Sức khỏe 17/07/2019

6 lưu ý vàng cho những người chuẩn bị tập bơi

Bài ELLE Team

Một cơ thể "chuẩn không phải chỉnh" luôn là ao ước của nhiều người, đặc biệt là trong mùa Hè du lịch. Vậy để đạt được điều đó, ngoại trừ vào phòng gym và các bài street workout ngoài công viên, sao bạn không thử với bơi lội, một trong những môn thể thao giúp tạo dựng phom dáng rất hiệu quả. Trong bài viết lần này, ELLE Man sẽ chuẩn bị những lưu ý cần biết cho những ai mới bắt đầu tập bơi.

Bơi lội – nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, không phải kiểu “tôi sẽ cố nổi lên bề mặt nước trên một cái phao và uống một chút bia”, mà nó sẽ là một bài tập cardio hiệu quả vì nó có khả năng đốt cháy nhiều hơn 700 calo một giờ nếu thực hiện nghiêm túc.

Chắc hẳn đến đây đã khơi dậy lòng mong muốn chinh phục bộ môn này, nhưng bạn lại chưa biết bắt đầu như thế nào? Hãy để ELLE Man đưa ra sáu lưu ý vàng từ các chuyên gia mà bạn cần phải biết khi mới chuẩn bị tập bơi để có một cơ thể thật sẵn sàng cho cả mùa Hè sôi động nhé!

1. Hoàn toàn ổn nếu bạn cảm thấy nản chí giữa chừng

Bơi lội là một môn thể thao đòi hỏi tương đối nhiều kỹ thuật, từ điều hòa nhịp thở cho đến kỹ thuật bơi. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc có tập luyện hiệu quả hay không. Lance Watson, huấn luyện viên ba môn phối hơp huân chương vàng Olympic được vinh danh tại Ironman Hall of Fame, chia sẻ: “Ngay cả các vận động viên bộ môn điền kinh hay đua xe đạp vốn đã trong tình trạng tốt cũng cảm thấy khá khó khăn khi mới bắt đầu luyện tập bơi. Cho nên đừng thất vọng khi bơi chưa được nửa hồ mà đã cảm thấy đuối .

2. Tập làm quen với mũ bơi

Tập bơi ELLE Man chàng trai đội kính bơi và mũ bơi
Ảnh: Unsplash

Kình ngư Michael Phelps từng ví vui chiếc mũ bơi như…. “bao cao su cho đầu”, và chia sẻ rằng mũ bơi là thứ gần như không thể thiếu trong bộ môn này, nhất là những người mới tập bơi. Những chiếc mũ bơi sẽ làm tốt công việc bảo vệ cho mái tóc của chúng ta khỏi tác hại của chất clo, ổn định chúng và giúp giảm lực cản của nước. Nhiều dân nhà nghề thậm chí còn mang hai chiếc mũ bơi cùng một lúc: chiếc mũ thứ nhất sẽ giúp giữ mọi thứ đúng vị trí, trong khi cái còn lại được đội bên trên phần kính bơi nhằm giúp bạn có một chuyến đi bơi thoải mái và thuận tiện.

3. Hít thở sâu

Khi chúng ta luyện tập trên cạn, chúng ta có xu hướng ít chú ý đến nhịp thở. Vì khi chúng ta thực hiện một động tác mạnh nào đó, nhịp thở của chúng ta sẽ theo đó mà tăng dần cường độ. Tuy nhiên, đối với các bài tập bơi, chúng ta cần phải cố gắng trong việc điều khiển nhịp thở của mình.

Watson chia sẻ rằng hầu hết những người mới bắt đầu tập bơi đều cố nịn thở khi bắt đầu chìm xuống nước, và sau đó vươn lên một cách nhanh chóng để thở ra và hít vào. Điều này chỉ tạo ra sự tích tụ khí CO2 trong phổi và máu. Để quen với việc ở dưới nước, hãy thực hành trước trên bờ, và trong khi mô phỏng động tác tay trong kiểu bơi tự do, tập trung vào nhịp thở của mình khi úp mặt sang một bên, và nhịp thở ra khi úp mặt xuống.

Ngay khi cảm thấy ổn với động tác xoay đầu, bạn nên bắt đầu xuống nước. Ngay sau khi hít một hơi đầy, từ từ thở ra bằng mũi và miệng. Sau đó, khi chuẩn bị lấy hơi, phổi bạn sẽ được làm trống từ từ để sẵn sàng hít lại. Giống như nhịp thở của bạn khi chạy bộ hoặc đạp xe, hãy cố gắng điều hòa nhịp thở của mình: đối với các bài tập bơi từ nhẹ đến vừa phải thì cứ khoảng ba động tác tay một lần, và mỗi động tác tay một lần đối với các bài tập bơi yêu cầu cao.

4. Các dụng cụ hỗ trợ khi tập bơi: Không chỉ trẻ con mới sử dụng

Vận động viên ba môn phối hợp Linsey Corbin cũng chia sẻ rằng sẽ rất có ích cho quá trình tập luyện nếu bạn kết hợp các dụng cụ hỗ trợ như phao kéo (pull buoy), tay quạt tập bơi (paddle), kickboard, vây tập bơi (fin), và ống thở (snorkel). Cô cũng gợi ý sử dụng chúng cho việc huấn luyện đặc thù ở từng khu vực, ví dụ như bạn có thể dùng kickboard để nổi trên mặt nước trong khi dùng chân để băng qua bể bơi.

đàn ông và hồ bơi Ảnh: kylejglenn/unsplash
Ảnh: kylejglenn/unsplash

5. Bơi theo vòng, bạn sai rồi!

Hãy tập bơi theo set thay vì theo “vòng.” Watson gợi ý thực hiện bài tập bợi với các set 5×100, 4×100, 3×100, 2×100 và cuối cùng 100. Điều này có nghĩa là năm lần bơi 100 mét không gián đoạn với một nhịp nghỉ sau đó, rồi tiếp tục với các set còn lại cho đến hết.

Mọi thứ dần trở nên phức tạp khi thêm các tính từ theo sau. Ví dụ, chế độ tập luyện “giảm dần” của Watson là bơi với tốc độ bình thường ở set 5×100, sau đó tăng dần tốc độ về các set sau và bơi nước rút ở set cuối cùng. Hay đối với chế độ tập luyện “tăng dần,” bắt đầu với tốc độ nhanh nhất có thể, và sau đó giảm dần ở các set sau.

Chuỗi

6. Kiên trì chính là chìa khóa

Có thể khẳng định, bơi lội chưa bao giờ là một môn thể thao dễ dàng. Ngay cả những vận động viên chuyên nghiệp cũng đã phải dành cả một phần cuộc đời để luyện tập, luyện tập và luyện tập thì mới đạt được những thành tích nhất định. Cho nên đừng nản chí nếu bạn chỉ mới bắt đầu tập bơi.
Tập bơi ELLE Man Just keep swimming
Ảnh: Amazon

Corbin chia sẻ, trong bộ phim Finding Nemo, có câu nói “Cứ bơi đi! (Keep swimming!), và tinh thần này từ bộ phim rất đáng để chúng ta học hỏi. Bạn càng luyện tập bơi nhiều thì bạn sẽ cảm thấy mình tốt lên từng ngày. Hãy tận hưởng, tập luyện thường xuyên, và cố gắng duy trì chế độ luyện tập để thấy được kết quả rõ ràng. Kết quả ở đây chính là cơ bắp trở nên săn chắc, cơ thể thon gọn, và nhìn chung là nâng cao sức khỏe!

Những kết quả trên hoàn toàn xứng đáng để vượt qua nỗi sợ hãi mang tính thời trang với chiếc mũ bơi đấy! Vậy còn chờ chi nữa, hãy bắt đầu ngay chế độ luyện tập bơi lội của bạn đi nào!

Xem thêm:

Những lợi ích của bơi lội bạn nên biết

Chế độ tập luyện & dinh dưỡng Michael Phelps qua các kỳ Olympic

Bài viết: Mika (Tạp chí Phái Mạnh ELLE Man. Nguồn tham khảo: GQ)
No more