Dù bạn đang ấp ủ một mô hình kinh doanh lớn hay nhỏ, thì quá trình khởi nghiệp luôn chứa nhiều thách thức. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu 8 điều cơ bản bạn cần nắm rõ khi muốn kinh doanh.
1. Tiến hành nghiên cứu khởi nghiệp
Khi bạn lên ý tưởng khởi nghiệp, có một số câu hỏi căn bản cần được trả lời về tiềm năng của việc kinh doanh đó. Đó là việc tìm hiểu xem bạn có những đối thủ cạnh tranh nào trong lĩnh vực đang dự định thực hiện, khách hàng của bạn là ai, liệu sản phẩm hay dịch vụ bạn cung cấp có tiềm năng lâu dài hay không, và sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai xa sẽ như thế nào.
Khi có những nghiên cứu như vậy sẽ giúp bạn xác định được liệu ý tưởng của mình có hợp lý không, những mục nào cần điều chỉnh, hoặc có thể thu hẹp lại trọng tâm để làm nổi bật doanh nghiệp lên trên các đối thủ.
2. Cân nhắc về những ưu và nhược điểm
Sau khi phân tích thị trường, bước thứ hai cũng cực kì quan trọng. Bạn hãy hỏi bản thân mình rằng bạn muốn đầu tư thời gian, năng lượng cũng như cảm xúc nào vào doanh nghiệp, và cân nhắc xem thế mạnh nào sẽ dẫn dắt được việc kinh doanh này. Ví dụ, bạn muốn trở thành nhiếp ảnh gia chuyên về danh mục cưới, đóng góp quan trọng nhất chắc chắn sẽ đến từ phía bạn cũng như tài năng của bạn. Mặc dù bạn có thể thuê nhân sự để hỗ trợ về mặt kế toán, hay kế hoạch, nhưng gương mặt đại diện chắc chắn phải là bạn và những tác phẩm của bạn. Bằng cách này, sự nhiệt huyết của bạn sẽ được nâng cao, và xác định rõ những khía cạnh thực tế mà doanh nghiệp của bạn mong cầu.
Hầu hết những người khởi nghiệp thành công là nhờ vào những động lực của bản thân và sự hy sinh việc cá nhân. Đặt ra mục tiêu ngắn hạn hay dài hạn có thể giúp bạn tập trung năng lượng vào đúng nơi, đúng lúc, và nhìn nhận được những thành tựu mà mình có thể đạt được.
3. Quyết định được loại hình khởi nghiệp
Có rất nhiều loại hình doanh nghiệp cho bạn lựa chọn để bắt đầu. Một cửa hàng trực tuyến nơi mà bạn sẽ vận chuyển sản phẩm đến khách hàng qua những đơn hàng trực tuyến, sẽ có những loại chi phí, hay kho vận khác với một cửa hàng bán lẻ nơi khách hàng có thể đến trực tiếp và chọn lựa. Hoặc bạn sẽ vận hành doanh nghiệp chỉ với một không gian văn phòng tại nhà, hoặc bạn cần thuê văn phòng bên ngoài để khách hàng cũng như nhân viên đến làm việc. Nhìn lại bước một, với việc nghiên cứu thị trường tốt sẽ xác định cho bạn được loại hình kinh doanh mà bản thân muốn bắt đầu.
4. Đặt tên cho doanh nghiệp
Xây dựng thương hiệu là bước khởi đầu chính thức của doanh nghiệp. Tên bạn chọn có thể là một từ đơn, hoặc hình ảnh phản chiếu tính cách cá nhân, hoặc bạn có thể chọn một cái tên mà từ đó miêu tả rõ ràng sản phẩm, dịch vụ bạn cung cấp. Bạn nên kiểm tra trên mạng xã hội về những cái tên mà bạn nghĩ đến, xem nó có dễ phát âm, dễ đánh vần, dễ nhớ không, từ đó thu hẹp lại danh sách khả dụng.
5. Viết ra bản kế hoạch kinh doanh
Mức độ chi tiết về kế hoạch kinh doanh sẽ xác định được mức tài trợ bạn có thể nhận được. Một nhà đầu tư hoặc các bên cung cấp khoản vay cho doanh nghiệp luôn xem xét bản kế hoạch kinh doanh toàn diện. Bản kế hoạch sẽ bao gồm tất cả câu trả lời mà bạn đã hỏi trong suốt quá trình nghiên cứu thị trường, khách hàng tiềm năng, giải pháp doanh nghiệp mang lại. Ngay cả khi chỉ có một mình bạn đọc, thì đó vẫn là tài liệu có giá trị lâu dài cho các mục tiêu và nguyện vọng của bạn.
Để bổ sung cho tính toàn diện của kế hoạch, những ý tưởng này cần được phân tích thành những mục nhỏ, bao gồm cả chiến lược tiếp thị, tầm nhìn về có cấu nhân nhiên và các phòng ban, mức tài chính dự kiến cần thiết cho chi phí hoạt động và tăng trưởng trong tương lai. Tất cả đều rất cần thiết cho doanh nghiệp của bạn.
6. Thiết lập một tài khoản ngân hàng
Ngay từ lúc bắt đầu, bạn phải tách biệt được tài chính doanh nghiệp và tài chính cá nhân. Tài khoản doanh nghiệp cho phép bạn thanh toán các khoản như tiền thuê mặt bằng, chi phí chi trả cho nhà cung cấp, các bên cố vấn, và nhân viên để dễ dàng theo dõi. Bất kì nguồn tài trợ nào cho doanh nghiệp mà bạn tiếp nhận cũng phải được gửi vào tài khoản này ngay từ đầu.
7. Xác định nguồn vốn khi khởi nghiệp
Khi bạn đã mở một tài khoản cho việc bắt đầu kinh doanh tự thân, tiếp theo phải tính toán được chi phí cung cấp dịch vụ đầu tiên cho khách hàng, và để có được khách hàng đầu tiên là bao nhiêu. Tuỳ vào từng mô hình kinh doanh mà yêu cầu khoản thu khác nhau. Một doanh nghiệp tại nhà như thiết kế trang mạng thì chỉ cần máy tính, kết nối internet, và các phần mềm chuyên dụng. Một cửa hàng bán lẻ yêu cầu các khoản phí như thuê mặt bằng, hàng hoá ban đầu cho cả cửa hàng, hàng hoá tồn kho, quảng cáo, thiết kế, nhân viên.
Điều quan trọng là bạn phải cân nhắc kỹ và có cái nhìn thực tế về các khoản phí này xem mức độ khả thi của doanh nghiệp, hoặc có cần phải thu hẹp lại một vài hạng mục so với mức độ ban đầu hay không.
8. Chuẩn bị một số thủ tục, giấy tờ cần thiết
Mỗi vị trí địa lý đều có những yêu cầu khác nhau để bắt đầu doanh nghiệp. Đầu tiên, bạn phải tìm hiểu và xin giấy phép kinh doanh, các loại giấy tờ đặc biệt liên quan đến công việc sắp bắt đầu. Ví dụ về mảng nhà hàng, luôn phải có giấy an toàn vệ sinh thực phẩm. Chủ động tuân thủ luật pháp và quy định có thể củng cố và cải thiện ví thế của bạn với cơ quan quản lý.
_______
Bài: An An
Tham khảo: indeed