Kỹ năng 21/05/2015

Trần Nguyên: nghề thiết kế đồ họa là “nghề tay trái”

Bài Trúc Đoàn

Hiện sống tại Mỹ, sáng lập leftstudio (leftstudio.com), vẽ mẫu minh họa thường xuyên cho hơn 30 khách hàng phần nhiều thuộc lĩnh vực sách báo, trong đó có The New York Times, “ẵm”hơn chục giải thưởng về minh họa ở các lĩnh vực khác nhau tại Mỹ kể từ 2012… đó là những tóm tắt về họa sĩ Trần Nguyên – người tự nhận thiết kế đồ họa chỉ là “nghề tay trái”.

Tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật chuyên ngành ấn bản thuộc khoa Đồ họa, ra trường công tác trong lĩnh vực báo chí, dàn trang, thỉnh thoảng vẽ minh họa cho báo, bẵng đi một thời gian, mọi người thấy Trần Nguyên trở lại với các trang sách, báo qua các hình minh họa ấn tượng, đậm chất hiện đại, hài hước, châm biếm với bút danh leftstudio. Trong số này, Trần Nguyên chia sẻ cùng ELLE MAN về vẽ minh họa, về nghề thiết kế đồ họa mà anh đang theo đuổi và thực hiện trên đất Mỹ.

nghề thiết kế đồ họa

Các mẫu minh họa của Nguyên trên tạp chí, nhà xuất bản trong và ngoài nước thường thấy ký là leftstudio, tôi tò mò về tên gọi (bút danh) ấy, bạn có thể chia sẻ lý do vì sao?

Đơn giản vì tôi thuận tay trái, nên các mẫu minh họa tôi dùng tay trái để vẽ. Tôi hay gọi đùa là nghề của tay trái, tên gọi “leftstudio” ra đời là vậy.

Được biết bạn học chuyên ngành ấn bản, khi ra trường lại theo nghề dàn trang báo, giờ là họa sĩ đồ họa… câu chuyện theo nghề đồ họa đến với bạn thế nào?

Lúc mới ra trường, tôi cần tìm một nghề để có thu nhập, và được nhận vào dàn trang cho một tờ báo, những lúc biên tập thiếu hình minh họa cho bài viết của phóng viên, họ giao luôn tôi vẽ, mặc dù trước đó chưa từng vẽ minh họa báo chí bao giờ.

Hồi học ở trường, bạn có thích vẽ? Và hình minh họa đầu tiên cho báo là gì bạn nhớ không?

Cũng thỉnh thoảng vẽ vời linh tinh, nhưng chưa từng vẽ minh họa, bức vẽ đăng báo đầu tiên là minh họa cho một bài thơ về làng quê miền Bắc, với cảnh vẽ ở làng Đường Lâm vì thời sinh viên có được đưa đến đó ký họa.

Dàn trang cho báo đến việc vẽ minh họa, nghe có vẻ hấp dẫn, còn lúc ấy đang làm nghề, bạn nghĩ thế nào?

Chẳng thấy tương lai đâu, và thiếu tính chuyên nghiệp, vì công việc dàn trang hầu như đã theo khuôn mẫu sẵn có, việc vẽ minh họa chỉ khi nào biên tập bí hình mới đem mình ra bắt làm gấp. Trong khi Việt Nam chưa có nơi nào dạy vẽ minh họa một cách bài bản. Tôi còn nhớ tháng 10/2010, đi nhà sách gặp quyển Amerian Illustration, cắn răng mua vì sách khá mắc, trong đó tập hợp các minh họa của Mỹ, coi xong mê tít và quyết định nộp đơn xin sang Mỹ học chuyên ngành nghệ thuật ứng dụng (Master of Fine Art) vào các mảng báo chí, thiết kế, làm bao bì, quảng cáo… tại trường Đại học Mỹ thuật và Thiết kế (SCAD) ở Savannah, bang Georgia.

nghề thiết kế đồ họa
Các minh hoạ đoạt giải của Applied Arts Magazine, American Illustration, Society of Illustrators
nghề thiết kế đồ họa
Các minh hoạ đoạt giải của Applied Arts Magazine, American Illustration, Society of Illustrators

Những môn học nào khiến bạn ấn tượng?

Môn học hấp dẫn nhất là tìm hiểu các thị trường có thể ứng dụng minh họa. Lớp này rất hay vì mình phải nghiên cứu, tự tìm và phỏng vấn một họa sĩ minh họa qua email hay điện thoại, cuối kỳ phải trình bày trước lớp về thị trường mà mình tìm hiểu. Tôi chọn thị trường Báo chí rồi học thêm các lớp nghệ thuật đương đại, phê bình nghệ thuật…

Tiếp cận môi trường học kiểu Mỹ và dần tìm ra trong lĩnh vực minh họa điều gì để quyết tâm học và làm nghề cho đến giờ?

Trước tiên tôi chỉ muốn học nghề rồi kiếm sống, bởi môi trường Mỹ luôn rộng mở cho người có khả năng, họ không quan tâm đến mình hình dáng ra sao, cái chính là mình có làm được không mà thôi. Cách giáo dục của Mỹ thiên về thực tế, học cái gì phải xài được, còn thị trường thì rộng lắm, và tôi muốn thử sức bản thân ở thị trường này xem khả năng mình đến đâu.

Việc thử sức được cụ thể như thế nào? Và công việc chính của bạn hiện nay?

Tôi tham gia các cuộc thi trong trường và toàn nước Mỹ, đạt các giải thưởng như Society of Illustrator Los Angeles, 3×3 Magazine, Applied Arts Magazine, Society of Publication Designer, Society of Publication Designer. Và vui nhất là giải thưởng American Illustration 2014, chính là tên quyển sách tôi từng mua ở Việt Nam năm 2010 rồi quyết định đi du học Mỹ. Còn nơi làm việc chính hiện nay là nhà hát thiếu nhi Chicago, tôi phụ trách thiết kế hình họa cho mảng kinh doanh, tờ rơi, web, poster…

nghề thiết kế đồ họa
Các minh hoạ đoạt giải của Applied Arts Magazine, American Illustration, Society of Illustrators
nghề thiết kế đồ họa
Các minh hoạ đoạt giải của Applied Arts Magazine, American Illustration, Society of Illustrators

Câu chuyện vẽ minh họa cho một trong những tờ báo số một ở Mỹ và thế giới là The New York Times đến với bạn thế nào?

Khi đang học, trường mời Giám đốc thiết kế của The New York Times (NYT) xuống nói chuyện với sinh viên, sau đó sinh viên đăng ký gặp để vị giám đốc xem qua cách trình bày các danh mục bản thân (portfolio) bằng hình ảnh, rồi góp ý. Ngay sau khi trở về, vị giám đốc từ New York gọi đặt vẽ minh họa cho một bài viết trên báo, tôi được trả 450 đôla Mỹ. Chính từ đó tôi dần trở thành cộng tác viên thường xuyên của NYT cho đến giờ.

nghề thiết kế đồ họa
Minh hoạ cho The New York Times

Trong ngành minh họa báo chí, được lên các trang báo của NYT hẳn là một tự hào rất lớn, bạn nghĩ gì?

Tôi rút ra một điều ở Mỹ, chuyện quan trọng không phải do mình làm được hay không làm được, mà là khách hàng nghĩ mình làm được, đó mới là điều quyết định. Khách hàng không nghĩ vậy thì mình có giỏi cỡ nào cũng chẳng ai để ý đến, nghe có vẻ thực dụng nhưng cuộc sống và làm việc ở Mỹ là vậy.

Làm việc ở thị trường Mỹ, khi nhìn về thị trường Việt Nam bạn thấy thế nào? Có dự báo gì cho tương lai không?

Thị trường minh họa cho báo chí Việt Nam nói chung vẫn có cơ hội, nhưng không nhiều. Người Việt ngày nay chủ yếu đọc báo qua mạng, họ tự tìm nguồn riêng cho mình, vậy nên ngành minh họa báo chí ở đây vẫn còn quá yếu ớt. Thế nhưng, mảng minh họa sách, truyện có vẻ như đã bắt đầu, cho dù vẫn cần một cú để đời nào đó!

 

Phỏng vấn: Nguyễn Đình

No more