Nhân vật 30/01/2019

Dimitar Berbatov: Nét đẹp quý phái của một số 9 cổ điển

Bài ELLE Team

Hơn chục năm trước, tại Old Trafford, có một Dimitar Berbatov đã làm say mê biết bao trái tim người hâm mộ, một ‘số 9’ đích thực: nhạy bén, điềm đạm, bình tĩnh, quý phái, ngạo nghễ, tinh tế, gọn gàng và lãng mạn. Ngay trong cách ăn mừng bàn thắng, Dimitar Berbatov vẫn có thể chèn vào đó phong cách thi đấu độc đáo của mình.

Nền công nghiệp bóng đá hiện đại khiến cho những ‘số 9’ cổ điển tuyệt chủng để thay vào đó những trung phong mang tâm hồn của một ‘số 10’. Điều này hệt như có cơn cuồng phong quét qua một thị trấn cổ, tàn phá và hủy hoại đi những nét đẹp thuần túy của nó, và chỉ những ai từng sống trong thị trấn cổ mới cảm thấu được vẻ đẹp hoài niệm đã tan biến. Hơn chục năm trước, tại Old Trafford, có một Dimitar Berbatov đã làm say mê biết bao trái tim người hâm mộ, một ‘số 9’ đích thực: nhạy bén, điềm đạm, bình tĩnh, quý phái, ngạo nghễ, tinh tế, gọn gàng và lãng mạn.

Dimitar Berbatov - ELLE Man -2

Ảnh: Squawka

Dimitar Ivanov Berbatov sinh ngày 30/1/1981 tại thị trấn Blagoevgrad, Bulgaria –  quê hương của huyền thoại Hristo Stoichkov, là con của ông Ivan Berbatov và bà Margarita Berbatova. Sinh ra trong một gia đình nhà nòi có truyền thống thể thao, Berbatov sớm bắt đầu chơi bóng tại địa phương trong màu áo câu lạc bộ Pirin, sau đó chuyển sang khoác áo CSKA Sofia năm 1998. Đối với Dimitar Berbatov, Marco van Basten và Alan Shearer là hai thần tượng lớn nhất của lòng anh và điều đó cũng ảnh hưởng rất nhiều đến phong cách chơi bóng của mình.

Ngay từ những ngày đầu khoác áo CSKA Sofia, Dimitar Berbatov đã chọn mặc lên mình chiếc áo số 9. Tài năng của Berbatov được huấn luyện viên Penev phát hiện và anh trở thành viên ngọc quý của câu lạc bộ hàng đầu của giải vô địch quốc gia Bulgaria. Mùa giải 1998/99, dù Berbatov cùng CSKA Sofia giành chức vô địch quốc nội nhưng phải đến mùa giải 1999/2000 thì tên tuổi của anh mới được cả châu Âu chú ý đến. Trong đó có những lời đề nghị đến từ Seria, nơi Lecce đã suýt chút nữa có được Berbatov nhưng cuối cùng đã để vuột chàng trung phong tài năng vào tay Bayer Leverkusen trong kỳ chuyển nhượng Hè năm 2000.

Dimitar Berbatov - ELLE Man -3

Ảnh: Independent

Nửa đầu mùa giải 2000/01, sau khi ghi được 7 bàn thắng trong 9 trận, Berbatov được Leverkusen trả 1,3 triệu Euro để ký một bản hợp đồng có thời hạn 4 năm. Trong trận đấu mang tính chất giao hữu trước thềm mùa giải chính thức với D.C United, Berbatov ghi một cú hat-trick và đó cũng là tiền đề để huấn luyện viên Berti Vogts tin dùng anh như một phương án đột phá trong những trận cầu khó khăn. Mùa giải 2001/02, Berbatov ‘nổ súng’ 16 lần và góp công lớn đưa câu lạc bộ giành suất vào chơi tại UEFA Champion League, nơi mà Leverkusen đả bại Liverpool và gặp Real Madrid tại chung kết.

Phong độ ổn định của Berbatov giúp anh có vị trí chính thức tại đội hình của Bayer Leverkusen và trong mùa giải 2003/04, Berbatov ra sân 24 lần và ghi đến 16 bàn thắng. Hai mùa giải tiếp theo, Berbatov nổi lên giữa lòng châu Âu như một sát thủ thượng thặng khi ghi được 46 bàn, đó là chưa kể 5 bàn thắng trong khuôn khổ UEFA Champion League mùa 2004/05. Ngay lập tức Liverpool, Celtic và Atletico Madrid bắt liên hệ với Bayer Leverkusen để tiến hành đàm phán thương vụ mang tên Dimitar Berbatov. Cuối cùng, Tottenham Spur đã giành chiến thắng trong ‘cuộc chiến’ không khoan nhượng này khi đặt lên bàn giao dịch 16 triệu Euro.

Dimitar Berbatov - ELLE Man -4

Ảnh: Zing.vn

Thời gian đầu tại White Hart Lane không mấy thuận lợi với Berbatov bởi môi trường bóng đá ở Anh khác xa hoàn toàn những gì đã diễn ra tại Đức: nhanh hơn, quyết liệt và thực dụng vô cùng. Tuy nhiên giữa dòng đời vạn biến thì tâm của Berbatov vẫn bất biến, anh chỉ mất một ít thời gian để làm quen môi trường mới trước khi ra sân và ghi bàn đều đặn cho câu lạc bộ thành Bắc London. Berbatov kết thúc mùa giải 2006/07 với 12 bàn thắng cùng danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải của đội bóng” và giành một suất trong “Đội hình Premier League xuất sắc nhất năm”.

Sau mùa giải 2007/08 khá thành công cùng Tottenham, Sir Alex Ferguson đã công khai trên các trang báo thể thao Anh quốc rằng Manchester United đang cần Berbatov. Ngay lập tức, Tottenham Spur phàn nàn với ban tổ chức Premier League rằng đội bóng của Ferguson đã vi phạm luật chuyển nhượng của giải đấu. Nhưng rồi mọi chuyện lại được sắp xếp đâu vào đấy khi Manchester United móc hầu bao chi đậm cho Tottenham để thuyết phục họ nhả người, và con số ấy không dưới 30 triệu bảng Anh. Hậu thương vụ này Tottenham đã bị Arsene Wenger chỉ trích vì ‘Giáo sư’ cho rằng sự phàn nàn với ban tổ chức Premier League chỉ là chiêu trò để đẩy giá chuyển nhượng của Berbatov lên cao!

Dimitar Berbatov - ELLE Man -5

Ảnh: Zimbio

Dimitar Berbatov cũng công khai rằng anh chẳng bao giờ nghĩ đến Manchester City ngay khi Tottenham thừa nhận đã “đi đêm” với đội chủ sân Etihad. Ở ngôi nhà mới Old Trafford, Berbatov được thi đấu cùng một tập thể vừa vô địch châu Âu và anh cũng nhanh chóng chứng tỏ rằng bản thân mình xứng đáng. Dimitar Berbatov ra sân và thi đấu với bản năng của mình, tức là bằng tất cả những phẩm chất vốn có cộng với kỹ năng chơi bóng thượng thừa, một nét độc đáo chỉ có riêng ở Berbatov.

Nếu như Pipo luôn trực chờ tại đường ranh của hàng thủ đối phương, Shevchenko len lỏi giữa những hậu vệ để chuẩn bị bức tốc thì Berbatov vẫn ung dung … đi bộ. Phong cách chơi bóng được tờ The Scotsman miêu tả là “điềm đạm và quý phái” đôi khi khiến cho người xem nóng lòng và ức chế. Bù lại, Berbatov là bậc thầy của việc đọc vị tình huống, xử lý bóng một chạm cũng như sở hữu những đường chuyền chính xác chết người. Ở Berbatov, người ta tìm thấy nét dung hòa của những huyền thoại sân Old Trafford: sự sát thủ của Ruud van Nistelrooy và sư ngạo ngễ của Eric Cantona; về phần mình, Berbatov ghi dấu ấn vào lòng người hâm mộ bằng những pha ăn mừng không có chút gì gọi là ăn mừng!

Dimitar Berbatov - ELLE Man -7

Ảnh: CNN

Berbatov phát biểu rằng: “Tôi là một người chậm rãi và không thể nào thay đổi lối chơi của mình. Tôi nhận thấy rằng rất nhiều người tỏ vẻ hoảng loạn và lo sợ khi cầm bóng”. Sẽ thật chính xác khi ghép Andrea Pirlo và Dimitar Berbatov vào chung một phong cách thi đấu khi cả hai đều đề cao trường phái ‘quý ông’ trong bóng đá. Vì sao Berbatov được chọn có thể được giải thích rằng tại  Old Trafford, những con người ‘vội vã’ như Wayne Rooney, Park Ji-sung và Carlos Tevez đã quá nhiều, do đó Sir Alex đã nhắm đến Berbatov như một phương án cân bằng, và quả thực nó đã phát huy hiệu quả.

Trong khâu tấn công của Manchester United, Dimitar Berbatov luôn là mục tiêu chính của những đợt triển khai bởi anh có thể làm tường rất tốt. Sau khi chuyền bóng cho những người đồng đội ‘vội vã’ thì việc mà anh cần làm chỉ là chạy vào vòng 5m50 và ghi bàn. Mặc cho khán giả chỉ trích rằng đó chỉ là “sự lười biếng” thì những con số đã tự chúng đáp trả lại tiếng ồn ào của đám đông: 149 trận và 56 bàn thắng. Sau 4 mùa giải khoác áo “Quỷ Đỏ”, Berbatov không có gì … ngoài danh hiệu: 3 Premier League, 2 League Cup, 3 Siêu cúp và 1 Cúp Liên lục địa.

Dimitar Berbatov - ELLE Man -8

Ảnh: The Place

Berbatov chạm đỉnh thành công trong sự nghiệp vào cuối mùa giải 2010/11 khi anh trở thành “Vua phá lưới” Premier League và cùng câu lạc bộ giành được danh hiệu vô địch. Khi bộ khung vô địch của Manchester United dần tan rã, trong mắt của Sir Alex Ferguson thì Berbatov chỉ gói gọn vào câu “không nằm trong tương lai của đội bóng”. Khoảnh khắc Bebatov rời khỏi “Nhà hát của những giấc mơ” cũng chính là thời điểm mà cuộc phiêu lưu ra trời Âu của ‘Mitko’ đã đến hồi kết. Anh lần lượt gia nhập Fulham, Monaco, PAOK rồi chu du đến Ấn Độ khoác áo Kerala Blasters; đối với những kẻ chỉ trích thì họ rằng Berbatov đã hết thời, nhưng đối với anh thì ra đi là để tìm kiếm cơ hội chơi bóng chứ không phải vì tiền bạc.

Vế sau chính là lời mà người đại diện của Dimitar Berbatov – Emil Danchev – nói với báo chí về vấn đề rời khỏi Old Trafford. Và, cá nhân người viết tin rằng anh ra đi là để thỏa mãn niềm kiêu hãnh của mình! Một người điềm đạm và quý phái như Berbatov, luôn giữ phong cách thi đấu trước sau như một, một người luôn trung thực với bản thân như vậy thì làm sao nói ra những câu dối lòng được. Suy cho cùng thì mọi sự cũng đã rồi, giờ đây người ta cũng đâu thể nào tận mắt xem Berbatov “đi bộ” trên Old Trafford được nữa dù rất muốn.

Sự sống sẽ không có một chút ý nghĩa gì nếu thiếu đi cái chết. Trong bóng đá cũng vậy, sẽ không có ai lấy làm yêu quý những ‘số 9’ cổ điển – nét đẹp tấn công thần túy – nếu không có sự xuất hiện của thời đại bóng đá ‘công nghiệp’. Điều mà giờ đây người ta có thể làm chính là kể chuyện để cho những ai chưa từng biết đến sẽ thêm trân quý cái xưa cũ.

Chúc mừng sinh nhật, Dimitar Berbatov!

__

Minh Phong (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man, ảnh tham khảo)

No more