Ảnh hưởng quan trọng từ các Rappers đến thời trang đường phố
Trong thế giới giải trí và thời trang, nhất là bối cảnh thời trang đường phố đang rất mạnh mẽ như hiện nay, sức ảnh hưởng của văn hóa Hip-hop là không thể phủ nhận. Các “thi sĩ” đường phố như A$AP Rocky hay Kanye West ngày nay không chỉ sáng tác mà còn đóng phần quan trọng cho các thương hiệu. Từ đơn giản là mặc đồ thiết kế, xuất hiện trên các chiến dịch quảng cáo, đưa thương hiệu vào bài hát cho đến thiết kế thời trang, sự góp mặt của các rappers là chiến lược để các nhãn hàng gây ấn tượng với đám đông một cách hữu hiệu.
Hiện tượng của Supreme và Off-White
Sự “xâm lăng” của thời trang đường phố vào địa hạt thời trang xa xỉ đạt đến cao trào khi thương hiệu hàng đầu thế giới Louis Vuitton thừa nhận sức ảnh hưởng của thời trang đường phố. Phép thử thành công ngoài sức mong đợi với Supreme là bước đệm để “streetwear hóa” thương hiệu, đưa ông hoàng thời trang đường phố Virgil Abloh đến chiếc ghế Giám đốc sáng tạo cho dòng thời trang nam của Louis Vuitton.
Làn sóng từ khối Đông Âu
Không thể không nói về các NTK gốc Đông Âu khi nói về streetwear. Với “đặc sản” thẩm mỹ hậu Soviet, họ đã đem đến một thứ thời trang vừa lạ vừa quen, trong đó phải kể đến sự tái sinh xu hướng khoe logo, ăn mặc theo phong cách “Skinhead” và quần áo vintage. Demna Gvasalia và Gosha Rubchinskiy được xem là hai nhân vật xuất chúng và đáng chú ý nhất trên bản đồ thời trang thế giới.
Nhiều sneakers hơn
Không gì có thể đại diện cho thời trang đường phố một cách đầy đủ hơn một đôi giày sneakers. Nổi bật nhất vẫn là hai ông lớn Nike và adidas với những dòng giày kinh điển như Air Max, Stan Smith. Ngoài những hợp đồng cộng tác dài hạn lên đến 10 năm như Y-3 của adidas, cứ mỗi năm lại có trên dưới 10 cuộc bắt tay giữa nhà sản xuất sneakers với nhiều thương hiệu hay NTK nổi tiếng nhằm đem lại sự mới mẻ cho streetwear cùng với nguồn lợi nhuận khủng.
Người dẫn đầu
Dân chơi đồ hiệu theo phong cách streetwear không còn xa lạ với những tên tuổi gạo cội đình đám: Yohji Yamamoto, Raf Simons, Rick Owens và Kim Jones. Mỗi người một phong cách và tạo dựng tôn giáo riêng nhưng vẫn luôn có sự ủng hộ từ những người hâm mộ trung thành. Không những vậy, họ còn là những người tiên phong và tạo cảm hứng trong thời trang.
Một số thuật ngữ cơ bản của thời trang đường phố:
HYPE: Là chiến lược marketing khéo léo của các thương hiệu để đưa streetwear đến với đại chúng, thông qua truyền thông, mạng xã hội và những nhân vật ảnh hưởng trên mạng xã hội.
DROP: Động từ ám chỉ một sản phẩm hay một BST nhỏ sắp sửa ra mắt. Ngoài ra đó còn là từ trái nghĩa với “COP” (chộp lấy), có nghĩa là từ bỏ một sản phẩm nào đó, thông thường là giày sneakers.
OG: Là từ viết tắt của “Original Gangster” (tạm dịch: Giang hồ gốc) nhưng ngày nay mang ý nghĩa tắt của tính nguyên bản của một thiết kế hay một nhân vật nổi tiếng.
Xem thêm:
Thời trang đường phố: Xu hướng, hiện tượng hay cả hai?
Liệu xu hướng giày thể thao đang trên bờ vực thoái trào?
Thời trang đường phố Việt Nam – Liệu cuộc chơi đã có bản sắc?
—
Tạp chí Phái mạnh ELLE Man
Bài: Hoàng Lê – Ảnh minh họa: Nguyên Trần