Kỹ năng 28/12/2022

9 sai lầm phổ biến về tài chính cá nhân mà bạn cần tránh

Bài Tuan Anh

Quản lý tài chính cá nhân rất quan trọng, và nó đảm bảo cho bạn có cuộc sống bền vững và phát triển. Tuy nhiên, làm sao để đạt được điều đó? Hãy cùng ELLE Man tìm ra những lỗi cơ bản trong chi tiêu khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc quản lý tài chính của mình.

Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả sẽ giúp bạn đạt được tự do tài chính, phòng tránh những bất ngờ trong cuộc sống hàng ngày. Hãy cùng ELLE Man tìm ra 9 sai lầm phổ biến khiến hệ thống chi tiêu của bạn bị ảnh hưởng.

10

1. Chi tiêu quá mức những thứ không quá cần thiết

Nhiều người không để tâm đến những khoảng chi nhỏ như một ly cappuccino, bữa ăn ngoài hay cặp vé xem phim, nhưng bạn cần biết các món tiền nhỏ ấy nếu được chi đều đặn khi cộng lại sẽ thành khoản lớn. Đặc biệt hơn, nếu bạn tổng tất cả các khoảng lặt vặt trên trong cả năm, hoặc được thanh toán tự động hay ghi nợ từ thẻ tín dụng, thì mức “mất mát” sẽ rất lớn.

Nếu bạn đang gặp khó khăn về tài chính hay đơn thuần chỉ là muốn quản lý chi tiêu hiệu quả, hãy cân nhắc những con số này hơn.

Ảnh: Unsplash

2. Những khoản thanh toán tự động

Hãy tự hỏi bản thân xem bạn có thực sự cần những dịch vụ mà phải phải trả hàng tháng, hàng năm như truyền hình cáp, thẻ thành viên VIP tập gym,… Khi đang gặp khó khăn về tài chính hoặc muốn tiết kiệm nhiều hơn, thì việc loại bỏ chúng sẽ giúp bạn tạo lập phong cách sống thoải mái, đồng thời gia tăng số tiền tiết kiệm.

3. Tài chính cá nhân được tạo dựng bằng vay mượn

Sử dụng thẻ tín dụng để mua sắm ngày càng trở nên phổ biến. Nhưng lãi suất tưởng chừng rẻ của nó lại làm cho giá của các mặt hàng bạn mua có phí đắt hơn rất nhiều. Trong một số trường hợp khác, thẻ tín dụng khiến bạn chi tiêu nhiều hơn mức kiếm được, và bạn nhanh chóng trở thành con nợ của chính thói quen này.

Ảnh: Unsplash

4. Mua xe mới

Hàng triệu chiếc ô tô/ xe máy được bán ra mỗi năm, mặc dù không quá nhiều người có thể chi trả hết một lần cho khoảng chi tiêu này mà thay vào đó là thanh toán chúng bằng cách vay tiền hoặc mua trả góp. Điều này tạo nên sự khác biệt giữa giá trị của chiếc ô tô/xe máy và giá mà bạn phải trả cho nó khi người tiêu dùng còn phải trả lãi và sự mất giá của chiếc ô tô/ xe máy theo thời gian. Tệ hơn nữa, nhiều người cứ hai hoặc ba năm lại đổi xe và lại mất thêm một khoảng tiền khác cho mỗi lần giao dịch như chi phí bảo hiểm, bảo dưỡng, xăng xe.

5. Chi quá nhiều cho ngôi nhà

Khi nói về việc mua nhà, đa số sẽ muốn mua những căn hộ thật lớn. Tuy nhiên, ngoại trừ việc bạn có nhiều thành viên trong gia đình sinh sống chung hoặc dư dả tài chính cá nhân, thì việc sở hữu một căn nhà lớn chỉ đổi lại bằng việc bảo trì nhiều hơn và chi phí tiện ích cho căn nhà trở nên đắt đỏ hơn.

Bạn có thật sự cần một căn nhà như vậy? Đây là một khoản chi đáng kể và dài hạn, bạn cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định sở hữu một căn nhà.

Ảnh: Unsplash

6. Phụ thuộc hoàn toàn vào tiền lương

Nhiều hộ gia đình và cá nhân chỉ sống bằng tiền lương ,và khi có bất kỳ khoản chi tiêu phát sinh quá mức hay nên kinh tế thay đổi thì ngay lập tức tình hình tài chính cá nhân của họ sẽ rơi vào tình thế bấp bênh, dễ khiến họ rơi vào vòng nợ nần, thậm chí có nguy cơ mất chính căn họ đang sở hữu. Vì vậy, hãy luôn tạo ra các khoản thu phụ để tình hình tài chính của bản thân bạn luôn ổn định.

7. Không có quỹ hưu trí

Nếu tiền của bạn không được đầu tư và sinh sôi để tạo thu nhập tự động, thì bạn sẽ phải không ngừng làm việc. Trích một khoản để đầu tư cho quỹ hưu trí là hết sức cần thiết cho cuộc sống sau này để bạn có thể nghỉ hưu thoải mái. Tìm hiểu kỹ các khoản đầu tư ấy sẽ phát triển như thế nào cũng như rủi ro nếu có sẽ giúp bạn có mục tiêu tài chính an toàn, ổn định trong tương lai.

Ảnh: Unsplash

8. Trả nợ bằng tài khoản hưu trí

Bạn có thể nghĩ rằng nếu khoản nợ của bạn có lãi suất 19% và tài khoản hưu trí của bạn kiếm được 7%, vậy dùng số tiền của hai tài khoản hoán đổi cho nhau thì bạn sẽ bỏ túi được một khoản chênh lệch. Tuy nhiên, điều đó lại không hề đơn giản như vậy.

Ngoài việc mất đi lợi thế lãi kép của tài khoản hưu trí, thì ngay cả những người lập kế hoạch kỷ luật nhất cũng gặp khó khăn trong việc để  xây dựng lại tài khoản này.

Khi khoản nợ được trả hết, sự cấp bách phải trả lại số tiền cho tài khoản hưu trí thường biến mất. Rất có thể bạn sẽ bị hấp dẫn với những thói quen chi tiêu cũ và lại quay về vòng lặp nợ nần. Nếu bạn định dùng bằng cách này, bạn phải sống như thể bạn vẫn còn một khoản nợ phải trả, đó chính là quỹ hưu trí của chính bản thân.

9. Không có kế hoạch tài chính cá nhân

Tương lai tài chính của bạn phụ thuộc vào cách sống mỗi ngày. Mọi người thường dành vô số thời gian để xem TV hoặc lướt mạng xã hội, nhưng nếu dành ra hai giờ một tuần để lập kế hoạch chi tiêu như đi đâu, làm gì, mua sắm, thì bức tranh tài chính cá nhân của bạn sẽ luôn rõ ràng.

Ảnh: Unsplash

Tổng kết

Để tránh những nguy cơ mất kiểm soát trong chi tiêu, hãy bắt đầu bằng cách theo dõi những khoản chi nhỏ nhưng sẽ tăng lên nhanh chóng, sau đó chuyển sang theo dõi những khoản lớn. Hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi thêm các khoản nợ mới vào danh sách thanh toán, và nhớ rằng khả năng thanh toán không giống như khả năng mua sắm. Cuối cùng, ưu tiên tiết kiệm một khoản hàng tháng, đồng thời dành thời gian phát triển một kế hoạch tài chính lành mạnh.

Làm

____________

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Thùy Dung

Tham khảo: investopedia

No more