Tạp chí 24/09/2020

Hoaprox – Nhất quán trong những khía cạnh đối lập

Bài Tri Duc

Hoaprox (Nguyễn Thái Hòa) chỉ mới 23 tuổi nhưng đã tạo được nhiều dấu ấn với vô số thành tích trong làng nhạc EDM Việt Nam và thế giới. Ngoài đời, Hòa trẻ và nhỏ con hơn trên ảnh. Khi được phỏng vấn, Hòa trả lời từ tốn, gãy gọn, đi thẳng vào vấn đề một cách thẳng thắn với những suy nghĩ chín chắn, trưởng thành. Dù là một DJ/producer từng khuấy động những sân khấu EDM lớn nhất thế giới, ngồi trước mặt tôi lại là một chàng trai bình thản và tĩnh lặng. Tất cả tạo nên một nghệ sĩ thú vị với những sắc thái đối lập, những khía cạnh tưởng chừng mâu thuẫn nhưng lại nhất quán đến không ngờ.

Đại dịch lần này ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của Hòa?

Trước kia, hoạt động của tôi chủ yếu là biểu diễn tại các sự kiện ngoài trời. Vì dịch bệnh nên suốt một năm nay, tôi tập trung vào làm nhạc và cải thiện kỹ năng của mình. Các kế hoạch vốn dàn trải nguyên một năm sẽ phải dồn vào cuối năm. Ngoài một sản phẩm ra mắt vào cuối tháng này, sẽ còn ít nhất hai sản phẩm nữa được phát hành, tập trung vào thị trường Việt Nam nhiều hơn.

Trang phục THE KOOPLES, Trang sức ODJECTS

Hòa nói một chút về dự án sắp tới nhé.

Đây là sản phẩm kết hợp với một số người bạn nước ngoài mà tôi tình cờ quen qua mạng: Erik Smaaland, người đứng sau bản hit Alone Pt.II của Alan Walker; Nick Strand, thành viên nhóm nhạc Seeb từng đoạt giải Grammy Na Uy và một người từng đạt nhiều chứng nhận bạch kim về doanh số bán đĩa. Đây là sản phẩm có nhiều người cùng làm nhất mà tôi từng tham gia. Ban đầu tôi cũng sợ chín người thì mười ý. Nhưng may mắn là tầm nhìn về cách làm nhạc của chúng tôi khá tương đồng nên sản phẩm hoàn thành cũng rất nhanh. Tất cả chúng tôi đều đồng sản xuất âm nhạc, tuy nhiên, công ty của tôi phụ trách luôn việc sản xuất MV.

Với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tài năng và được đầu tư về mặt hình ảnh, Hòa nghĩ sản phẩm lần này sẽ bùng nổ chứ?

Gọi đó là mong muốn thì đúng hơn. Đây là sản phẩm tôi đầu tư cả chất xám và ý tưởng nên chắc chắn kỳ vọng sẽ nhiều. Sự chuẩn bị cũng kỹ càng hơn nên chúng tôi tin là nó sẽ phải bùng nổ hơn các sản phẩm trước. Tuy nhiên, đối với bản thân tôi, những con số về lượt nghe, lượt xem không phản ánh nhiều giá trị của tác phẩm. Mỗi sản phẩm nghệ thuật chỉ cần để lại điều gì đó trong lòng một lượng khán giả nhất định, họ yêu thích và cảm nhận được điều mình truyền tải thì đó cũng là thành công của tôi rồi.

Sau dự án này, Hòa học hỏi được những gì khi làm việc trong môi trường quốc tế hóa và cộng tác với những tên tuổi lớn?

Đó là cách làm việc nhóm. Như tôi đã nói, trước đây tôi chưa bao giờ làm việc với nhiều nghệ sĩ trong một sản phẩm như vậy. Nhưng những người bạn nước ngoài có lẽ đã làm việc này rất nhiều lần rồi nên quy trình của họ rất bài bản. Họ biết cần phải làm gì để tất cả phối hợp ăn ý với nhau. Để làm được điều này, bên cạnh việc thống nhất ý tưởng ngay từ đầu, chúng tôi cũng phải tự tìm hiểu màu sắc âm nhạc của nhau.

Touliver

Hòa từng nói rằng màu sắc âm nhạc riêng biệt chính là điều khiến các nhà sản xuất âm nhạc quốc tế chú ý đến bạn. Bạn có thể tóm gọn màu sắc âm nhạc của mình trong 3 yếu tố không?

Đầu tiên là yếu tố bắt tai. Thứ hai là cảm xúc. Thứ ba, tôi tạm gọi là “yếu tố Hoaprox”. Chính bản thân tôi cũng không thể tự giải thích nó là cái gì. Có lẽ đó là cách mà giai điệu chảy trong con người tôi. Nó được hình thành trong quá trình mày mò làm nhạc và dần dần tự tạo ra phản xạ riêng.

Tinh thần và văn hóa Việt Nam có phải là yếu tố đặc trưng trong sản phẩm âm nhạc của bạn?

Thật ra, chất liệu âm nhạc Việt Nam không phải là yếu tố chính mà tôi tập trung đưa vào sản phẩm để mang ra nước ngoài. Yếu tố Việt Nam mà tôi muốn đem đến cho bạn bè quốc tế chính là bản thân con người tôi, câu chuyện của tôi, âm nhạc của tôi. Song song đó, tôi lồng ghép các yếu tố truyền thống và đương đại vào để mọi người biết rằng tôi không quên cội nguồn của mình. Tôi không muốn gò bó mình là một nghệ sĩ luôn mang âm nhạc Việt Nam ra nước ngoài. Tôi vẫn chỉ là một người chơi nhạc điện tử bình thường, không phải vì sắc tộc của mình mà làm ảnh hưởng đến cảm giác nghe của mọi người.

Hoàng

Thành công khi còn quá trẻ có tạo nên áp lực hay trở ngại nào cho bạn không?

Áp lực thì không hẳn nhưng khó khăn thì nhiều. Khi còn trẻ, tôi thấy lợi thế lớn nhất của mình là có nhiều thời gian hơn để đưa ra quyết định, để nhìn lại mình và lựa chọn những thay đổi phù hợp cho con đường mình đi.

Tuy nhiên, tuổi trẻ sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt kinh nghiệm. Mọi người thường cho rằng những người mới vào nghề nên đi theo bước chân của đàn anh. Người đi trước có thể rất thành công trên con đường của họ nhưng chưa chắc đó đã là con đường tôi muốn đi. Có lẽ điều khó khăn nhất là tôi phải tự khẳng định mình, tự định hình con đường riêng cho mình.

Âm nhạc của bạn tương đồng với con người cá nhân của bạn chứ?

Tôi nghĩ nó khá giống với con người tôi. Âm nhạc của tôi không quá hầm hố, không quá gắt gỏng, không quá ồn ào, cũng không quá teen. Mọi thứ đều vừa phải. Cũng giống như tôi, không quá cá tính, không hề cool ngầu như cách mọi người vẫn thường nghĩ về DJ. Tôi vẫn luôn sống như con người tôi từ trước khi làm nhạc cho đến bây giờ. Tuy vậy, dù nhìn tôi rất trẻ nhưng suy nghĩ về cuộc sống lại khá chín chắn. Thái độ sống của tôi thì vô tư nhưng khi làm việc lại rất nghiêm túc. Từ nhỏ, tôi đã không bị tác động bởi đám đông và chỉ theo đuổi những gì mình thích.

Vậy khi ký hợp đồng với các hãng thu âm lớn, có khi nào bạn phải thỏa hiệp và thay đổi phong cách theo yêu cầu của họ?

Thực ra, chuyện thay đổi phong cách không phải là điều xấu. Từ trước đến giờ, con người luôn sống với quy tắc: Muốn tồn tại thì phải thay đổi. Hiện tại, mọi thứ xoay chuyển rất nhanh, bản thân tôi cũng phải tự chuyển mình. Tất nhiên, mình không đánh mất bản sắc riêng nhưng phong cách làm nhạc hay thể loại phải liên tục cập nhật để phù hợp với người nghe. Ý tưởng này cũng luôn trùng khớp với ý tưởng của công ty quản lý và hãng đĩa, bởi họ cũng chỉ muốn những gì tốt nhất cho sản phẩm. Hầu hết tôi đều dự đoán trước được những xu thế sắp phát triển và làm sao để nó phù hợp với màu sắc của mình. Điều này giúp mình không thay đổi quá nhiều nhưng cũng không bị lỗi thời. Rất ít khi tôi gặp phải trường hợp bị buộc phải thay đổi theo hướng mà tôi thấy không phù hợp.

DJ là những người khuấy động và điều khiển đám đông, nhưng trớ trêu thay họ lại là những người cô đơn nhất thế giới, mà điển hình là Avicii. Hòa nghĩ gì về điều này?

Mọi người sẽ không thể hiểu được tâm lý của người nghệ sĩ. Có thể lên sân khấu, chỉ cần bật “mode trình diễn”, họ sẽ cháy hết mình, nhưng sau đó, mỗi nghệ sĩ lại trở về với đời sống riêng.

Thật ra, lúc mới đi diễn, tôi cũng gặp vấn đề tâm lý. Đúng như bạn nói, một mình đứng trước đám đông là một thử thách rất lớn. Có những lúc trình diễn mà tôi còn không thể ngước mắt lên nhìn, không có sự kết nối với khán giả. Nó giống như một nỗi sợ vậy. DJ lại chỉ đứng một mình trên sân khấu, tất cả mọi ánh mắt đều đổ dồn về mình. Lúc đó, dường như đám đông đang điều khiển tôi chứ không phải tôi điều khiển đám đông nữa. Để vượt qua điều đó, chỉ có thể luyện tập và cải thiện kỹ năng qua từng buổi trình diễn mà thôi.

Bạn đánh giá như thế nào về sân chơi EDM tại Việt Nam hiện nay?

Để đánh giá khách quan thì EDM ở Việt Nam chưa bao giờ được gọi là phát triển, nó chỉ mới là phong trào thôi. Mà đã là phong trào thì lúc lên lúc xuống là điều tất yếu.

Tôi từng đến Hà Lan – cái nôi của nhạc điện tử. Ở đó, EDM đã tồn tại từ rất lâu và trở thành văn hóa, cũng giống như người Việt mình nghe ballad hay bolero vậy. Ai cũng biết EDM là gì, phải nghe như thế nào, phải trình diễn ra sao. Nhưng ở Việt Nam, người ta chỉ biết EDM là nhạc sôi động, là một thú vui mới mẻ chứ chưa có cách hiểu đúng đắn về thể loại âm nhạc này.

Với nền tảng hiểu biết của đại chúng ít như vậy, nhưng khi về Việt Nam, EDM lại phát triển rất nhanh, thậm chí là quá nhanh mà lại không nghiêm túc, thiếu bền vững và sai hướng nên thoái trào cũng là điều khó tránh khỏi. Ngành nghề mà chúng tôi đang làm còn chưa được công nhận thì làm sao có thể tạo được sức ảnh hưởng. Đâu đó người nghe EDM vẫn còn nhưng chưa đủ để phát triển thành nghệ thuật đại chúng. Mà nếu chưa được xem là môn nghệ thuật đại chúng thì cũng không thể trở thành văn hóa được. Đó cũng là một thiệt thòi của các nghệ sĩ EDM ở Việt Nam.

Bộ

Thật lòng mà nói, dù công chúng đã có tư duy rộng mở hơn, vẫn còn khá nhiều thành kiến về EDM. Thế nhưng, thực tế, EDM có thể kết hợp, tương tác rất tốt với các dòng nhạc khác nhờ không mang đặc tính thể loại với những ràng buộc chặt chẽ. Hòa nghĩ như thế nào về vai trò cầu nối của EDM giữa các nền âm nhạc khác nhau và mở rộng khả năng tiếp cận đa văn hóa, đa quốc gia?

5 năm vừa rồi là 5 năm nhạc điện tử phát triển mạnh nhất từ trước đến giờ, trên toàn thế giới. Những nghệ sĩ điện tử cũng đã khẳng định được mình trên bảng xếp hạng. Nếu để ý kỹ, tất cả các bản nhạc hiện tại, chỉ trừ classic và acoustic, hầu hết đều có yếu tố điện tử trong đó. Thậm chí, mọi thể loại đều đang sử dụng công cụ điện tử để tạo ra âm nhạc. Giờ đây, tất cả các bản thu đều được đưa lên máy tính để xử lý, chỉnh sửa và kết hợp với những âm thanh điện tử. Những bản nhạc này có khả năng tiếp cận người nghe nhiều hơn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ 4.0. Nếu mọi người bỏ qua được những thành kiến cố hữu, EDM sẽ dễ dàng phát triển ở Việt Nam.

Nếu ballad mang tính tự sự, rap mang tính tuyên ngôn thì EDM lại có thể xóa nhòa ranh giới giữa con người với con người. Điều này thể hiện rất rõ trong các đại hội âm nhạc. Cá nhân Hòa nghĩ thế nào về khả năng kết nối con người của EDM?

Đúng như bạn nói, nguồn gốc của EDM chính là sự kết nối. Ngay từ những ngày đầu tiên xuất hiện tại các khu nhà kho ở Mỹ, người ta làm ra những bản nhạc điện tử để có thể chơi chung với nhau, nghe chung với nhau, giải trí cùng nhau. Đó là giá trị cốt lõi của nó. Bởi sự kết nối đó mà mọi người sẽ phải ra ngoài, đến lễ hội, các bữa tiệc để tận hưởng âm nhạc cùng nhau. EDM cũng phải trình diễn ở đúng những nơi như vậy thì mới thể hiện được hết tinh túy của nó. Một nghệ sĩ EDM thành công là người khiến khán giả phải rời nhà, đến sân khấu của họ và cảm nhận được những gì họ muốn truyền tải.

Năng lượng của EDM cũng rất đa dạng. Có những dòng nhạc chỉ thích hợp cho một nhóm người nghe thôi, ví dụ như deep house, tropical house chẳng hạn. Cũng có những dòng nhạc để nghe khi lái xe một mình. Tất nhiên, không thể thiếu những dòng nhạc dành cho đám đông rất lớn. Khả năng thiên biến vạn hóa đó là một đặc điểm rất thú vị của EDM.

Hòa học EDM bài bản ở trường lớp không hay tự mày mò?

Đến thời điểm hiện tại, tất cả đều do tôi tự mày mò. Tại Việt Nam, hiện chưa có nơi nào dạy EDM một cách bài bản. Ở những quốc gia phát triển như Hà Lan, EDM được dạy trong trường và cấp bằng đàng hoàng, là một nghề chính thức và được xã hội công nhận. Còn ở Việt Nam thì vẫn chưa. Tôi cũng mong muốn sau này nếu có thời gian, tôi sẽ đi học những thứ mình chưa biết.

Tôi bắt đầu học làm nhạc từ năm lớp 10. Lúc đó ở Việt Nam chưa ai biết nhạc EDM là gì. Người nghe nhạc còn không có, lấy đâu ra người chơi nhạc. Những năm đầu tiên, tôi hoàn toàn tìm hiểu kiến thức bằng tiếng Anh trên YouTube và các trang web nước ngoài. 3 năm đầu cực kỳ khó khăn vì tôi còn phải hoàn thành chương trình học phổ thông. Khoảng thời gian đó, tôi học văn hóa từ sáng đến chiều, tối về làm bài tập, khoảng 3, 4h sáng hôm sau mới dậy để mày mò âm nhạc trước khi đi học. Ngày nào cũng như vậy. Tôi nghĩ chỉ có đam mê chứ không gì có thể cho mình sức mạnh để làm điều đó.

Trang phục THE KOOPLES, Trang sức ODJECTS

Cũng là một người bắt đầu tiếp cận với khán giả bằng cách đưa nhạc của mình lên mạng, tương tự với các nghệ sĩ indie/underground, Hòa có nghĩ đây là vùng đất tiềm năng mà các bạn trẻ nên chọn để thỏa sức vẫy vùng và nếu may mắn còn có thể phát triển sự nghiệp?

Sự phát triển của công nghệ, internet chắc chắn mang lại rất nhiều lợi ích. Bản thân tôi cũng là một người tự học qua internet, xuất hiện trước mọi người cũng nhờ internet, bước ra khỏi phòng ngủ của mình cũng nhờ internet. So với lúc tôi bắt đầu tìm hiểu EDM, bây giờ, tài liệu trên mạng đều khá đầy đủ, chỉ một cú lick, gõ một từ khóa là có hết thông tin. Bởi vậy, những năm trở lại đây, các bạn trẻ tiếp cận EDM rất dễ, những bạn mày mò làm nhạc cực kỳ nhiều, đếm không hết.

Tôi từng tổ chức một cuộc thi remix lại một tác phẩm của mình. Số lượng người tham dự vượt rất nhiều lần mong đợi, mà chủ yếu là các bạn sinh năm 2000 trở đi. Âm nhạc của các bạn có thể chưa chuyên nghiệp nhưng cá tính âm nhạc thì rất rõ ràng. Tôi nghĩ đây là những thứ mà tôi có thể kỳ vọng về sự phát triển của nhạc EDM ở Việt Nam trong những năm tới.

Tuy nhiên, mặt trái của internet là khiến cho mọi thứ trở nên dễ tiếp cận mà không có chọn lọc, dẫn đến yêu cầu về thẩm mỹ của mọi người cũng bị giảm đi rất nhiều. Những con số về lượt view bây giờ rất cao nhưng chưa chắc phản ánh đúng giá trị của tác phẩm. Truyền thông cũng góp phần thổi phồng lên quá nhiều so với chất lượng thật sự của nó. Lâu dần, những bản nhạc không đảm bảo chất lượng có thể ảnh hưởng tâm lý của người nghe. Đôi khi, nghệ sĩ sẽ phải đấu tranh với tâm lý của mình. Ví dụ như YouTube trending đang trở thành bảng xếp hạng mới ở Việt Nam và nhiều nghệ sĩ đang vin vào đó để làm nhạc. Tôi nghĩ là top 1 trending cũng tốt, nhưng bài nhạc không hay thì vẫn là không hay.

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài ĐOÀN TRÚC

Sản xuất CHI NGUYỄN

Hình ảnh LAMNGUY

Stylist HENSI LE

Trang điểm & làm tóc TRISTIE

cùng chuyên mục

No more