Nhân vật 16/09/2017

Lý Quang Diệu: Người cưỡi trên những ngọn sóng đời

Bài ELLE Team

Không chỉ là một lãnh đạo tài ba, Lý Quang Diệu còn là một người đàn ông có lối sống vô cùng mẫu mực, đáng cho nhiều người noi theo.

Ở tuổi 91, Lý Quang Diệu ra đi thanh thản tại bệnh viện đa khoa Singapore. Trước đó, ông đã kiên cường chiến đấu chống lại căn bệnh viêm phổi. Nhưng đây không phải lần đầu tiên vị cố Thủ Tướng của Singapore ra trận. Cả đời mình, Lý Quang Diệu chiến đấu không ngừng nghỉ cho một đất nước Singapore độc lập và giàu mạnh. Những người già ở Singapore thường dành những lời lẽ hết sức tôn trọng khi nói về ông.

Nhân dịp sinh nhật của nhà lập quốc vĩ đại của Singapore này, hãy cùng ELLE Man nói đôi điều về ông.

Không ngừng học hỏi, không ngừng vươn lên, không ngừng yêu thương

Một trong những phẩm chất đáng quý của thủ tướng Lý Quang Diệu chính là tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ. Qua độ tuổi 30, ông Diệu mới bắt đầu học tiếng Hoa. Khi bắt đầu chiến dịch cho một Singapore hậu thuộc đia, ông Diệu học tiếng Mân. Ông nói tiếng Mân trong mọi buổi mít-tinh mừng Quốc Khánh cho tới những năm 1970, khi ông giới thiệu chính sách song ngữ.

Lên năm 70 tuổi, Lý Quang Diệu học sử dụng máy tính. Đến 90 tuổi, ông vẫn học tiếng Trung với thầy riêng. Khi người thầy này qua đời, những tưởng ông sẽ dừng học tiếng Trung. Nhưng không, ông Diệu vẫn tiếp tục học như thường lệ. Dù đã bệnh nặng liệt giường, ông không hề từ bỏ hẳn.

Lý Quang Diệu - Người cưỡi trên những ngọn sóng đời
Lối sống giản dị của vị cố thủ tướng.

Lý Quang Diệu còn có một lối sống vô cùng giản dị. Suốt 17 năm, ông chỉ mặc duy nhất một cái quần chạy bộ. Khi cái quần đó bị rách, ông hoặc vợ sẽ vá nó lại. Con gái của vị cựu thủ tướng, dù sinh trưởng trong một gia đình trung lưu và khá giả như thế, vẫn thường được bố mẹ giáo dục về sự tiết kiệm ngay từ nhỏ. Lúc nào cũng phải nhớ tắt đèn tắt quạt trước khi ra khỏi phòng và khóa nước cho cẩn thận. Bố mẹ sẽ quở trách khi thấy một vòi nước đang chảy.

Một phẩm chất đáng quý nữa của Lý Quang Diệu, đó là luôn luôn tôn trọng người khác. Trong chuyến đi thăm cuối cùng trên cương vị thủ tướng, ông đã gặp gỡ Tunku Abdul Rahman – Thủ tướng đầu tiên của nước Mã Lai độc lập. Cả hai người đã nỗ lực để Singapore sát nhập với Mã Lai, nhưng sau đó vì lợi ích dân tộc mà ông Diệu tuyên bố ly khai. Trong suốt buổi nói chuyện với Rahman, ông Diệu luôn ngồi ở rìa ghế và thường kết thúc câu nói của mình bằng những “ông nghĩ thế nào, Tunku?”. Thủ tướng Diệu chưa nói chuyện như thế bao giờ, ngay với những lãnh đạo quyền lực nhất thế giới. Sâu thẳm trong tâm, thủ tướng Diệu rất kính nể Tunku và luôn xem Tunku như một tiền bối, bất chấp vị thế hai người có thay đổi. Con gái thủ tướng Diệu cũng chia sẻ rằng, bài học quan trọng nhất từ cha là “đừng chèn ép ai chỉ bởi vì người đó có địa vị xã hội thấp hơn con”.

Lý Quang Diệu - Người cưỡi trên những ngọn sóng đời
Lý Quang Diệu với người bạn đời.

Và không thể không nhắc tới tình yêu tuyệt vời mà ông dành cho người bạn đời, bà Lý. Ông yêu bà tha thiết, ngâm nga những bài từ tập thơ mà bà yêu thích nhất. Khi bà trải qua cơn đột quỵ thứ hai, ông đã hứa rằng sẽ giúp cuộc đời bà đáng sống mặc cho những khiếm khuyết thể chất. Dù cho bà Lý không thể nói chuyện được nữa, ông vẫn gọi điện hằng đêm tâm sự với bà.

Những cống hiến không ngừng nghỉ cho đất nước

Tháng Năm 1959, Đảng Nhân Dân Hành Động của họ Lý chiếm 43 trên tổng số 51 ghế trong các cuộc tuyển cử toàn quốc. Đến tháng Sáu năm 1959, Lý Quang Diệu trở thành Thủ tướng đầu tiên của đất nước Singapore, thay thế Thủ hiến Lâm Hữu Phúc. Ông yêu cầu trả tự do cho Lâm Thanh Tường và Devan Nair, hai người trước đó đã bị chính quyền ông Phúc bắt giam.

Lý Quang Diệu - Người cưỡi trên những ngọn sóng đời
Lý Quang Diệu phát biểu.

 

Lý Quang Diệu - Người cưỡi trên những ngọn sóng đời
Lý Quang Diệu có những chính sách đưa đất nước đi lên.

Năm 1961, thủ tướng Mã Lai đề xuất một liên bang bao gồm Mã Lai, Sabah, Sarawak và Singapore. Thủ tướng Diệu đồng ý với đề xuất này và đã phát động một chiến dịch sát nhập, kết thúc 144 năm đô hộ của người Anh. Cuộc trưng cầu dân ý tổ chức năm 1962 cho thấy có tới 70% lá phiếu ủng hộ đề xuất của ông Diệu.

Singapore sát nhập với Mã Lai vào ngày 16 tháng 9 năm 1963. Liên minh này lại không kéo dài được lâu, vì chính quyền Liên Bang Mã Lai cho rằng đảng PAP của ông Diệu sẽ là mối đe dọa cho hệ thống chính trị. Năm 1964, những cuộc bạo động chủng tộc bùng nổ giữa người Mã và người Hoa, dẫn tới sự ly khai của Singapore. Thủ tướng Diệu bị giáng một đòn nặng nề và cố gắng thương lượng nhưng bất thành. Ông vẫn tin rằng sự sát nhập đóng vai trò rất quan trọng cho một Singapore sống còn. Tháng 8 năm 1965, Singapore chính thức ly khai.

Bấy giờ, Singapore phải tự lực cánh sát và thủ tướng Diệu đứng trước một thách thức rất lớn để phát triển đất nước. Ông đã có một nước đi rất thông minh khi kết bạn với người Indonesia, vì trước chuyến thăm chính thức của Lý Quang Diệu thì đất nước này đã có xích mích với Malaysia. Mối quan hệ giữa hai nước tốt dần lên, là một thành công của thủ tướng Diệu về mặt đối ngoại.

Bên cạnh đó, nhằm cải thiện khả năng phòng vệ hãy còn yếu ớt của đất nước, thủ tướng Diệu đã quyết định thành lập lực lượng vũ trang Singapore và học hỏi cách huấn luyện và trang bị quân sự từ những nước khác, đặc biệt là Israel. Để vừa cân bằng lực lượng quân sự và lực lượng kinh tế, Lý Quang Diệu đã áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam từ mười tám tuổi trở lên.

Một trong những thành tựu lớn nhất mà chính phủ Lý Quang Diệu đạt được, đó là giúp Singapore tự chủ nguồn nước, tránh sự lệ thuộc vào Malaysia. Trước đấy, Malaysia là nguồn cung cấp nước cho Singapore và họ thường khai thác điểm yếu chí tử này của người Sin mỗi khi hai bên xích mích. Trải qua nhiều thất bại, Singapore cũng có các nhà máy nước cho riêng mình. Mọi người đã lấy tên của vị cố thủ tướng để đặt cho một giải thưởng về khủng hoảng nước toàn cầu.

____

Phúc (Tạp chí Phái Mạnh ELLE Man, Nguồn: Tổng hợp)

No more