Kỹ năng 29/02/2024

Mẹo giúp người quản lý giảm thiểu căng thẳng nơi công sở

Bài Tuan Anh

Căng thẳng là điều chúng ta phải đối mặt hằng ngày, đặc biệt nếu bạn là một người quản lý. Chính vì thế, việc xử lý những áp lực là chìa khóa để bạn trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc cho nhóm của mình.

 

Mỗi người có những biểu hiện căng thẳng khác nhau. Bạn có thể đau đầu, lo lắng, mệt mỏi hoặc dễ bộc phát cảm xúc tiêu cực, gặp khó khăn trong việc sáng tạo. Việc thấu hiểu những yếu tố gây ra áp lực cho bản thân, sẽ giúp bạn quản lý cảm xúc tốt hơn, đem lại nguồn năng lượng ổn định đến cho bản thân và đội nhóm.

 

Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu những cách quản lý căng thẳng đơn giản, giúp bạn hoàn thành tốt hơn những công việc được giao.

 

1. Hiểu rõ nguyên nhân khiến bạn căng thẳng

 

Sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý căng thẳng khi bạn biết được nguyên nhân là gì. Chính vì thế, hãy chú ý đến các tình huống thường khiến bạn khó chịu và mất kiểm soát khi ở trên công ty. Đó có thể là sếp hoặc nhân viên, hay một nhiệm vụ bạn không thích thực hiện nhưng vẫn phải làm, hoặc hay căng thẳng vào ngày đầu tuần. Từ đó, bạn bắt đầu tìm ra hướng giải quyết cho từng trường hợp cụ thể.

 

Ví dụ: Nếu có một nhiệm vụ bạn không thể thực hiện, hãy tìm cách vượt qua chúng bằng cách xem đó là thử thách. Hoặc nếu công việc đó có thể giao cho cấp dưới làm tốt hơn thì bạn nên thực hiện.

căng thẳng
Ảnh: Unsplash

 

2. Không bận tâm vấn đề ở nhà khi đã đến văn phòng

 

Một ngày làm việc tốt sẽ bắt đầu ngay trước khi bạn đến văn phòng. Nếu có chuyện không ổn ở nhà, hoặc một lý do gì đó khiến bạn trễ giờ, thì chúng ta dễ có tâm trạng căng thẳng. Điều này khiến thời gian làm việc còn lại trở nên khó khăn hơn.

 

Điều bạn cần làm là giải quyết hết mọi căng thẳng ở nhà, để đến khi làm việc, bạn tập trung 100% sức lực và không quan tâm đến vấn đề khác. Điều này cũng khiến cho bạn thoải mái hơn, và khi ấy, cảm giác sảng khoái thư giãn sẽ giúp bạn đối mặt với những thách thức một cách dễ dàng.

 

3. Thiết lập ranh giới để hạn chế căng thẳng

 

Tự đặt mình trong trạng thái sẵn sàng làm việc suốt 24/7 có thể  là một thói quen giúp bạn thành công trong công việc. Tuy nhiên, nếu liên tục như vậy, bạn sẽ gặp rủi ro kiệt sức và bản thân dễ bị căng thẳng.

 

Quan trọng là bạn phải biết thiết lập ranh giới giữa công việc – cuộc sống cá nhân. Chúng ta nên hạn chế làm việc trong một số ngày hoặc thời gian nhất định. Ví dụ, bạn có thể đặt ra quy tắc chỉ kiểm tra email công việc vào giờ hành chính hoặc không trả lời điện thoại khi đang ăn tối.

Ảnh: unsplash

 

4. Nghĩ về văn hóa nơi làm việc

 

Văn hóa nơi công ty sẽ góp phần không nhỏ đến năng suất và tinh thần làm việc của mỗi chúng ta. Nếu môi trường bạn làm thường cạnh tranh cao, không có thời gian nghỉ ngơi và hoạt động cả ngày dài thì rất khó để giữ cho mức độ căng thẳng của bạn thấp được.

 

Nếu căng thẳng là một phần không thể thiếu của văn hóa công ty, có lẽ đã đến lúc bạn thực hiện một sự thay đổi lớn rồi đấy.

 

5. Kết nối với mọi người

 

Việc tự kỷ luật bản thân quá mức ở nơi làm việc có thể làm tăng sự căng thẳng của bạn. Hãy xây dựng mối quan hệ với nhân viên để cảm thấy thoải mái hơn.

 

Giao tiếp tương tác thường mang lại niềm vui, giúp giải tỏa áp lực cho người quản lý, cũng như tạo ra mối quan hệ mật thiết hơn giữa họ với nhân viên. Nó cũng giúp cải thiện tinh thần làm việc nhóm, giảm xung đột. Ngoài ra, việc hiểu nhân viên sẽ giúp bạn quản trị tốt hơn, tạo ra một môi trường thoải mái. Từ đó, bạn có thể giảm bớt căng thẳng cho mọi người, bao gồm cả chính mình.

công việc
Ảnh: Unsplash

6. Nghĩ tích cực hơn

 

Khi bạn nhận ra thái độ tiêu cực đang chiếm lấy suy nghĩ, hãy cố gắng biến chúng trở nên lạc quan hơn.

 

Ví dụ, bạn đang đối mặt với thách thức mới nơi công sở, thay vì nghĩ “Tôi không làm được”, thì hãy biến chúng thành “Đây là thách thức cho tôi có cơ hội để thử nghiệm giải pháp mới tốt hơn”. Nhìn nhận sự việc từ góc độ tích cực sẽ biến thách thức thành cơ hội phát triển thay vì xem nó như nhiệm vụ cần tránh bằng mọi giá.

_______

Bài: An An

Tham khảo: indeed

No more