Minh Red không phải là cái tên xa lạ trong giới quảng cáo Sài Gòn. Nhưng ít ai biết, đằng sau các chiến dịch truyền thông ấn tượng là một người đàn ông luôn trăn trở với những câu hỏi về nội tâm con người. Anh bước vào thế giới tâm lý học như một con cá hồi ngược dòng, bơi về nguồn cội của những xúc cảm chân thật. Hành trình từ giảng đường Y khoa đến những thước phim quảng cáo, rồi đến chương trình Thạc sĩ Tâm lý học tại King’s College London, vẽ nên con đường của một người đàn ông muốn tái cấu trúc khuôn mẫu về đàn ông Việt. Trong cuộc trò chuyện với ELLE MAN Việt Nam, Minh Red đã chia sẻ nhiều suy ngẫm đáng chú ý về nhu cầu bộc lộ cảm xúc của nam giới, đặc biệt là trong mối quan hệ với người bạn đời.
Mọi người vẫn thường cho rằng nam giới khó bộc lộ cảm xúc hơn nữ giới. Anh có đồng ý với quan điểm này không?
Tôi nghĩ rằng chắc chắn sẽ có những cá nhân nam giới khó bộc lộ cảm xúc hơn những người khác. Khi nói về nam giới hay nữ giới, chúng ta đang nói về những đại diện. Vậy thì, có lẽ câu hỏi nên được điều chỉnh lại một chút, là nếu như chúng ta quan sát thấy việc nam giới bộc lộ cảm xúc có vẻ khó hơn so với nữ giới, liệu có lý do gì ở đằng sau hay không?
Ví dụ, trong một mối quan hệ vợ chồng, những người đàn ông thường có tuổi từ giữa 20 đến gần 40. Trong giai đoạn đó, họ có những áp lực cụ thể: họ đang phải leo lên những nấc thang sự nghiệp, họ phải chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân, ví dụ như có con, mua nhà, mua xe… – những áp lực mà mọi người hay gọi là “phân vai”, có thể do xã hội trao cho họ hoặc do chính họ tự đặt lên bản thân mình theo tiêu chuẩn của “vai trò giới” (gender role). Việc “chăm lo” ở đây bao gồm rất nhiều thứ, khiến nam giới có xu hướng tạo ra hình mẫu của người đứng đầu chiến tuyến, một người đang sắm vai bảo vệ và che chở cho gia đình. Mà một người được cho là mạnh mẽ, gánh nhiều trọng trách trên vai thường sẽ có xu hướng che giấu sự yếu đuối hoặc tổn thương của mình. Quan trọng là ở khoảnh khắc cảm thấy yếu đuối hoặc tổn thương, họ có muốn câu chuyện bên trong của mình ảnh hưởng đến người khác hay không. Ngay cả việc chia sẻ hay không cũng là điều mà họ cân nhắc dựa trên suy nghĩ cho người khác hơn là cho bản thân họ.
Tuy nhiên, khi xét đến mối quan hệ vợ chồng, chúng ta không thể bỏ qua khía cạnh tình cảm. Kết nối tình cảm được xây dựng trên 3 nền tảng, đó là đam mê (passion), sự thân mật (intimacy) và cam kết (commitment). Những khía cạnh này sẽ thay đổi từ khi hai người yêu nhau, kết hôn cho đến những giai đoạn sau của mối quan hệ hôn nhân. Càng về sau, khi sự đam mê đã giảm bớt, sự thân mật đã trở thành điều hiển nhiên, sẽ có những nguyên tắc mà người trong cuộc cảm thấy phải cân nhắc về những điều muốn chia sẻ. Đôi khi, chính vì định kiến rằng bản thân đã hiểu rõ đối phương, chúng ta bắt đầu dùng lý trí để kiểm soát, khiến cho chuyện mở lòng một cách tự nguyện và vô tư trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Vậy làm sao để những cá nhân nam giới vượt qua đượcđịnh kiến về vai trò giới và nỗi sợ rằng đối phương không thể thấu hiểu mình?
Tôi nghĩ đó là vấn đề của “kéo và đẩy”. Sự rạch ròi, nhị nguyên, đúng sai, nên hay không nên… là thứ mà chúng ta phải luôn thận trọng, bởi vì, luôn có sự phức tạp trong một quyết định. Ví dụ, có nên hay không nên chia sẻ một điều mà mình nghĩ là rất quan trọng với mình, nhưng chưa chắc đối phương sẽ hiểu như cách mình hiểu? Nỗi sợ, nỗi lo lắng là cần thiết, bởi vì chúng ta đang muốn bảo vệ bản thân khỏi sự tổn thương. Và khi đặt lên cán cân, việc né tránh sự tổn thương dường như có sức nặng hơn mong muốn chia sẻ. Thế nhưng, về mặt lâu dài, những điều chúng ta giữ trong lòng, đặc biệt là cảm xúc tiêu cực, sẽ dần tích lũy và chuyển thành suy nghĩ rằng “đối phương không phải là người đáng tin để mình có thể chia sẻ những điều mà đối với mình là quan trọng nữa”. Và đó mới thực sự là vấn đề.
Theo tôi, điểm mấu chốt ở đây là thực hành “ngôn ngữ bất bạo động”. Nghĩa là khi chia sẻ với nhau một điều gì đó, chúng ta phải làm sao để đối phương không cảm thấy bị bạo lực ngôn từ. Nhà tâm lý học Marshall B. Rosenberg đã đề cập đến phương pháp này trong cuốn sách Giao tiếp bất bạo động – Ngôn ngữ của lòng trắc ẩn. Marshall thường dùng chiến lược này để hòa giải cho các cặp đôi, làm sao để những người trong cuộc đối thoại khi diễn đạt suy nghĩ, cảm xúc, ngay cả sự không hài lòng của mình, sẽ sử dụng ngôn từ không tạo ra áp lực cho người đối diện. Thực hành giao tiếp bất bạo động là bước đi đầu tiên để cả hai có thể tin tưởng và thông cảm cho đối phương trước khi thiết lập những nền tảng vững chắc hơn cho việc chia sẻ cảm xúc của nhau.
Tôi nghĩ rằng có lẽ không nhiều người sẵn sàng chia sẻ 100% suy nghĩ của mình vì lúc nào cũng có một nỗi e sợ bị đánh giá, phán xét bên cạnh nỗi sợ không được thấu hiểu. Theo anh, chúng ta có nên chia sẻ tất cả suy nghĩ của mình hay không?
Điều này rất thú vị. Điều bạn nói phải được xét trong từng hoàn cảnh: một là chúng ta hoàn toàn kiểm soát bằng lý trí, tức là chúng ta có thể cân nhắc mức độ thể hiện cảm xúc hay nội dung cần chia sẻ là bao nhiêu; hai là chúng ta đặt lý trí sang một bên và bộc lộ hết những suy nghĩ, cảm nhận của mình. Vậy thì, khi lý trí bắt đầu can thiệp, dù là 100% hay 10% thì việc chia sẻ đã có một chủ đích cụ thể rồi.
Thực ra, điều quan trọng là sau mỗi cuộc đối thoại, tất cả chúng ta đều muốn cải thiện mối quan hệ chứ không phải phá vỡ nó. Nhìn rộng hơn, cuộc đối thoại này không phải là một cuộc tranh luận hay một cuộc chiến để tìm ra người chiến thắng. Hãy lùi ra khỏi cuộc đối thoại và bạn sẽ nhìn thấy mục tiêu lớn hơn ở đây là “mối quan hệ” chứ không phải là chuyện “bày tỏ”. Bày tỏ chỉ là một nhu cầu nhất thời bên trong một hành trình rất dài và rộng của mối quan hệ. Vậy thì, với mục tiêu lớn hơn, chúng ta có thể đặt lên bàn cân để cân nhắc việc nên chia sẻ như thế nào. Nếu bạn nghĩ rằng ở thời điểm này, để duy trì mối quan hệ, bạn cần bộc lộ hết suy nghĩ của mình để sau đó, mọi thứ có thể trở nên tốt đẹp hơn, vậy thì hãy cứ bộc lộ hết những gì bạn nghĩ. Nếu không, bạn hoàn toàn có thể cân nhắc nên chia sẻ bao nhiêu phần trăm để đạt được kết quả tốt nhất cho mối quan hệ.
Thực ra, bất kỳ ai cũng mong muốn người bạn đời chịu nói ra suy nghĩ của họ để đôi bên hiểu nhau hơn.
Đúng là như vậy, nhưng từ nãy đến giờ, chúng ta chỉ đang nói về những thứ bên ngoài cuộc đối thoại. Khi mình ở bên trong cuộc đối thoại, mọi thứ rất khó kiểm soát. Đó là khoảnh khắc mà hai người phải quyết định sẽ cư xử với nhau như thế nào. Hãy thử tưởng tượng như cả hai đang bước lên một võ đài. Ở khoảnh khắc đó, nếu một người tỉnh táo và có sự chuẩn bị từ trước, họ có thể biến võ đài thành một sàn khiêu vũ. Bạn biết đấy, sau khi kết thúc một điệu nhảy, chúng ta sẽ cảm thấy vui vẻ, nhẹ nhàng, cảm thấy đối phương đang tương tác ăn ý với mình. Còn nếu không, chúng ta sẽ cảm thấy mỏi mệt và đau đớn như thể vừa bước ra khỏi một trận đấu vậy. Cho dù ai thắng thì cả hai đều thua.
Thế trong trường hợp đó không phải là cãi vã mà chỉ đơn thuần là những câu chuyện thường ngày, những chia sẻ rất nhỏ nhặt mà người đàn ông cũng không nói ra được?
Có thể đối với người khác, đó là những chuyện nhỏ nhặt, nhưng đối với người đàn ông lại là một cuộc chiến thì sao? Anh ta đang phải chiến đấu với chính bản thân mình, với rất nhiều mâu thuẫn ở bên trong và điều đó không hề dễ dàng. Trong trường hợp này, có lẽ anh ta sẽ cần sự trợ giúp từ bên ngoài.
Vậy người bạn đời có thể giúp đỡ họ như thế nào?
Trước tiên, tôi sẽ loại trừ những tác động bên ngoài dẫn đến các yếu tố tâm lý khác. Tôi sẽ xem như người đàn ông này lớn lên trong một môi trường lành mạnh và vững vàng về tinh thần, chỉ đến khi anh ta có những áp lực về công việc, áp lực chăm lo cho gia đình, anh ta mới bắt đầu thu mình lại và không muốn chia sẻ. Tại vì, để giải quyết những vấn đề liên quan đến sang chấn tâm lý, chúng ta sẽ cần những giải pháp phức tạp hơn, và đôi khi người vợ sẽ cần sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý.
Quay lại với câu hỏi, người vợ có thể đang ở vị thế là một trong những điều mà người đàn ông muốn chăm lo và bảo vệ. Vì vậy, người đàn ông có lẽ sẽ không muốn đặt thêm gánh nặng lên vợ mình. Trong trường hợp này, ngay cả khi người vợ có mở lời khuyến khích chia sẻ thì người chồng cũng sẽ không bao giờ trút những khó khăn mình đang gặp phải sang cho người bạn đời của mình cả. Lúc này, người vợ sẽ phải dựa trên 3 nền tảng tôi đã nói ở trên, đó là đam mê, sự thân mật và cam kết, để tìm một “đường dẫn” phù hợp với người đàn ông của mình. Từ đó, tạo cho anh ta một bối cảnh, không gian thoải mái để có thể mở lòng và chia sẻ suy nghĩ của mình.
Cảm ơn những chia sẻ thú vị của anh.
_________
Bài: Đoàn Trúc
Ảnh: NVCC, Tư liệu