Thông thường, có 6 kiểu mối quan hệ cơ bản tác động trực tiếp đến cuộc sống của bạn. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu qua bài viết sau.
1. Mối quan hệ Platon
Đây là một loại tình bạn có gắn kết thân mật, gắn kết chặt chẽ nhưng không có tình dục hay sự rung động, lãng mạn. Mối quan hệ này sẽ có những đặc điểm như:
– Chân thật, thấu hiểu
– Tôn trọng, quan tâm
– Hỗ trợ, trung thực, chấp thuận
Mối quan hệ Platon có thể xảy ra trong nhiều bối cảnh, có thể liên quan đến tình bạn đồng giới hoặc khác giới. Bạn có thể hình thành gắn kết Platon với người bạn cùng lớp, đồng nghiệp hoặc với một người trong một môi trường khác như câu lạc bộ, tổ chức tình nguyện hay hoạt động thể thao mà bạn tham gia.
Gắn kết này đóng một vai trò thiết yếu trong việc cung cấp hỗ trợ xã hội, rất cần thiết cho sức khỏe và hạnh phúc của bạn. Nghiên cứu cho thấy tình bạn thuần khiết này có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ trầm cảm, lo lắng và tăng cường khả năng miễn dịch. Mối quan hệ thuần túy này đôi khi có thể thay đổi theo thời gian và chuyển thành mối quan hệ lãng mạn hoặc tình dục.
2. Mối quan hệ lãng mạn
Đây là mối quan hệ được đặc trưng bởi cảm giác yêu thương và thu hút người khác. Mặc dù tình yêu lãng mạn thường liên quan đến cảm giác say mê, thân mật và cam kết.
Các chuyên gia đã đưa ra nhiều cách khác nhau để mô tả cách con người trải nghiệm và thể hiện tình yêu. Nhà tâm lý học Robert Sternberg gợi ý ba thành phần chính của tình yêu: đam mê, sự thân mật và quyết định/cam kết. Ông giải thích, tình yêu lãng mạn là sự kết hợp giữa đam mê và sự thân mật.
Gắn kết này có xu hướng thay đổi theo thời gian. Khi mới yêu, mọi người thường trải qua cảm giác đam mê mạnh mẽ hơn. Trong giai đoạn mê đắm ban đầu này, não sẽ giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, oxytocin và serotonin khiến con người cảm thấy hưng phấn và “yêu”.
Theo thời gian, những cảm giác này bắt đầu giảm bớt cường độ và phát triển về mức độ thân mật, hiểu biết sâu sắc hơn khi mối quan hệ trưởng thành.
Kiểu gắn kết này thường bùng cháy vào thời gian đầu. Đó là lý do tại sao chúng ta thường có cảm giác không thể ngừng nghĩ về đối tượng mà mình yêu mến và muốn ở gần họ mọi lúc. Theo thời gian thì cảm giác tin cậy, thân thiết và sự cam kết ngày càng mạnh mẽ hơn.
3. Gắn kết phụ thuộc
Đây là một loại kết nối mất cân bằng, rối loạn chức năng, trong đó một đối tác có sự phụ thuộc về mặt cảm xúc, thể chất hoặc tinh thần vào người kia.
Việc cả hai đối tác cùng phụ thuộc vào nhau cũng là điều bình thường. Cả hai có thể thay phiên nhau đảm nhận vai trò giữa người chăm sóc và người nhận chăm sóc.
Các đặc điểm của gắn kết phụ thuộc bao gồm:
– Đóng vai trò là người cho trong khi người còn lại đóng vai trò là người nhận
– Cố gắng hết sức để tránh xung đột với người kia
– Cảm giác như bạn phải xin phép để làm mọi việc. Ngoài ra, bạn cần phải cứu hoặc giải cứu người khác khỏi hành động của chính họ
– Làm những điều khiến ai đó vui vẻ, ngay cả khi điều đó khiến bạn khó chịu. Cảm giác như bạn không biết mình là ai trong mối quan hệ này
– Nâng cao người khác ngay cả khi họ không làm gì để có được thiện chí và sự ngưỡng mộ của bạn
Tuy nhiên, không phải tất cả các mối quan hệ đồng phụ thuộc đều giống nhau. Chúng có thể khác nhau về mức độ nghiêm trọng. Sự đồng phụ thuộc có thể xuất hiện ở tất cả các loại gắn kết bạn tình, cha mẹ và con cái, bạn bè, các thành viên khác trong gia đình và thậm chí cả đồng nghiệp.
Các mối quan hệ phụ thuộc được đồng xây dựng. Trong khi một đối tác có vẻ “bất cần” hơn thì đối tác kia có thể cảm thấy thoải mái hơn khi được cần đến.
4. Casual relationships
Casual relationships thường đề cập đến các gắn kết ngẫu nhiên, không ràng buộc, thường liên quan đến các mối quan hệ hẹn hò, quan hệ tình dục mà không có kỳ vọng về sự cam kết, chung thủy, không mong đợi chế độ một vợ một chồng. Tuy nhiên, thuật ngữ này khá mơ hồ và có thể có nhiều định nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau.
Theo tác giả của một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Canadian Journal of Human Sexuality, các mối quan hệ ngẫu nhiên này bao gồm: Tình một đêm, booty call, “Sex” buddies, Friends with benefits.
Gắn kết này thường khác nhau về mức độ liên lạc, việc tiết lộ thông tin cá nhân và thường phổ biến ở người trẻ tuổi, mặc dù mọi lứa tuổi đều có thể có loại quan hệ này. Miễn mối quan hệ ngẫu nhiên này là sự đồng thuận của cả hai thì chúng có thể mang lại một số lợi ích tích cực như thỏa mãn nhu cầu về tình dục, không đòi hỏi sự nghiêm túc và cam kết gắn bó.
5. Mối quan hệ mở
Là kết nối đồng thuận không chung thủy một vợ một chồng, trong đó một hoặc nhiều đối tác có quan hệ tình dục với người khác. Cả hai người đều đồng ý quan hệ tình dục với người khác trong một mối quan hệ cởi mở nhưng có thể có những điều kiện hoặc hạn chế nhất định.
Gắn kết này có thể diễn ra trong bất kỳ loại mối quan hệ nào, dù là tình cờ, hẹn hò hay đã kết hôn. Hiện nay, nhiều người vẫn có xu hướng kỳ thị loại gắn kết này. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy khoảng 21% đến 22% người trưởng thành sẽ có một số loại mối quan hệ mở tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ.
Khả năng tham gia vào gắn kết này cũng phụ thuộc vào giới tính và khuynh hướng tình dục. Đàn ông có số lượng mối quan hệ mở cao hơn so với phụ nữ; những người xác định là đồng tính nam, đồng tính nữ và song tính có nhiều mối quan hệ mở hơn so với những người dị tính.
Những gắn kết này mang lại lợi ích về tự do tình dục, tránh được tình trạng ghen tuông, dằn vặt về mặt cảm xúc khi cặp đôi cởi mở thiết lập ranh giới cá nhân, truyền đạt rõ ràng nhu cầu và cảm xúc của mình.
6. Kết nối độc hại
Là bất kỳ loại mối quan hệ nào khiến sức khỏe về mặt cảm xúc, thể chất hoặc tâm lý của bạn suy yếu hoặc bị đe dọa. Những gắn kết như vậy thường khiến bạn cảm thấy xấu hổ, bị sỉ nhục, hiểu lầm hoặc không được hỗ trợ.
Bất kỳ kết nối nào cũng có thể độc hại, bao gồm tình bạn, gia đình, yêu đương hoặc ở nơi làm việc. Chúng thường có những đặc điểm:
– Thiếu sự hỗ trợ
– Đổ lỗi, ganh đua
– Kiểm soát hành vi, thiếu tôn trọng, không trung thực.
– Gaslighting (thao túng tâm lý nạn nhân)
– Thù địch, ghen tị
– Passive – aggressive behaviors (gây hấn thụ động)
– Giao tiếp kém, tạo áp lực
Bất kỳ ai trong một mối quan hệ cũng đều có thể tạo nên sự độc hại này bao gồm cả bạn. Ví dụ, bạn có thể đang góp phần tạo nên sự độc hại nếu bạn luôn tỏ ra không tử tế, chỉ trích, bất an và tiêu cực.
Một người có thể cư xử theo cách tạo ra cảm giác độc hại. Điều này có thể là do họ cố ý, nhưng trong những trường hợp khác, họ có thể không nhận thức được ảnh hưởng xấu của các hành vi mà bản thân gây ra. Vì những trải nghiệm trong quá khứ với các mối quan hệ, tuổi thơ bất hạnh, họ không biết cách hành xử và giao tiếp phù hợp. Điều này không chỉ tạo ra sự bất mãn – những kết nối độc hại có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn.
Ví dụ: Theo một nghiên cứu, căng thẳng do các mối quan hệ tiêu cực gây ra có tác động trực tiếp đến sức khỏe tim mạch. Cảm giác bị cô lập và hiểu lầm cũng có thể dẫn đến sự cô đơn, điều này đã được chứng minh là có tác động xấu đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần.
Nếu bạn đang có một gắn kết độc hại với ai đó, hãy cố gắng tạo ra những ranh giới vững chắc để bảo vệ bản thân. Nói chuyện với chuyên gia tư vấn tâm lý hoặc cân nhắc việc chấm dứt mối quan hệ nếu điều đó gây tổn hại cho bạn.
______
Bài: Thùy Dung
Tham khảo: verywellmind