Giấm táo là một loại giấm được hình thành từ quá trình lên men táo cùng với nước và đường. Trong thời gian lên men, vi khuẩn sinh lợi phát triển và phân hủy thành axit axetic, axit citric và axit malic tạo vị và mùi thơm cho giấm. Ngoài việc gia tăng thêm hương vị thơm ngon cho món ăn hằng ngày, nước táo lên men còn được xem như một “trợ thủ đắc lực” của các nàng trong công cuộc làm đẹp và chăm sóc sức khỏe.
I. NHỮNG CÔNG DỤNG CỦA GIẤM TÁO
1. Điều chỉnh lượng đường trong máu
Giấm táo có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu và lượng insulin sau bữa ăn chứa nhiều carbohydrate. Bên cạnh đó, “cánh tay trái” đắc lực này cũng được chứng minh có khả năng cân bằng mức chất béo trung tính (còn gọi là triglyceride – cung cấp năng lượng cho quá trình trao đổi chất) và huyết sắc tố glycated có trong cơ thể giúp cải thiện sức khoẻ tim mạch.
2. Tăng cường hệ miễn dịch
Giấm táo giúp tạo môi trường thuận lợi cho sự sinh sôi và phát triển của các vi khuẩn có lợi. Hàm lượng axit malic (thành phần chính làm nên vị chua) trong táo có tính kháng vi-rút mạnh, nhằm tiêu diệt lượng lớn vi khuẩn có nguy cơ xâm nhập vào cơ thể gây nên cảm cúm. Ngoài ra, chúng còn có thể phá vỡ chất nhầy đặc giúp hạn chế tình trạng nghẹt mũi khi cơ thể bị dị ứng.
3. Thúc đẩy quá trình tiêu hóa
Hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu chính thức cho biết loại “thần dược” này hỗ trợ quá trình tiêu hoá của cơ thể. Tuy nhiên về cơ bản, tính axit (axit acetic) trong giấm táo có thể làm tăng nồng độ axit trong dạ dày, tạo ra nhiều pepsin (một loại enzyme giúp phân hủy protein). Điều này cho thấy nước táo lên men có thể có ảnh hưởng tích cực đến quá trình tiêu hóa của cơ thể.
4. Thanh lọc cơ thể
Giấm táo cũng được cho là có khả năng “thanh lọc” cơ thể. Tuy nhiên công dụng này vẫn chưa có nhiều thông tin chứng minh cụ thể. Vì vậy, một số người sử dụng giấm táo trong chế độ dinh dưỡng thanh lọc cơ thể cần được xem xét cẩn thận và không nên tự ý thực hiện khi không có sự hướng dẫn của chuyên gia y tế. Để “thanh lọc” cơ thể một cách hiệu quả và an toàn, việc duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh vẫn là yếu tố quan trọng nhất.
Lưu ý: Uống giấm táo quá nhiều lần trong ngày sẽ dễ bị đau dạ dày (vì nồng độ axit cao). Do đó, bạn nên uống vào mỗi sáng trước khi bắt đầu bữa đầu tiên trong ngày.
II. CÁCH CHĂM SÓC CƠ THỂ VỚI GIẤM TÁO
1. Giảm cân với giấm táo
Pha nước uống hàng ngày: Mỗi sáng khi thức dậy, bạn hãy uống 1 ly nước ấm pha 1 muỗng nhỏ giấm táo và 1 muỗng canh mật ong. Uống đều đặn mỗi ngày chẳng những giúp bạn giảm mỡ, duy trì cân nặng mà còn có công dụng thanh lọc chất độc, tăng cường khả năng tiêu hóa, giảm thiểu nồng độ cholesterol và lượng đường trong máu.
Lưu ý: Nếu bạn là người bị các vấn đề liên quan đến đường ruột và dạ dày thì các chuyên gia khuyến cáo bạn không nên áp dụng theo cách này. Kể cả với người có hệ tiêu hóa ổn định thì cũng chỉ nên sử dụng trong liều lượng cho phép (dưới 2 thìa giấm táo nhỏ mỗi ngày).
2. Dưỡng da
Trên thực tế, bạn có thể dùng giấm táo để làm toner dưỡng da. Pha 2 phần giấm táo nguyên chất và nước tinh khiết theo tỉ lệ 1:3, để vào chai thủy tinh sạch cất trong tủ lạnh dùng trong 2 tuần. Bạn có thể sử dụng toner này hàng ngày như một loại nước hoa hồng thiên nhiên lành tính.
3. Khắc phục hôi miệng và mùi cơ thể
Nếu hơi thở của bạn có mùi khó chịu, hãy dùng 1 muỗng cà phê giấm táo hòa chung 1 cốc nước để làm nước súc miệng. Ngoài ra, loại thực phẩm này cũng có thể hạn chế mùi cơ thể. Để loại bỏ dần mùi mồ hôi và hôi chân, bạn có thể dùng khăn ấm với một ít giấm táo lau những vùng có mùi khó chịu 1-2 lần tuần.
4. Làm sạch răng với giấm táo
Súc miệng với giấm táo vào mỗi buổi sáng là điều vô cùng có lợi. Loại thực phẩm này giúp loại bỏ vết bẩn, làm trắng răng, và tiêu diệt vi khuẩn trong miệng và nướu của bạn. Sau khi súc miệng có thể chải răng như bình thường.
______
Bài: Vân Khánh
Tham khảo: ELLE Việt Nam