Phong cách 15/01/2020

7 lưu ý quan trọng để chọn giày chạy bộ ưng ý

Bài ELLE Team

Bất kể là chạy marathon, chạy trên máy chạy bộ hay chạy đường trường, chỉ cần bạn đang chạy, hãy chọn cho mình một đôi giày chạy bộ chuyên dụng. Đừng nghĩ đôi giày vừa chân và đẹp mắt là đủ. ELLE Man đã chắt lọc cho bạn một số lưu ý để bạn có thể chọn cho mình đôi giày chạy bộ ưng ý nhất.

Nhà vật lý trị liệu Paul Hobrough, hiện đang điều hành phòng khám ở Harley Street, London và Northumberland, chuyên về cơ chế sinh học khi chạy cho rằng chọn một đôi giày chạy bộ là vô cùng quan trọng: “Giống như nền móng của một ngôi nhà cần có sự nâng đỡ đặc biệt để ngăn ngừa thiệt hại, giày chạy bộ cần phải cân bằng giữa sự hỗ trợ và đệm”.

Một đôi giày chạy bộ tốt sẽ đảm bảo cho bạn tư thế chạy hiệu quả nhất và bảo vệ bàn chân khỏi những tác động của tự nhiên. Đặc biệt, nếu chạy bộ trên đường hay vỉa hè là thói quen của bạn, bạn cần xem bài viết này của ELLE Man ngay để chọn cho mình một đôi giày chạy bộ phù hợp nhất.

1. Giày chạy bộ phải phù hơp với kiểu cơ thể

Chọn một đôi giày chạy bộ phù hợp cũng giống như tìm tri kỉ cho cuộc đời vậy. Đừng mua giày chỉ vì chân bạn có thể đút vừa vào nó hay bạn thấy người nổi tiếng nào đó mang thật phong cách. Để tìm kiếm tri kỉ phù hợp, trước tiên hãy xét đến kích thước và trọng lượng cơ thể. Với thân hình càng to và trọng lượng lớn, bạn nên chọn đôi giày nhiều đệm hơn một chút, để chúng có thể hấp thu lực tác động khi chân bạn chạm sàn. Những mẫu có phần đệm giữa dày sẽ phát huy được tính chất đệm cho đôi giày của bạn.

Ảnh: adidas

Gợi

2. Quan tâm đến cơ chế sinh học

Tất cả chúng ta đều khác nhau về mặt sinh học. Hành động đặt chân này trước chân kia và tiến về phía trước nghe có vẻ đơn giản nhưng ẩn trong đó là nhiều sắc thái phức tạp khác. Giống như dấu vân tay, cơ chế sinh học của bạn là duy nhất nên hãy thật quan tâm đến nó khi chọn giày chạy bộ nhé.

Xem xét tư chế chạy và cách bạn tiếp đất để có sự hỗ trợ cho phần bên phải bàn chân của bạn. Một đôi giày chạy bộ phù hợp với cơ chế sinh học của người chạy sẽ giúp tăng sự thoải mái và hiệu suất chạy, hơn nữa, nó có thể ngăn ngừa việc dính phải chấn thương.

Ảnh: zone6comcept.com

Ngày nay, người ta đã có các loại máy phân tích dáng chạy bộ tiên tiến tại các cửa hàng chuyên biệt. Nếu bạn thực sự quan tâm về cơ chế chạy của mình, sử dụng các máy này có thể là một trải nghiệm tuyệt vời. Còn nếu mục tiêu của bạn lớn hơn nữa, như giành được huy chương ở một cuộc thi chạy nào đó, hãy tìm đến các nhà vật lý trị liệu để được phân tích tường tận và đánh giá thông tin chính xác nhất.

3. Giày chạy bộ kiểm soát độ lật

Độ lật được hiểu là mức độ mà đầu gối bạn quay vào trong sau khi bàn chân tiếp đất với mỗi sải chân. Lật trong quá mức có thể dẫn đến một loạt những chấn thương, dấu hiệu thường thấy nhất là đau đầu gối. Trong trường hợp này, hãy chọn loại giày ổn đinh hoặc kiểm soát chuyển động được thiết kế với lớp đệm  ở phần lõm bàn chân, đế gót giày cứng hơn để hạn chế sự lật trong quá mức.

Ảnh: Asics

4. Ưu tiên sự thoải mái

Nếu bạn đang rối não vì những lưu ý về cơ chế sinh học đầy “huyền bí” ở trên thì hãy vui lên, có một cách chọn giày chạy bộ đơn giản hơn nhiều. Cơ thể bạn chính là loại máy móc rất đáng để tin tường. Tìm lấy sự thoải mái cho bản thân khi lựa chọn giày là cách nhanh và hiệu quả nhất.

Một người chạy bộ nên cảm thấy đôi giày là một phần mở rộng của cơ thể họ. Đôi giày chạy bộ nên hỗ trợ tối đa lúc bạn cần và đem lại năng lượng cho từng bước chân. Đảm bảo chúng không trượt khỏi gót chân hay làm ngón chân bạn co rúm ở phía mũi giày. Nên mua giày chạy bộ lớn hơn nửa cỡ so với giày mang thường ngày của bạn, bởi chắc chắn rằng bạn không muốn thấy móng chân mình biến thành màu tím đâu.

Ảnh: nike.com

5. Tạo sự xoay vòng

Khi bạn hoạt động nhiều hơn, hãy cân nhắc đưa vào bộ sưu tập giày chạy bộ của mình các loại giày khác nhau. Mỗi đôi giày cho những loại chạy bộ khác nhau là một ý tưởng tốt để mang lại hiệu quả tập luyện tốt nhất.

Ảnh: New Balance

Không dừng lại ở đó, đầu tư thêm giày cũng giúp bạn bảo vệ cơ thể mình khỏi những chấn thương. Nghiên cứu của Phòng thí nghiệm nghiên cứu y học thể thao ở Luxembourg đã chỉ ra những người mang giày chạy bộ khác nhau có tỉ lệ chấn thương thấp hơn 39% so với những người chỉ mang một đôi khi chạy. Nguyên nhân là những đôi giày khác nhau phân phối lực tác động khác nhau, do đó làm giảm đi sự căng thẳng của gân và mô khi động tác chạy cứ lặp đi lặp lại.

6. Đầu tư đúng đắn cho đôi giày chạy bộ của bạn

Ảnh: Asics

Những đôi giày chạy bộ chất lương không hề rẻ. Tuy nhiên, một sự đầu tư đúng đắn sẽ nâng cao trải nghiệm chạy của bạn rất nhiều. Ở phân cấp thấp (khoảng hơn 1 triệu), yêu cầu cơ bản của giày chạy bộ mà bạn phải đảm bảo kiểm tra trước khi mua là phần đệm của đế giữa tốt, phần trên thoáng khí, đế ngoài bền và ma sát tốt.

Ở mức giá trung bình (khoảng 3 triệu), bạn có thể mong chờ những tính năng cao cấp hơn, chẳng hạn như tính năng điều chỉnh độ ổn định, dây giày chống trượt hay lót giày ngăn mùi. Cao hơn nữa, hãy tìm những đôi giày với thông số kỹ thuật vượt trội và quan trọng nhất, là nhẹ hơn. Đôi giày nhẹ hơn 100g thôi cũng đủ để bạn lập một kỷ lục mới cho bản thân đấy.

7. Suy nghĩ về phong cách thời trang của bạn

Ảnh: Nike

Nếu sự đầu tư cho đôi giày chạy khiến bạn phiền lòng, hãy nghĩ về phong cách thời trang hằng ngày của mình và chọn một đôi giày mà bạn có thể phối với nhiều loại đồ. Đôi giày chạy vừa dùng để luyện tập, vừa dùng như một item đời thường có thể giúp bạn tiết kiệm được một khoản kha khá.

Những thiết kế giày chạy bộ ngày nay rất linh hoạt. Bạn hoàn toàn có thể phối chúng với jeans, joggger hay thậm chí là suit. Nếu bộ suit của bạn mang hướng trang trọng, tốt nhất là chọn một đôi giày màu tối và kiểu dáng không quá nặng nề, và đặc biệt đừng để lộ vớ. Tốt nhất là chọn chiếc quần ngắn một chút để nhìn thấy được mắt cá chân của bạn. Những đôi giày chạy giản dị hơn như Nike Fyyknit phối quần áo cotton, linen hay vải sọc nhăn sẽ là một bộ đôi tuyệt vời cho mùa Hè.

Top

__

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Lược dịch: Bảo Uyên – Tham khảo: fashionbeans

No more