Franz Beckenbauer chính là một trong những gam màu chủ đạo của bức tranh toàn cảnh về sự thành công của đội tuyển Bayern Munich và đội tuyển Tây Đức trong những năm 70 đến 90 của thế kỷ trước. Đối với thế giới, “Hoàng đế” được nhớ đến như là người cha đẻ của vị trí Libero ảo diệu, góp phần làm phong phú thêm sự đa dạng của kho tàng chiến thuật bóng đá.
Franz Beckenbauer sinh ngày 11 tháng 9 năm 1945 tại Munich trong một gia đình bình thường như đại đa số các gia đình Đức lúc bấy giờ. Cha ông, ông Franz Beckenbauer Senior, làm việc trong lĩnh vực bưu chính, không khuyến khích con mình chơi bóng bởi vì điều kiện kinh tế không cho phép nhất là khi đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh tàn khốc nhất lịch sử nhân loại.
Từ nhỏ, Franz Beckenbauer đã là một cổ động viên của Bayern Munich. Năm 1964, Beckenbauer đã có trận ra mắt đội một cho ‘Hùm Xám Bavaria’ sau nhiều năm rèn luyện ở đội trẻ. Cuối mùa bóng, ông cùng đồng đội giúp Munich thăng hạng chơi tại giải Hạng nhất hay còn được biết đến với cái tên Bundesliga. Hai năm sau đó, ông có mặt trong đội hình của Tây Đức tham dự World Cup 1966 tại Anh. Franz Beckenbauer kết thúc giải đấu với 4 bàn thắng cùng vị trí Á quân của đội tuyển.
Franz Beckenbauer trở về Bayern Munich và cùng đội bóng giành được danh hiệu vô địch vào cuối mùa giải. Tại Bayern, ông thi đấu trong vai trò của một hậu vệ thòng (attacking sweeper), vị trí mà ông biến nó trở thành thứ độc tôn trong sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của mình. Với những gì đã thể hiện, Franz Beckenbauer được trao chiếc băng thủ quân Bayern Munich vào năm 1968. Trong nhiệm kỳ làm thủ quân của ‘Hùm Xám’, Franz Beckenbauer đã đưa Bayern vào thời kỳ vàng son của câu lạc bộ với 3 “Đĩa Bạc’ liên tiếp từ năm 1972 cùng với 3 chiếc cúp vô địch UEFA Champion League danh giá song song thời gian đó.
Franz Beckenbauer chơi cho Bayern Munich tổng cộng 439 trận, ghi được 64 bàn và giành được hàng loạt danh hiệu cùng đội bóng: 4 Đĩa Bạc (Bundesliga), 4 Cúp Quốc gia Đức, 1 Cúp Liên lục địa, 1 Europa League, 3 Champion League. Ông hai lần được bình chọn là “Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu” và bốn lần được vinh danh “Cầu thủ xuất sắc nhất năm”. Đó cũng là nguồn cơn của cái tên “Der Kaiser” trong tiếng Đức hay “The Emperor” trong tiếng Anh, đều mang nghĩa là “Hoàng đế”.
World Cup 1970, Tây Đức dù có màn trở lại ấn tượng nhưng không thể vượt qua được trận bán kết. Hai năm sau, Franz Beckenbauer với vai trò đội trưởng đã cùng Tây Đức lên ngôi vô địch châu Âu. World Cup 1974, Franz Beckenbauer cùng đội tuyển Tây Đức nâng cao chiếc cúp vô địch thế giới lần thứ hai khi đánh Hà Lan trong trận chung kết được tổ chức tại Munich. Trận chung kết năm đó là cuộc đọ sức giữa hai thế lực mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ mà mỗi bên chiến tuyến đều có một tượng đài sống là Franz Beckenbauer của (Tây) Đức và Johan Cruyff của Hà Lan.
Năm 1976, “Hoàng đế’’ tiếp tục chinh chiến cùng Tây Đức và giành được danh hiệu Á quân châu Âu và ông đã quyết định từ giã sự nghiệp quốc tế một năm sau đó. Franz Beckenbauer từ giã “Hùm Xám” để chuyển sang thi đấu cho New York Cosmos vào năm 1977, chơi cho đội bóng mới được bốn mùa giải thì ông quay trở lại quê nhà trong màu áo của Hamburger SV và giành được danh hiệu vô địch cuối cùng ở cấp độ câu lạc bộ.
Thành tựu tại Bayern Munich có thể xem là một nửa thành công trong sự nghiệp của Franz Beckenbauer, nửa còn lại là chính là sự tỏa sáng của ông trong màu áo đội tuyển Tây Đức và trên cương vị huấn luyện viên.
Sự nghiệp “quần đùi áo số’’ của Franz Beckenbauer vô cùng thành công nhưng không vì thế mà ông lại “lui về ở ẩn”. Được bổ nhiệm làm huấn luyện viên của Tây Đức năm 1984, Franz Beckenbauer đã dẫn dắt đổi tuyển vào đến trận chung kết với Argentina năm 1986, nơi mà Maradona đã tạo ra “tuyệt phẩm nghệ thuật” mang tên “Bàn tay của Chúa” gây tổn hao biết bao giấy mực một thời gian dài, kết quả Tây Đức dừng bước sau khi thua xuýt sao Argentina với tỉ số 2-3.
Sau khi “Bức tường Berlin” sụp đổ, nước Đức trở thành một khối thống nhất và dĩ nhiên sức mạnh dân tộc trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Năm 1990, Franz Beckenbauer cùng tuyển Đức thống nhất chinh chiến tại Ý và trong trận chung kết họ đã có màn “trả thù ngọt ngào” với “cựu thù” Argentina bằng bàn thắng duy nhất của Andreas Brehme trên chấm phạt đền.
Chiếc cúp thế giới lần thứ ba của nước Đức đã đưa Franz Beckenbauer đi vào huyền thoại với tư cách vô địch World Cup trên cương vị huấn luyện viên lẫn cầu thủ. Ông vẫn tiếp tục miệt mài đóng góp công sức của mình cho bóng đá nước nhà khi trở thành Phó chủ tịch Bayern Munich năm 1994 và làm việc với tư cách cố vấn cho Ban Giám đốc cho đến khi câu lạc bộ sát nhập vào một công ty.
Năm 1998, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hiệp hội Bóng đá Đức và góp công rất lớn trong việc giúp quê hương trở thành chủ nhà tổ chức World Cup 2006. Năm 2013, tạp chí Bóng đá Thế giới điền tên của Franz Beckenbauer vào danh sách “Những cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại”. Bên cạnh những thành tựu to lớn của Franz Beckenbauer, ông còn để lại cho bóng đá thế giới “di sản” Libero trứ danh.
Ngày trước, khi Franz Beckenbauer chơi ở vị trí hậu vệ trong màu áo Tây Đức người ta nhận thấy có gì đó “không bình thường”. Ông là một mắt xích thòng lùi sâu nhất trong hàng phòng ngự nhưng khi có bóng thì “Hoàng đế’’ lại dâng cao di chuyển tìm khoảng trống và chơi như một tiền vệ kiến thiết. Thực tế, Franz Beckenbauer luôn trở thành ‘người tiên phong’ trong từng khâu bóng: chốt chặn đầu tiên khi tổ chức phòng ngự và người lĩnh xướng của những đợt tấn công!
Ở thời điểm đó, điều này nghe có vẻ lạ lùng bởi vì tìm kiếm một cái tên chính xác cho vai trò và nhiệm vụ của “Hoàng đế” quả thật là khó khăn! Lúc thì ông thi đấu như một hậu vệ, lúc thì đá như một tiền vệ và đôi khi trở thành tiền đạo kiêm luôn khâu ghi bàn. Sự bao quát tự do vượt ra khỏi những khuôn khổ của những vai trò nhất định dẫn đến cái tên Libero, trong tiếng Ý có nghĩa là “Tự do”, nhằm mô tả những cầu thủ có phong cách chơi không bị bó buộc vào một vị nhiệm vụ cụ thể nào.
Vậy, điều gì làm cho Franz Beckenbauer trở nên đặc biệt? Đó là một câu hỏi khá phổ biến và chúng ta có thể tự tin mà nói rằng điều đó chính là Libero. Người đời thường quan niệm thứ gì càng hiếm thì càng quý, nếu đem quan điểm đó áp vào Franz Beckenbauer thì đúng là chính xác đến “từng millimet”. Vị trí Libero đòi hỏi cầu thủ phải có khả năng đọc trận đấu siêu việt, thể lực dồi dào và đặc biệt phải là thiên-tài-từ-trong-trứng.
Sở dĩ Franz Beckenbauer là ‘vật báu’ là bởi vì ngoài yêu cầu cơ bản của vị trí Libero ra thì khi nhìn vào thực tế, chúng ta phải lắc đầu “cay đắng” thừa nhận rằng khái niệm Libero dường như không có trong từ điển của bóng đá hiên nay. Sau Franz Beckenbauer, “Tiểu hoàng đế” Lothar Matthaus, Matthias Sammer hay Franco Baresi được xem là những Libero thực thụ cuối cùng của bóng đá thế giới trước khi vị trí này (có thể tạm) biến mất cùng với “Số 10 cổ điển”.
Thế hệ 8x đời đầu trở về trước, có lẽ họ là những người được ưu ái nhất, nếu không muốn nói là may mắn nhất, khi có cơ hội chứng kiến những người vĩ đại nhất trong những người vĩ đại của bóng đá thi đấu. Đối với người yêu bóng đá, Franz Beckenbauer đâu chỉ là một tượng đài lịch sử, mà ông còn là một ‘triết gia’ theo góc độ nào đó với câu nói để đời: “Kẻ mạnh không phải là kẻ chiến thắng, kẻ chiến thắng mới chính là kẻ mạnh.”
Trong bóng đá, ‘siêu sao’ thì rất nhiều nhưng ‘Beckenbauer’ là duy nhất! Ông vẫn mãi sống trong lòng chúng ta.
___________
Bài: Minh Phong