Quá trình khởi nghiệp luôn gây nhiều căng thẳng, cho dù đó là dự án lớn hay nhỏ. Đôi khi, bạn có cảm giác mình đang làm 1000 công việc cùng một lúc. Tuy nhiên, bằng cách lập kế hoạch, bạn có thể giảm thiểu những rủi ro trong quá trình kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, trước khi bắt đầu một điều gì đó, bạn cần nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, đánh giá các khía cạnh pháp lý trong ngành của bạn, xem xét tài chính cá nhân và doanh nghiệp, kể cả rủi ro và nhờ trợ giúp. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu qua bài viết sau.
1. Luôn tìm hiểu đối thủ cạnh tranh khi muốn khởi nghiệp
Dù bạn có một ý tưởng tuyệt vời, thì không chắc những người khác cũng khó lòng nghĩ ra. Vì thế, việc nghiên cứu và tìm hiểu đối thủ cạnh tranh là điều vô cùng quan trọng.
Nếu bạn không thể cung cấp thứ gì tốt hơn và/hoặc rẻ hơn đối thủ cạnh tranh, bạn có thể cân nhắc lại việc bắt đầu kinh doanh trong lĩnh vực đó.
2. Xác định đối tượng khách hàng
Hãy dành thời gian tìm hiểu đối tượng mà bạn muốn nhắm đến là ai từ độ tuổi, nghề nghiệp, giới tính,… Khi hiểu về những người cần sản phẩm và dịch vụ của bạn, thì việc tinh chỉnh kế hoạch để phù hợp với mong muốn khách hàng sẽ dễ hơn.
Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng bạn đang cung cấp những gì khách hàng muốn chứ không phải là bạn muốn. Phương châm này giúp mỗi người khởi nghiệp có cái nhìn sâu sắc hơn về quyết định mua hàng của khách hàng và giúp bản thân tiết kiệm rất nhiều thử nghiệm trong tương lai.
3. Hiểu về mục đích kinh doanh
Bạn cần hiểu chính xác về mục đích kinh doanh của mình. Bằng cách nhận ra điểm mạnh, điểm khác biệt và mục đích của doanh nghiệp, bạn có thể đưa ra các lựa chọn sáng suốt để mở rộng dịch vụ và thị trường của mình theo cách tốt nhất.
4. Hoàn thành thủ tục pháp lý
Việc nắm rõ các quy trình pháp lý khi khởi nghiệp rất quan trọng. Nó có thể là về các loại thuế, thủ tục giấy tờ, trách nhiệm pháp lý của chủ sở hữu, hay quyền lợi của nhân viên nếu bạn muốn thuê người làm.
Các giấy phép trong ngành cũng là điều cần thiết, giúp bạn tránh những rủi ro sau này.
5. Tìm số vốn khởi nghiệp
Hầu hết các doanh nhân bắt đầu kinh doanh với số vốn rất hạn chế, và đây là trở ngại của rất nhiều người. Nơi đầu tiên và phổ biến nhất để tìm nguồn tiền ban đầu là với bạn bè và gia đình. Nếu điều đó không đủ, hãy mở rộng tìm kiếm đến các nhà đầu tư.
Nếu những lựa chọn này không cung cấp đủ số tiền cần thiết, hãy đăng ký các khoản vay kinh doanh thông qua các ngân hàng và hiệp hội doanh nghiệp nhỏ.
6. Hiểu về rủi ro khi khởi nghiệp
Bất kỳ công việc kinh doanh nào cũng có rủi ro. Chính vì thế, tính toán, hiểu và lập kế hoạch cho nó là một bước quan trọng trước khi bạn bắt đầu thực hiện công việc kinh doanh của mình.
7. Lập một kế hoạch kinh doanh
Kế hoạch kinh doanh phác thảo các bước bạn cần thực hiện để bắt đầu trơn tru và có thể phát triển. Đây cũng là thứ bạn cần làm chỉn chu để thuyết phục các nhà đầu tư hoặc mọi người tham gia. Ngoài ra, bạn nên tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia trong ngành để biến nó trở nên khả thi nhất.
Thông thường, một kế hoạch kinh doanh bao gồm:
– Tuyên bố sứ mệnh và mục đích kinh doanh của bạn.
– Mô tả về doanh nghiệp của bạn
– Danh sách các sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn sẽ cung cấp cho khách hàng.
– Phân tích thị trường hiện tại và cơ hội trong lĩnh vực bạn đang theo đuổi.
– Danh sách những người ra quyết định trong công ty, cùng với tiểu sử của họ.
– Kế hoạch tài chính của bạn để những người xem xét có thể hiểu được cơ hội nếu họ đầu tư vào.
8. Thời điểm khởi nghiệp rất quan trọng
Bạn nên phát triển công việc của mình vào thời điểm nền kinh tế khỏe mạnh và ngành của bạn đang mở rộng. Bên cạnh đó, sự quyết đoán là điều quan trọng. Nếu thấy cơ hội không thể bỏ qua, hãy nắm bắt nó tốt nhất có thể.
9. Tìm mentor hoặc một chuyên gia
Bắt đầu kinh doanh không nên là hành trình độc lập, cho dù điều đó nghe có vẻ hấp dẫn đến đâu. Hãy tìm những người đồng đội luôn sát cánh cùng bạn. Bên cạnh đó, hãy kết nối với các chuyên gia, tham dự các hội thảo và sự kiện dành riêng cho ngành của bạn. Ngoài ra, hãy tiếp cận các nhân vật thành công trước đó để học hỏi kinh nghiệm.
10. Mời những cố vấn và chuyên gia vào doanh nghiệp của bạn
Các doanh nhân không thể biết mọi thứ về việc điều hành bộ máy lớn. Vì thế, hãy tìm các cố vấn về pháp lý, khủng hoảng để giúp bạn quản lý rủi ro. Việc đầu tư vào sự hiểu biết sâu sắc của loạt chuyên gia khi mới bắt đầu kinh doanh có thể giúp bạn mang lại lợi nhuận khổng lồ sau này bằng cách tránh khỏi các rắc rối.
Bên cạnh đó, hãy tìm kế toán giỏi, người giúp bạn xử lý các khía cạnh tài chính của công ty.
__________
Bài: Thùy Dung
Tham khảo: businessnewsdaily