Ra mắt vào năm 1994 – thời điểm được mệnh danh là “Năm hoàn kim của điện ảnh thế giới” với những tác phẩm bất hủ như: Nhà tù Shawshank (Shawshank Redemption), Cuộc đời của Forrest Gump, Vua Sư Tử (Lion King) hay Léon: The Professional… tuy nhiên, bộ phim Pulp Fiction vẫn gặt hái được những thành công ấn tượng về cả mặt doanh thu lẫn chuyên môn.
Pulp Fiction, đã trở thành dự án phim độc lập đầu tiên có doanh thu vượt mức 100 triệu đô la Mỹ, cũng như xuất sắc đem về được đến 7 tượng vàng Oscar danh giá, trong đó có giải “Kịch bản gốc hay nhất” và “Đạo diễn xuất sắc nhất” dành cho Quentin Tarantino.
Mặc dù đã 26 năm trôi qua, tuy nhiên Pulp Fiction của Quentin Tarantino vẫn luôn có mặt trong danh sách những bộ phim xuất sắc nhất mọi thời đại. Không chỉ được xem như một cú hích trực tiếp giúp nâng tầm Quentin trở thành một trong những đạo diễn huyền thoại của làng điện ảnh thế giới, những mẫu chuyện tầm phào của “quái kiệt Hollywood” còn để lại sức ảnh hưởng sâu sắc đến văn hoá đại chúng và nền công nghiệp điện ảnh.
Từ lối kể chuyện “phi-tuyến-tính” – kết thúc ở tại điểm mở đầu, một kịch bản tuy điên rồ nhưng đầy cuốn hút, dàn nhân vật đa dạng với những cá tính riêng biệt, cho đến các phân cảnh kinh điển, những lời thoại độc đáo và bất hủ, tất cả đã góp phần đem đến những thay đổi đáng kể cho bộ môn nghệ thuật thứ 7 trong những năm tiếp theo.
Từ phải sang: Quentin Tarantino, Uma Thurman, Bruce Willis, John Travolta. Ảnh: John Schults/ Reuters
Tuy nhiên, chính việc có quá nhiều thứ nổi bật để nói về Pulp Fiction đã phần nào khiến yếu tố thời trang trong phim có phần bị lu mờ. Dù vậy, thời trang trong phim Pulp Fiction thực sự là một điểm nhấn cực kỳ thú vị. Dưới sự dẫn dắt của nhà thiết kế trang phục danh tiếng Besty Heimann, yếu tố thời trang trong phim Pulp Fiction đã góp phần vẽ nên bức tranh của một thập niên 90 đầy sôi động và ngập tràn màu sắc, cũng như hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khắc hoạ nên tính cách đa dạng và độc đáo của một dàn nhân vật cực kỳ “iconic”. Điều này thật sự rất quan trọng, đặc biệt là đối với một đạo diễn có thói quen giới thiệu nhân vật một cách trực diện qua lời thoại và tạo hình, thay vì dành quá nhiều thời lượng cho việc giới thiệu nhân vật.
Những bộ suit siêu ngầu các gangster thập niên 90
Những mẫu chuyện tầm phào trong Pulp Fiction đều xoay quanh một băng đảng tội phạm. Thế nên, dĩ nhiên những bộ suit oversize đặc trưng của thập niên 90 chính là điểm nhấn nổi bật của thời trang trong phim. Một trong những điểm nhấn của Pulp Fiction là bộ đôi gangster Jules (do Samuel L. Jackson thủ vai) và Vincent (John Travolta thủ vai). Là hai nhân vật quan trọng và có thời lượng lên sóng khá nhiều, hai gã giang hồ này sở hữu một tạo hình cực kì ấn tượng và “iconic”.
Theo chia sẻ của Besty Heimann, tạo hình của bộ đôi này được quyết định khá nhanh chóng, dựa trên kinh nghiệm hợp tác của bà và Quentin trong bộ phim Reservoir Dogs trước đó. Cơ bản vẫn là hai bộ suit đen đặc trưng của các tay gangster ở thế kỉ trước, tuy nhiên Besty đã tinh tế cài cắm vào đó sự khác biệt về bản tính của hai nhân vật này.
Nếu như Jules là một nhân vật có sự già dặn, và dần có xu hướng hướng thiện về sau, thì Vincent lại là một gã gangster chính hiệu, với lối sống ăn chơi, nghiện ma tuý và có phần máu lạnh. “Vậy nên tôi đã lựa chọn chất liệu linen, nhằm thêm vào một vài nếp nhăn trên trang phục của Vincent, còn với Jules, anh ta làm tôi nhớ đến hình ảnh một nhà truyền giáo, thế nên tôi đã chọn bộ suit có form dáng cổ điển hơn theo kiểu của thập niên 60, với phần cổ áo khá bó.”
Tuy nhiên, bộ suit ấn tượng nhất của thời trang trong phim Pulp Fiction, chắc chắn phải thuộc về ông trùm tội phạm khét tiếng Marsellus Wallace (do Ving Rhames thủ vai). Marsellus xuất hiện trong phân cảnh trớ trêu nhất của bộ phim, với một bộ trang phục cực kì sành điệu gồm suit màu xám đậm, cùng điểm nhấn đến từ chiếc áo sơ mi linen cổ trụ màu cam nhạt, với những đường nút cài cách điệu rất độc đáo.
Áo thun hoạ tiết, item thời trang bất hủ
ảnh: Miramax
Những chiếc áo thun hoạ tiết cũng là một điểm nhấn đầy thú vị của sắc màu thời trang trong phim Pulp Fiction. Quentin và Besty Heimann đã khéo léo thêm thắt vào những nét văn hoá nổi bật của thập niên 90 thông qua hoạ tiết trên những chiếc áo thun của các nhân vật. Từ bộ manga “Speed Racer” của Nhật Bản, chú ốc sên Banana Slug – linh vật của đội thể thao trường đại học California, Santa Cruz cho đến bộ truyện tranh thường kỳ Krazy Kat.
Thêm một tình tiết rất bi hài đến từ Pulp Fiction: Trong lúc làm việc, thì Vincent đã lỡ tay làm rối tung mọi thứ lên theo đúng nghĩa đen. Sau đó, họ buộc phải thay những bộ vest bị dính máu me bê bết ra, và mặc tạm những chiếc áo thun có sẵn trong tủ đồ của Jimmy – một người bạn của Jules (do chính Quentin Tarantino đóng). Có thể thấy, dù bạn có là ai, khi lâm vào những tình huống “không-còn-gì-để-mặc”, thì những chiếc áo thun hoạ tiết sẽ luôn luôn là một giải pháp đầy hợp lí đấy nhỉ.
Tạo hình kinh điển của Mia Wallace
Nếu phải chọn ra một nhân vật kinh điển nhất trong tác phẩm kinh điển Pulp Fiction, thì đó chắc chắn phải là Mia Wallace, “ái phi” của ông trùm Marsellus (Do Uma Thurman – “nàng thơ của Quentin Tarantino thủ vai). Ngay từ phân cảnh đầu xuất hiện, Mia đã gây ấn tượng mạnh mẽ với điểm nhấn đến từ chiếc blazer bằng vải nhung bóng bẩy và sang trọng. Như đã nói, thời trang trong phim Pulp Fiction là những bản khắc hoạ rõ nét về con người của dàn nhân vật trong phim, và Mia Wallace chính là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.
“Là vợ của một ông trùm quyền lực, Mia rõ ràng là một quý cô kiêu kì. Tuy nhiên bên trong cô ta luôn tồn tại một ý nghĩ về sự nỗi loạn, bởi vì chồng cô ta luôn tìm cách giữ cô ta cho riêng mình. Chính vì thế, ý tưởng ban đầu của tôi dành cho Mia là một bộ suit đen trắng, giống như phong cách của những tay gangster trong phim. Tôi tìm cách thêm thắt vào đó những chi tiết phá cách như chiếc áo sơ mi trắng có phần cổ và tay áo to bản. Còn chiếc quần tây của cô ta lại là một câu chuyện thú vị khác. Những chiếc quần mà chúng tôi có đều không vừa với Uma Thurman bởi vì cô ta quá cao. Thế nên tôi quyết định sẽ cắt ngắn chúng luôn và biến đây trở một chi tiết thể hiện sự phá cách trong gu ăn mặc của Mia. Điều này còn vô tình giúp làm nổi bật lên đôi giày Chanel bóng bẩy của cô, một item chứng minh cho sự giàu có và đẳng cấp của Quý cô Wallace.” – Besty Heimann chia sẻ về nhân vật mà bà tâm đắc nhất trong dự án của mình.
Tạo hình của Mia Wallace ấn tượng đến mức nó không chỉ biến cô trở thành nhân vật biểu tượng của Pulp Fiction, mà còn trở thành một “fashion icon” trên màn bạc. Đến tận 26 năm sau, phong cách kinh điển của Mia vẫn trở thành một chủ đề được rất nhiều tờ tạp chí thời trang khai thác, cũng như là nguồn cảm hứng thời trang cho những cô gái yêu thích sự đơn giản nhưng vẫn bộc lộ được cá tính của mình.
Nguồn cảm hứng không bao giờ lỗi thời từ những năm 90
Có nhiều ý kiến cho rằng xem Pulp Fiction, ta có thể thấy được cả một nước Mỹ đầy sôi động của thập niên 90. Quả thật là như vậy, xuyên suốt gần 3 giờ đồng hồ, dòng chảy thời trang trong phim Pulp Fiction đã đưa chúng ta đến với những điểm nhấn nổi bật của thời trang những năm 90, từ những gam màu sặc sỡ đến các item như áo sơ mi Hawaii, áo bomber da, váy hoa hoè, denim…
Hơi thở từ những năm 90 của thế kỉ trước luôn đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của các xu hướng thời trang. Chính vì vậy, những gam màu đặc sắc của bức tranh thời trang trong phim Pulp Fiction, có thể được xem như một nguồn cảm hứng sẽ luôn luôn đi cùng với thời đại.
—
Bài: Tào Minh (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man)