Nếu bạn từng xem vài đoạn video nói về Parkour, chắc hẳn bạn sẽ phải thốt lên: Môn thể thao này “cool” quá. Nhưng rồi bạn đắn đo: Trông hệt trò chơi mạo hiểm, không biết mình tập được không? Câu trả lời là: Hãy thử tập đi, Parkour dễ gây nghiện lắm đấy.
Đôi nét về Parkour
“Parkour” bắt nguồn từ “parcours du combattant”, một phương pháp vượt chướng ngại vật cổ điển trong quân đội do Georges Hebert đề xuất. Raymond Belle sử dụng thuật ngữ “le parcours” để tổng kết quá trình luyện tập của mình, bao gồm các bài chạy, nhảy, giữ thăng bằng. David, người con trai của ông, tiếp tục kế thừa di sản cha mình để lại và trở thành một cascader có tiếng. Nhờ lời tư vấn của người bạn, Daivd đổi tên bộ môn từ “parcours” sang “parkour” vì như thế nghe mạnh mẽ hơn.
Parkour ngày nay thường kết hợp với một số phương pháp luyện tập khác để đem tới kết quả tốt nhất nhưng về cơ bản, nó không khác Parkour ngày xưa là mấy. Mục đích sau cùng của bạn vẫn là vượt qua bất kỳ chướng ngại vật nào bằng cách tận dụng động tác cơ thể và môi trường xung quanh.
Xét rộng hơn, Parkour không chỉ là môn thể thao đơn thuần. Ẩn chứa trong nó là cả một nghệ thuật sống. Những khó khăn bạn gặp phải trong công việc hay trong mối quan hệ với mọi người xung quanh cũng như các rào cản của môn Parkour. Hãy bình tĩnh tìm ra cách thức hiệu quả nhất để vượt qua chúng.
Parkour giúp ích gì cho bạn
Trước hết, Parkour đem đến những lợi ích to lớn về sức khỏe. Việc chạy nhảy và leo trèo đòi hỏi sự tham gia vận động của toàn bộ các nhóm cơ trên cơ thể. Có thể xem Parkour như một chương trình luyện tập toàn thân, đảm bảo cơ thể bạn phát triển một cách toàn diện nhất. Parkour đặc biệt chú trọng nhóm cơ bụng, vốn được xem như trung tâm cơ thể. Thông qua quá trình luyện tập Parkour lâu dài, bạn sẽ ngăn ngừa chứng đau lưng về sau. Không những thế, Parkour còn giúp bạn đối phó với các vấn đề liên quan tới xương.
Độ bền, sức dẻo, tốc độ, khả năng phản xạ cũng được đảm bảo trong Parkour. Những yếu tố này thường bị xem nhẹ trong bộ môn thể hình. Những ai chỉ thích tập thể hình cũng có thể bổ sung Parkour vào chương trình luyện tập hằng ngày để cải thiện các yếu tố trên.
Ngoài ra, nhờ Parkour, bạn sẽ đạt được khả năng tư duy nhanh nhạy và sáng tạo. Parkour đỉnh cao đòi hỏi bạn phải chạy qua rào cản không ngừng nghỉ và nếu cái đầu bạn không đi trước đôi chân một bước, bạn sẽ té rất rất đau. Bất ngờ hơn nữa, theo kết quả cuộc nghiên cứu ở Mỹ, tỷ lệ phạm tội của nhóm tuổi 8-19 giảm 69% khi tiếp xúc với môn Parkour. Nghiên cứu chỉ ra Parkour khiến người trẻ biết phân phối năng lượng và thời gian tốt hơn, tự tin giao tiếp với người khác hơn.
Sau cùng, Parkour dành cho mọi người. Bạn thấy đấy, qua lăng kính truyền thông, Parkour là bộ môn nhào lộn từ đầu tới cuối. Thật ra, Parkour rất đơn giản và bạn không cần những phương tiện cồng kềnh hay thể lực siêu nhân để thực hiện.
Nhập môn Parkour
Tìm bạn đồng hành: Parkour du nhập vào Việt Nam một khoảng thời gian tương đối dài. Hiện đã có rất nhiều nhóm tập Parkour được thành lập tại các công viên. Bạn nên tham gia một nhóm gần nhà hoặc rủ ai đó cùng tập chung. Việc tập nhóm rất quan trọng trong Parkour, vì Parkour không hề có công thức cố định. Nếu chỉ là tay mơ, bạn sẽ rất dễ bị lạc lối trong mê cung Parkour. Có người đi trước nhiều kinh nghiệm hướng dẫn giúp bạn định hướng chương trình luyện tập của mình.
– Dục tốc bất đạt: Đừng để những màn nhào lộn trên Youtube làm bạn lóa mắt. David Belly, người phổ biến môn Parkour, cho rằng những màn nhào lộn trên chỉ mang tính biểu diễn và không thực sự cần thiết. Theo ông, cốt lõi Parkour chính là sự giản đơn. Dù vậy, David Belly không hề phản đối chuyện này. Ông nghĩ nó cũng khá thú vị và sáng tạo. Phần bạn, hãy tập những bài cơ bản cho vững. Tập vững rồi mới nên tính chuyện xa hơn. (Về những pha nhào lộn, có người cho rằng nó không thuộc về parkour mà thuộc về freerunning. Vấn đề này vẫn còn đang tranh cãi)
– Tôn trọng tài sản riêng: Công viên hay những tòa nhà cao tầng ở trung tâm thành phố là nơi lý tưởng của Parkour. Đừng tập ở nơi nhiều nhà dân, vì bạn sẽ gây ra thiệt hại về tài sản và trở thành kẻ quấy rối trong mắt người xung quanh. Thực tế, không phải ai cũng biết Parkour và không phải ai cũng thích bạn đi sầm sập trên mái nhà của họ, bạn nhé!
Một số lưu ý:
1/ Giữ thăng bằng: Đây là kỹ năng tối cần thiết của Parkour. Bạn sẽ thường xuyên bước đi trên những bề mặt có diện tích tiếp xúc nhỏ như mép tường chẳng hạn. Sẩy chân một cái là bạn sẽ phải gõ “Game Over”. Bạn có thể tập Slackline (Đi thăng bằng trên dây) để cải thiện khả năng giữ thăng bằng.
2/ Tic-tac: Đây là kỹ năng rất thường thấy trong những bộ phim hành động. Bạn có những phân cảnh mà nhân vật bị dồn về phía chân tường không? Anh ta sẽ đạp chân vào tường và thực hiện cú lộn ngược nhằm thoát khỏi sự vây ép. Một động tác tuyệt vời phải không? Nhưng bạn không cần phải giống như anh ta. Điều bạn cần nắm bắt là: Để leo tới độ cao cao hơn so với tầm với của bạn, bạn có thể đặt một chân lên tường. Lúc này, cái chân đó sẽ trở thành điểm tựa để bạn bật cao hơn. Hãy tập động tác này với cái cây bất kỳ nào trong công viên.
3/ Lộn vòng sau khi tiếp đất hai chân: Khi bạn nhảy từ nơi cao hơn xuống nơi thấp hơn, điều đầu tiên nên nhớ là tiếp đất bằng hai chân và hơi khuỵu gối để giảm áp lực lên các khớp cơ. Người hơi chúi về phía trước, vì khi hai chân chạm đất thì hai tay phân tán lực khắp cơ thể. Lúc này, theo quán tính, bạn sẽ ngã phía trước thì hãy làm một cú lộn vòng nhằm tránh chấn thương.
4/ Leo tường: Đây là kỹ thuật cực khó trong Parkour vì tường là mặt phẳng hoàn toàn, không có mấu bám. Một trong những bài tập bổ trợ là leo núi nhân tạo. Núi nhân tạo có độ dốc vừa phải và những mấu bám sẽ giúp bạn leo cao hơn. Ngoài ra, bạn còn được đảm bảo an toàn bởi các phương tiện bảo hộ. Khác với Parkour, cơ thể bạn là phương tiện duy nhất. Và đừng quên luật bất thành văn của Parkour: Đừng trèo cao mức mà bạn không thể nhảy xuống.
__________
Theo Tấn Phúc / Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE