hồ nước ngọt có lượng nước lớn nhất thế giới, đồng thời cũng chính là hồ có độ sâu và lâu đời nhất thế giới, hình thành cách đây 25-30 triệu năm trước. Mùa Đông đã đóng băng toàn bộ hơn 600 km mặt nước hồ, lớp băng dày tới mức có thể sử dụng như đường cao tốc cho xe ô tô chạy xuyên qua trong vòng nửa ngày. Trên mặt băng, nhiều người đi dạo chụp ảnh, trượt tuyết, câu cá, đặt bếp nhóm lửa nấu ăn. Họ còn uống rượu bằng cách khoan lỗ xuống mặt băng để rót vodka vào và thưởng thức ‘’con mắt xanh của Siberia’’ đầy chất nghệ sĩ.

Hồ Baikal trong tiếng Mông Cổ có nghĩa là hồ tự nhiên, có diện tích bề mặt 31.722 km2.
Baikal là hồ sâu nhất thế giới, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1996. Đường sắt xuyên Sibir được xây dựng giữa năm 1896 đến 1902 băng qua khu vực này thông qua đường sắt Circum-Baikal ở cuối Tây Nam hồ Baikal cần phải sử dụng 200 cây cầu và 33 đường hầm.

Quãng đường tàu như trên kéo dài hơn 400 km trong tiết trời giá lạnh bậc nhất của mùa Đông nước Nga. Quá trình khảo sát, mua vé cho đến khi đi tàu thực sự đơn giản vì thông tin về tuyến hành trình Trans – Siberia rất đầy đủ. Các trang web như Seat61 hay RealRussia có thể giúp hành khách tìm hiểu trước về các loại (class) tàu và thời gian chạy giữa các ga. Vé đi tàu có thể mua trực tiếp từ trang web của ủy ban Đường sắt quốc gia Nga (RZD). Vé ở đây được bán trước cả năm và bán giá gốc theo đồng RUB không tính hoa hồng. Vé là dạng eTicket, có mã barcode trên file PDF, chìa ra quẹt ở cửa soát vé là được phép lên tàu. Ngoài ra, RZD cũng có app trên điện thoại để quản lý tài khoản cho phép thay đổi hay hoàn hủy nhanh chóng, tiện vô cùng tiện.

Hành khách cũng có thể đem eTicket ra quầy tại ga đổi ra vé cứng. Tôi cũng làm vậy vì muốn giữ cuống vé làm kỷ niệm. Mỗi lần mua, khách được chọn tối đa vé cho 8 người đi cùng, tự chọn giường hay khoang theo nhu cầu, trong đó sẽ ghi rõ khoang nào là máy lạnh, giường mấy tầng, có kèm bữa ăn hay không, thậm chí có cho phép mang theo chó mèo lên khoang hay không. Trên tàu cũng có thể dùng bữa ở khoang ăn và mua sắm từ các xe đẩy, không chỉ đồ ăn thức uống mà cả bình pha cà phê, cốc pha lê, ca tráng men cùng đồ lưu niệm độc lạ. Một số tàu còn có cả phòng tắm dành cho khách với giá khoảng 3 đô la Mỹ mỗi lần sử dụng.

hanh trinh trans-siberia - doan tau hanh trinh trans-siberia - elle man

Tại mỗi chặng tàu dừng, mọi người xuống ga hút thuốc vận động nghịch tuyết. Có người xuống, lại có người lên, đủ cả sắc tộc tôn giáo, không đếm xuể lứa tuổi và giới tính. Thôi thì thế giới quần tụ về đây, cứ là nườm nượp đủ quốc tịch, muôn câu chuyện rợp sắc màu, ngôn ngữ có lời và không lời cực kỳ đa dạng. Cảnh vật ngày hay đêm đều phong phú khác biệt, bình minh cùng hoàng hôn mỗi ngày lại thay sắc đổi da, lúc thì bên kia dãy núi, khi thì gần sát bìa rừng, cuộc sống lùi về xa theo những cách rất riêng, kể cả bạn có bấm máy liên tục thì mỗi phút trôi qua lại là một khung hình mới. Ai đi Siberia trên những chuyến tàu đủ lâu khi về chắc hẳn dù có đặt lưng lên giường nhà vẫn mường tượng tiếng xình xịch của mỗi guồng quay, nhớ tiếng còi hỏa xa nhắc người ta mau mau ổn định, và nhớ tiếng ghi rít lên mỗi lần tàu giảm tốc từ từ dừng lại sau đó lại lừ đừ chuyển bánh; động mà rất tĩnh, như nó vẫn thi thoảng trở về trong giấc mơ tôi.

Có những chuyến tàu sẽ làm ta nhớ mãi như thế. Bước lên tàu là hồ hởi và bước xuống tàu là bâng khuâng. Cảm ơn Siberia đã tiễn tôi bằng phút tráng lệ cuối ngày với vừng hồng lấp ló sau hàng bạch dương trắng ngần. Cảm ơn Taiga đứng vẫy chào suốt nghìn cây số đường đi. Thiên nhiên Siberia quả đẹp kỳ vĩ khiến người ta rung động, mỗi vùng đất đi qua đều đã để lại trong lòng tôi những dấu ấn rất riêng. Tôi biết mình sẽ nhớ những thanh âm trên thảo nguyên gió tuyết, nhớ những rung lắc đã thành thân quen sau nghìn dặm đường và nhớ những khuôn mặt Nga tôi gặp trên tàu sưởi ấm cả hành trình ngày qua. Tiễn tôi xuống ga Irkutsk, tàu hối hả nhắm Vladivostok thẳng tiến rồi sẽ cần mẫn trở lại Moscow, chở theo những giao thoa Á-Âu, mãi nối dài những hội ngộ và chia ly của hàng vạn con người.

hanh trinh trans-siberia - ngoi lang trong hoang hon - elle man

Hẹn gặp lại Siberia, hẹn gặp lại chuyến tàu huyền thoại, nắng gió của ngày mai sẽ còn tiếp tục thổi trên mỗi cung đường dài và hứa hẹn rực rỡ đáng nhớ hơn hôm nay rất nhiều!

Du

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Minh Yilka – Ảnh: Minh Yilka, tư liệu

cùng chuyên mục

No more