Bệnh trầm cảm chính là kẻ nói dối, và nó sẽ không lên tiếng khi không có lời nói dối nào. Nó mang lại cho người bệnh cảm giác tội lỗi, khiến bản thân người bệnh trầm cảm cảm thấy bản thân vô giá trị hay tạo ra những áp lực và nỗi buồn đè nén lâu dài. Bệnh trầm cảm lấy đi niềm vui, hạnh phúc và người bệnh sẽ thờ ơ trước mọi sự việc diễn ra trong cuộc sống của họ.
Bệnh trầm cảm ở mỗi người mỗi khác, nhưng họ đều có một điểm chung là miễn cưỡng chấp nhận mọi sự tổn thương, nỗi buồn để không gây gánh nặng cho người khác. Những người mắc bệnh trầm cảm thường có xu hướng cảm thấy cô đơn và điều này làm cạn kiệt ý chí sống khiến họ không còn muốn đấu tranh cho bất kì thứ gì khác cả.
Thật khó để giúp đỡ những bệnh nhân trầm cảm đúng cách vì trầm cảm là một căn bệnh mãn tính với các triệu chứng vô hình và đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Một người chưa từng mắc căn bệnh này sẽ không bao giờ hiểu được nó thực sự gây đau đớn về thể xác lẫn tâm hồn của người bệnh như thế nào, nhưng bạn vẫn có thể tìm kiếm những dấu hiệu để xác định căn bệnh và giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn.
Khi ai đó bị trầm cảm, họ sẽ giấu đi những cảm xúc thật của mình đối với những người xung quanh, hay đôi khi hành động một cách vô lý. Tất cả đều xuất phát từ việc cảm thấy tội lỗi khi không thể giao tiếp với bất kỳ ai hoặc hạnh phúc vì lợi ích của người khác. Họ tạo khoảng cách cho bản thân chính họ với những người khác một cách cố ý hoặc không cố ý, và lâu dần dẫn đến sự hiểu lầm lẫn nhau trong các mối quan hệ.
Đôi khi người bệnh trầm cảm có thể tức giận mà không có lý do gì cả, hoặc dễ bị lo lắng dẫn đến kế hoạch bị hủy bỏ hay họ sẽ không còn màng tới những cuộc đi chơi cùng bạn bè, đồng nghiệp của mình. Những điều tưởng chừng như chẳng có gì to tát ấy lại khiến họ cảm thấy hoàn toàn nghiêm trọng và thường suy diễn phức tạp. Ngoài ra bệnh trầm cảm còn gây ra những tác hại về mặt thể chất khác thường mệt mỏi, uể oải hoặc rơi vào trạng thái hôn mê và khó chịu, mất ngủ hoặc thiếu ham muốn tình dục, chán ăn và không có khả năng hoạt động như bình thường, tất cả đều là những triệu chứng mà hầu hết người bệnh trầm cảm đều phải đối mặt hằng ngày.
Cuộc sống của những người bệnh trầm cảm sẽ luôn đầy rẫy những thử thách, và mỗi ngày một lớn hơn, phức tạp hơn. Điều này hiện rõ ngày qua ngày, và khiến cho người thân xung quanh – những người không hề biết về căn bệnh đó, khó chịu,và bực dọc với người bệnh.
Bài viết này của ELLE Man chỉ ra 12 điều mà bạn có thể làm để giúp cho người bệnh trầm cảm cảm thấy tốt hơn:
1. Tìm hiểu thật kỹ về bệnh trầm cảm
Có vô số tài liệu trên internet về bệnh trầm cảm kinh niên. Hãy cố gắng tìm hiểu thật kỹ về căn bệnh này, vì chỉ có như thế mới có thể giúp được người bệnh. Đừng đánh giá thấp mức độ căn bệnh nghiêm trọng của căn bệnh này nhé. Nó đang làm tiêu hao năng lượng, năng suất lao động, sự lạc quan và ý chí của người bệnh. Vì vậy sự giúp đỡ của bạn là rất cần thiết.
2. Nên biết những gì không nên nói trước người bệnh
Không bao giờ nói với ai đó đang bị trầm cảm những câu như “hãy cố gắng tự thoát khỏi/vượt qua nó” hay “bạn đang làm quá vấn đề thôi”. Bởi vì căn bệnh này cũng giống những căn bệnh hiểm nghèo khác như ung thư hay tiểu đường, không ai có thể tự mình thoát khỏi căn bệnh trầm cảm này cả, họ cần sự giúp đỡ từ bên ngoài. Ngoài ra, căn bệnh này đi kèm với sự mặc cảm, tội lỗi và khiến bản thân người bệnh trở nên vô dụng, vì thế những câu như “bạn đang làm quá vấn đề” chỉ khiến cho người bệnh càng ngày càng nặng hơn đấy!
3. Đừng giấu diếm bất cứ điều gì với người bệnh
Đừng bao giờ giấu diếm bất kỳ thứ gì đối với người bệnh, vì điều đó chả khác nào bạn đang kỳ thị người bệnh bằng cách che đậy chúng. Nếu họ đang có một ngày tồi tệ, nghĩa là họ thật sự có một ngày tồi tệ, hãy nói cho họ nghe về điều đó. Bởi vì che đậy sự thật, nó không chỉ làm họ cảm thấy bị kỳ thị mà còn tăng thêm cảm giác bất an, xấu hổ. Nhưng không có gì phải xấu hổ cả, nó chỉ là một ngày tồi tệ, không phải tồi tệ cả cuộc đời.
4. Hãy trìu mến
Đối với nhiều người, những cái ôm và tình cảm vật chất chính là điều tuyệt vời để cải thiện tâm trạng. Những người bệnh trầm cảm có thể sẽ không đáp lại tình cảm ấy bằng hành động nhưng họ sẽ chủ động ôm lấy bạn với tất cả những tình cảm sâu thẳm bên trong họ. Và điều quan trọng nhất là hãy cho họ thấy được rằng lúc nào họ cũng được yêu thương.
5. Thừa nhận và động viên
Một sự thừa nhận là điều cần thiết ngay lúc này. Ví dụ, bạn nên thẳng thắng thừa nhận với người bệnh rằng “Tôi rất tiếc về việc bạn đang có một ngày tồi tệ như vậy. Điều đó cũng làm tôi thất vọng” hoặc “Có vẻ khó nghe nhưng hãy đến đây để tôi có thể ôm bạn, động viên tinh thần cho bạn nhé!” hay “Tôi biết bạn đang thực sự kiệt sức và tôi rất tiếc. Tôi ước tôi có thể lấy nó đi ra khỏi bạn”,“Tôi sẽ làm một thứ gì đó cho bạn để ăn/Tôi sẽ chăm sóc bạn ngay bây giờ”.
6. Giao tiếp
Giao tiếp chính là chìa khóa để giải thoát cho căn bệnh trầm cảm này. Đừng nghĩ rằng chỉ chúng ta quan tâm người bệnh là đủ mà không cần phải nói điều gì cả. Ngay cả khi bạn nghĩ bạn biết mọi thứ, hãy hỏi họ về những vấn đề mà người bệnh trầm cảm đang gặp phải. Hãy hỏi về cách bạn có thể làm được để tâm trạng của họ trở nên tốt hơn.
7. Làm phân tâm người bệnh
Sau khi bạn giao tiếp và trực tiếp thừa nhận với bệnh nhân, nếu họ vẫn chưa thoát ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực, thì bạn cần phải đánh lạc hướng họ. Hãy tâm sự cho người bệnh nghe về một ngày của bạn, nói một điều gì đó vui nhộn hay xem một bộ phim hài. Hỏi về những điều họ yêu thích hay điều gì đó hài hước mà trẻ con đều thích. Lấy những chủ đề liên quan tới trẻ em cũng rất tốt, vì trẻ em sẽ mang lại sự tích cực cho tâm hồn người bệnh.
8. Tập thể dục
Tập thể dục là một cách tuyệt vời để giảm căng thẳng, trầm cảm, không chỉ mang lại năng lượng mà còn giúp cho chúng ta tránh được những rủi ro. Một cuộc đi dạo nhẹ nhàng khiến tâm trí có thể tịnh tâm là một ý kiến không tồi. Nhưng trong trường hợp người bệnh không muốn đi, hãy chấp nhận điều đó và hẹn vào một ngày khác. Đừng bắt ép những thứ mà người bệnh trầm cảm không muốn làm.
9. Hãy chú ý tới liều lượng thuốc và phương pháp chữa trị
Thuốc men và phương pháp chữa trị đóng vai trò rất lớn trong cuộc đời của chúng ta, và cả bệnh nhân trầm cảm. Nếu người bệnh nói rằng hãy sẽ sử dụng một vài phương pháp trị liệu, hãy chắc chắn rằng họ có thể làm điều đó một mình hoặc nếu họ cần sự giúp đỡ, hãy “nắm lấy cánh tay” của họ khi cần.
Tương tự với thuốc men, bạn nên kiểm tra một cách thận trọng xem họ đã uống thuốc hay chưa. Đây không chỉ thể hiện sự quan tâm của bạn đối với người bệnh mà còn chắc chắn rằng căn bệnh này đang được “đẩy lùi”.
Nếu bệnh tình không khuyên giảm mặc dù đã uống thuốc đầy đủ, hãy thử hỏi về việc đổi một liều thuốc khác. Và sau đó gọi cho bác sĩ tâm lý để đặt một cuộc hẹn tái khám sau đó.
10. Hãy kiên nhẫn
Hãy nhớ rằng cho dù bệnh trầm cảm đang được khắc phục, nhưng không có nghĩa họ không còn trải qua những ngày tồi tệ. Đó không phải lỗi của bất kỳ ai cả, chỉ là nó xảy ra một cách tự nhiên mà thôi. Hãy kiên nhẫn ở bên cạnh và giúp họ cảm thấy tốt hơn cho đến khi vượt qua được.
Và cho dù ngày đó họ có một tâm trạng tốt, nhưng họ cũng phải đối mặt với việc sắp xếp thời gian cho giấc ngủ của mình, những hoạt động thể dục hay những mối quan hệ và nhiều thứ khác có thể khiến tâm trạng họ đi xuống. Hãy nhớ rằng, dù bạn có đang bị trầm cảm hay không thì vẫn sẽ có những ngày bạn trải qua những vấn đề tồi tệ, và điều quan trọng là hãy kiên nhẫn vượt qua. Dù bệnh trầm cảm là một phần của bệnh nhân, nhưng không có nghĩa đó chính là con người họ. Đó chỉ là vấn đề họ đang gặp, chứ không phải là tính cách của người đó.
11. Chăm sóc chính bản thân mình
Đừng quên chăm sóc bản thân mình nữa nhé. Cho dù bạn đang phải chăm sóc một người bệnh, và điều đó không phải dễ dàng gì nhưng hãy chắc chắn rằng điều đó không đánh gục được bạn. Chính bản thân bạn cũng quan trọng không kém.
Bạn cần phải chú ý vào chế độ ăn uống và sinh hoạt của mình, đặt nhu cầu của mình bên cạnh nhu cầu của người bệnh, không ai quan trọng hơn và cũng không ai kém quan trọng cả. Đôi lúc hãy dành cho bản thân mình một sự nghỉ ngơi hợp lý, nạp lại năng lượng cho mình để giúp cả hai cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Mọi người đều biết, để giúp một người bệnh trầm cảm vượt qua khó khăn cần rất nhiều công sức, kiên nhẫn và từ bi. Nhưng bản thân chúng ta cũng cần những điều đó. Trầm cảm là một khía cạnh rất thực tế đối với cuộc sống của một số người nhưng rất nhiều cặp vợ chồng đã đối phó với nó rất tốt, và bạn cũng có thể. ELLE Man chúc bạn và người thân của mình có thể vượt qua căn bệnh này.
Xem thêm:
Đàn ông cũng bị bệnh trầm cảm sau khi có con?
11 dấu hiệu bệnh trầm cảm thường thấy ở nam giới
—
Bài: Hami Trần (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man. Tham khảo: Askmen)