Văn phòng làm việc là một đề tài nóng hổi. Ai ai cũng có câu chuyện để kể về một vị sếp tồi hay một gã đồng nghiệp thích gây hấn. Nhưng đó là chuyện quá đỗi bình thường, vì chẳng có gì đảm bảo một chỗ làm “tuyệt vời 100%”. Nhưng nếu văn phòng làm việc của bạn đang mắc những biểu hiện sau đây, hãy cẩn thận!
1. Vấn đề giao tiếp
Có 2 kiểu vấn đề:
Kiểu thứ nhất là “thiếu sự tương tác” (hầu như không có). Một quyết định được sếp đưa ra và thực hiện xong xuôi thì nhân viên mới được biết. Giữa các bộ phận trong công ty không tương tác với nhau, thành ra khi thực hiện nhiệm vụ sẽ có sự chồng lấn, mâu thuẫn. Tồi tệ hơn là thiếu tương tác giữa công ty với khách hàng.
Kiểu thứ hai là “tương tác gián tiếp”, hay còn gọi là “tương tác trung gian”. Thay vì trực tiếp đưa ra chỉ đạo thì sếp nhờ người này truyền đạt lại cho người kia. Tam sao thất bản, thông tin qua nhiều người sẽ bị nhiễu. Hậu quả tất nhiên là hỏng việc.
2. Dễ dãi
Có bao giờ bạn tiếp xúc với một công ty mà chẳng ai biết mình đang làm gì và hỏi những người khác nhau sẽ nhận được trả lời khác nhau? Cứ như là nhân viên có quyền nói – làm bất cứ thứ gì họ muốn. Hoặc là, bạn hỏi lễ tân vị trí phòng họp thì cô ta chỉ cho bạn đến nhà vệ sinh (?!) Một công ty để xảy ra những trường hợp như thế là một công ty vô cùng dễ dãi.
Khi mà những quy tắc không được tuân thủ, ắt sẽ sinh ra hỗn loạn, bất ổn, chất lượng đi xuống. Cuối cùng, chẳng ai muốn phải dính dáng gì tới công ty đó cả.
3. Lãnh đạo ích kỷ
Một văn phòng làm việc tồi thường đi đôi với một lãnh đạo ích kỷ. Những người này chỉ lo cho thân mình, thường cho rằng bản thân tài năng và sáng giá hơn người khác và vì thế phải được đối đãi đặc biệt. Luật lệ chỉ dành cho những ai dưới quyền họ.
Họ đối xử với người khác như một bề trên đúng nghĩa. Anh là cấp dưới của tôi thì thành công của anh là của tôi và tôi có quyền sai khiến anh làm bất cứ thứ gì. Anh ra sao, tôi mặc kệ.
Kiểu người này sẽ thành công, như về lâu dài sẽ gây hại đến tập thể. Kiểu lãnh đạo này thường thấy ở vị trí trưởng phòng hoặc vị trí giám sát viên.
4. Thù địch tràn lan
Nhân viên càu nhàu phàn nàn là chuyện cơm bữa. Lúc nào cũng có thứ để bực bội. Sau đó họ sẽ chuyển sang giễu cợt, châm biếm lãnh đạo. Khi xảy ra chuyện, họ sẽ tìm ai đó để đổ lỗi và họ rất vui lòng nếu triệt hạ được đồng nghiệp. Một chỗ làm thiếu sự tin tưởng nhau như thế đổ vỡ rất nhanh.
5. Sức khỏe tụt giảm
Công việc thì tất nhiên phải có áp lực. Nhưng áp lực tới nỗi sức khỏe bạn bị đe dọa thì rất đáng bàn. Về mặt thể chất, bạn mất ngủ hay tăng cân hay gặp vấn đề về xương khớp. Về mặt tinh thần, bạn trở nên chán nản. Cứ mỗi khi nghĩ đến ngày mai phải đi làm là bạn chỉ muốn nằm nhà. Mỗi khi có người đụng chạm, bạn thường không kiểm soát được cảm xúc. Cuối cùng, bạn phải nhờ rượu bia, thuốc lá, thuốc an thần làm cứu cánh.
Lời kết
Hãy cân nhắc xem bạn cần thay đổi gì để văn phòng làm việc thành nơi tốt đẹp hơn. Bạn là một phần của nơi đó, bạn không phải người bất lực đứng bên lề dòng chảy. Có 2 điều cần lưu ý: Thứ nhất, lời nói không mất tiền mua. Chỉ bằng một vài câu khen ngợi, bạn sẽ đem sự lạc quan đến mọi người. Thứ hai, bạn không phải ngoại lệ cho nên đừng hoảng loạn. Đón nhân sự việc một cách tích cực.
—
Tổng hợp: Phúc