Nhắc đến Bernard Arnault, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh một doanh nhân đầy tham vọng và quyết liệt. Với ông, việc trở thành số 1 luôn là kim chỉ nam để gây dựng nên một đế chế LVMH hùng mạnh như ngày hôm nay.
Bernard Arnault và hành trình gây dựng đế chế LVMH
1. Giấc mơ về một doanh nghiệp toàn cầu mang gốc rễ Pháp
Khác xa với quyền lực đỉnh cao ở thời điểm hiện tại, Bernard Arnault đã có một khởi đầu khá bấp bênh tại vùng công nghiệp phía Bắc nước Pháp. Ông dành tình yêu đầu tiên cho âm nhạc nhưng không đủ khả năng trở thành nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng nên đã từ bỏ. Thay vào đó, Bernard gia nhập công ty gia đình làm về xây dựng ngay sau khi tốt nghiệp.
Cũng trong khoảng thời gian này, ông lần đầu đặt chân tới New York, háo hức muốn biết người ngoại quốc nghĩ gì về quê hương mình nên đặt câu hỏi cho tài xế taxi:
– Anh có biết Georges Pompidou là ai không?
– Không, nhưng tôi biết Christian Dior.
Câu trả lời ấy khiến chàng thanh niên 22 tuổi sững sờ. Người tài xế không quan tâm tới Tổng thống đương nhiệm của nước Pháp lúc bấy giờ mà chỉ nghe danh một thương hiệu thời trang xa xỉ ngay cả khi nhà sáng lập đã qua đời được 14 năm. Kể từ cuộc hội thoại định mệnh ấy, giấc mơ về một doanh nghiệp toàn cầu mang gốc rễ Pháp không ngừng thôi thúc Bernard Arnault.
Ở tuổi 25, Bernard Arnault đã đảm đương công việc kinh doanh của gia đình và chuyển đến Hoa Kỳ để xây dựng một chi nhánh ở đó. Nhưng tham vọng của Bernard còn lớn hơn như thế. Ông muốn sở hữu một doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế, một doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô và quan trọng nhất là có nguồn gốc từ nước Pháp.
2. Những dấu mốc mang tính lịch sử
Vào năm 1984, Bernard Arnault đã “chớp” lấy cơ hội đầu tiên khi nghe tin Christian Dior được rao bán bởi chính phủ Pháp khi công ty mẹ Boussac phá sản. Ông dành 15 triệu USD tiền gia đình và 80 triệu USD tiền hỗ trợ từ tập đoàn tài chính Lazard để mua lại Boussac, đồng thời cam kết sẽ vực dậy hoạt động của doanh nghiệp cũng như duy trì công ăn việc làm cho nhân viên.
Trái với lời hứa đó, ngay khi nắm trong tay Christian Dior, Bernard sa thải 9.000 công nhân và bỏ túi 500 triệu USD, bán đi phần lớn hoạt động kinh doanh. Các nhà phê bình ngả mũ thán phục trước hành động lạnh lùng của Bernard. Họ cho rằng đây là một phong cách thực dụng giống như doanh nhân Mỹ hơn là phong cách sự lịch thiệp, bay bổng của người Pháp. Ngay sau đó, giới truyền thông đã đặt biệt danh “Sói già trong chiếc áo cashmere” cho Bernard Arnault và danh xưng này vẫn gắn liền với ông cho đến ngày nay.
Bernard Arnault tiếp tục khẳng định vị thế khi mua lại bộ phận nước hoa của Dior (lúc bấy giờ được sở hữu bởi Louis Vuitton Moët Hennessy). Đồng thời, ông bắt tay cùng Henri Racamier (chủ tịch của Louis Vuitton) để “hất cẳng” Alain Chevalier (CEO của Moët Hennessy). Không lâu sau đó, “Sói già” đã tự tay loại bỏ chính Henri Racamier để trở thành tân chủ tịch của LVMH.
Nhờ sự hậu thuẫn của Lazard cùng ngân sách thu về từ Boussac, Bernard Arnault chính thức thâu tóm Louis Vuitton Moët Hennessy khi thập niên 90 bắt đầu. Ông khởi động “cuộc đi săn” khi chi hàng tỷ đô la để mua lại hàng loạt công ty hàng đầu châu Âu với danh mục trải dài từ thời trang, nước hoa, đồ trang sức, đồng hồ, cho tới rượu và khách sạn. Trong giai đoạn 2008-2019, LVMH tiếp tục bành trướng sức mạnh khi thu phục thêm 20 thương hiệu, tạo thành bước đệm lớn giúp tập đoàn trở thành doanh nghiệp có giá trị nhất châu Âu ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên ông không phải “bách chiến bách thắng” trong mọi thương vụ. Năm 2001, ông đã thất bại trước đối thủ người Pháp – François Pinault trong “cuộc chiến túi xách” để giành quyền kiểm soát Gucci. Trong thập kỷ tiếp theo, LVMH đã bí mật mua 17% cổ phần của Hermès nhưng cuối cùng “Sói già” cũng không thể thâu tóm thương hiệu xa xỉ này. Trận chiến kết thúc vào năm 2017 với việc LVMH phải từ bỏ phần lớn cổ phần của mình tại Hermès.
3. Bernard Arnault và LVMH của hiện tại
LVMH đang nắm trong tay 75 thương hiệu bao gồm Fendi, Bulgari, Dom Pérignon, Givenchy… Chính điều này đã giúp tập đoàn nâng giá cổ phiếu cao hơn gần gấp ba lần trong vòng chưa đầy bốn năm. Với giá trị tài sản ròng chạm ngưỡng 150 tỷ USD (con số năm 2021 của Forbes), Arnault đã trở thành người giàu thứ 3 trên thế giới, chỉ đứng sau Jeff Bezos (người sáng lập Amazon) và Elon Musk (CEO của Tesla). Theo Arnault, đây mới chỉ là khởi đầu. Thậm chí, tại vài thời điểm nhất định, ông còn vượt mặt 2 nhà tỉ phú kia để giữ ngôi đứng đầu.
Tầm nhìn vĩ đại của “sói đầu đàn”
1. Đổi mới dựa trên giá trị cốt lõi
Trước sự chuyển mình của thị trường, khi mà thế hệ Millennials và gen Z trở thành nhóm khách hàng tiềm năng của LVMH ở cả hiện tại lẫn tương lai, Bernard Arnault cũng đưa ra những động thái rõ ràng để cải cách đế chế của mình. Song song đó, những giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp lâu đời như LVMH vẫn được bảo toàn.
Quyết định táo bạo nhất phải kể đến việc đưa Virgil Abloh vào vị trí Giám đốc nghệ thuật cho dòng thời trang nam của Louis Vuitton kể từ tháng 3/2018, dẫn theo nhiều tranh cãi.
Hay như lần Arnault chiêu mộ nhà thiết kế Stella McCartney trở thành cố vấn đặc biệt cho mình ngay sau khi cô kết thúc mối quan hệ hợp tác 17 năm với tập đoàn xa xỉ Kering – đối thủ lâu năm của LVMH.
Bên cạnh đó, LVMH còn mua lại 80% cổ phần hãng vali Rimowa của Đức với giá 719 triệu USD và tung ra hàng loạt “cú bắt tay” với các thương hiệu trẻ. Trong đó phải kể đến màn collab kinh điển giữa Louis Vuitton với Supreme trong thời đại Kim Jones còn nắm quyền LV.
Không chỉ gói gọn trong địa hạt thời trang, đế chế của Bernard còn đầu tư vào dịch vụ công nghệ và mỹ phẩm. Năm 2017, LVMH đã cộng tác cùng ngôi sao nhạc pop Rihanna và tung ra thị trường dòng mỹ phẩm Fenty Beauty. Cùng với đó là một số dịch vụ công nghệ như Spotify, Slack, Airbnb, Uber, Lyft… cũng được LVMH chi tiền khá mạnh tay.
2. Luôn là kẻ tiên phong với kỷ luật nghiêm ngặt
Chìa khóa dẫn tới thành công của LVMH là trở thành kẻ tiên phong. Điều này càng chắc chắn hơn qua lời chia sẻ của Bernard Arnault trên Tạp chí Financial Times: “Với tôi, thành công là khi tất cả các thương hiệu và tập đoàn của tôi đứng số một trên thế giới”. Khẳng định trên đã được bảo chứng qua thời gian khi LVMH hiện đang nắm giữ những thương hiệu xa xỉ bậc nhất và sẽ còn tiến xa hơn trong tương lai.
“Ông ấy làm việc 24 giờ mỗi ngày. Kể cả khi ngủ, ông cũng mơ về những ý tưởng” – Delphine Arnault (con gái của Bernard) chia sẻ. Một ngày của Bernard Arnault bắt đầu từ 6 rưỡi sáng bằng việc nghe nhạc cổ điển, cập nhật tin tức, nhắn tin với các thành viên trong gia đình và tới văn phòng lúc 8 giờ sáng. Vào mỗi thứ Bảy hàng tuần, ông sẽ dạo quanh các cửa hàng của mình, sắp xếp lại gian trưng bày và đưa ra đề xuất với nhân viên. Điều này diễn ra như một nghi thức.
3. Gia tộc Pháp và sự tiếp nối dành cho LVMH
Giấc mơ về một doanh nghiệp lớn có gốc rễ từ Pháp vẫn được Arnault nâng niu và truyền lại cho thế hệ sau. Hiện tại, 4 trong 5 người con của ông đang nắm giữ các vị trí quan trọng tại LVMH. Cụ thể, con gái cả Delphine là phó chủ tịch Louis Vuitton, Antoine đứng đầu dòng thời trang nam Berluti và là giám đốc truyền thông của LVMH, trong khi Alexandre được giao quản lý Rimowa và Frédéric phụ trách mảng chiến lược tại thương hiệu đồng hồ Tag Heuer. Cậu út Jean nhiều khả năng sẽ gia nhập công ty ngay sau khi học xong.
“Đế chế của tôi là biểu tượng của nước Pháp, bởi nó đại diện cho nước Pháp trên toàn thế giới. Người ta biết tới những Louis Vuitton, Christian Dior, Dom Pérignon, Cheval Blanc… nhiều hơn bất kỳ thứ gì khác. Điều quan trọng nhất là LVMH sẽ luôn được quản lý bởi một gia tộc Pháp”. Điều này cũng giúp Bernard giữ cho các thương hiệu của mình luôn đổi mới nhưng vẫn theo sát giá trị cốt lõi từ những ngày đầu tiên. Ông tin rằng sự quản lý chặt chẽ của gia đình mình sẽ đem lại lợi thế cho LVMH trong nhiều năm tới.
Giờ đây, Bernard Arnault đã đứng trên đỉnh cao danh vọng và tiền tài nhưng bản năng chinh phục của “sói già” vẫn chưa dừng lại ở đó. LVMH sẽ còn tiến xa hơn nữa với tư duy và tầm nhìn luôn đi trước thời đại của Arnault.
__
Tạp chí Phái mạnh ELLE Man
Bài: Hoàng Điệp
Tham khảo: Forbes