bespoke suit
“Sartorial“ thường được hiểu là “thuộc về may đo“, những bộ trang phục được chăm chút tỉ mỉ đến từng chi tiết, từ đường cắt may, chất liệu đến cách phối phụ kiện. Cộng đồng ”sartorial” tại Việt Nam hiện tại đang có sự phân hóa rõ rệt. Một bộ phận đam mê và tìm hiểu sâu về nghệ thuật may đo, tôn trọng những giá trị truyền thống của bespoke tailoring. Họ coi âu phục như một phần không thể thiếu trong phong cách sống, thường xuyên trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và tham gia các sự kiện về ”sartorial”. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại một bộ phận chỉ tiếp cận “sartorial“ như một xu hướng nhất thời, tạo dựng hình ảnh hào nhoáng mà không nhất thiết hiểu rõ về bản chất của phong cách này.
ĐỨC TRIỆU bespoke suit
Đức Triệu, một TikToker và founder của thương hiệu La Luot Tailor, với niềm đam mê văn hóa châu Âu, tìm đến bespoke suit như một giải pháp thực tế cho việc tìm kiếm trang phục vừa vặn. Anh nhận định rằng thú chơi ”sartorial” tại Việt Nam vẫn mang trong mình những mâu thuẫn cực đoan: cố định ăn mặc theo quy chuẩn nghiêm ngặt hoặc biến đổi theo phong cách cá nhân. Đức Triệu cho rằng đây là một bất cập khi nhiều người chơi ”sartorial”quá đầu tư vào yếu tố xa xỉ, khiến ăn mặc trở thành một rào cản thay vì là điều tự nhiên.
Anh cũng nhận định rằng cộng đồng ”sartorial” tại Việt Nam đang có xu hướng “thần thánh hóa” bespoke suit, khiến nó trở nên xa cách với số đông. Nhiều thương hiệu và cả những người đam mê ”sartorial” tập trung quá nhiều vào sự xa xỉ, thủ công mà quên mất tính ứng dụng của một bộ suit. Theo anh, một người đàn ông bình thường cũng có nhu cầu mặc suit vào những dịp quan trọng như cưới hỏi hay gặp gỡ đối tác, nhưng lại bị choáng ngợp bởi những quy tắc phức tạp và mức giá cao.
LƯU CAO PHÁT
Lưu Cao Phát là một doanh nhân và influencer nổi bật với phong cách “sartorial”. Anh cũng từng tham gia chương trình “The Next Gentleman – Quý Ông Hoàn Mỹ” và được đánh giá cao bởi phong cách thanh lịch. Sự yêu thích dành cho những bộ suit của Lưu Cao Phát được định hướng bằng hình ảnh của người cha luôn chỉn chu trong cách ăn mặc.
Với góc nhìn của một người vừa yêu thích ”sartorial” vừa kinh doanh trong lĩnh vực này, anh nhận thấy rằng có nhiều người vẫn xem ”sartorial” chỉ là một trào lưu, thay vì một phong cách sống mang tính bền vững, không chỉ giới hạn trong thời trang mà còn phản ánh tư duy và bản lĩnh của người mặc.
Việc tham gia các buổi gặp gỡ offline giúp anh kết nối với nhiều người có cùng đam mê, nhưng để xây dựng một cộng đồng có định hướng và phát triển lâu dài vẫn là một thách thức. Theo anh, ”sartorial” nên trở thành một phần tự nhiên trong đời sống nam giới, thay vì bị giới hạn trong các sự kiện đặc biệt hay bị gắn với hình ảnh xa xỉ. Anh hy vọng rằng trong tương lai, sẽ có nhiều người nhìn nhận ”sartorial” như một lựa chọn phong cách thường ngày, giúp nam giới Việt Nam trở nên chỉn chu và tự tin hơn.
KHÁNH SARTORIAL bespoke suit
TikToker Khánh Sartorial, tên thật là Khánh Quốc Lê, bắt đầu với tình yêu âu phục từ những năm 2010, khi anh được truyền cảm hứng bởi danh ca Frank Sinatra và Andrea Bocelli. Với vai trò là quản trị viên cộng đồng Sartorial Guys và người sáng lập Sartorial Vietnam, anh có một cái nhìn thực tế về phong trào ”sartorial” tại Việt Nam. Theo anh, ”sartorial” vẫn là một trào lưu nhất thời với đại đa số những người tham gia cộng đồng. Anh nhấn mạnh rằng để duy trì đam mê với ”sartorial”, cần có sự đầu tư dài hạn về kiến thức, tài chính và mối quan hệ. Anh tự tạo ra công thức “K.H.A.N.H.“ (Knowledge – kiến thức, Honest – trung thực, Ambition – cam kết, Networking – xây dựng quan hệ, Humbleness – khiêm nhường) chính là kim chỉ nam giúp người mới tiếp cận ”sartorial” một cách bền vững.
_______
Bài; Belle