Não là bộ phận quan trọng, và có nhiều thói quen tưởng chừng vô hại nhưng lại tác động mạnh mẽ đến khả năng nhận thức, ghi nhớ, tư duy của bạn. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu qua bài viết sau.
1. Tự nói xấu bản thân
Mặc dù đây không phải là hành vi bạn cố ý thực hiện mỗi ngày, nhưng việc để cho những lời chỉ trích nội tâm chiếm chỗ mà không kiểm soát được sẽ trở thành thói quen gây hại cho não bộ. Lâu dần, điều này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm lý như lo âu và trầm cảm.
Để từ bỏ thói quen này, bạn cần thời gian và sự kiên nhẫn. Điều đầu tiên là hãy nhận thức rõ nó. Khi nghe thấy những lời phán xét khắc nghiệt vang lên trong đầu, hãy ngăn lại và thay thế bằng những câu khẳng định tích cực.
2. Ở trong bóng tối quá lâu
Dù nằm lì trên giường hay dành quá nhiều thời gian trong bóng tối sẽ khiến cơ thể giảm sản xuất serotonin – chất hóa học trong não giúp điều chỉnh tâm trạng và cảm xúc.
Theo nghiên cứu từ Journal of Investigative Dermatology, việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời không chỉ ngăn chặn cảm xúc tiêu cực mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác như giảm nguy cơ đột quỵ, đau tim và phòng ngừa tiểu đường. Vì vậy, tận hưởng ánh sáng mặt trời là cách cải thiện sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
3. Tiêu thụ quá nhiều caffeine
Caffeine không hẳn là xấu. Tuy nhiên, nếu bạn uống quá nhiều — hơn hai ly cà phê hoặc hơn 400 mg caffeine mỗi ngày — nó không chỉ làm bạn dễ rơi vào trạng thái bồn chồn, lo lắng mà còn làm tăng nguy cơ mất ngủ, rối loạn lo âu, đau đầu và cholesterol cao.
Bạn nên tiêu thụ caffeine ở mức vừa phải để bảo vệ sức khỏe não bộ và duy trì trạng thái tinh thần ổn định.
4. Nghe nhạc to bằng tai nghe
Việc nghe nhạc quá to bằng tai nghe mỗi ngày có thể khiến não bộ bạn bị quá tải, làm suy giảm khả năng tập trung và chú ý trong các hoạt động khác.
Bên cạnh đó, nghe nhạc to liên tục còn có thể dẫn đến mất thính lực vĩnh viễn khi nó làm tổn thương các tế bào lông trong tai – những tế bào giúp điều chỉnh sóng âm.
Để tiếp tục tận hưởng âm nhạc mà không gây hại, hãy đầu tư tai nghe chống ồn, phát nhạc qua loa khi có thể và dành thời gian nghỉ giữa các lần sử dụng tai nghe trong ngày.
5. Tiếp nhận quá nhiều tin tức tiêu cực não
Vệc thường xuyên tiếp xúc với tin tức xấu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và cấu trúc hóa học của não bộ.
Cụ thể, nó sẽ kích hoạt phản ứng căng thẳng khiến não bộ dễ rơi vào trạng thái suy nghĩ tiêu cực và thói quen bi quan hóa mọi tình huống. Kiểu suy nghĩ này không chỉ gây lo âu và trầm cảm mà còn ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ và tương tác xã hội.
Bạn không thể hoàn toàn tránh xa tin tức, nhưng hãy giới hạn thời gian sử dụng các ứng dụng, tránh để tâm trí bị ám ảnh.
6. Ngủ quá ít hoặc quá nhiều
Theo các chuyên gia từ American Chemical Society, thiếu ngủ khiến tâm trạng và năng lượng của bạn tụt dốc, gây tổn thương đến các vùng não bộ liên quan đến trí nhớ và khả năng học hỏi.
Ngược lại, ngủ quá nhiều — trung bình hơn 9 tiếng mỗi đêm — cũng là một thói quen có hại cho não bộ. Theo nhà thần kinh học Adrian Owen từ Western University, giấc ngủ kéo dài thường xuyên có thể làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ tự nhiên, gây ra các vấn đề về tập trung, trí nhớ và tâm trạng.
Cả việc ngủ ít hay ngủ nhiều đều làm tăng nguy cơ lo âu và trầm cảm. Do đó, việc duy trì thói quen ngủ điều độ là chìa khóa giúp bạn giữ vững sức khỏe não bộ.
7. Tách biệt khỏi tương tác xã hội não
Theo một nghiên cứu từ Biopsychosocial Science and Medicine, sự cô lập xã hội có liên quan trực tiếp đến suy giảm nhận thức. Những người ít tương tác với người khác thường không kích thích các vùng não liên quan đến kết nối, giao tiếp và học hỏi.
Mặt khác, khi gặp căng thẳng hoặc rơi vào tình trạng kiệt sức tinh thần, bạn có thể cảm thấy không muốn giao tiếp. Tuy nhiên, chỉ cần những cuộc gặp gỡ nhỏ cũng có thể giúp cải thiện tâm trạng, khuyến khích bạn lấy lại sự cân bằng và cảm giác hạnh phúc.
8. Bỏ bữa sáng não
Bỏ qua bữa ăn quan trọng này không chỉ khiến bạn mệt mỏi hơn trong ngày mà còn gây ra tình trạng khó chịu, giảm khả năng tập trung và tăng mức độ căng thẳng. Tình trạng này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ, sức khỏe thể chất và tinh thần.
Để duy trì năng lượng và sức khỏe tốt, hãy tìm cách sắp xếp thời gian cho bữa sáng. Điều này có thể đơn giản như thức dậy sớm hơn một chút, chuẩn bị sẵn đồ ăn dễ mang theo khi lái xe hoặc lên kế hoạch bữa sáng từ trước.
______
Bài: Thùy Dung
Tham khảo: Your Tango