Giấc ngủ có ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của mỗi người. Ngủ ngon và ngủ đủ giấc không chỉ giúp duy trì một cơ thể khoẻ mạnh mà còn khiến đầu óc minh mẫn, làm việc hiệu quả. Không cần tới sự can thiệp của y học, bạn vẫn có thể chìm vào giấc ngủ nhờ những cách ngủ ngon tự nhiên dưới đây. Mất ngủ, khó ngủ, ngủ không ngon giấc – chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng trải qua cảm giác khó chịu này. Bất kể nguyên nhân là gì, nếu bạn không giải quyết kịp thời thì tình trạng trên sẽ khiến cơ thể trở nên suy kiệt và mệt mỏi. Bài viết này, ELLE Man sẽ giới thiệu tới bạn đọc 8 cách ngủ ngon tự nhiên, dễ thực hiện.
1. Tập luyện thể dục
Tập luyện thể dục thể thao không chỉ giúp bạn có một cơ thể khoẻ mạnh mà quá trình này còn làm tăng tác dụng của các hormone giấc ngủ tự nhiên như melatonin. Không nhất thiết phải thực hiện các bài tập nặng, những hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ nhanh cũng là một cách ngủ ngon hiệu quả. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, tập luyện thể dục vào buổi sáng là lý tưởng nhất vì luồng không khí và ánh sáng đầu ngày sẽ giúp chúng ta cải thiện nhịp sinh học tự nhiên. Bên cạnh đó, việc tập luyện quá gần giờ đi ngủ có thể gây kích thích, dẫn tới rối loạn giấc ngủ.
2. Tạo không gian riêng cho giấc ngủ
Chúng ta không nên sắp xếp không gian nghỉ ngơi và làm việc ở cùng một chỗ vì điều này ảnh hưởng tới năng suất công việc cũng như chất lượng giấc ngủ. Đừng sử dụng phòng ngủ của bạn như một nơi để trả lời điện thoại và email, đó nên là không gian riêng biệt mà bạn cảm thấy thư giãn hoàn toàn, sẵn sàng cho những giấc ngủ ngon và nhiều đêm ân ái mặn nồng.
3. Tạo sự thoải mái cho không gian ngủ
Các thiết bị điện tử như tivi, máy tính hay điện thoại không phải thứ duy nhất khiến giấc ngủ của bạn bị gián đoạn. Môi trường xung quanh cũng có những tác động nhất định tới chất lượng giấc ngủ. Để tránh xa những cơn mất ngủ, bạn cần đảm bảo phòng ngủ luôn ở trong điều kiện thoải mái nhất có thể. Một phòng ngủ lý tưởng là nơi yên tĩnh, thoáng đãng và tối vừa đủ. Tất cả những yếu tố trên giúp thúc đẩy giấc ngủ đến nhanh hơn.
4. Hình thành “nghi thức” trước khi ngủ
Nếu như những câu chuyện cổ tích hàng đêm giúp trẻ em nhanh đi vào giấc ngủ thì ở độ tuổi trưởng thành, chúng ta cũng cần những nghi thức như vậy để báo hiệu cho cơ thể biết rằng đã đến giờ đi ngủ. Bạn có thể uống một ly sữa ấm hay nghe một bản nhạc du dương để thư giãn và dễ bước vào giấc ngủ.
5. Không ăn quá no
Đi ngủ với một chiếc bụng đói sẽ khiến bạn phân tâm nhưng nếu ăn quá no lại gây ra cảm giác đầy bụng, dẫn tới khó ngủ. Bạn không nên ăn một bữa lớn trước khi ngủ trong vòng 2-3 tiếng. Nếu bỗng nhiên cảm thấy quá thèm ăn, hãy ăn một bữa nhẹ, lành mạnh như bánh bánh quy hay một quả táo để thoả mãn cơn đói cho tới sáng hôm sau.
6. Hạn chế sử dụng đồ có cồn và caffeine
Một trong những cách ngủ ngon hiệu quả nhất là tránh xa các loại thực phẩm có cồn và caffeine. Nhiều người cho rằng, rượu và chocolate sẽ khiến chúng ta dễ đi vào giấc ngủ nhưng trên thực tế, hai loại thực phẩm này đều chứa caffeine – một chất gây rối loạn giấc ngủ vào ban đêm. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên ăn bất cứ thứ gì có tính axit như cam, chanh ,…hay đồ ăn cay vì chúng sẽ gây nên tình trạng ợ chua, rất có hại cho dạ dày.
7. Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng là một tác nhân kích thích các hormone chống lại giấc ngủ. Những điều bạn lo lắng vào ban ngày sẽ tiếp tục diễn ra vào ban đêm nếu bạn không thể kiểm soát suy nghĩ của mình, gây ra tình trạng lo lắng, mất ngủ. Trước khi ngủ, bạn có thể học cách thư giãn bằng các bài tập hít thở sâu. Điều này không chỉ giúp bạn giảm căng thẳng mà đây còn là một cách ngủ ngon rất hiệu quả, dễ thực hiện.
8. Kiểm tra sức khoẻ
Luôn muốn cử động chân tay, ngáy khi ngủ, hay đau rát ở cổ họng, dạ dày và lồng ngực là những triệu chứng rõ ràng nhất của hiện tượng rối loạn giấc ngủ, kéo theo hàng loạt các căn bệnh khác như trào ngược dạ dày, bệnh GERD (thoát vị khe). Nếu những triệu chứng này khiến bạn thức đêm và buồn ngủ vào ngày hôm sau, hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám và nhận được tư vấn kỹ hơn.
__
Tạp chí Phái mạnh ELLE Man
Lược dịch: Hoàng Điệp – Tham khảo nội dung: Harvard Health Publishing | Ảnh: freepik