Dựa trên kết quả của một cuộc khảo sát gần đây, khi được hỏi mong muốn lớn nhất của bản thân sau khi về hưu là gì, một vài người chia sẻ rằng họ sẽ học một ngôn ngữ mới hoặc dành thời gian để viết một cuốn sách. Thế nhưng, điều bất ngờ nhất của cuộc khảo sát chính là hầu hết mọi người đều mong muốn có thể thực hiện được một chuyến du lịch trải nghiệm sau khi họ đã về hưu (bao gồm cả những người ở độ tuổi 20 và 30).
Thực hiện một chuyến đi để khám phá và thưởng thức những điều mới mẻ và tươi đẹp của thế giới bên ngoài chắc chắn là một kế hoạch tuyệt vời. Tuy nhiên, đó sẽ là một kế hoạch dài hạn và cần được bạn chuẩn bị một cách nghiêm túc ngay từ những năm 20, 30 tuổi.
Một chuyến du lịch trải nghiệm sau khi nghỉ hưu có phải điều viễn vông?
Xét trên mức tiết kiệm lý tưởng của một người sau khi về hưu, chúng ta sẽ có được con số nhắm chừng khoảng 1,3 tỷ đồng. Đó thật sự là một con số khổng lồ phải không. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này lại thấp hơn rất nhiều và đôi khi con số thực tế hoàn toàn không đủ để bạn thực hiện một chuyến đi xuyên châu Âu. Hãy để ELLE Man phân tích cho bạn thấy vì sao.
1,3 tỷ đồng được xem là con số lý tưởng nhất nếu bạn thật sự làm việc và tiết kiệm nghiêm túc trong suốt 30 năm. Nghĩa là, ngay từ năm 25 tuổi, bạn đã phải lên kế hoạch dài hạn nếu mong muốn một chuyến đi du lịch trải nghiệm khi về hưu. Tuy nhiên, hầu như mọi người không những không thể tiết kiệm được con số này mà còn thấp hơn rất nhiều.
Trung bình một người Việt sẽ kiếm được khoảng 120 triệu đồng mỗi năm. Nghe thì có vẻ nhiều nhưng trên thực tế, với mức thu nhập này, hầu như bạn sẽ rất khó để có thể chi trả đủ cho những nhu cầu cuộc sống hằng ngày. Rõ ràng việc tiết kiệm được con số lý tưởng kia là điều rất khó nếu không muốn nói là bất khả thi.
Nhưng mà…
Hãy bắt đầu kế hoạch tiết kiệm bằng cách tìm hiểu về quỹ hưu trí
Ở Việt Nam, bảo hiểm hưu trí tự nguyện và bảo hiểm hưu trí bổ sung được xem là hai quỹ hưu trí bạn cần quan tâm nếu muốn lập kế hoạch lâu dài cho chuyến du lịch trải nghiệm của bản thân mình. Nếu bảo hiểm hưu trí bổ sung là quỹ hưu trí được đóng dựa trên mức thu nhập cơ sở của bản thân mỗi tháng thì bảo hiểm hưu trí tự nguyện lại là một quỹ hưu trí bên ngoài mà bạn có thể mở thêm nhằm tăng mức lương hưu mà bạn có thể nhận khi về già.
Tôi sẽ làm một bài toán tiết kiệm dựa trên mức thu nhập lý tưởng của người dân TP.HCM theo số liệu hiện tại (đây chỉ là mức thu nhập lý tưởng, thực tế sẽ thấp hơn con số này). Mức lương trung bình thấp nhất mà người lao động tại TP.HCM nhận được là khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Chi phí sinh hoạt mỗi tháng là 6 triệu đồng. Như vậy, bạn còn 4 triệu cho bảo hiểm hưu trí của bản thân.
Đối với bảo hiểm hưu trí bổ sung, mức đóng góp của mỗi cá nhân sẽ dao động từ 250.000 đồng đến 5.060.000 đồng. Chúng ta hãy cùng làm một bài toán ở đây nhé. Với mức đóng góp 3 triệu mỗi tháng, bạn sẽ để dành được khoảng 36 triệu đồng mỗi năm. Như vậy, với 30 năm lao động, bạn sẽ để dành được ít nhất khoảng 1 tỷ đồng.
Đối với bảo hiểm hưu trí tình nguyện, mức đóng góp và thời hạn đóng góp tuỳ thuộc vào tài chính và ý chí cá nhân. Và chính vì bảo hiểm hưu trí tình nguyện không bị giới hạn mức đóng góp tối đa nên đây sẽ là nguồn tiết kiệm lớn nhất của những ai đang lên một kế hoạch để dành dài hạn. Bạn có thể dừng đóng góp nếu bản thân không đủ tài chính và tiếp tục đóng góp khi tài chính ổn định trở lại. Ví dụ mỗi tháng, ngoài mức đóng góp cho bảo hiểm hưu trí bổ sung, bạn tiết kiệm thêm 1 triệu đồng mỗi tháng cho bảo hiểm hưu trí tình nguyện. Như vậy, bạn sẽ có thêm một khoản thu tương đương 360 triệu đồng sau 30 năm. Tuy nhiên, những gì thuộc về ý chí cá nhân thường rất khó bền vững, đúng không? Vì không phải ai cũng đủ ý chí và kiên nhẫn cho những kế hoạch kéo dài nhiều năm như vậy.
Lúc này, hãy cùng tôi thống kê xem bạn đã để dành được bao nhiêu sau 30 năm làm việc. Bạn có 1 tỷ đồng từ bảo hiểm hưu trí bổ sung và 360 triệu đồng từ bảo hiểm hưu trí tình nguyện. Như vậy, sau 30 năm để dành, bạn có khoảng 1,3 tỷ đồng để chi trả cho cuộc sống sau khi về hưu của mình. Lý tưởng hoá cuộc sống sau khi về hưu của bằng con số 20 năm, như vậy, trung bình bạn có 65 triệu đồng để chi trả cho các sinh hoạt phí mỗi năm của mình. Con số này tưởng thì nhiều thì nhiều người lại quên mất đây là con số lý tưởng dựa trên mức thu nhập trung bình tại TP.HCM. Trên thực tế, tuỳ vào địa phương và công việc, con số này sẽ thấp đi rất nhiều.
Vậy nên, điều đầu tiên khi bắt đầu lập kế hoạch cho chuyến đi sau khi nghỉ hưu chính là hãy tiết kiệm ngay từ bây giờ, tiết kiệm bất cứ khi nào, càng nhiều càng tốt vì điều này giúp bạn chủ động trong nhiều hoàn cảnh và tình huống khác chứ không riêng gì việc đi du lịch.
Giấc mơ du lịch trải nghiệm sẽ trở thành hiện thực nếu bạn biết…
Tăng số tiền gửi vào quỹ hưu trí của cá nhân mình theo từng năm. Thêm 100 nghìn đồng mỗi tháng vào bảo hiểm hưu trí tình nguyện của bản thân đều đặn trong 30 năm nghĩa là bạn đang tự tiết kiệm thêm một khoản gần 40 triệu đồng. Việc tăng thêm một khoản nhỏ vào quỹ hưu trí sau mỗi năm là cách giúp bạn nhanh chóng thực hiện được mong muốn du lịch khi về hưu của bản thân. Đương nhiên, tôi không cổ suý cho việc bạn chỉ chăm chăm vào việc tiết kiệm mà quên đi những khoản chi tiêu và mua sắm cho cá nhân. Nhưng bạn cần cân nhắc và chi trả đúng mục đích, hãy hạn chế tối đa những khoản tiêu xài không thật sự cần thiết.
Đừng bao giờ rút quỹ hưu trí trước thời hạn. Không ai mà không mong đợi đến ngày nhận lại được khoản tiết kiệm mà bản thân đã làm việc bằng cả tuổi trẻ. Tuy nhiên, bạn sẽ chỉ được chi trả tổng số tiền hưu trí của mình khi đã hết độ tuổi lao động, nghĩa là 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam. Nếu bạn thật sự cần tiền để giải quyết những việc cần thiết, những khoản vay cá nhân lãi suất thấp tại ngân hàng là một lựa chọn không tồi trong thời điểm ấy.
Tôi vẫn biết rằng nhắc đến câu chuyện tiết kiệm, lúc nào việc nói cũng đơn giản hơn việc thực hiện khi mà hầu hết mỗi người chúng ta đều phải đối mặt với khá nhiều những khoản nợ cá nhân: những khoản nợ đến từ thẻ tín dụng, khoản vay mua nhà, mua xe và các khoản chi phí y tế khác,… Tuy nhiên, chính việc tiết kiệm là cách để bạn củng cố lại số vốn của cá nhân và là tiền đề để thanh toán những khoản vay đang tồn đọng.
Việc bắt đầu kế hoạch tiết kiệm càng sớm sẽ giúp bạn giải quyết được càng nhiều vấn đề liên quan đến tài chính. Nếu bạn quyết tâm thực hiện một chuyến du lịch trải nghiệm vòng quanh thế giới, hãy cân nhắc đến những chi phí sinh hoạt hiện tại. Bạn có thể mua một căn nhà diện tích vừa đủ với các chi phí sinh hoạt hợp lý. Điều này có thể giúp bạn tiết kiệm được một khoản không nhỏ vào mỗi tháng. Điều này tương tự với những chiếc xe đời mới. Chẳng có gì xấu hổ khi bạn chọn mua một mẫu xe đời cũ nhưng chất lượng tốt thay vì chạy theo những thiết kế thời thượng và đắt đỏ.
Một chuyến du lịch trải nghiệm đầy thú vị sau khi nghỉ hưu không phải là giấc mơ nếu bạn đủ nghiêm túc và quyết tâm cho kế hoạch tiết kiệm của bản thân mình. Hãy nghiên cứu nghiêm túc những thông tin về quỹ hưu trí và phúc lợi cá nhân trước khi tham gia. Nhận định và hiểu rõ được tầm quan trọng của tiết kiệm là điều quan trọng giúp bạn thành công trong kế hoạch dài hạn này. Một cuộc sống khiêm tốn ở độ tuổi 20 đến 50 không có nghĩa là bạn đang keo kiệt và dè xẻng cho tuổi trẻ, điều này là sự chuẩn bị cho một cuộc sống no đủ và hưởng thụ thật sự khi bạn đã chính thức nghỉ hưu.
Hãy nhớ rằng, ước mơ sẽ mãi mãi chỉ là ước mơ nếu bạn không tự lập kế hoạch và thực hiện nó.
Đừng quên chia sẻ với ELLE Man nếu bạn đã có kế hoach tiết kiệm cho chuyến đi du lịch trải nghiệm thú vị của bản thân khi về già nhé!
Xem thêm:
10 địa điểm du lịch tuyệt vời nên thử trải nghiệm một lần trong đời
Hãy trải nghiệm cuộc sống thay vì mua sắm
—
Bài viết: HÂN (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man)