Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, có thể bạn sẽ cần phải chậm lại một chút và chăm sóc bản thân cho đến khi cảm thấy tốt hơn. Bảo vệ sức khỏe là ưu tiên hàng đầu, nên dù động lực tập thể dục của bạn cao đến đâu đi nữa, hãy lắng nghe tín hiệu mà cơ thể của bạn đang gửi đến.
1. Hướng dẫn tập thể dục cho nhóm bệnh “phía trên cổ”
Bệnh “phía trên cổ” là nhóm bệnh có thể hiện triệu chứng từ cổ trở lên như sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng, hay bất cứ triệu chứng nào khác ở phía trên cổ.
Với nhóm bệnh nạy, bạn vẫn có thể luyện tập thể dục, miễn đủ năng lượng và không bị sốt cao. Sử dụng thuốc cảm lạnh không gây buồn ngủ để giảm bớt các triệu chứng và làm thông mũi. Nếu có thể trạng tốt, nhiều khả năng là bạn sẽ phục hồi còn nhanh hơn những người ít vận động. Duy trì hoạt động cũng có lợi cho hệ thống miễn dịch, vì vậy, tập luyện nhẹ nhàng khi bị ốm thậm chí còn có thể tăng tốc quá trình chữa bệnh.
Lưu ý, bệnh cảm dễ trở nên trầm trọng nếu nhiệt độ không gian quá lạnh. Do đó, bạn cần suy xét có nên đi tập hay không. Nếu có thì hãy tránh xa những khu vực gần với điều hoà. Bên cạnh đó, bệnh cảm lạnh rất dễ lây lan qua mồ hôi, nên hãy cẩn thận nếu bạn quyết định đến phòng tập. Đảm bảo lau sạch máy sau khi sử dụng, tránh hắt hơi trực tiếp vào không khí và rửa tay thường xuyên để bảo vệ sức khỏe của những người xung quanh.
Nếu trong quá trình tập luyện, bạn bắt đầu cảm thấy cơ thể tệ hơn (xuống sức, nhanh mệt, lạnh hoặc sốt hơn) thì nên kết thúc buổi tập ngay. Dành thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục trước khi tập thể dục lại. Hãy bắt đầu từ từ và trở lại cường độ luyện tập bình thường sau 3-4 ngày tập nhẹ nhàng. Nếu bạn vận động nhiều quá sớm, hệ thống miễn dịch sẽ bị ức chế và tốn nhiều thời gian phục hồi hơn.
2. Hướng dẫn tập cho nhóm bệnh “phía dưới cổ”
Khác với nhóm trên, nhóm bệnh này nghiêm trọng hơn như: ho, mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, khó thở, khó chịu ở ngực, đau nhức ở các bộ phận khác nhau của cơ thể.
Đây có thể là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng hơn như cúm hoặc virus dạ dày. Vì vậy, lời khuyên lúc này là bạn nên nghỉ tập luyện và tìm đến bác sĩ để được chăm sóc phù hợp.
Nếu cứ cố tập thể dục trong khi cơ thể đang chống chọi lại căn bệnh, bạn có thể làm tình trạng của mình trở nên trầm trọng hơn, gây mất nước, chóng mặt, vấn đề hô hấp, thậm chí là ngất xỉu.
Khi bị cúm hoặc có các triệu chứng trên, hẳn là cơ thể bạn sẽ nói không với chuyện tập thể dục, vậy tại sao phải ép buộc bản thân? Hãy nghỉ ngơi nhiều nhất có thể để hệ thống miễn dịch có thời gian để phục hồi. Uống nhiều nước, sử dụng thuốc theo toa và tránh rượu bia.
3. Sốt và cúm
Sốt có thể đi kèm với bất kì triệu chứng nào ở trên, và trong mọi trường hợp, bạn nên dừng việc tập luyện và điều trị ngay để tránh các biến chứng nặng hơn. Mặc dù xảy ra không nhiều, nhưng sốt có thể làm tăng nguy cơ viêm cơ tim, gây rối loạn chức năng tim và đột tử.
Các triệu chứng bệnh cúm có thể tồn tại đến ba tuần. Nếu có dấu hiệu sốt, bạn nên nghỉ ngơi và làm mọi thứ để hạ sốt. Ngay cả sau khi cơn sốt biến mất, các triệu chứng sẽ cần 3-5 ngày để giảm bớt.
Tuy triệu chứng cúm có thể đã giảm bớt, cơ thể bạn vẫn đang chiến đấu với virus. Vì vậy, hãy tập luyện đơn giản và vừa sức mình. Bạn có thể chậm tiến độ một chút, mất cơ bắp và sức mạnh một chút, nhưng sẽ chỉ mất vài buổi tập để bắt kịp thôi. Để bảo vệ sức khỏe, đừng cố gắng quá sức, bạn có thể bị bệnh lâu hơn đấy.
4. Có nên tập thể dục khi bị những bệnh liên quan đến dạ dày
Khi bị những triệu chứng bệnh liên quan đến tiêu hoá hay viêm dạ dày thì lời khuyên là hãy bỏ tập đến khi cơ thể khoẻ hơn. Norovirus là nguồn gốc phổ biến nhất của viêm dạ dày. Chúng gây ra chứng đau bụng, nôn mửa và mất nước. Dấu hiệu để nhận biết bạn đang bị mất nước là khát nước liên tục, chóng mặt, nhức đầu, nước tiểu màu vàng đậm và lượng nước tiểu giảm.
Nếu các triệu chứng không nghiêm trọng và bạn cảm thấy đủ khỏe để tập luyện thì hãy nhớ đảm bảo tăng gấp ba lượng nước uống cũng như tập luyện vừa sức tại nhà thôi nhé.
5. Dị ứng theo mùa
Dị ứng theo mùa đôi khi có triệu chứng giống như tất cả các bệnh ở trên. Nếu như triệu chứng không nặng và bạn bị dị ứng hằng năm thì khả năng cao bạn sẽ phân biệt được nhờ biểu hiện đặc trưng của mình.
Nói chung, ra mồ hôi có thể hữu ích với việc cải thiện các triệu chứng dị ứng nhẹ. Tập thể dục cũng tạo điều kiện cho việc hô hấp tốt hơn. Nếu bạn bị dị ứng phấn hoa hay thời tiết đang lạnh, tốt nhất là bạn nên tập luyện ở nhà. Nhưng nếu phải ra ngoài vận động, bạn có thể che mũi và miệng bằng khăn quàng cổ để ngăn chặn phấn hoa và không khí lạnh.
6. Kết luận
Cơ thể luôn giao tiếp với chúng ta nếu nó đang phải chống chọi với khó khăn. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, hãy lắng nghe các tín hiệu của cơ thể và có sự thay đổi phù hợp. Đôi khi, bạn có thể luyện tập quá sức mà không nhận ra những hao mòn mà bản thân đang tự gây ra cho cơ thể. Thể lực là điều rất quan trọng, nhưng sức khỏe luôn cần được chăm sóc trước tiên.
__
Tạp chí Phái mạnh ELLE Man
Tham khảo nội dung: nextluxury