dior men
Jonathan Anderson từ lâu đã ghi dấu trong lòng giới mộ điệu nhờ khả năng sáng tạo biến hóa tại Loewe, nơi anh đã tái định hình một thương hiệu đồ da truyền thống thành đế chế thời trang mang tầm quốc tế. Ngôn ngữ thiết kế của Anderson nổi bật bởi nét độc đáo, tinh nghịch nhưng đầy duyên dáng, với tinh thần “high-low” đặc trưng khi anh khéo léo hòa quyện giữa các biểu tượng haute couture và những chi tiết đời thường.
Vậy điều gì sẽ xảy ra khi Jonathan Anderson bước vào lãnh địa Dior vốn là một di sản lâu đời với những chuẩn mực gần như bất biến? Anh chia sẻ: “Đối với tôi, phong cách là cách bạn kết hợp mọi thứ lại với nhau. Trong giai đoạn tiếp theo, đó là điều tôi muốn tập trung vào.” Tuyên bố này hé lộ định hướng rõ ràng: kế thừa và tái tạo di sản thay vì phá vỡ hoàn toàn.
Bộ sưu tập Dior Men Xuân-Hè 2026 chính là lời hồi đáp mạnh mẽ, không cần ồn ào. Thay vì phô trương, Jonathan Anderson mời khán giả bước vào cuộc đối thoại thầm lặng nhưng sâu sắc với lịch sử nhà mốt. Điển hình là mẫu Tailleur Bar – biểu tượng của thời kỳ New Look – được tái sinh trong phiên bản nam tính. Không còn đệm hông đặc trưng, thiết kế mới sử dụng len Donegal vốn là chất liệu gợi nhắc đến di sản Ireland, quê hương của Jonathan Anderson. Đây tựa như một cú bắt tay đầy trân trọng giữa quá khứ và hiện tại.
Các chi tiết từ bộ sưu tập “Winged” năm 1948 của Dior cũng được Jonathan Anderson khéo léo tái hiện qua những thiết kế quần short nhiều lớp, xếp tầng hướng ra sau, gợi nhắc tinh thần cổ điển nhưng vẫn phá cách. Anh tiếp tục khai thác trang phục nam giới Pháp thế kỷ 18 và 19 với áo khoác quân đội cài cúc, vest thêu viền, áo đuôi tôm ve nhọn bằng sự phối lại đầy ngẫu hứng. Nhưng thay vì tái hiện một cách nguyên bản, Anderson chủ ý pha trộn với các món đồ thường nhật như quần short chinos, quần jeans xanh nhạt hay bốt da lộn màu nâu, tạo nên những tổ hợp trang phục mang tính đối thoại giữa xa hoa và giản dị.
Anh cũng giới thiệu loạt chi tiết đầy chất thơ: cổ áo dựng lấy cảm hứng từ họa sĩ Romaine Brooks, nơ lụa cổ điển mềm mại, cà vạt giả đeo ngược, áo sơ mi bung cúc không đeo phụ kiện, áo len khoác hờ qua vai. Những chi tiết tưởng như “vô tổ chức” này lại tạo nên một tổng thể gợi cảm hứng từ hình ảnh sinh viên Pháp sau giờ học đầy thờ ơ, bất cần.
Đặc biệt ấn tượng là loạt áo gile lấy cảm hứng từ thế kỷ 18-19, được phục dựng không theo lối hoài cổ mà mang tinh thần trẻ trung, như thể vừa được ai đó vô tình tìm thấy trong chiếc rương cũ và khoác lên người một cách tự nhiên. Chất liệu lụa moire, cúc đan vàng và hoa văn thêu tay mang đến chiều sâu thủ công cho từng thiết kế.
Là bậc thầy trong chất liệu dệt kim, Jonathan Anderson không quên phô diễn thế mạnh với những mẫu áo len cáp đơn sắc đến các thiết kế đính hoa nhỏ tinh tế. Dù xuất hiện một vài món “statement piece” như quần short Winged hay quần ống rộng, phần lớn bộ sưu tập vẫn giữ được sự dễ mặc và tính ứng dụng cao, vốn đã trở thành điều kiện tiên quyết cho thị trường xa xỉ hiện đại. Bảng màu cũng là điểm cộng lớn. Đây là một cuộc chơi sắc độ vừa dịu nhẹ vừa nổi bật với hồng pastel, xanh lá non, tím oải hương và xanh lam rực rỡ.
Trước áp lực không nhỏ của ngành thời trang xa xỉ hiện nay, Jonathan Anderson không tỏ ra nao núng. Trái lại, anh coi đó là cơ hội: “Vì điều đó cho ta tín hiệu rằng thị trường đã sẵn sàng để thay đổi. Và tôi luôn làm việc tốt nhất dưới áp lực.”
Với phong thái điềm tĩnh, sự nhạy cảm văn hóa và tư duy thẩm mỹ sắc sảo, Jonathan Anderson đã mở ra một chương mới cho Dior Men, nơi di sản không bị lặp lại mà được sống tiếp qua lăng kính của hiện tại.
_______
Bài: Bảo Quốc