I’m your man là ca khúc đầu tiên của Leonard Cohen người viết được nghe, từ một đĩa nhạc tổng hợp. Có anh bạn kể rằng cô bạn gái của anh rất sợ bài này vì nghe tiếng “thều thào” giữa đêm khuya vô cùng ám ảnh. Thế nhưng giọng hát của Leonard Cohen dần dần thấm đẫm các giác quan theo năm tháng. Đó là chất giọng như rượu ủ càng lâu càng ngon.
Những ca khúc đi vào lòng người
Hallelujah, sáng tác quen thuộc nhất của Cohen có lịch sử truân chuyên. Xuất hiện trong đĩa Various Positions, thành công của ca khúc này với giọng Cohen tương đối khiêm tốn dù rằng ông tốn công viết đến 80 phiên khúc. Năm 1991, ca sĩ xứ Wales là John Cale xem Cohen diễn live bản Hallelujah và quyết định ghi âm ca khúc này. Anh hỏi xin phần lời từ tác giảvì bản ghi âm của Leonard và bản diễn live có sự khác biệt lớn về lời. Cohen đã gửi fax… 15 trang lời hát cho John. Anh chọn những đoạn có lời thú vị và hơi sống sượng để ghi âm để rồi phần lựa chọn của John trở thành kiểu mẫu cho các phần diễn sau đó, kể cả của chính Cohen trong chuyến lưu diễn năm 2008-2009. Người được đánh giá hát Hallelujah hay nhất là Jeff Buckley cũng lấy cảm hứng từ version của John. Giống như version của Cohen, Hallelujah của Jeff không được đón nhận khi phát hành năm 1994. Mãi đến năm 2002, chín năm sau khi ra đời, album Grace (có bài Hallelujah) mới đạt danh hiệu đĩa vàng. John Legend ngợi khen phần ghi âm của Jeff “đạt mức tiệm những bản ghi âm đẹp nhất mà tôi từng được nghe”. Mọi thứ khá muộn màng vì Jeff đã qua đời từ năm 1997. Hallelujah có cú hích mạnh nhất về tiếng tăm khi được sử dụng trong phim Shrek (2001) với bản thu của Rufus Wainwright.
Hallelujah có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau. Phần hát của Cohen năm 1984 uể oải rã rời thì người chọn hát lại đầu tiên, John Cale đã thổi vào ca khúc thông điệp điềm tĩnh và chân thành. Một version được đánh giá cao khác là từ ca sĩ đồng hương k.d.lang, người đã mô tả ca khúc này là “sự tranh đấu giữa dục vọng của con người và sự kiếm tìm tính minh triết về tinh thần”. Khi Cohen được đề cử vào Viện vinh danh nhạc sĩ Canada, k.d.lang đã biểu diễn ca khúc này cũng như vào các dịp quan trọng khác như lễ trao giải Juno năm 2005 hoặc Thế vận hội mùa Đông năm 2010. Ngay sau cái chết của Cohen, Hallelujah lập tức được tìm kiếm và lọt ngay vào bảng xếp hạng Billboard.
Một sáng tác quen thuộc khác của Cohen là Famous Blue Raincoat, câu chuyện về mối tình tay ba khá nhiều khúc mắc, qua giọng hát Jennifer Warnes. Warnes từng diễn chung với Cohen ở vị trí ca sĩ hát bè trong thập niên 70 và khi ghi âm album năm 1987, Famous Blue Raincoat là cái tên được chọn. Đây là một trong những album mà giới chơi âm thanh (audiophile) rất yêu thích vì phần kỹ thuật được cân chỉnh gần như hoàn hảo. Cohen là giọng hát được giới audiophile ưa thích vì chất giọng trầm của ông được thể hiện trọn vẹn cho dãy băng tần thấp của loa hi-end.
Thế giới của những mâu thuẫn
Giọng hát của Cohen được cho là vừa có kiểu ngân nga của các vị sư Tây Tạng, vừa có sức quyến rũ kiểu Barry White. Giọng hát đôi khi có phần run rẩy dù dạn dày năm tháng đã được một cây viết ngưỡng mộ “chúng tôi lắng nghe từng lời ông hát bởi chúng tôi cảm thấy ông ấy đã thấy hoặc biết điều gì đó trong vũ trụ mà chúng tôi chưa từng được trải nghiệm. Chúng tôi cần Cohen dẫn dắt mình đi qua bóng tối”.
Những đĩa hát live của Cohen đầy sức hút bởi ông mang dáng dấp của một thi sĩ hát rong, các đĩa phòng thu không bắt được các khoảnh khắc ngẫu hứng hay sự hứng khởi qua tương tác với người xem. Nghe Leonard Cohen, bạn sẽ dễ dàng liên tưởng đến khung cảnh quán rượu ám khói, ánh đèn hiu hắt chỉ soi được phần nào đó của các khuôn mặt thấp thoáng. Trên bục diễn chỉ là vài nhạc công với các nhạc cụ mộc và ca sĩ lẻ loi đứng giữa, đội chiếc mũ phớt. Vài nốt nhạc dạo đầu, người nghe đã nhận ra bài hát và vỗ tay tán thưởng. Ông cất tiếng hát, vừa khàn khàn, vừa ấm áp: “Tôi nghe đâu đó có một hợp âm bí mật mà David chơi và điều đó khiến thượng đế hài lòng”. Quán rượu đôi lúc vui vẻ nhộn nhịp với các bản như Lover Lover Lover, tươi tắn kiểu nhạc country với Heart of No Companion. Nhưng phần lớn, các ca khúc của Cohen thấm đượm sự cô đơn và gam màu tối.
Tôn giáo giữ một vị trí quan trọng trong chủ đề các bài hát của Cohen. Trong Hallelujah xuất hiện rất nhiều điển tích liên quan đến Kinh Thánh và riêng tên bài hát cũng là cụm từ mang tính tôn giáo. Ngược lại, nhục dục, xác thịt cũng chiếm vai trò quan trọng không kém trong lời nhạc của ông. Một người tình nồng cháy, nóng bỏng, lãng mạn thường xuyên được thấy trong các bài hát như Chelsea Hotel về Janis Joplin. Sự hài hước và tự trào cũng làmột điểm nổi bật dù rằng chất nhạc có vẻ u buồn tăm tối. Album cuối cùng của Cohen, đĩa You Want It Darker, album studio thứ 14, được thực hiện khi ông đã cận kề cái chết nhưng vẫn không hề thiếu đi sự hài hước.
Cứ thế, tình yêu và thù hận, chiến tranh và hòa bình, tình dục và tâm linh, thực tế và ảo mộng… tất cả những yếu tố đối ngẫu này song song tồn tại trong tác phẩm của Cohen như tiếng kinh cầu bất tận. Như ông từng nói: “Đời là chuỗi ngày và đêm nối tiếp nhau, ở giữa chúng là những thân phận, tâm tư, của đau khổ và sợ hãi, của hạnh phúc và nụ cười. Hành trình của tôi là tìm sự khám phá trong những nỗi hồ nghi, tự vấn và sau đó khi từng chặng hành trình khép lại, bạn sẽ thấy sự thống khổ không bao giờ chiến thắng được ở cuộc đời này”.
—
Hồ Trí Quyền ( Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE)