Giai đoạn công việc cuối năm thường tạo nên áp lực lớn, khi chúng ta đang chạy đua để hoàn thành các mục tiêu hàng năm, kiểm tra lại ngân sách và lập kế hoạch cho năm tới. Làm sao để vượt qua thời điểm này? Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu qua bài viết sau.
I. HIỂU VỀ NHỮNG ÁP LỰC CÔNG VIỆC CUỐI NĂM
Những áp lực công việc vào cuối năm thường xoay quanh ba vấn đề lớn:
– Thời gian gấp gáp: Đây là giai đoạn nước rút để bạn hoàn thành các mục tiêu còn dang dở cuối năm.
– Áp lực tài chính: Nhiều doanh nghiệp kết thúc năm với những kiểm kê tài chính và khối lượng công việc, từ đó khiến nhiều người căng thẳng.
– Lập kế hoạch mới: Nhu cầu hoàn thiện các kế hoạch cho năm tới làm tăng thêm gánh nặng cho nhân viên và lãnh đạo.
Sự hội tụ của các yếu tố này trong một khoảng thời gian ngắn tạo nên áp lực lớn cho chúng ta. Việc nhận thức và hiểu các nguồn căng thẳng này là bước đầu tiên để bạn quản lý chúng một cách hiệu quả.
II. PHƯƠNG PHÁP HẠN CHẾ ÁP LỰC CÔNG VIỆC CUỐI NĂM
1. Nhìn thấy mặt tích cực của sự căng thẳng
Trên thực tế, căng thẳng không phải lúc nào cũng là yếu tố đem lại tiêu cực. Ở liều lượng vừa phải, nó được gọi là eustress – một loại căng thẳng tích cực, giúp tăng cường sự tỉnh táo và hiệu suất. Sự khác biệt nằm ở nhận thức và cách bạn quản lý chúng.
Việc coi căng thẳng là một thách thức thay vì mối đe dọa có thể thay đổi phản ứng sinh lý của bạn, làm giảm tác hại và tăng cường động lực để bạn hoàn thành nhiệm vụ.
2. Chuyển đổi áp lực thành động lực
– Đặt mục tiêu: Điều đầu tiên bạn cần làm là xác định mục tiêu nào cần thực hiện trước, từ đó lên kế hoạch. Một trong những phương pháp là mục tiêu SMART. Mục tiêu SMART (SMART Goals) là nguyên tắc để xây dựng mục tiêu, dựa trên 5 thành phần: Specific (Tính cụ thể), Measurable (Đo lường được), Achievable (Khả năng thực hiện), Realistic (Tính thực tế), Time-bound (Khung thời gian). Nó sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu công việc tốt nhất.
– Thực hành chánh niệm và giảm căng thẳng: Việc thực hành chánh niệm thường xuyên có thể giúp bạn bình tĩnh hơn trong mọi trường hợp và giảm tác động của căng thẳng.
– Bài tập thở: Các kỹ thuật như thở bằng cơ hoành có thể được sử dụng trong những thời điểm căng thẳng cao độ để duy trì sự bình tĩnh.
3. Thực hành hoạt động nhóm một cách cởi mở
Hãy tăng cường các hoạt động nhóm tích cực bằng cách:
– Giao tiếp cởi mở và và tạo sự đồng cảm: Bạn nên tổ chức các cuộc họp hoặc gặp mặt trực tiếp để thành viên trong nhóm có thể nêu lên mối quan tâm và thách thức của mình. Nếu là lãnh đạo, bạn hãy thể hiện sự hiểu biết và lòng trắc ẩn để xây dựng lòng tin và tinh thần cho mọi người.
– Ăn mừng chiến thắng và công nhận thành quả: Việc công nhận công khai những đóng góp của các thành viên trong nhóm có thể là động lực thúc đẩy tinh thần cho mọi người. Bên cạnh đó, hãy triển khai hệ thống khen thưởng cho công việc khó khăn và thành tích để duy trì động lực.
– Khuyến khích quyền tự chủ và sự tham gia của nhóm: Trao quyền cho các thành viên trong nhóm bằng cách ủy quyền nhiệm vụ, giúp họ có cảm giác được tín nhiệm.
– Giải quyết vấn đề theo nhóm: Thu hút các nhóm tham gia các buổi bàn luận để giải quyết các thách thức, nuôi dưỡng ý thức đoàn kết và mục đích chung.
4. Lên kế hoạch cho năm mới
Dù ở vị trí nhân viên hay lãnh đạo, bạn cũng cần suy ngẫm về những kinh nghiệm đã học được năm qua, đồng thời đặt ra mục tiêu cho năm mới. Bên cạnh đó, hãy dành thời gian nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng trước khi bắt đầu năm mới.
5. Tăng cường cách quản lý áp lực
– Hãy tăng cường các kỹ năng quản lý thời gian và bảo vệ tinh thần trong giai đoạn căng thẳng cao độ. Nếu là nhà lãnh đạo, bạn có thể ìm kiếm sự hướng dẫn từ một huấn luyện viên chuyên nghiệp để có các chiến lược cá nhân hóa nhằm xử lý căng thẳng.
– Bên cạnh đó, nếu có thể, hãy triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất cho bản thân và nhân viên của mình.
________
Bài: Thùy Dung
Tham khảo: Linkedin